Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÊN THÁNH?

Hoàn cảnh viết sách Khải Huyền là khi Thánh Gioan Tông đồ bị bắt và bị đày ra đảo. Trong thời gian bị lưu đày tại đây, Đức Giêsu phục sinh đã mặc khải cho ngài thấy thị kiến về Giáo Hội tương lai là như thế nào. Sách Khải Huyền là sách được chép ra trong lúc Giáo Hội bị bách hại dữ dội nhất là để củng cố niềm tin của các tín hữu, giúp họ vượt qua cơn thử thách này. Qua đó cho thấy rằng việc bị bách hại chỉ là nhất thời (chắc chắn là nhất thời rồi, nhưng cũng khiến rất rất nhiều người chọn lựa sai) còn Đức Giêsu phục sinh mới là Chúa của vũ trụ này, Ngài điều khiển lịch sử nhân loại và hướng dẫn các biến cố chứ không phải là satan.

Trong thị kiến thánh nhân thấy 12 chi tộc Israel hiện diện đầy đủ, rồi tiếp theo ông thấy “một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ”, điều này cho thấy rằng không chỉ dân Israel, dân riêng của Thiên Chúa mới được Cứu Độ, mà tất cả mọi người đều được Ơn Cứu Độ, Ơn Cứu Độ là phổ quát cho mọi người. Người biết Chúa một nén - Luật lương tâm, thì được Cứu Độ theo tiêu chuẩn một nén. Người biết Chúa hai nén - Luật lương tâm và đi theo một tôn giáo nào đó (trừ Kitô giáo), thì được Cứu theo tiêu chuẩn hai nén. Người biết Chúa 10 nén, cao nhất - Luật lương tâm và ơn đức tin (Kitô giáo) thì được Cứu Độ theo tiêu chuẩn mười nén mà người đó đã nhận được.

Cuối thị kiến có một người hỏi, những người mặc áo trắng kia là ai vậy. Câu trả lời là: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.” Chúng ta thấy trong lịch sử Giáo Hội, Chúa gởi những cấm cách, bách hại tới để thử thách lòng tin của các tín hữu, để xem chúng ta tự giới thiệu mình là loại nào, mình là người con trung thành hay là đầy tớ bất trung. Trong hoàn cảnh thuận lợi thì ta theo đạo, còn khi cấm cách, bách hại đến thì ta bỏ, trong hoàn cảnh khó khăn thì ta ghi trong CMND là không tôn giáo... Thành ra, đối với Chúa thì không ai có thể lơ mơ được cả, tất cả đều sẽ được Chúa gởi những hoàn cảnh cụ thể tới, và khi hoàn cảnh đó tới thì chúng ta sẽ lộ ra mình là con người thế nào trước mắt Chúa.

"Anh em vì Thầy mà sẽ bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa". Chúng ta theo Chúa sẽ gặp nhiều chuyện như vậy đó (vậy chúng ta nên suy nghĩ cho kỹ để quyết định theo Chúa, không phải là con đường trải hoa hồng, thảm đỏ đâu), và nếu không có đời sau thì quả là chúng ta chịu nhiều thiệt thòi, bởi vì cả một lịch sử Giáo Hội hơn 2000 năm là lịch sử Giáo Hội bị bách hại. Thế nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại và phát triển bởi vì có Chúa ở cùng. Giáo Hội tồn tại và phát triển cho đến ngày tận thế không do tài và đức của con người mà do quyền lực của Thánh Thần, quyền lực của Đấng Sống Lại đang điều khiển toàn bộ mọi hoạt động của lịch sử nhân loại.

Thành ra những cấm cách, bách hại là Chúa cho những cơ hội để chúng ta giới thiệu mình là loại người nào.

Đời sống gia đình cũng vậy, chúng ta đã hứa là sẽ trung thành với nhau. Vì vậy Chúa sẽ gởi những hoàn cảnh thịnh vượng để xem chúng ta còn có Chúa và còn có nhau không. Rồi chắc chắn là Ngài cũng sẽ gởi cho chúng ta những hoàn cảnh gian nan để xem chúng ta còn có Chúa và còn có nhau không.

Thiên Chúa là như vậy, không ai có thể lơ mơ với Chúa. Tất cả đều phải đối diện với thử thách để tự giới thiệu là loại nào trước mặt Chúa.

Rồi về phía những người bách hại là đứng trước lời chứng tá và rao giảng của Giáo Hội. Họ cũng được hành xử lý trí và tự do để đón nhận Đức Kitô để được Cứu Độ, hay là họ chống lại Ngài, thể hiện qua việc bách hại, để rồi bị trầm luân đời đời. Chúa tạo dựng chúng ta là loài có lý trí và tự do, Chúa để chúng ta hành xử lý trí và tự do để chúng ta chọn Chúa hay khước từ Ngài. Ai cũng đều phải được thử thách như vậy.

Thế thì các Thánh là những người từ những đau khổ lớn lao mà đến, tức là các Ngài đã chọn Chúa một cách quyết liệt, kể cả hy sinh mạng sống của mình nữa.

Rồi trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy, tác giả muốn giới thiệu cho chúng ta, Đức Giêsu là vị Môsê mới. Đám đông dân chúng đi theo Chúa lên núi, Ngài ngồi xuống và dạy bảo họ về 8 mối Phúc thật để chỉ một thực tại rằng Chúa Giêsu là hình còn ông Môsê là bóng (Ông Môsê ngày xưa ngồi trên sườn núi Xinai để công bố Thập giới). Mười điều răn của Chúa được công bố bởi ông Môsê thời Cựu Ước như là cái lan can của một cây cầu, nhằm mục đích là để không làm cho người ta rớt xuống sông, rớt xuống hố. Vậy ai muốn không bị chết đuối, không bị rớt xuống hố thì tuân giữ Thập giới. Còn Luật của Chúa Giêsu thời Tân ước là luật Tin Mừng, đem lại hạnh phúc nội tâm.

Chúa muốn chúng ta hạnh phúc đời này và đồng thời Chúa cũng chỉ cho chúng ta con đường để đi. Tám mối phúc chính là tám con đường dẫn tới hạnh phúc. Vậy thì chúng ta thử kiểm điểm lại xem, tám mối này, chúng ta có được cái mối nào không, ta có chọn được con đường nào để ta sống không, ít ra thì phải được một đường. Còn nếu không thấy có được cái mối nào thì ta phải xét lại. Đó là báo động đỏ, là bất hạnh. Bởi vì Chúa muốn chúng ta hạnh phúc ở trần gian này. Chúa muốn chúng ta hạnh phúc và Chúa đã cho những con người cụ thể ở thời đại này để khuyến khích chúng ta:

- Như thế nào là: Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa, chúng ta thấy có Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2. Bởi vì Ngài là một con người hòa bình, đi đâu là rao giảng Tin Mừng, cổ võ sự hòa bình đến đó và đỉnh cao là Ngài đã có một hành động rất ấn tượng là Ngài đã vào tận nhà tù để ôm lấy người bắn mình mà nói những lời tha thứ. Thánh là ở chỗ đó, Thánh là ở sự tha thứ cho kẻ thù.

- Rồi đến Mẹ Têrêsa thành Calcuta là người có lòng xót thương người nghèo. Mẹ trăn trở khi thấy những người nghèo và tìm cách thế nào đó để giúp họ. Mặc dù tuổi đã già, nhưng Mẹ vẫn đi khắp đó đây trên khắp thế giới để tìm những người nghèo, để phục vụ họ. Mở đầu một ngày mới, Mẹ tham dự Thánh lễ và trân trọng rước Thánh Thể vào lòng. Kết thúc một ngày, Mẹ ngồi trước Thánh Thể một tiếng để tạ ơn Chúa, còn những giờ còn lại trong ngày, Mẹ đón tiếp những người nghèo khổ như là đón tiếp Chúa Giêsu Thánh Thể, vì Mẹ đã thấy Chúa Giêsu ẩn mình trong những người nghèo khổ. Đối với Mẹ những người nghèo khổ và Chúa Giêsu Thánh Thể chỉ là một, và do đó Mẹ trân trọng như nhau.

- Rồi đến Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận , Ngài là hình ảnh của người môn đệ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa. Khi Ngài bị bắt thì đủ mọi thứ tội lỗi đổ lên đầu Ngài, không còn thiếu cái tội nào nữa, nhưng Ngài vẫn bình an, Ngài vẫn đón nhận tất cả trong sự bình an trong tâm hồn. Rồi cuối đời Ngài còn mắc bệnh ung thư nữa. Thành ra chúng ta thấy, đó là người môn đệ biết bỏ mình, vác thập giá theo Chúa là như thế nào.

- Thời đại chúng ta còn có chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu, chẳng những là bậc Hiển Thánh mà còn là Tiến sĩ Hội Thánh (nghĩa là Thầy dạy của Giáo Hội). Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng là một người bình thường như chúng ta thôi, chẳng có địa vị, chức tước XH gì cả, lúc nào cũng làm việc quần quật, tất bật như chúng ta thôi. Nhưng chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu cho chúng ta một giải pháp là chị làm công việc bình thường bằng một lòng mến Chúa phi thường. Chúng ta đây thì cũng nhiều công việc như chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu, nhiều lúc có những công việc không tên cứ quấn lấy chúng ta, nhưng nếu chúng ta làm ở trong Chúa, làm với Chúa thì đó là chúng ta nên Thánh theo kiểu của Chị.

Đó là những con người rất cụ thể, rất thời đại mà Chúa đã đặt trước mắt chúng ta, mời gọi chúng ta sống theo gương Thánh của các Ngài.

Nên Thánh là ơn gọi căn bản của ơn gọi Kitô hữu. Khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội là chúng ta được tham dự với Chúa Giêsu qua 3 chức năng, đó là chức năng tư tế (cầu thay nguyện giúp) , chức năng ngôn sứ (rao giảng) và chức năng vương đế (phục vụ). Khi thực hiện được 3 chức năng đó thì chúng ta nên Thánh.

Vậy nên Thánh là gì ? Phần gốc của vấn đề này là: nên Thánh nghĩa là Đức Giêsu sống và hành động ở trong tôi (Gl 2, 20), hay nói cách khác là đầy Thánh Thần. Đầy Thánh Thần là tôi thánh thiện.

Không phải làm những việc to tát là tôi thánh thiện. Không phải như vậy. Nên Thánh không phải là cho đi nhiều, mà là nhận nhiều. Tôi nhận càng đầy Thánh Thần là tôi thánh thiện. Hễ tôi đầy Chúa là tôi thánh thiện bởi vì chỉ có Chúa mới thực hiện được ba chức năng nêu trên mà thôi, còn sức của tôi thì chỉ có đi thẳng xuống hoả ngục do hậu quả của tội nguyên tổ (Rm 7, 14-24).

Chúng ta muốn thánh thiện thì chỉ có duy nhất một cách, chúng ta phải mở lòng ra, đón nhận Chúa Giêsu. Chúng ta không thể tập các nhân đức được đâu, chúng ta không thể bắt chước các Thánh được đâu, chúng ta lại càng không thể bắt chước Đức Mẹ được đâu. Vậy vấn đề chính trước khi muốn tập các nhân đức, đó là, ta mở lòng ra, cầu nguyện đón nhận Chúa Giêsu trước đã thì ta đầy Thánh Thần là ta thánh thiện. Khi ta đầy Thánh Thần rồi thì ta sẽ trổ sinh hoa quả của Thần Khí, dó là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ…. (Gl 5, 22-23). Đó là Thánh.

Một vài ý chia sẻ, mong được cùng mọi người hiểu tận gốc vấn đề, nhưng xin đừng quên cầu nguyện. Khi chúng ta được hướng dẫn những điều như vậy từ Giáo Hội là chúng ta được hướng dẫn từ bên ngoài. Nhưng khi cầu nguyện thì chúng ta sẽ được Chúa dạy từ bên trong dạy ra. Và như vậy thì mới đạt, như vậy mới có thể hiểu được và sống được những điều chúng ta hiểu. ( FB Hùng Phạm Lương)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét