Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Thánh địa Mỹ Sơn

Thánh địa Mỹ Sơn tọa lạc trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ, thâm nghiêm. Nơi đây, với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa được kết tinh trong những di chứng vật chất trường tồn, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII), được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam á như Ăngko, Pagan, Bôrôbudua.


Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chămpa. Mỗi vị vua, sau khi lên ngôi, đều đến Mỹ Sơn làm lễ thánh tẩy, dâng cúng lễ vật và xây dựng đền thờ. Mỹ Sơn là điểm duy nhất của nghệ thuật Chăm có quá trình phát triển liên tục từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13. Vào đầu thế kỷ thứ 7, vua Sambhuvarman đã xây dựng ngôi đền bằng những vật liệu rất bền vững, còn tồn tại đến ngày nay. Các triều vua sau đó đều tu sửa các đền tháp cũ và xây dựng đền tháp mới để dâng lên các vị thần của họ.

Đền tháp ở Mỹ Sơn được chia thành nhiều cụm, xây dựng theo cùng một nguyên tắc. Kết cấu mỗi cụm gồm có một ngôi đền thờ chính (Kalan), bao quanh bằng những ngôi tháp nhỏ hoặc công trình phụ. Ngôi đền chính tượng trưng cho núi Meru - trung tâm vũ trụ, là nơi hội tụ của thần linh và thờ thần Siva. Các đền phụ (miếu phụ) thờ các vị thần trông coi hướng trời. Ngoài ra còn có những công trình phụ là những ngôi tháp thường có mái lợp ngói, là nơi khách hành hương sửa lễ, cất giữ đồ tế lễ. Đền thờ của người Chăm không có cửa sổ, chỉ các công trình tháp phụ mới có cửa sổ.

Nhưng các cuộc chiến tranh trong thế kỷ XI xảy ra giữa Chămpa với các quốc gia lâng bang đã tàn phá vương quốc Chămpa và các đền tháp ở khu vực Mỹ Sơn. Trải dài gần mười thế kỷ, với lịch sử hình thành và nhiều thay đổi đi liền với sự phát triển của vương quốc Chămpa, cùng với sự kết hợp những mối liên hệ vùng, khu vực, số lượng đền tháp ngày một xây dựng nhiều hơn, Mỹ Sơn trở thành nơi ghi dấu sự phát triển rực rỡ, đặc sắc của nền nghệ thuật Chămpa. Nhiều phong cách kiến trúc Chămpa được khẳng định và phát triển trong quần thể di tích này.

Thời gian và chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề. Nhưng những gì còn lại ở Mỹ Sơn vẫn đóng một vài trò cực kỳ quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật thế giới. Tháng 12/1999, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Di sản thế giới được tổ chức ở Marrakesh (Maroc), Khu đền tháp Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các Di sản Văn hóa thế giới theo tiêu chuẩn 2 như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hoá và theo tiêu chuẩn 3 như là bằng chứng duy nhất của một nền văn minh châu Á đã biến mất.

( http://mysonsanctuary.com.vn/gioi-thieu/28/lich-su---van-hoa/)

Một thánh địa với biết bao công lao của văn hóa Chămpa cũng bị tàn phá, hao mòn bởi chiến tranh và con người. Ngày nay ai đến tham quan Mỹ Sơn cùng chung tâm trạng: ngạc nhiên, thích thú nhưng cũng ngậm ngùi tiếc xót. Ngạc nhiên vì ngay thế kỉ thứ 4 mà người Chăm đã làm nên công trình vĩ đại để thờ phượng vị thần của họ; thích thú khi nghệ thuật kiến trúc vượt thời gian và không gian; và ngậm ngùi tiếc xót do hậu thế mấy ai còn quan tâm, còn lưu luyến một nền văn hóa, một chế độ, một dân tộc đã, đang bị xóa nhòa...

Mỹ Sơn hôm nay còn chăng là một đống đổ nát, hoang tàn giữa những tính toán bon chen hơn thua của con người. Chắc hẳn dân tộc Chăm đã khóc cạn nước mắt, đã đổ cả máu và mạng sống để cố giữ nước, giữ văn hóa dân tộc mình nhưng nay còn đâu...

Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên
Lời Chúa: Lc 19,41-44


41 Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy 42 mà rằng: "Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. 43 Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. 44 Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng".

                                                                (Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

Lạy Chúa Giêsu, trong khi nguời Do thái rất tự hào về sự nguy nga, tráng lệ, kiêu hùng của thành Giê-ru-sa-lem, thì Chúa lại nói đến một ngày mà công trình ấy sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Cũng vậy, con thường chỉ đánh giá sự việc và con người dựa trên những dấu hiệu bề ngoài. Đôi khi những dấu hiệu bên ngoài ấy làm con mù quáng, nên đánh giá lầm những điều kín ẩn bên trong.
Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, người Do thái khát khao, mong chờ một Đấng cứu tinh, nhưng khi Chúa đến giữa họ thì họ lại không chịu đón nhận. Họ đã không nhận ra Chúa, không phải vì Chúa không tỏ ra cho họ, mà là vì Chúa không đến theo kiểu họ ước mong. Và như thế, Chúa phải xót xa vì sự hững hờ của họ.
Phần con cũng không thiếu những lúc con chỉ nhìn thấy những điều trước mắt. Con quá vui khi thành công và con cũng quá buồn trước thất bại. Con đã không biết nhìn ra những sứ điệp thiêng liêng mà Chúa gởi đến cho con qua những thành công hay thất bại đó. Xin Chúa thương xót và thứ tha cho con. Xin Chúa dạy con biết sống trọn giây phút hiện tại, luôn rút ra được những ích lợi từ mọi biến cố vui buồn trong đời. Và xin cho con luôn hiểu rằng: không bao giờ là quá trễ đối với Chúa. Xin Chúa cho con luôn biết làm lại cuộc sống của mình để sẵn sàng đón chờ giờ con được Thiên Chúa viếng thăm. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét