Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Chuyện tình "đôi dép"

Có một bài thơ ngụ ngôn về đôi dép như sau:

Bài thơ đầu anh viết tặng em
Là bài thơ anh viết về đôi dép
Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ.

Hai chiếc dép kia gặp gỡ bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi, cùng nhau.

Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người chà đạp
Dẫu vinh nhục, không đi cùng người khác
Số phận chiếc nầy phụ thuộc ở chiếc kia.

Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế sẽ trở thành khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.

Cũng như mình trong những phút vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh.

Đôi dép vô tư khắng khít bước song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi.

Không thể thiếu nhau trên mọi bước đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải, trái
Nhưng anh yêu em bởi những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau một bước đi chung.

Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia.


Đôi dép, một vật rất đỗi quen thuộc, bình thường với cuộc sống của mỗi con người, không ai là không sở hữu cho mình một đôi dép để đi lại. Quen thuộc, bình thường đến độ nhiều khi ta không còn để ý đến nó nữa. Ấy thế mà có một người đã “bắt” ta phải để ý đến nó và thấy nó mới đáng yêu làm sao, người đó chính là nhà thơ Nguyễn Trung Kiên-tác giả bài thơ độc đáo nầy.

Độc đáo, vì quả thật, tác giả rất “tinh” khi chọn đôi dép để làm hình ảnh bày tỏ sự tất yếu của lòng chung thuỷ của vợ chồng mà trời đã xe duyên.

Hai chiếc dép kia gặp gỡ bao giờ/ Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước/ Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược/ Lên thảm nhung, xuống cát bụi, cùng nhau/ Cùng bước, cùng mòn không kẻ thấp người cao/ Cùng chia sẻ sức người chà đạp/ Dẫu vinh nhục, không đi cùng người khác/ Số phận chiếc nầy phụ thuộc ở chiếc kia. 

Đôi dép là vật vô tri vô giác mà còn biết “chung thủy” với nhau như thế, thì vợ chồng sống với nhau phải như thế và hơn thế mới phải lẽ. Gắn bó trọn đời bên nhau, gian khổ, vất vả cùng chia; đắng cay, ngọt bùi cùng hưởng. Sống chết có nhau. Luôn luôn phụ thuộc vào nhau. Vợ không thể sống thiếu chồng và chồng cũng không thể nào sống thiếu vợ, vì đó là luật định của Tạo Hóa đã ban cho con người chúng ta từ bao đời nay rồi. 



Thứ sáu trong tuần 19 TN C
Lời Chúa: Mt 19,3-12:
3 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su để thử Người. Họ nói : "Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không ?" 4 Người đáp : "Các ông không đọc thấy điều này sao : "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ", 5 và Người đã phán : "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt." 6 Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly." 7 Họ thưa với Người : "Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ ?" 8 Người bảo họ : "Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. 9 Tôi nói cho các ông biết : Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình."
10 Các môn đệ thưa Người : "Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn." 11 Nhưng Người nói với các ông : "Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. 12 Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng ; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn ; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu."



Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta: Hôn nhân là một Bí tích mà Thiên Chúa ban tặng cho con người với đầy đủ tự do và trách nhiệm. Để sống yêu thương nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ. Đây chính là cái đích thực của hôn nhân và trong, cái đích thực đó con người mới nhận ra được giá trị của tình yêu, của nhân cách chân thiện mỹ.
Thế nhưng trong cuộc sống vội vã hôm nay, con người thường lao theo dòng chảy của nó. Họ yêu cuồng sống vội. Hôn nhân có khi chỉ là một sự tính toán, đổi chác, tìm danh vọng và xác thịt. Hôn nhân khác nào một cuộc chơi, hay thì ở, dở thì đi. Thế nên, sự chung thuỷ trong hôn nhân hôm nay thật mong manh.

Lạy Chúa, Chúa là tình yêu. Tình yêu Chúa luôn bao dung độ lượng, luôn hy sinh quên mình. Xin cho các đôi vợ chồng biết hy sinh cho nhau, tha thứ cho nhau, hầu thắp sáng niềm tin yêu, hy vọng cho gia đình mãi êm ấm thuận hòa. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét