Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

Quy Luật Của Cuộc Sống

Thứ hai tuần 19 thường niên 
Thánh Đaminh, linh mục. Lễ nhớ.

* Thánh nhân sinh quãng năm 1170, tại Ca-lê-ru-ê-ga, Tây Ban Nha. Người học thần học tại Pa-len-xi-a rồi làm kinh sĩ giáo phận Ốt-ma. Trước hết, người quy tụ một số phụ nữ về sống tại Pơ-rô-vin-lơ (Pháp), theo một tu luật, rồi sau người lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo tại Tu-lu-dơ để đối lại lạc giáo Ca-tha. Chính người đã chiến đấu với lạc giáo bằng lời giảng thuyết, bằng gương sáng và đã thu hoạch được kết quả khả quan. Người muốn các anh em trong Dòng phải sống khất thực, và lời giảng dạy phải xuất phát và được nuôi dưỡng bằng chiêm niệm. Người đã đặt trung tâm Dòng ở Rôma trước khi qua đời ở Bô-lô-nha ngày 6 tháng 8 năm 1221.



Bác sĩ Ý Antinori đã tạo ra một chấn động mạnh trong lương tâm nhân loại khi ông tuyên bố việc tạo sinh con người theo phương pháp vô tính. Phương pháp tạo sinh vô tính đã được áp dụng thành công vào việc sản sinh ra con cừu có tên là Doli tại Anh Quốc cách đây vài năm và đã được áp dụng vào những loài vật khác nhau từ chuột đến bò, heo. Vấn đề cần đặt ra không phải là chuyện phương pháp kỹ thuật tạo sinh vô tính có hoàn hảo không. Tất nhiên, đem thí nghiệm tạo ra một con người mà không biết chắc sẽ sinh ra một con người bình thường hay một quái thai, quả là một hành động liều lĩnh, vô trách nhiệm. Nhưng ngay cả khi phương pháp tạo sinh vô tính đã được nghiên cứu tới mức hoàn hảo đi nữa thì câu hỏi vẫn là con người có quyền sản sinh vô tính con người không? Không riêng gì những con người có niềm tin tôn giáo mà ngay cả với những ai không thuộc tôn giáo nào đi nữa, đã là con người có lương tri, người ta không thể trốn tránh một câu hỏi như thế.

Tựu trung, đạo đức vẫn luôn luôn là chiều kích bao trùm toàn bộ mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Trong bất cứ sinh hoạt nào, con người cũng luôn luôn phải tự hỏi: Tôi có được phép làm điều này không? Tôi phải cư xử như thế nào cho xứng với phẩm giá con người? Ðã làm người là phải chấp nhận những giới hạn. Không ai được hỏi ý kiến khi sinh ra. Không ai chọn lựa cha mẹ, quê hương để sinh ra. Con người đến trong cõi đời không do chọn lựa của mình. Ðiều ấy cho thấy tính giới hạn là tất yếu đối với con người. Cái chết lại càng là một khẳng định về những giới hạn ấy, mà đã có giới hạn, cho nên con người không thể sống mà không tuân theo những qui luật của cuộc sống. Bên cạnh những qui luật của thiên nhiên, quan trọng hơn cả là những qui luật đạo đức. Chỉ khi nào tuân hành những qui luật đạo đức ấy, con người mới có thể triển nở trong nhân cách và thành toàn.

Lời Chúa: Mt 17, 21-26:

Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Các môn đệ rất đỗi buồn phiền.

Khi các ngài đến Capharnaum, thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng: "Thầy các ông không nộp thuế "đền thờ' sao?" Ông nói: "Có chớ".

Khi ông về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi đón trước rằng: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu thuế má hạng người nào? Đòi con cái mình hay người ngoài?" Ông thưa rằng: "Đòi người ngoài". Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con".

Là người tín hữu Kitô chúng ta được mời gọi để suy nghĩ về thân phận con người dưới ánh sáng mầu nhiệm nhập thể. Chỉ trong Ngôi Lời nhập thể làm người, chân lý về con người mới được sáng tỏ. Chúng ta biết về mình và chúng ta biết phải sống như thế nào cho ra người khi nhìn vào con người và cuộc sống của Chúa Giêsu. Trong thư gởi cho giáo đoàn Philipphê, thánh Phaolô đã tuyên xưng mầu nhiệm nhập thể như sau: "Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì sự ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự".

Quả thật, Chúa Giêsu là mẫu gương của vâng phục. Suốt ba mươi năm ẩn dật tại Nazareth, Ngài đã vâng phục cha mẹ, tuân thủ các Lề Luật của Môsê. Tin Mừng hôm nay ghi lại việc Ngài đóng thuế cho đền thờ, đây là một điển hình của rất nhiều cử chỉ vâng phục mà Chúa Giêsu đã thể hiện trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài.

Vâng phục là nói lên tính cách bất toàn và giới hạn của thân phận con người. Ðã làm người, Chúa Giêsu đã không đi ra ngoài những qui luật ấy của thân phận con người, nhưng chính vì vâng phục mà Ngài đã chọn kiếp sống con người. Ngài là một mẫu người hoàn hảo. Hoàn hảo không phải vì không có giới hạn trong kiếp người mà chính là vì đã vâng phục. Thánh Phaolô đã khẳng định rằng: "Chính vì Ngài đã vâng phục mà Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban cho Ngài danh hiệu, vượt lên trên muôn ngàn danh hiệu".

Vâng phục để được suy tôn, tự hạ để được nâng lên. Sống những giới hạn của kiếp người với tinh thần trách nhiệm để được là người hơn. Ðó là qui luật của cuộc sống mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét