Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Chính khách và Tông Đồ!

Thứ sáu, ngày 25.9.2015

Lời Chúa: Lc 9, 18-22

Hôm ấy, Ðức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Ðám đông nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô thưa: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa.” Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. Người bảo rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại.”



Trong mấy ngày qua, nhân vật "hot" nhất- tốn nhiều giấy mực và được chờ đón nhất đó chính là Đức Thánh Cha Phaxico. Vì sao Ngài nổi tiếng và được tất cả các cơ quan ngôn luận quan tâm???

Ngài đã thực hiện nhiều chuyến công du, nhưng có lẽ tại thời điểm này Ngài chính là vị thuyết khách mà bất cứ một tổ chức chính trị nào cũng đều mong muốn được diện kiến. Ngài là vị Giáo hoàng người Mỹ la-tinh đầu tiên trong lịch sử vẫn thường nói rằng ngài có thiên hướng xây dựng những chiếc cầu ở nơi nào có những bức tường được dựng lên. Chính là một « cầu không vận » mà Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ bắc lên giữa Cuba và Hoa Kỳ vào ngày thứ Ba 22/09/2015 tới, khi cất cánh từ sân bay Santiago của Cuba để đến căn cứ Andrews gần Washington. Cả hai chuyến viếng thăm trong cuối tháng 9 và cũng là lần đầu tiên dành cho cả hai - Cuba & Mỹ - một của chế độ Cộng sản chủ nghĩa và một của tư bản chủ nghĩa. Chuyến công du ngoại quốc lần thứ mười của ngài là chuyến đi tế nhị nhất : cơ hội để bắc một chiếc cầu giữa hai thế giới cộng sản và tư bản, châu Mỹ la-tinh và siêu cường Hoa Kỳ. Hai thế lực chính trị, hai chế độ khác biệt nhau hoàn toàn, nhưng cả Cuba lẫn Mỹ đều mong muốn Ngài là vị Chính khách dung hòa giữa hai bên. Ngài có là chính khách không?




Sau khi rời Cuba, Ngài đến Mỹ, một chương trình rất bận rộn đang chờ đợi : Ngài sẽ đọc 26 bài diễn văn, gồm 8 bài tại Cuba và 18 bài tại Mỹ, trong đó chỉ có bốn bài diễn văn bằng tiếng Anh.

Bốn giai đoạn chính sẽ là quảng trường Cách mạng ở La Habana, Quốc hội Hoa Kỳ - lần đầu tiên mới có một Đức Giáo hoàng phát biểu tại đây, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và lễ bế mạc cuộc gặp gỡ giữa các gia đình công giáo trên toàn thế giới tại Philadelphia.

Chặng thăm Cuba có vẻ đơn giản hơn, vì vai trò của Ngài trong việc hòa giải giữa chế độ Castro và chính quyền Mỹ rất được cảm kích.


Đây là lần thứ ba một vị Giáo hoàng đến thăm đảo quốc cộng sản trong vòng 17 năm qua, sau Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ nhị (1988) và Benedicto XVI (2012). Cả một sự ưu tiên dành cho đất nước nhỏ bé, trong đó có 10% dân số tự coi mình là người công giáo.

Chính quyền Cuba đòi Mỹ dỡ bỏ cấm vận, đổi lại người công giáo Cuba sẽ có được nhiều quyền tự do hơn. Trước chuyến thăm của Đức Giáo hoàng, La Habana loan báo phóng thích đến 3.500 tù nhân, một sự « rộng lượng » chưa từng thấy. Trước đó Cuba cũng đã thả tù nhân trong chuyến thăm của hai Đức Giáo hoàng tiền nhiệm, nhưng chưa bao giờ với số lượng đông đảo như thế.

Thời gian ở Hoa Kỳ sẽ xen kẽ giữa những hoạt động chính thức với những cuộc tiếp xúc một nước Mỹ dưới đáy. Ngài cũng sẽ gặp một Giáo hội đang bị chấn động sâu sắc với các xì-căng-đan lạm dụng tình dục trẻ em trong những năm gần đây, một đề tài mà Đức Giáo hoàng Phanxicô không hề nhượng bộ.

Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ tố cáo « sự độc tài » của giới tài chính, « văn hóa cặn bã » - dù một số nhân vật bảo thủ sẽ không đồng tình. Bên cạnh đó là những chủ đề dễ được đồng thuận hơn như nạn buôn người, thất nghiệp, các cuộc xung đột trên thế giới, nạn bức hại người thiểu số nhất là người công giáo và đưa ra lời kêu gọi nên tuyên bố việc bóc lột người trong các mạng lưới mại dâm, là tội ác chống nhân loại.

Ở New York, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ chủ trì một thánh lễ liên tôn giáo tại Ground Zero, cầu nguyện cho các nạn nhân của sự kiện ngày 11 tháng Chín năm 2001, lên án chủ nghĩa khủng bố. Và tại Washington, ngài sẽ phong thánh cho một nhà truyền giáo người Tây Ban Nha thế kỷ 18, Junipero Serra, người truyền bá Phúc Âm đến từ California nhưng bị cáo buộc là đã góp phần làm suy tàn văn hóa của thổ dân.

Chặng cuối được dành cho cuộc gặp gỡ ở Philadelphia chú trọng đến tự do tín ngưỡng, nơi hội tụ các giá trị căn bản của nước Mỹ ; và bế mạc đại hội các gia đình công giáo thế giới. Khoảng một triệu rưỡi người sẽ tham dự thánh lễ cuối cùng, khi đó Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về các ưu tiên của ngài, vài ngày trước khi khai mạc tại Roma một hội nghị của Giáo hội liên quan đến đề tài nhạy cảm là gia đình.

Nhìn qua lịch làm việc của Ngài tại Mỹ, chắc hẳn mọi người đều đồng ý với kiến Ngài là một chính khách thực thụ - một chính khách đặc biệt và khác biệt - một chính khách làm tan chảy mọi băng giá và khơi ngọn lửa đoàn kết trong mỗi dân tộc, mỗi chế độ. Như chính bài phát biểu của Tổng Thống Mỹ Obama dành cho Ngài "... chuyến viếng thăm của Ngài phải được ghi nhận, không chỉ do vai trò của Ngài trong tư cách là Giáo Hoàng, mà còn do những phẩm tính độc đáo của Ngài trong tư cách là một con người. Với lòng khiêm tốn của Ngài, Ngài mang lấy một sự đơn sơ, lịch thiệp trong lời nói và sự quảng đại trong tinh thần, chúng tôi nhìn thấy một mẫu gương sống động cho những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, Đấng là vị lãnh đạo có thẩm quyền luân lý không chỉ trong lời nói mà còn trong hành động. Ngài mời gọi tất cả chúng ta, Công Giáo cũng như không Công Giáo, đặt “người nhỏ bé nhất” vào tâm điểm của sự quan tâm của chúng ta. Ngài nhắc chúng ta rằng, trong cái nhìn của Thiên Chúa, sự đo lường của chúng ta như là các cá nhân, như là các xã hội, không được xác định bởi sự giàu có hay quyền lực hay địa vị hay danh tiếng, nhưng xác định bởi cách thế chúng ta đáp lại lời mời gọi của Kinh Thánh để nâng đỡ người nghèo và người bị thiệt thòi, thúc đẩy công bằng và chống lại bất công, và đảm bảo rằng, mỗi người có thể sống đúng phẩm giá – bởi vì tất cả chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Ngài nhắc chúng ta nhớ rằng “sứ điệp mạnh mẽ nhất của Thiên Chúa” là lòng thương xót. Điều ấy có nghĩa là chào đón người lạ với sự đồng cảm và con tim rộng mở, từ những người tị nạn phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh tàn phá, đến những người nhập cư phải rời bỏ nhà cửa để đi tìm cuộc sống tốt hơn. Điều ấy có nghĩa là diễn tả sự cảm thông và tình yêu với những người chịu thiệt thòi và bị gạt ra bên lề, với những người chịu đau khổ, với những người đang tìm sự cứu độ..".


Nhưng trên hết tất cả, Ngài đi và đến Mỹ hay khắp mọi nơi không phải với vai trò một chính khách mà là với vai trò Tông Đồ của Chúa, mang hình ảnh Chúa và làm nổi bật hình ảnh Chúa qua những việc đơn sơ, khiêm nhường qua các hình ảnh luôn tìm kiếm và tiếp xúc với những người vô gia cư, các tù nhân, người tị nạn – một cách để đem lại sự ủng hộ của ngài đối với một nước Mỹ dưới đáy xã hội. Hình ảnh Tông Đồ của Chúa còn thể hiện rõ nét nhất sau khi phát biểu, gặp gỡ và làm việc, Ngài trở về ngay trong nhà thờ và đọc phụng vụ.

Đức Thánh Cha Phanxico không chờ đợi câu hỏi của Chúa "các con bảo Thầy là ai?" một cách thụ động, mà Ngài sống và hành động trong mọi nơi, mọi lúc để tuyên xưng và tín thác "Thầy là Đấng Kitô".
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã đi cầu nguyện một mình, trước khi đặt những câu hỏi quan trọng cho các môn đệ. “Dân chúng nói Thầy là ai ?” (c. 18). Ngài muốn biết dư luận nghĩ gì về mình.

Nói chung họ nghĩ Ngài là một ngôn sứ đầy quyền năng (x. Lc 24, 19). Điều đó đúng nhưng không đủ. Đức Giêsu mong nghe ý kiến của những người đã ở gần Ngài hơn. “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 20). Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Câu trả lời này đúng hơn và đủ hơn, nhưng cũng dễ gây hiểu lầm và chưa đến lúc cần công bố. Chính vì thế Đức Giêsu đã cấm các môn đệ không được tiết lộ (c. 21).


Phêrô đã trả lời đúng, vì Thầy Giêsu quả là Đấng Kitô hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời. Nhưng Phêrô có thể hiểu sai khuôn mặt của Đấng Mêsia đó. Mêsia Giêsu không phải là người sẽ giải phóng Ítraen khỏi ách Rôma, cũng không phải là người muốn nắm quyền lực trần thế. Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình và bị giết chết bởi giới lãnh đạo (c. 22). Mêsia Giêsu mang khuôn mặt đau khổ của Người Tôi Trung. Phêrô đã đi theo Mêsia nào? Nếu ông biết số phận bi đát đang chờ đợi Thầy của ông, ông có còn muốn theo Ngài nữa không?

“Còn con, con bảo Thầy là ai?” Đức Giêsu cũng hỏi từng người chúng ta như vậy, nhiều lần trong đời. Tôi phải trả lời, vì tôi không nên đi theo Đấng mà tôi không biết là ai. Tôi nghe câu hỏi trên ở mọi chặng đường của cuộc sống, và có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau, dựa trên kinh nghiệm,

bởi lẽ Đức Giêsu là một Mầu nhiệm không ngừng mở ra cho tôi. Qua từng biến cố trong đời, tôi lại khám phá ra những nét mới nơi Ngài. Ngài vẫn là một, nhưng mang nhiều dáng dấp khác nhau khi đến với tôi, để đáp lại những khát vọng sâu thẳm nơi trái tim.

Nhưng trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn đã là điều quan trọng. Điều quan trọng là sống câu trả lời của mình. Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi đó. Nếu tôi coi Ngài là Thầy, xin được ngồi nghe và để Thầy uốn nắn. Nếu tôi coi Ngài như Bạn, xin được dành giờ để tâm sự, sẻ chia.

Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, xin được cúi đầu thờ lạy trước tình yêu khiêm hạ. Nếu tôi gọi Ngài là Chúa, xin được hiến trọn đời mình để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Cha. Nếu tôi gọi Ngài là Đấng Giải Phóng, xin Ngài cho tôi được tự do, và cho tôi được cộng tác với Ngài giúp thế gian ra khỏi vòng nô lệ. Cuối cùng, nếu tôi biết rõ Ngài yêu tôi cách độc nhất, xin để cho đời mình đáp lại tình yêu.

Cầu nguyện:
Xin hãy dẫn dắt con đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con đi từ ghen ghét đến yêu thương, từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an trong trái tim chúng con, trong thế giới chúng con, trong vũ trụ chúng con. Amen

                                                                                                               (Mẹ Têrêxa Calcutta)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét