Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Bún Long Kiên!

Bún. Nhu cầu thực phẩm hằng ngày không thể thiếu trong bữa ăn mỗi gia đình. nhưng ít ai quan tâm đến quá trình từ hạt gạo thành sợi bún như thế nào?



Làng bún Long Kiên được xã hội và nhà nước công nhận là Làng bún gia truyền sau hơn 50 năm hình thành và phát triển. Chuyện xưa nay kể, năm 1954, người dân ở huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng) trên chiếc tàu há mồm trong chuyến hành trình di cư vào Nam, tìm đến vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu lập nghiệp đã lỉnh kỉnh gồng gánh những chiếc nồi đồng, cối đá nặng trĩu theo lên tàu. Thế rồi từ đó, tại nơi này đã hình thành nên nghề làm bún – làng bún Long Kiên. Như duyên kỳ ngộ, khi chọn Long Kiên lập nghiệp, không ai ngờ nơi đây lại được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn mạch nước ngọt để làm nên sợi bún trắng, mềm, dẻo, dai không nơi nào sánh bằng. Ban đầu chỉ có 4-5 hộ dân làm nghề, đến nay, làng nghề đã phát triển với hơn 40 hộ gia đình tiếp tục giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của cha ông để lại, hơn 300 lao động thường xuyên. Tuy số hộ sản xuất bún không tăng nhiều nhưng sản lượng bún làm ra mỗi ngày tăng mạnh, điều này minh chứng cho thị trường bún Long Kiên đang ngày càng được mở rộng và phát triển. Trước đây, bình quân mỗi hộ gia đình sản xuất khoảng 70kg - 200kg/ngày, nay đã lên 850kg - 2 tấn/ngày, thậm chí có lúc còn hơn. 


Bún Long Kiên nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon, sợi dai, trắng mịn, các sợi tách rời chứ không dính bệt vào nhau, nhưng để có được sợi bún thơm ngon như thế thì quy trình sản xuất bún không hề đơn giản. Ngày trước, gạo để làm được bún phải là gạo Nàng Sậu hay Sơ ri 6 tháng có hạt nhỏ, dài, màu trắng xanh, mùi thơm, không dẻo, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn các loại gạo khác do họ tự trồng hoặc mua ở những khu vực chuyên trồng loại lúa này, nhưng hiện nay do loại gạo 6 tháng ít được trồng, vì vậy gạo làm bún phải mua từ các tỉnh miền Tây như gạo Hàm Châu, gạo tròn, nở để thay thế. Có tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất bún mới thấu hiểu được sự tận tâm, tỉ mỉ, kỳ công của người làm bún. Gạo được đãi nhiều lần, sau đó mang đi ngâm cho tới khi thấy hạt gạo ngậm no nước trắng muốt mới vớt ra, cho vào máy xay thành bột. Bột sau khi xay xong lại mang đi ngâm, ủ và gạn bỏ nước chua, đưa lên bàn ép thành quả bột. Các quả bột lại tiếp tục được nhào, trộn trong nước sạch thành dung dịch lỏng rồi đưa qua màn lọc sạch sạn, bụi tấm để tạo thành tinh bột gạo. Thời gian ngâm càng lâu càng có lợi (ít nhất là 2 ngày, nhiều nhất 3 ngày) vì khi ngâm lâu sẽ tạo độ dai và bột sẽ nở hơn. Trong thời gian ngâm phải thường xuyên gạn hết nước chua và thay nước mới vào ngâm (trung bình 4-5 giờ gạn một lần). Đối với quá trình sản xuất bằng tay, sau khi ép bột, gói bột bằng bao vải rồi đem luộc. Sau đó quậy bột múc cho vào ống khuôn hình trụ đường kính khoảng 150mm, đáy có đục lỗ. Muốn sợi bún to thì sử dụng khuôn có lỗ to hơn và ngược lại. Bột được ép và sợi bún thoát ra từ đáy khuôn, rơi xuống nồi nước sôi bên dưới. Nồi nước sôi được khuấy nhẹ liên tục (nhiệt độ khoảng 800C), sợi bún sống chuyển động theo dòng xoắn của nước được cuộn tròn thành những vận bún rồi được luộc chín. Tổng lượng bún làm ra mỗi ngày ở Làng bún Long Kiên vài ba chục tấn là chuyện bình thường, bún không chỉ được phân phát đi khắp Bà Rịa Vũng Tàu, mà còn được đưa đến các tỉnh thành lân cận như Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Phan Thiết…


Chỉ là hạt gạo bình thường, nhưng để trở thành sợi bún ngon, bản thân hạt gạo phải "chịu đựng" biết bao lần "đau khổ", phải trầy da tróc vảy mới thành tinh bột tinh tuyền. Và cũng chỉ vài ba hộ làm bún cách đây 50 năm, nhưng nay cả làng Bún Long Kiên đã hình thành và phát triển. Nghề bún không chỉ là kế sinh nhai nhưng đã trở thành một nghề tạo kinh tế ổn định và còn tạo thêm những ngành nghề phụ khác, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho con em tại địa phương và các tỉnh thành lân cận. ..

Qua hình ảnh hạt gạo và câu chuyện về làng Bún Long Kiên gợi cho tôi hình ảnh hạt cải và nắm men trong Tin Mừng hôm nay. Làm cho Nước Thiên Chúa lớn lên và thâm nhập vào thế giới rộng lớn ngày nay không chỉ là chuyện của Thiên Chúa, mà đó là chính mỗi Kitô hữu chúng ta. Mong sao mỗi người chúng ta sẽ là một hạt cải được chăm bón thành cây, sẽ là một chút men nhỏ được vùi trong nhúm bột để đến với những người mà chúng ta gặp gỡ ngày hôm nay...

Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên
Lời Chúa: Lc 13,18-21
18 Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? 19 Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó".

20 Người lại phán rằng: "Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? 21 Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men".


                                                ( Nguồn: Ủy ban Thánh Kinh / HĐGMVN

                                                  http://tgpsaigon.net/suy-niem/20151026/32565

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét