Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

ĐỪNG MANG GÌ


Thứ tư, ngày 23.9.2015
Lời Chúa: Lc 9, 1-6
Khi ấy, Ðức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.

Chắc hẳn mỗi người chúng ta đều ít nhiều đã nghe, nhìn và biết về đất nước Campuchia - một đất nước láng giềng và luôn là người anh em thân hữu với Việt Nam chúng ta. Và cũng không ít người Việt chúng ta có cái nhìn "thiếu" khách quan với người anh em này, nhất là về vấn đề chính trị và cách "tẩy não" của chế độ chúng ta. Nhưng mỗi người trong chúng ta nếu có dịp một lần đến tham quan và khám phá văn hóa xã hội Campuchia thì chắc chắn cái nhìn "thiếu" khách quan kia sẽ bị sụp đổ...


Campuchia là một trong những đất nước mà người dân có một niềm tin vào tôn giáo mạnh mẽ nhất và tuyệt đối nhất trên thế giới này. Tôn giáo du nhập vào Campuchia từ rất sớm. Đạo Hindu có mặt tại Campuchia từ thời kỳ sơ khai và nhanh chóng đã chiếm được sự tín ngưỡng của người dân Campuchia. Cho đến thế kỷ thứ VII thì đạo Phật Phái Tiểu Thừa du nhập vào đất nước của những con người có bản chất hiền lành này và nhanh chóng trở thành quốc giáo với trên 90% người dân Campuchia là Phật tử. Và cũng từ đó đến nay đạo Phật ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân Campuchia từ các chuẩn mực đạo đức xã hội cho đến cách ứng giữa các thành viên trong gia đình... ở đất nước này, nhìn thoáng qua ta cứ nghĩ họ nghèo - cái nghèo thật sự của sự đói nghèo, dốt nát và lạc hậu. Nhưng bạn đã lầm, vì Phật Giáo Tiểu Thừa với thuyết giáo lý dù vô chùa tu hay ở nhà thì người Campuchia đều là con Phật. Họ quan niệm đi tu không phải để trở thành Phật, mà tu để làm người, làm người có nhân cách, có phẩm chất đạo đức tốt. Có thể nói lý tưởng sống truyền thống của người Campuchia là Đức Phật, cho nên trong cuộc sống hằng ngày dù sư sãi ở chùa hay dân chúng tại thế đều phải rèn luyện theo đạo pháp: thọ giới, bố thí và niệm. Tùy theo đối với từng giới mà ba tiêu chuẩn trên được qui định một cách cụ thể hơn. Đối với dân chúng phải thọ đủ 5 giới là “không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say”.



Dọc theo suốt chiều dài Campuchia, chúng ta đều nhìn thấy hình ảnh của những mái nhà sàn, thiết kế đơn giản, tạm bợ. Đó đích thực là người dân Campuchia chính gốc. Đan xen cũng có những ngôi biệt thự, nhà lầu xa hoa, xin thưa đó thuộc dạng những người con "ngoài luồng", họ có thể là người Việt Nam, Trung Quốc... sang kinh doanh tại đây. Chùa không những là trung tâm sinh hoạt tôn giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa... Một hình ảnh ấn tượng nhất, khác biệt và đặc biệt nhất chính là những ngôi chùa, hầu hết các ngôi chùa trên đất nước Campuchia có chung một kiểu thiết kế và rất lộng lẫy. Bên cạnh đó là hình ảnh các sư đi khất thực. Đầu trần, chân đất, mắt nhìn thẳng, tay cầm chiếc bát đồng, không ngó ngang ngó dọc, bình thản bước đi. Đời sống tín ngưỡng người dân đều tập trung tại chùa và chùa chính là “Sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”. Họ có thể đóng góp việc xây dựng chùa kể cả những lúc họ khó khăn và thiếu thốn. Phần lớn tài sản của họ đều đóng góp cho chùa, họ quan niệm “cuộc sống hiện tại chỉ là cái tạm bợ, không có cái gì là của họ, tất cả tiền, bạc, nhà lầu, xe hơi…không thể đi theo họ sau khi họ chết, mà phước đức họ làm hiện tại sẽ đi theo họ mãi mãi khi họ bước vào thế giới bên kia”.


Trở lại với đoạn Tin Mừng hôm nay, dường như những lời Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ cũng có nhiều điều tương quan với triết lý Phật Giáo Tiều Thừa. Giữa một xã hội luôn tranh giành, con chen và bất chấp các thủ đoạn để mua "Thiên Đường" trần gian thì dường như những yêu cầu của Chúa Giêsu rất khó chấp nhận. Sau một thời gian sống bên Thầy Giêsu, thấy việc Thầy làm và nghe lời Thầy giảng, giờ đây nhóm Mười Hai đã tương đối cứng cáp để được chia sẻ chính công việc Thầy đã làm. Đó là rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân (c. 2). Nhưng trước khi được chia sẻ công việc, họ được chia sẻ quyền trừ quỷ và chữa bệnh của Thầy (c. 1). Sứ vụ họ sắp làm là một thực tập cho sứ vụ lớn sau này (Lc 24, 46-47).
Thầy Giêsu sai nhóm Mười Hai lên đường với những chỉ thị rõ rệt. Không thấy Thầy bảo phải chuẩn bị hành trang. Ngược lại, Thầy cấm không được mang theo gì cả. “Đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, hai áo” (c. 3). Ngay cả những người giảng rong theo phái Khắc Kỷ, tuy rất khắc khổ, nhưng cũng được mang theo gậy và bị để ăn xin. Thầy Giêsu muốn môn đệ của mình hoàn toàn cậy trông vào Thiên Chúa, và hoàn toàn cậy trông vào lòng tốt của con người. Họ phải tập chấp nhận sống bấp bênh và thiếu thốn trong bình an. Không mang đồ dự trữ, không gậy để bảo vệ khi đi đường, các môn đệ buộc phải mang theo lòng tín thác vô bờ nơi Thiên Chúa.



Thầy còn chỉ thị cho cả nhóm biết về chuyện ăn ở của họ. Họ sẽ đến ở chung nhà với dân chúng, ăn uống những gì họ cho. “Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó…” (c. 4). Đừng đi từ nhà nọ sang nhà kia để tìm chỗ tiện nghi hơn. Khi ăn ở nơi nhà dân, người tông đồ có cơ hội gần gũi với họ, và chia sẻ cuộc sống thật của họ, để dễ loan báo Tin Mừng hơn. Nhưng cũng phải bình an chấp nhận những từ khước (c. 5). Có khi trong cả một thành, không tìm được một gia đình để trú chân. Thái độ phủi bụi chân lại cho thấy một sự dứt khoát đoạn tuyệt, không muốn dính dáng gì với những người ở đó nữa (x. Cv 13, 50).




Khuôn mặt của người được sai cách đây hai ngàn năm thật là đẹp. Vừa quyền năng để trừ mọi thứ quỷ và bệnh tật, vừa khiêm tốn cậy dựa vào lòng quảng đại của người khác. Vừa có gì để cho, vừa có gì để nhận: cho Tin Mừng cứu độ và sự chữa lành, nhận sự giúp đỡ vật chất. Vừa gần gũi thân thiết với nỗi đau thân xác của con người, với những lo âu rất đời thường trong một gia đình, vừa thanh thoát với tiền bạc, không bị chi phối bởi nhu cầu vật chất. Nhóm Mười Hai sẽ phải đối diện với sức mạnh của ác thần đang tác oai tác quái trong đời nhiều người. Họ sẽ phải dùng quyền Thầy trao để giải phóng con người khỏi nô lệ.
Nếu hôm nay Đức Giêsu sai chúng ta đi, Ngài sẽ bảo ta đừng đem gì? Đâu là những nét đặc trưng của khuôn mặt người tông đồ thế kỷ 21? Đâu là những bệnh tật và nô lệ của con người hôm nay?

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm : rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý, biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát. Amen!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét