Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

HẠT GẠO VIỆT NAM & DỤ NGÔN NGƯỜI GIEO GIỐNG

MỖI NGÀY MỘT CÂU LỜI CHÚA
Thứ bảy, ngày 19.9.2015
Lời Chúa: "Hạt giống rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả..." ( Lc 8, 4 - 45)

Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, từ thời Vua Hùng dựng nước đến các triều đại phong kiến, xã hội chủ nghĩa nước Việt ta luôn luôn là nước lấy hạt gạo làm trọng yếu. Hạt gạo hay nói cách chính xác là nền nông nghiệp lúa nước đã khai sinh nước Việt và hôm nay Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp hàng đầu, và hạt gạo Việt tự hào với sản lượng xuất khẩu thuộc hàng nhất thế giới...




Theo báo cáo của Bộ Nông Nghiệp & phát triển Nông thôn thì năm 2014 Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,5 triệu tấn gạo và năm 2015 này dự đoán số lượng gạo xuất khẩu cũng nằm trong con số 7,5 triệu tấn này.
Nhìn qua con số gạo xuất khẩu ắt hẳn người dân Việt vui và tự hào, nhưng lại có những nghịch lý mà chỉ có Việt Nam mới có. Nghịch lý ấy là gì?



Thành tựu nổi bật và rõ nét nhất của nền kinh tế nước ta là hạt gạo đã vươn lên đứng hạng đầu thế giới về xuất khẩu. Nhưng điều rất đáng quý phải suy nghĩ ở chỗ, quy mô “phủ” thị trường thế giới của hạt gạo lớn đến thế mà hầu như chẳng có mấy nhà phân phối gạo ở các nước biết đến tên tuổi, chưa nói đến việc “nổi tiếng” ấy tương xứng với vị trí xuất khẩu. Chung quy là ở cách làm thương hiệu. Chúng ta đã làm gì để quảng cáo cho gạo Việt Nam, với vị trí là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới?...
Câu chuyện về một phụ nữ Việt Nam theo chồng sang Dubai công tác. Khi tra trên mạng của hải quan Dubai, chị thấy có trên 100 mặt hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam đang được nhập khẩu ở đây.
Thấy độ “phủ” của hàng nông sản nước mình khá lớn ở thị trường này, chị về nước rồi nhập khẩu gạo, rồi mang chào bán cho các nhà phân phối tại Dubai. Họ vô cùng ngạc nhiên khi nghe chị giới thiệu rằng gạo chị muốn bán là của Việt Nam.



Trước sự ngạc nhiên của họ, chị cung cấp thông tin rằng chẳng những Việt Nam có gạo mà còn là nước xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới. Theo mô tả của chị, các nhà phân phối hàng nông sản Dubai đã đón nhận như kiểu “người trên trời rơi xuống”. Họ hoàn toàn không hề biết gì về tên tuổi của hạt gạo Việt Nam (?).

Cái chúng ta tưởng là số 1, số 2 trên thị trường tiêu dùng toàn cầu, thì luật chơi toàn cầu khác xa với luật chơi trong nước. Sự ngỡ ngàng của người phụ nữ kể trên cũng giống với hầu hết người Việt Nam nào khi nghe lại câu chuyện thực này. Quan trọng là, câu chuyện khiến chúng ta tỉnh ngủ, hay nói theo cách khác là giúp chúng ta “trở về với thực tế”. Và nếu chúng ta thức tỉnh, thay đổi cách làm ăn cũ, không chỉ hạt gạo mà nhiều mặt hàng lợi thế của Việt Nam sẽ được đặt đúng vị trí với tầm mức của nó trong mắt người tiêu dùng toàn cầu.


Có một lý giải cho câu chuyện hạt gạo là cách làm thương hiệu, làm hình ảnh. Quảng bá gạo Thái Lan cho thế giới, người ta bắt gặp hình ảnh quảng cáo độc đáo của xứ người: gạo của họ được các minh tinh màn bạc Hollywood ăn hàng ngày, và mỗi người đều có một lời nhận xét về gạo Thái.
Trong khi đó, chúng ta đã làm gì để quảng cáo cho gạo Việt Nam, với vị trí là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới? Hay điều duy nhất mà người ta biết là: Gạo Việt Nam đang được bán sang châu Phi, một địa chỉ khó khăn và thiếu đói nghiêm trọng...
Qua câu chuyện về hạt gạo việt nam trên, chúng ta hướng về Lời Chúa hôm nay. Dụ ngôn Người gieo giống cũng làm PR ( tức là quảng cáo marketing) cho hạt giống của mình. Trong khi người đi gieo giống thì có hạt rơi bên vệ đường, người ta dẫm lên và chim trời ăn mất. Có hạt rơi trên đá, và khi mọc lên lại héo tàn vì thiếu nước. Có hạt rơi giữa bụi gai, gai cũng mọc lên và làm nó chết nghẹt. Có hạt rơi vào đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả hàng trăm lần....
Nói theo cái nhìn thời đại hôm nay, người gieo giống phải hao công tổn trí và thất bại nhiều lần ( bên vệ đường, gieo trên đá, giữa bụi gai) cuối cùng người gieo giống mới tìm được một mảnh đất tốt và mới PR thành công. 
Nhìn về hạt gạo Việt Nam cũng vậy, chúng ta có đất tốt nhưng chúng ta không biết cách làm quảng cáo để rồi gạo VN cứ nghĩ mình là đỉnh của thế giới, nhưng khi nhìn lại chúng ta giống như hạt giống bị gieo nơi vệ đường, ở trên đá hoặc giữa bụi gai, loay hoay tìm lối thoát mà lối nào cũng thất bại.


Đức Kitô hào phóng gieo vãi lời của Thiên Chúa khắp nơi. Ngài như người gieo hạt giống, tung gieo trong gió, có vẻ như chẳng để ý đến chuyện có hạt rơi vào đất cằn khô, và một số hạt không bao giờ sinh huê lợi. Các Kitô hữu sơ khai đã đọc dụ ngôn này và thấy nơi đó một lời nhắn nhủ. Họ thấy mình chính là người đã nhận được hạt giống lời Chúa. Nhưng không phải hạt giống nào cũng thành cây lúa trĩu hạt. Có những hạt giống bị thui chột bởi những lý do bên ngoài và bên trong. Làm sao để mọi hạt giống được gieo trong tim ta, đều sinh hoa trái? Câu hỏi của Giáo hội sơ khai cũng là câu hỏi của Giáo hội bây giờ. Thửa đất là trái tim con người xưa nay vẫn thế. Hạt giống Lời Chúa hôm xưa và hôm nay cũng vẫn là một. Cả bốn hạng người trong dụ ngôn đều đã nghe (cc. 12. 13. 14. 15), nghĩa là đều đã đón nhận Lời Chúa vào trái tim, vào trung tâm đời mình.
Nhưng có Lời bị đánh cắp. Quỷ đến và lấy Lời đã gieo ra khỏi trái tim người nghe vì sợ họ tin mà được cứu độ (c. 12). Quỷ giống như chim trời đến ăn mất hạt giống rơi xuống vệ đường (c. 5). Tại quỷ hay tại trái tim con người như đất vệ đường quá cứng? Hạt giống nằm chơ vơ, trở thành mồi ngon cho bao tấn công đe dọa.
Nhưng có Lời không mọc rễ. Nghe Lời và vui vẻ đón nhận vẫn chưa đủ. Hạt giống cần có nhiều đất để mọc rễ nuôi sống cây. Đất nhiều sỏi đá chỉ cho một lòng tin nhất thời, khi mọi sự dễ dàng, nhưng không đủ sức đứng vững khi thử thách ập tới. Đã và đang có những Kitô hữu quỵ ngã trước những thách đố cam go, vì Lời Chúa chưa bao giờ mọc rễ trong tim họ. Thử thách của đời Kitô hữu làm lộ ra tình trạng “không rễ” của ta, và đòi ta tránh gặp gỡ Lời Chúa một cách hời hợt, nông cạn.


Nhưng có Lời bị chết ngộp. Ngộp vì những thứ trói buộc của cuộc đời phù vân này, những lo âu trăn trở, những thèm muốn khoái lạc, giàu sang. Cây lúa có mọc lên cũng bị chết ngộp bởi bụi gai ở ngay nơi tim tôi.
Cuối cùng có Lời được nắm giữ. Dù thửa đất tốt là trái tim cao thượng và quảng đại, Nhưng nắm giữ Lời Chúa cũng đòi một nỗ lực không ngừng. Bất chấp những tấn công từ bên ngoài, hay thèm muốn bên trong, cần có thái độ kiên trì để vượt qua những khủng hoảng không tránh khỏi.
Xin được trân trọng nghe Lời Chúa trong thánh đường và trong cuộc sống. Xin được khiêm tốn nghe Lời Chúa qua các bậc thầy và qua trẻ thơ. Ước gì Lời Chúa giúp ta làm cho đất của tim mình xốp hơn và mềm lại, bớt đá sỏi, thêm đất màu, bớt bụi gai, thêm ẩm ướt.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa và dạy con bước đi ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày. Xin truyền cho con sức mạnh của Người.
Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con tìm lại được sức trẻ để gieo trồng hàng ngàn cây xanh cho một thế giới mới. Ước gì mồ hôi con pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu. Ước gì máu con hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn vì bất công và ích kỷ.
Chúc tụng Chúa là Cha, đã dẫn con đi đến cùng, đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung với tràn trề bình an và niềm vui.Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét