Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Lời trăn trối...

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không ít thì nhiều thương hay nói giỡn, nói vui với nhau những điểu liên quan đến sự chết, có khi là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng đôi khi cũng là những dự báo mà mỗi người chúng ta dường như không quan tâm đến.



Mỗi người Chúa gọi theo mỗi cách khác nhau, không ai giống ai, có người đột tử bất ngờ, có người bệnh hoạn dai dẳng, có người chết vì tai nan giao thông, vì... vì... nhều nhiều các loại lí do. Ngoài những trường hợp bất ngờ thì đối với những người đau bệnh họ luôn có khoảng thời gian để suy nghĩ về cái chết và thường có những chuẩn bị cho sự ra đi vĩnh viễn của mình. Mẹ tôi cũng liệt giường gần 3 tháng, có khi hôn mê sâu, cứ ngỡ sự chết gần kề, cũng đã nhiều nhiều lần phó linh hồn, thậm chí tim ngừng đạp gần 30 phút nhưng rồi sau đó lại tỉnh. Những biểu hiện bên ngoài thân xác mỗi người cũng khác nhau, nhưng theo kinh nghiệm của những người phục vụ kẻ liệt thì hầu hết bệnh nhân đều trải qua những dấu hiệu khép lại của một đời người. Gần 90 ngày thức trắng đêm bên mẹ, câu cuối cùng mẹ nói với tôi "Con đi ngủ đi, đêm nay Mẹ không làm phiền con nữa". Sau những tháng ngày vất vả bên giường bệnh, nhất là chống lại sự cám dỗ của ma quỷ xung quanh quấy nhiễu và lôi kéo, Mẹ tôi đã bình an ra đi sau khi để lại một lời trăn trối, mà cũng không hẳn là lời trăn trối. Câu nói ấy Mẹ tôi bật thốt lúc 12h khuya và với gần 90 ngày trắng đêm bên Mẹ, khi nghe câu nói này tôi rất mừng vì nghĩ đơn giản đêm nay tôi tạm có chút thời gian để ngủ...
Sự mệt mỏi của thể xác lấn át tinh thần. Tôi nằm bên Mẹ, vẫn ôm Mẹ ngủ trong giấc ngủ chập chờn và quả thật đêm đó Mẹ tôi ngủ bình an, không còn nghe tiếng kêu than của đau đớn. Để rồi chưa đầy 24h sau, mẹ tổi chỉ ngước mắt nhìn tôi lần cuối rồi nhẹ nhàng ra đi...
 Đến khi bình tâm lại, tôi mới có đủ thời gian để suy nghĩ câu nói của Mẹ. "mẹ sẽ không làm phiền con nữa" - một câu nói trước hết để giải tỏa những lo âu vất vả, một câu nói để từ biệt và cũng là một câu nói để thông báo Mẹ đã hoàn tất hành trình dương thế... nhưng khi tôi hiểu ra thì đã quá muộn màng!


Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bị che khuất, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.Lc 9, 43b-45
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói lời tiên báo về Cuộc Thương khó lần thứ 2 của Ngài. Bài này nằm ngay sau chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai. Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ (c. 43). Chính vào giây phút thành công vẻ vang này, Đức Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến. “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c. 44). Một Giêsu đầy uy lực sẽ phải lùi bước trước một thế lực khác. Một Giêsu có quyền năng cao cả của Thiên Chúa lại phải chịu thua. Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối. Thánh Luca nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu: “Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c. 45). Điều gì đã che khuất ý nghĩa của lời Đức Giêsu tiên báo về việc mình sắp bị nộp, phải chịu đau khổ và chịu chết?



Lý do đầu tiên có thể là lòng ham muốn quyền lực. Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn loay hoay với vấn đề ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46). Sau bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã nhận mình là người phục vụ (Lc 22, 27). Việc phục vụ suốt đời này lên đến cao điểm nơi cái chết hy sinh.
Các môn đệ thì chỉ thích làm lớn, làm đầu, hơn là phục vụ, nên chẳng lạ gì nếu họ không hiểu được con đường Thầy sắp đi, con đường hẹp, nơi cái tôi như bị xóa bỏ, để hiến dâng.
Có lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Thầy. Đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Thầy đến trong vinh quang, họ đã quên việc Thầy phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã. Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11), và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Ítraen ngay lập tức (Lc 24, 21). Ngay sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6): “Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?” Các môn đệ nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy, thật ra là mong đợi vinh quang cho chính họ. Họ bị ám ảnh về quyền lực, cũng là ám ảnh về vinh quang, nên thất bại và cái chết nhục nhã là điều họ khó hiểu và khó chấp nhận.
Như các môn đệ, chúng ta cũng không hiểu được làm sao một ngôn sứ như Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu. Chúng ta không chấp nhận vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24, 25-27). Đức Giêsu đã phải soi sáng cho hai môn đệ Emmau về mầu nhiệm này. Chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình. Và chúng ta thường thấy nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên. Đau khổ mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi. Kitô giáo đã không dạy ta con đường tránh đau khổ bằng mọi giá. Đức Giêsu đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung, lập tức đau khổ ấy có ý nghĩa và nở hoa.

Nơi thập giá chúng ta thấy rõ nhất tình yêu vô lượng của Cha, và tình yêu mênh mông của Đức Giêsu đối với nhân loại. Nơi thập giá chúng ta thấy sự kinh khủng của tội ác con người, và sự tha thứ vô bờ của Thiên Chúa. Như thế là ta đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ. Thật ra các môn đệ chỉ hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh. Khi sống lại, Chúa Giêsu cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa. Khi được nếm trước mầu nhiệm phục sinh ngay từ đời này, chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn.
Hãy mạnh dạn hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài, cuộc Thương Khó của cả nhân loại và của chính bản thân tôi. Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44).

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu phục sinh Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa, xin cho con biết sống
cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ. Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống. Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã. Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu. Vượt qua những khắc khoải của niềm tin. Vượt qua những thành kiến con có về người khác...
Chính vì Chúa đã phục sinh nên con vui sướng và can đảm vượt qua, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng, tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa. Amen!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét