Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

TÌNH YÊU

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 31 Thường Niên C:

Thiên Chúa yêu thương con người và muốn cứu độ hết mọi người. Đặc biệt Thiên Chúa yêu thương những người nghèo khổ, những người đau yếu, những người tội lỗi. Cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu trong bài tin mừng hôm nay là một minh chứng hùng hồn về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Lời Chúa: Lc 19, 1-10:

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi".

Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất".

Kết quả hình ảnh cho chúa nhật 31 thường niên c

Để hiểu rõ ý nghĩa bài Tin Mừng, chúng ta nhìn lại bối cảnh của câu chuyện đã xảy ra. Giêricô là một thành phố giàu đẹp và quan trọng nằm trong vùng thung lũng sông Giođan. Người ta gọi Giêricô là “thành phố cây Chà là”. Sử gia Josephus gọi là “khu đất thần tiên, khu đất mầu mỡ nhất của Palestine, Giêricô còn là trung tâm quan thuế lớn nhất của Palestine”.Giakêu là trưởng ty thu thuế đã đạt tới đỉnh cao nhất trong ngành thu thuế tại thành phố Giêricô này. Ông là ngời giàu có, ham mê tiền bạc, tham nhũng hối lộ, bóc lột dân lành, siêu cao thuế nặng để phục vụ đế quốc Rôma và làm giàu cho mình. Thu thuế là nghề bị người Do Thái khinh chê, ghét bỏ và coi những người làm nghề thu thuế là phản bội dân tộc, kẻ tội lỗi.

Chúa Giêsu trong cuộc hành trình ngang qua Giêricô để tiến về thành Giêrusalem với một mục đích rõ ràng là Ngài chấp nhận khổ hình thập giá để cứu độ muôn người: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Đối tượng của công trình cứu độ là những người tội lỗi. Vì thế, Chúa Giêsu suốt ba năm giảng đạo, Ngài đi tìm những người tội lỗi, gặp gỡ, tiếp xúc, ăn uống với họ, lăn lóc với họ… để dẫn đưa họ về nẻo chính đường ngay. Điều này đã làm cho dân chúng ngạc nhiên, ngỡ ngàng, xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ”. Đức Giêsu được mọi người nhìn nhận là một vị đại tiên tri, một hiền nhân, tại sao lại vào nhà ông Giakêu tội lỗi?

Ông Giakêu muốn gặp Chúa Giêsu để xem Ngài là ai? Giakêu đã hy sinh, từ bỏ tất cả danh dự, địa vị để gặp Chúa Giêsu. Ông là trưởng ty thu thuế, có địa vị cao sang trong xã hội, giờ đây ông hạ mình xuống như một đứa con nít trèo lên cây sung để nhìn Chúa đi qua. Chỉ có thế thôi rất đơn giản! Không có gì có thể cản bước ông đến với Chúa Giêsu.

Vượt qua sự khát mong của Giakêu, Chúa Giêsu nhìn ông và bảo: “Hỡi Giakêu hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ông” (Lc 19,5). Những lời mời gọi đầy yêu thương ngọt ngào của Chúa Giêsu đã làm cho ông Giakêu vô cùng sung sướng và ông đã được hạnh phúc đón tiếp Chúa vào nhà mình. Hai người đã gặp nhau thật chân tình và ơn cứu độ đã được thực hiện. Ơn cứu độ là kết quả của sự gặp gỡ giữa hai phía: Chúa Giêsu và người tội lỗi là Giakêu. Nếu Chúa Giêsu không đi tìm thì chẳng ai được cứu độ. Nhưng dù Chúa đi tìm, mà người tội lỗi không đáp lại thì cũng chẳng có ơn cứu độ: có Chúa và có ta, thì ơn cứu độ mới được thực hiện. Chính Chúa Giêsu đã xác định: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9).

Cuộc gặp gỡ lạ lùng giữa Chúa Giêsu và ông Gia kêu đã biến đổi hoàn toàn cuộc đời của người thâu thuế năm xưa:
Ông đã quyết định từ nay chấn chỉnh lối làm ăn bất công, tội lỗi.
Ông đã ăn năn sám hối những lỗi lầm quá khứ một cách chân thành.
Ông thực hiện đức công bằng và bồi thường những thiệt hại mà ông đã gây ra cho anh em: “Nếu tôi chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”.
Từ nay, ông không còn ham mê tiền bạc, của cải vật chất nữa và ông thực hiện công tác từ thiện bác ái, sẵn sàng chia sẻ cho người nghèo: “Thưa Ngài, tôi xin lấy nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo”.

Gia kêu đã được đổi mới hoàn toàn! Ông là người khiêm tốn nhìn nhận mình tội lỗi, là người thực hiện đức công bằng “đền bù những thiệt hại”cho anh em và là con người bác ái, quảng đại: dành nửa phần gia tài của mình cho người nghèo. Tóm lại, bất cứ một cuộc trở lại nào dù lớn dù nhỏ, cũng đòi ta phải từ bỏ hết. Như trường hợp của Giakêu trong bài Tin mừng, hoán cải thực sự là từ bỏ tội lỗi, quảng đại đáp lại tiếng Chúa và sống một cuộc sống mới lương thiện đạo đức.

Thiên Chúa không những tế nhị, dịu dàng và nhân từ, mà Ngài còn khoan dung, tha thứ và yêu thương những con người tội lỗi, nhưng không bao giờ thỏa hiệp với tội lỗi, với ma quỉ.

Xin Chúa cho chúng con một trái tim khoan dung như Chúa, một tâm hồn quảng đại như Giakêu để cả thế giới này trở nên con cái Abraham và được hưởng nhờ ơn cứu độ.

LM. GIUSE NGUYỄN VĂN NAM

Bài Học Khiêm Nhường

Sống trong xã hội ngày càng tiến bộ, con người tự nhiên muốn vượt lên khỏi những cái tầm thường hiện tại. Họ muốn tìm cho mình một địa vị nào đó để đảm bảo cho cuộc sống; họ ham muốn giàu sang, uy quyền, muốn chiếm cho mình chỗ nhất nơi công hội, tiệc tùng. Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đề ra nét đặc thù của Kitô giáo đi ngược với thái độ hám danh và cũng là bài học cho mỗi người, đó là bài học khiêm nhường.

Thứ Bảy tuần 30 thường niên.
Lời Chúa: Lc 14, 1. 7-11

Khi ấy, Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng: "Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: "Xin ông nhường chỗ cho người này", bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: "Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên", bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. "Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

Thật thế, theo Tin Mừng thuật lại, hôm đó Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà một đầu mục nhóm Biệt phái. Nhận thấy ở đó có những thực khách háo hức chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu liền nói với họ một dụ ngôn, trong đó Ngài mời gọi người ta hãy sống khiêm nhường bằng cách chọn lấy địa vị sau chót: khi anh được mời đi ăn cưới, anh đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng cũng được mời... Trái lại, khi được mời, anh hãy ngồi vào chỗ cuối.

Xét bề ngoài, thì đây chỉ là một vấn đề lịch sự, bởi vì xếp chỗ ngồi là việc của chủ nhà, chứ không phải của người dự tiệc. Tuy nhiên, việc chọn chỗ cuối như thế phải được thực hiện một cách đơn sơ, tự nhiên, chứ nếu tìm chỗ cuối với hậu ý và hy vọng được mời lên chỗ cao hơn, thì đó là một sự khiêm nhường giả tạo, một sự kiêu ngạo tinh tế.

Lời khuyến cáo của Chúa Giêsu còn tiềm ẩn một ý nghĩa sâu sắc hơn. Ðối với Ngài, tiệc cưới tượng trưng cho Nước Thiên Chúa, trong đó kẻ nào nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ hạ mình xuống sẽ được nhắc lên. Vượt ngoài tầm đòi hỏi của xã giao, lời nói của Chúa làm cho con người đi xuống chiều sâu của khiêm nhường và tiến lên chiều cao của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là một vinh dự, một ân ban, mà chỉ những ai tự hạ và ý thức mình là hư vô mới có thể lãnh nhận. Còn kẻ tưởng mình cao trọng, chắc chắn không thể chiếm hữu Nước Thiên Chúa, và Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.

Với lời mời gọi và gương sống tự hạ, khiêm nhường của Chúa từ lúc sinh ra cho đến lúc chết trên Thập giá, chúng ta hãy quyết đi vào con đường khiêm nhường bằng cách sống đúng với giới hạn của một thụ tạo nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa vô biên, để nhờ đó Ngài sẽ là tất cả cho chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

To & bé!

Đức Cha Helder Camara đã kể lại chính kinh nghiệm của Ngài như sau:

Tôi có một người anh hơn tôi 5 tuổi đã được rửa tội và theo học tại một trường do các cha Dòng Maria điều khiển. Nhưng sau đó, anh tôi tuyên bố là đã hoàn toàn mất đức tin. Sau khi tôi thụ phong Linh Mục. Tôi đã cùng anh về chung sống với một người chị không lập gia đình. Mỗi lần tôi sắp đi giảng hoặc đi dâng thánh lễ, anh tôi thường hỏi:

- Hôm nay chú định giảng gì đó?

Tôi thành thật giải thích cặn kẽ cho anh tôi hiểu những gì tôi đang định giảng cho người khác, anh tôi chú ý lắng nghe, nhưng không đưa ra một lời bình luận nào. 8 năm sau, lúc bị bệnh nặng và biết mình sắp chết, anh gọi tôi lại bảo:

- Tôi biết chú là người thông minh và hiểu rộng hơn tôi. Tôi không bao giờ thấy sự cách biệt giữa đức tin và cuộc sống của chú. Vậy tôi xin hỏi chú: Có thể tin thế cho người khác được không? Có thể hưởng nhờ đức tin của một người mà mình tin tưởng không? Tôi tin vào sự chân thành của chú. Tôi đã mất đức tin, nhưng tôi có thể dựa vào đức tin của chú để rước mình thánh Chúa không? Tôi trả lời:

- Tôi tin rằng Chúa sẽ tưởng thưởng thái độ khiêm tốn của anh. Tôi không nghi ngờ gì hết. Tôi sẽ trao mình thánh Chúa cho anh, và tôi tin chắc rằng anh sẽ được Chúa thương:

Trong cơn xúc động, anh tôi nói:

- Bây giờ thì chưa được đâu, tôi còn phải xưng tội đã. Tôi định đi tìm một vị Linh Mục đến để giải tội, nhưng anh tôi dứt khoát đòi xưng tội với tôi. Và anh tôi đã xưng tội, rước lễ một cách sốt sắng. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, tôi đã nghe anh tôi thốt lên: 

- Tôi tin, tôi tin! Tôi tin không phải là vì chú, nhưng là vì chính tôi tin.

Niềm tin được tiếp nhận và nuôi dưỡng bằng chính chứng tá của những người chung quanh, nhất là của những người thân trong gia đình! Vợ chồng, cha mẹ, anh em, con cái... Hãy tin rằng chúng ta cần có nhau. Chúng ta được nâng đỡ bằng niềm tin của mỗi người trong gia đình."

Kết quả hình ảnh cho “Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.”

Thứ Ba tuần 30 thường niên.
Lời Chúa: Lc 13, 18-21:

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó". Người lại phán rằng: "Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men".


Những việc làm của chúng ta tuy nhỏ nhưng có sức mạnh rất lớn khi chúng ta đặt niềm tin vào Chúa. Một khi đã tin rồi, chúng ta sẽ vượt qua tất cả, dù khó khăn, bất lợi,… Chúa Giêsu đã ví Nước Trời như hạt cải, dù nó nhỏ bé nhưng Chúa đã cho nó cành lá xum xuê, chim trời đến làm tổ được huống chi mỗi người chúng ta được Chúa yêu thương, thì Người sẽ làm những gì nữa?

Để hạt giống đức tin được lớn lên và sinh trưởng, mỗi người Kitô hữu cần biết sống trong mối tương quan với Chúa, qua cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, và kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể…

Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con, để giữa những thăng trầm của đời sống này, con có Chúa là sức mạnh, có Chúa là nương con nương tựa.



Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

đừng giả hình!

Một đêm mùa Ðông lạnh như cắt, một vị ẩn sĩ không chịu nổi cái lạnh của sa mạc, đã tìm đến xin trú ẩn tại một ngôi chùa. Nhìn thấy gương mặt tiều tụy của vị ẩn sĩ, tu sĩ canh giữ ngôi chùa không nỡ để ông ta đứng mãi giữa trời. Vị tu sĩ cho ông vào, nhưng lại nói một cách cương quyết: "Ông có thể ngủ đêm trong chùa, nhưng chỉ một đêm thôi, ngày mai ông phải rời khỏi nơi này tức khắc, vì đây là nơi tu hành, chứ không phải là trại tế bần".

Giữa đêm, vị tu sĩ nghe thấy tiếng động kỳ lạ. Ông thức dậy và chứng kiến cảnh tượng khác thường: giữa ngôi chùa vị ẩn sĩ đang ngồi sưởi ấm bên một đống lửa cháy phừng. Nhìn lên bàn thờ, vị tu sĩ không còn thấy tượng Phật bằng gỗ nữa. Ông hỏi vị ẩn sĩ, vị này chỉ vào đống lửa điềm nhiên đáp: "Tôi không chịu nổi cái lạnh, nên đã dùng tượng Phật để nhóm lên đống lửa này". Nghe thế, vị tu sĩ quát lớn: "Ông khùng rồi sao? Ông có biết ông đã làm gì không? Ðây là tượng Phật, ông đã đốt cháy Ðức Thích Ca của chúng tôi".

Sáng hôm sau, vị tu sĩ trở lại để đuổi vị ẩn sĩ ra khỏi chùa; ông thấy vị ẩn sĩ đang bới đống tro như để tìm kiếm vật gì đó. Thấy vị tu sĩ thắc mắc, ông ta trả lời: "Tôi đang tìm kiếm những cái xương của Ðức Phật mà ngài bảo là tôi đã thiêu đốt tối hôm qua".

Về sau, vị tu sĩ canh giữ ngôi chùa kể lại câu truyện cho một Thiền sư, và Thiền sư đã trách ông như sau: "Ông là một tu sĩ xấu, bởi vì ông xem một tượng Phật chết trọng hơn một mạng người sống".

Thứ Hai tuần 30 thường niên.
Lời Chúa: Lc 13, 10-17:

Khi ấy, nhân ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị quỷ ám làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể trông lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng: "Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà". Rồi Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo dân chúng rằng: "Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat". Chúa trả lời và bảo ông ta rằng: "Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?" Khi Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu, chính là cuộc xung đột giữa Ngài và những người Biệt phái. Những người Biệt phái bám vào việc tuân giữ nghi thức và luật lệ đến độ dẫm lên trên cả mạng sống con người. Trong khi đó, đối với Chúa Giêsu, cốt lõi của đạo chính là tình yêu. Phân định về việc giữ ngày Hưu lễ, Chúa Giêsu tuyên bố dứt khoát: "Ngày Hưu lễ được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Hưu lễ". Ngài đã giải thoát một người đàn bà khỏi bị còng lưng trong ngày Hưu lễ, để chứng tỏ sự sống của con người, giá trị của con người, hay đúng hơn, tình yêu thương cao cả hơn tất cả những nghi thức và việc tuân giữ bên ngoài.

Xin cho chúng ta hiểu rằng cái cốt lõi của đạo chính là tình thương. Xin cho những lời cầu kinh, những việc tuân giữ luật lệ không là những cái vỏ hình thức bên ngoài, mà phải dẫn chúng ta đến những hành động cụ thể của tình yêu. Xin cho chúng ta luôn xác tín rằng sống cho tình yêu là được sống trong Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Truyền giáo, một hành trình sống đức tin


Cách vài ngày, tôi đọc được một câu chuyện thương tâm về cái chết của cô Eleonora Cantamessa, đã đánh động tôi trước tấm gương hy sinh cao cả của cô ta. Tôi xin lược thuật lại câu chuyện sau đây.

Vào đêm Chúa Nhật ngày 8.9.2013, vào lúc 11g đêm, cô Eleonora Cantamessa 44 tuổi vừa mới đi chơi với một người bạn. Trong lúc trên đường trở về nhà, cô nhìn thấy một tai nạn đụng xe, một người đàn ông bị thương nằm trên đường và có một số xe dừng lại quanh đó. Vì là một bác sĩ, cô đã lập tức dừng xe lại để giúp đỡ nạn nhân băng bó vết thương. Nạn nhân là một thanh niên Ấn Độ, tên là Baldev Kumar đang nằm quằn quại trên vũng máu vì bị đánh vào đầu bằng những thanh sắt.

Điều cô ta không ngờ, kẻ hành hung chính là người em trai của người bị nạn, hắn ta hãm hại người anh mình vì sự tranh giành lợi lộc và chức tước cùng với 4 người đồng bọn. Trong lúc cô Eleonora đang tìm cách băng bó vết thương cho Balvev, thì tên Vicky em của người bị nạn đã phóng xe tới cán lên cả hai người chết và gây thương tích cho 6 người khác.

Bác sĩ Eleonora Cantamessa là một bác sĩ sản khoa làm việc tại bệnh viện Sant’Anna di Brescia và có một văn phòng tư ở phố Trescore Balneario. Cô điều trị miễn phí cho người nghèo, trong đó có cả những người Ấn Độ di dân. Cái chết của cô Cantamessa đã làm rúng động xã hội Ý. Thị Trưởng Alberto Finazzi đã tuyên bố một ngày để tang cho cô. Tổng Thống Giorgio Napolitano và Thủ Tướng Enrico Letta cũng đã gửi vòng hoa phúng điếu.

Đám tang của cô có rất đông người tham dự, đứng chật các đường phố vì trong nhà thờ không còn chỗ ngồi. Cộng đoàn người Ấn Độ cũng mặc quốc phục, họ giương cao biểu ngữ: “Cộng đoàn Ấn Độ chúng tôi cùng xin chia sẻ nỗi đau của gia đình”.

Kết quả hình ảnh cho giọt nước mắt buồn

Trước nỗi đau cái chết của người con gái, nhưng gia đình của cô không giận dữ và oán giận. Ông Mino, bố cô Eleonora Cantamessa đã nói: “Tất cả mọi sự đều nằm ở trong kế hoạch của Thiên Chúa. Bây giờ, chính là lúc chúng ta xin ơn Chúa cứu chuộc và tái sinh cho các thủ phạm trong lúc này và sau khi thụ án.” Để tiếp nối những nghĩa cử của cô Eleonora đối với trẻ em nghèo, gia đình đã yêu cầu mọi người không mua hoa phúng điếu mà hãy dùng tiền đó để làm việc từ thiện.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi bức thư chia buồn với gia đình cô, Giám Mục Luciano Monari, địa phận Brescia, đọc bức thư đó trong đám tang, ngài viết: “Cô Cantamessa đã kết thúc cuộc sống nơi trần thế trong lúc thực hiện nghĩa cử cuả một người Samaria nhân lành “.

Ngày thứ Tư vừa qua tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã dừng lại thật lâu để an ủi gia đình của cô Eleonora Cantamessa. Ngài vỗ về lên má của bà mẹ đầy nước mắt. Sự ân cần của Đức Thánh Cha đã gây tác động mạnh mẽ cho gia đình, như lời bà Mariella Cantamessa đã tâm sự với báo Osservatore Romano rằng: “Chúng tôi có cảm tưởng khi được Đức Thánh Cha an ủi chia sẻ là chính lúc khuôn mặt của Eleonora, tuy đã mất nhưng đang được Ngài vuốt ve vậy. Chúng tôi tuy mang một nỗi buồn lớn lao nhưng cũng tự hào đã chứng kiến một hành động hào hiệp của người Kitô giáo. Chúng tôi không oán trách bất cứ ai về cái chết của Eleonora, Thiên Chuá có kế hoạch riêng cuả Ngài mà Eleonora đã chấp nhận và thực hiện và hy sinh cả mạng sống của mình. Bây giờ, việc quan trọng là truyền đạt thông điệp của sự vị tha, ngay cả việc phải giúp đỡ các gia đình Ấn Độ đang lâm vào thảm kịch này.”

Với thông điệp này, tôi thiết nghĩ, họ là những chứng nhân sống động trong thời này. Cụ thể, cô Eleonora Cantamessa được xem như là người Samaria nhân hậu. Việc làm của cô thể hiện lòng nhân ái của con người trước người bị nạn cần được giúp đỡ, nhưng không phải ai cũng có thể làm được như cô ta. Song song với việc làm của cô, chính là nơi cô đã sống và hành động theo Lời Chúa dạy với một trái tim và tấm lòng nhân ái. Cô biểu hiện đời sống đức tin mạnh mẽ qua việc làm của mình, là đốm sáng cho chúng ta nhận ra khuôn mặt của Chúa Giê-su.

Chúa nhật 30 Thường Niên C
Lời Chúa: Lc 18,9-14:

(9) Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: (10) “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế”. (11) Người Pharisêu đứng riêng một mình cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. (12) Con ăn chay mỗi tuần hai lần. Con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. (13) Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mặt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. (14) Tôi nói cho các ông biết: Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi. Còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

Kết quả hình ảnh cho chúa nhật 30 thường niên c

Từ câu chuyện cảm động này, chúng ta có thể nhận ra thông điệp rõ nét hơn về hành động đức tin của người Ki-tô hữu. Đặc biệt với Chúa Nhật Truyền Giáo, Giáo hội mời gọi chúng ta mạnh dạn dấn thân trong việc rao giảng Tin Mừng, như là lời mời gọi cấp bách trong năm sống Đức Tin này.

Với trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta được nghe câu hỏi của Chúa Giê-su: ” Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” Đức tin là điều kiện tiên quyết cần có để chúng ta sống và rao truyền Lời Chúa, mà đức tin đó đi đôi với việc làm. Có thể chúng ta nói về đức tin rất mạnh mẽ, nhưng chúng ta không dám sống cho đức tin của mình. Có lẽ, có nhiều nguyên do khác nhau. Nhưng một trong những nguyên do đó là, con người đang chạy theo bởi các trào lưu học thuyết ảo và lối sống hưởng thụ ngày nay đã áp đặt lên tư tưởng của chúng ta. Hay nói cách khác, đời sống đức tin đang tha hóa bởi não trạng của sở hữu và quy về chủ nghĩa cá nhân. Cho nên, có một lỗ hổng rất lớn giữa hiểu biết và đón nhận đức tin.

Câu hỏi của Chúa Giê-su có thể đặt lại vấn đề cho mọi người chúng ta là những người mang danh Đức Kitô. Chúng ta đã và đang làm gì cho Nước Chúa được lớn lên và Lời Chúa đến với mọi người. Hơn nữa, chúng ta không thể rao truyền đức tin mà không sống và hành động đức tin của mình.

Ngày Khánh nhật Truyền Giáo là dịp để cho chúng ta nhìn lại hành trình sống đức tin của mình. Và qua đó, chúng ta tiếp tục sứ mạng của người Ki-tô và hãy noi gương của các nhà truyền giáo vĩ đại đã sống và chết cho giá trị Tin Mừng.

Thánh Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su truyền giáo qua lời câu nguyện và hy sinh nơi Dòng kín. Thánh Phan-xi-cô với cuộc đời đi rao giảng cho các dân tộc Châu Á, nhờ đó nhiều người trở về với Chúa và nhận biết Đức Kitô. Mẹ Têrêsa Calcutta truyền giáo qua việc phục vụ cho người nghèo và những người bị bỏ rơi. Các thánh tử đạo Việt Nam chết để mang lại hạt giống đức tin trên quê hương Việt Nam.

Là con cháu của các ngài, nhiệm vụ của mỗi người chúng ta hôm nay là giữ lấy kho tàng đức tin và mạnh dạn dấn thân loan truyền Tin Mừng. Như lời Chúa nói: “Các con hãy đi rao giảng Tin mừng khắp thế gian, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con giữa cuộc đời nổi trôi để con có thể sống và làm chứng cho Đức Kitô đã chết cho chúng con, và sự phục sinh của Ngài mang lại cho chúng con niềm hy vọng và hạnh phúc đời sau. Amen!

(Suy niệm của Lm. John Nguyễn)

sám hối!

Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ : “Ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị giết. Các ngươi hãy suy nghĩ. Khi cây nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu”. Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy : Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng : không ai biết cây nến của đời mình còn dài hay ngắn. (Tonne).

Thứ Bảy trong tuần 29 TNC
Lời Chúa: Lc 13,1-9:
1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Đức Giê-su đáp lại rằng : "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao ? 3 Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ? 5 Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy."

6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này : "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn : 'Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất ?' 8 Nhưng người làm vườn đáp : 'Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.'"

Mỗi người chúng ta đều là những tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Kẻ ít, người nhiều, đã là người vẫn có những lầm lỗi. Nhưng Thiên Chúa luôn xót thương con người. Ngài có giận thì giận trong giây lát, nhưng yêu thương thì yêu thương vô ngần. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy: Khi người ta đưa tin cho Ngài biết về vụ Philatô mới giết một số người Galilê, lúc họ dâng lễ, Ngài đáp lại ngay: các ngươi tưởng đó là những người tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao ? Không đâu, nếu không hối cải, các ngươi hết thảy cũng sẽ bị tiêu diệt như thế. Ngài còn nói thêm về vụ 18 người bị tháp Siloê đổ xuống đè chết và cũng kết luận: “nếu ngươi không hối cải, các ngươi cũng sẽ bị tiêu diệt y như thế”. Vậy đối với Ngài, ai cũng là tội nhân, chẳng những các người ở Galilê hay ở Giêrusalem, mà cả những người đang ở trước mặt Ngài và đang nghe Ngài nói: tất cả đều có tội.

Chỉ có điều là Thiên Chúa xót thương và còn gia hạn cho một thời gian để mời gọi người ta hoán cải. Đó là điều Chúa Giêsu muốn nói qua dụ ngôn về cây vả. Ở đây, Ngài vừa cho thấy lòng nhẫn nại lạ lùng của người chủ vườn là Thiên Chúa, vừa loan báo về tính cách khẩn trương của việc người ta phải hối cải.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết sinh hoa kết quả của việc sám hối là canh tân đời sống cho phú hợp với tin mừng của Chúa. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Thứ Điếc Bất Trị

Vừa qua, Tòa án nhân dân Tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi làm việc với ông Huỳnh Văn Nén - người nổi tiếng với biệt danh "người tù thế kỉ" xoay quanh việc bồi thường án oan sai, nhưng kết quả vẫn chẳng ra đâu vào đâu.

Hình ảnh Người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén gửi đơn tới TAND Tối cao yêu cầu bồi thường số 1

Sau khi được giải oan vào cuối năm 2015, ông Nén yêu cầu bồi thường 18 tỷ đồng cho hơn 17 năm ngồi tù oan của mình về 2 bản án song không được TAND tỉnh Bình Thuận chấp nhận.

Lý do TAND tỉnh Bình Thuận đưa ra là phải yêu cầu phía ông Nén cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ cho những khoản đòi bồi thường.

Nhưng do thời gian đi tù oan quá lâu, có nhiều khoản thiệt hại trong thời gian này không thể đưa ra được hóa đơn, chứng từ nên phía ông Nén không cung cấp được đầy đủ.


Tòa án thời nay đã khiến người dân đã mất niềm tin với chính quyền thì lại càng làm cho người dân không còn biết tìm đâu là công lý giữa một chế độ và một xã hội "cửa quyền, cửa quan và đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn". Vậy còn tòa án khi xưa thì sao???

Thủ tục tố tụng của đế quốc La-mã xưa rất khắc nghiệt. Một khi khởi tố phải theo những thủ tục rất bất nhân. Cho nên Đức Kitô nhắc nhở và khuyên cố gắng giải quyết với đối phương trước khi phải ra tòa án xét xử. Ngày phán xét cũng sẽ không khoan nhượng và rất khắc nghiệt.


Thứ Sáu tuần 29 thường niên.
Lời Chúa: Lc 12, 54-59:

Khi ấy, Chúa Giêsu phán bảo dân chúng rằng: "Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía tây, lập tức các ngươi nói rằng: Trời sắp mưa; và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió nam thổi đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế. Hỡi những kẻ giả hình, các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì phải lẽ? Thế nên, khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thoả với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan toà, và quan toà trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng".


Một trong những ơn Chúa Thánh Thần cần thiết nhất cho con người suy xét và biết rõ, phân biệt rõ, bản dịch xưa kia gọi là ơn suy biết, nay gọi là ơn minh luận. Đối với việc đời, người ta tự khoe mình có cảm thức rất rõ, giúp người ta phán đoán mọi tình cảnh, lượng định đánh giá để hành động thích hợp, như Đức Giêsu đã nói với đám đông: “Các ngươi biết nhận xét bộ mặt trời đất”.

Kết quả hình ảnh cho ơn chúa thánh thần

Thế mà “thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét”. Thời đại nước trời đã đến, được Gio-an loan báo và được Chúa tuyên bố với những dấu chỉ toàn năng của Thiên Chúa?

Thứ điếc nhất là không muốn nghe

Khi Người nói phải biết phân biệt lấy điều phải để theo, người ta lại không muốn nghe, họ không muốn nhận xét tự mình, vì lương tâm họ có thể sẽ chỉ cho họ phải theo con đường mà họ không thích. Ăn năn trở lại là nói đến thay đổi hướng đi, từ bỏ những thói quen xấu đã gắn bó với mình, nhận ra tội lỗi mình, chấp nhận mình đã bất trung, họ cự tuyệt với hành động hạ mình xuống, quả quyết từ chối nghe tiếng lương tâm của họ. Họ hoàn toàn điếc không sợ súng.

Mỗi thế hệ ở một thời điểm nhất định và tương lai tùy thuộc vào phán đoán của mình về thời đại đang sống. Ngày nay Thiên Chúa vẫn hoạt động trong đời sống chúng ta, Ngài nói với chúng ta qua những biến cố, qua những người mà chúng ta gặp. Hãy lắng nghe lời Ngài, Ngài khẩn thiết gọi ta trở về với tình yêu của Ngài. Rất nhiều khi chúng ta quay lỗ tai điếc ra nghe. Chúng ta từ chối bồi đắp cho cuộc đời mình. Chúng ta sống quá thoải mái bởi những tiện nghi. Chúng ta hãy lo ăn năn trở lại trước đi, kẻo quá trễ. Người ta lầm tưởng rằng Thiên Chúa rất tốt lành, Ngài không thể để ai bị kết án và Ngài sẽ bãi bỏ công lý. Sự cố chấp, ngoan cố làm chúng ta không muốn nghe lời Chúa, chẳng những là thứ ngu đần mà còn là một trọng tội đẩy ta đến chỗ chết đời đời.

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Lửa tình yêu!

Mới hôm qua, khu vực Núi Dinh - Tân Thành - BRVT xôn xao thông tin máy bay cháy, rơi và 3 phi công tử nạn. Trong năm 2016 này thông tin máy bay quân sự rơi tại nước việt quá nhiều, và cũng có quá nhiều câu hỏi, nghi vấn xung quanh chất lượng máy bay lẫn chất lượng phi công dù rằng đó là những đólà những phi công mang cấp hàm to bự trong quân đội...

Điều cũng "sốt" lên rằng sau khi gặp tai nạn thì câu trả lời chính xác và cần thiết nhất dành cho nhân dân vẫn không bao giờ có nhưng các "nạn nhân" này một bước được "phong" thêm quân hàm và kèm theo câu "hy sinh vì tổ quốc" trở thành những anh hùng liệt sĩ vì....

Bên cạnh đó, thông tin lũ lụt Miền Trung khiến gần 30 người thiệt mạng sẽ đi đâu về đâu khi tất cả các ban ngành chỉ thích bật thốt một câu "đúng quy trình". Và chuyện anh MC Phan Anh đang gây bão mạng chỉ một lời kêu gọi từ thiện cũng khiến các quan chức "nóng" mặt. Một đốm lửa Phan Anh đã lan rộng và bùng cháy trong trái tim mọi người dân Việt hướng về Miền Trung - một ngọn lửa của tình yêu, của sự cho đi không tính toán, không vị kỉ thì bên cạnh đó cũng là những ngọn lửa "đố kị, ganh ghét và tị hiềm" của các ban ngành mệnh danh là lãnh đạo vì tha hồ kêu gào mà chẳng dân nào đáp lời.........

Kết quả hình ảnh cho MC Phan Anh cứu trợ miền trung

Hôm nay, trong Tin mừng Chúa Giê su cũng nói đến một ngọn lửa - ngọn lửa Thánh Thần, lửa của yêu thương, lửa hâm nóng hai môn đệ trên đường Emmau đang tuyệt vọng.

Thứ Năm trong tuần 29 TNC
Lời Chúa: Lc 12,49-53:
49 "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên ! 50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất !

51 "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao ? Thầy bảo cho anh em biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. 52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. 53 Họ sẽ chia rẽ nhau : cha chống lại con trai, con trai chống lại cha ; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng."


Kết quả hình ảnh cho lửa của thánh thần

Đức Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Ngài . Ngài đến để ném lửa trên măt đất, và Ngài ước mong phải chi Lửa ấy đã bùng lên. Ngọn lửa Đức Giêsu muốn nhóm lên không phải là ngọn lửa của án phạt và hủy diệt, không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari. Đây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài, lửa Thánh Thần, lửa của yêu thương, lửa hâm nóng hai môn đệ trên đường Emmau đang tuyệt vọng.

Sự trăn trở và ước mong cho ngọn lửa ấy bừng lên dường như vẫn đang là lời mời gọi thiết tha mà Chúa muốn nơi chúng ta : “Phải chi lửa ấy đã bừng lên”. Chúa vẫn mời gọi chúng ta thực hiện niềm ước mong mà Chúa đã suốt đời ôm ấp, đó là làm cho thế giới trở nên ấm áp hơn, cho con người biết sống cho nhau và vì nhau. Cho con người biết lấy lưỡi gươm mà rèn nên lưỡi cầy. Cho công lý ngự trị và hoa bác ái nở rộ tràn lan trên mặt đất.

Nhưng, để có thể gieo rắc ngọn lửa và ánh sáng, là phải chấp nhận bị khước từ và đe dọa. Chính Chúa khi còn tại thế đã linh cảm những gì xảy ra cho đời mình. Chúa sẽ phải chịu một phép rửa kinh khủng, sẽ phải dìm mình thật sâu trong nỗi khổ đau của cô đơn phản bội.

Hôm nay, Chúa lại mời gọi chúng ta ném lửa trên mặt đất và chấp nhận đối đầu với sức mạnh của bóng tối.
Bóng tối của bất công, sa đọa và tuyệt vọng.
Bóng tối của hận thù , của chia rẽ.
Bóng tối của nghèo nàn và lạc hậu.
Bóng tối ở ngay trong lòng mình.

Bóng tối qúa dày đặc khiến chúng ta đôi khi cảm thấy sợ hãi, bất lực. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng sau đêm dài là ánh bình minh. Sau gian khó hy sinh là những ngày gặt hái tươi vui. Như Chúa khi bị treo trên thập tự giá . Khi bị giam trong mồ. Bóng tối tưởng như đã nuốt chửng được Chúa, nhưng ngọn lửa Phục sinh đã bừng lên giữa đêm đen. Đó là niềm hy vọng của chúng ta những người vẫn còn hăng say chiến đấu để đẩy lui bóng tối đang bao trùm trong gia đình, trong giáo xứ và trong môi trường chúng ta đang sống. 

Ước gì từng người chúng ta hãy can đảm cùng nhau đẩu lui bóng tối ra khỏi mọi nơi mọi chỗ, để kiến tạo một thế giới đầy ánh sáng tình thương, giúp con người nhận ra nhau là anh em mà đối xử với nhau trong tin yêu chân thành và trong bác ái bao dung.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, là ngọn lửa thiêng không bao giờ lịm tắt, xin hun nóng tâm hồn chúng con, và xoá tan những băng giá của ích lỷ đang thống trị tâm hồn chúng con. Xin xoá tan bóng tối tội lỗi đang chìm ngập tâm hồn chúng con. Xin mang lại cho chúng con ánh sáng của tin yêu và hy vọng để nhờ đó chúng con hăng say rao truyền tình yêu Chúa cho thế gian. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Tỉnh Thức Trong Phục Vụ

Danh họa Ý Leonard de Vinci có kể một dụ ngôn: Giữa một ngôi vườn xinh tươi, có một cây sồi cao, chung quanh là một rừng cây. Cây sồi ngày một lên cao ngạo nghễ. Một hôm, từ trên nhìn xuống, nó ra lệnh cho người làm vườn đốn những cây chung quanh, vì chúng làm vướng víu, quấy rầy và che bóng của nó. Và như thế, cây sồi loại hết mọi cây cỏ để chỉ còn một mình bá chủ ngôi vườn. Thế nhưng một ngày kia, một trận cuồng phong nổi lên, không còn cây cối chung quanh chống đỡ cho bớt gió, cây sồi ngả rạp giữa vườn và chết một cách thê thảm.

Số phận của những người chà đạp người khác để tiến thân cũng giống như cây sồi trong dụ ngôn trên đây. Người ta thường nói: "Trèo cao, té nặng", bởi vì để lên cao, họ đã đạp đổ tất cả người khác, đến độ khi trượt chân té ngã, họ không còn ai nâng đỡ họ.

Thứ Tư 19/10/2016 
Thánh Phaolô Thánh Giá, linh mục. Lễ nhớ.

Lời Chúa: Lc 12, 39-48:
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy hiểu biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".

Phêrô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".


Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói lên quan niệm của Ngài về quyền bính. Các Tông đồ không ngừng tranh luận với nhau về quyền bính; cái giấc mộng công hầu khanh tướng luôn ám ảnh các ông, ai trong các ông cũng muốn ngồi chỗ cao trong Vương Quốc mà họ tưởng Chúa Giêsu đã đến để thiết lập. Nhưng đối lại với tham vọng ấy, Chúa Giêsu cho thấy rằng quyền bính là để phục vụ; trong Nước Ngài, kẻ càng được trao nhiều quyền hành, càng phải là người phục vụ, mà phục vụ theo đúng nghĩa là hoàn toàn quên mình để sống cho người khác.

Do phép Rửa, người Kitô hữu chúng ta được tham dự vào chức vị vương giả của Chúa Kitô. Chúa Kitô là Vua, nhưng là Vua của phục vụ. Cung cách vương giả của Ngài là quì trước các môn đệ và rửa chân cho họ. Do đó, tham dự chức vụ vương giả của Chúa Kitô, chúng ta cũng được trao cho một thứ quyền bính, và quyền bính ấy tương đương với phục vụ. Người ta không thể là Kitô hữu, không thể là môn đệ Chúa Kitô mà lại khước từ phục vụ.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chính là phục vụ. Càng phục vụ, họ càng nhận ra được Nước Chúa đang đến; càng phục vụ, họ càng nên giống Chúa trong cung cách vương giả của Ngài. Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi nhiều. Ân sủng dồi dào mà chúng ta lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội là để san sẻ; tình yêu chúng ta cảm nhận được trong đức tin là để trao ban. Sự thức tỉnh đích thực của người Kitô hữu chính là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ, và đó cũng là hạnh phúc đích thực, vì "cho thì có phúc hơn là nhận". Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh trong hướng đi ấy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

Văn sĩ

Lướt đọc tin tức mấy ngày qua, nổi bật nhất là tình hình lũ lụt ngoài Miền Trung - nơi gọi là lỗ rốn bão lụt của Việt Nam, biết bao tấm lòng cùng hướng về Miền Trung, cùng kêu gọi, động viên và chia sẻ vật chất tinh thần và mọi người không ai bảo ai đều trở thành những nhà báo, nhà văn miêu tả sự thật đau thương nơi này - mọi người đều trở thành những văn sĩ bất đắc dĩ nhưng ngập tràn tính nhân văn, lòng thương cảm và tinh thần "lá lành đùm lá rách"...


Kết quả hình ảnh cho lũ lụt miền trung





Cũng đọc lướt qua FB, lại thấy một nhạc sĩ nổi tiếng ra tập tạp bút " những câu chuyện về đàn bà" của Tuấn Khanh cũng gây tác động đến bạn đọc. Một nhạc sĩ được gắn mác "giặc nô" đã dùng ngòi viết sắc bén của mình không chỉ để sáng tác những ca khúc hay mà còn phản ánh những hiện thực vô cùng trần trụi giữa xã hội hôm nay, thật đáng mến biết bao!


Đấy là chuyện văn sĩ thời nay. Thời xa xưa ấy, cũng có một vị lương y văn sĩ đã để lại cho Giáo hội Công giáo một kho tàng Lời Chúa bất biết với thời gian và không gian, đó chính là Thánh sử Luca mà hôm nay Giáo hội mừng kính Ngài. Thánh Luca, “người thầy thuốc yêu quý” là bạn đồng hành của thánh Phaolô và cũng là tác giả sách Tin Mừng, trong sách này người đã trình bày lòng nhân hậu của Chúa Kitô rõ ràng hơn ai hết. Người cũng viết sách Công vụ, tường thuật lại sự tiến triển của Hội Thánh sau ngày Hiện Xuống. Qua ngòi bút của con người thông thạo văn chương chữ nghĩa như người, Tin Mừng trở thành một bài thánh ca tạ ơn trong bầu khí vui tươi và lạc quan phấn khởi.


Kết quả hình ảnh cho thánh sử luca




Thực tế người ta rất ít sử liệu để viết về cuộc đời của thánh Luca, thánh sử, tông đồ. Tuy nhiên, người ta có thể dựa vào câu nói: ”Văn tức là người” để tìm hiểu về thánh Luca. Không có một sử liệu nào ghi rõ thánh Luca sinh ra ở đâu và vào năm nào. Nhưng qua nhiều tài liệu thu thập được, người ta biết được thánh Luca là một y sĩ thời danh và là một nhà văn giỏi, nổi tiếng. Dựa vào Tin Mừng và sách Công vụ tông đồ của thánh Luca, chúng ta có thể nhận định về con người của thánh Luca như sau:


Thánh Luca đã viết Tin Mừng để diễn tả tình thương xót bao la của Chúa qua nhiều dụ ngôn rất ấn tượng và đầy chất người của Ngài: ”dụ ngôn người Samaria nhân hậu, người con hoang đàng, những kẻ thu thuế, những kẻ bị những chứng bệnh nan y vv”… Thánh nhân nói về ơn cứu rỗi phổ quát và đại đồng trong Tin Mừng của Ngài. Ngài không đóng khung trong những người nhà, nghĩa là người Do Thái, người có đạo, nhưng Tin Mừng của Ngài trải dài tới mọi dân tộc và những người ngoại đạo cũng được Ngài tiếp đón ân cần. Đọc Tin Mừng của Ngài, vai trò của người nghèo được đề cao vì Chúa đã đồng hóa với những kẻ nghèo, những kẻ đơn sơ, nhỏ bé. Tin Mừng của Ngài cũng là Tin Mừng của cầu nguyện và của Chúa Thánh Thần. Thánh Luca cũng thường cho chúng ta thấy niềm vui trong Tin Mừng của Ngài; “niềm vui của Hội Thánh tiên khởi, hân hoan vì Chúa phục sinh, Chúa Thánh Thần hiện diện và cộng đoàn được tràn đầy ơn cứu rỗi”.

Kết quả hình ảnh cho thánh sử luca

Thánh Luca là một người ngoại giáo, khi thánh Phaolô rao giảng Tin Mừng ở thành Troa, Ngài xin tòng giáo, lãnh nhận bí tích rửa tội, xin làm môn đệ thánh Phaolô và theo Ngài đi loan báo Tin Mừng trong nhiều năm liền. Khi thánh Phaolô bị bắt, chúng ta không còn biết gì về quảng đời cuối cùng của Ngài nữa. Theo nhiều tài liệu, và chứng cớ tìm được ở Constantinople, thánh Luca đã rao giảng Tin Mừng cứu độ ở Achaie, Béoti và sau này được đặt làm giám mục Thébes. Theo một sử liệu đáng tin cậy, thánh Gaudence de Brescia quả quyết rằng thánh Luca đã cùng đượcphúc chịu tử vì đạo với thánh Anrê tại Patras thành Achaie.

Thánh Luca đã để lại cuốn Tin Mừng rất giá trị nói lên tình thương vô biên của Thiên Chúa với cách hành văn thật trong sáng, cảm động và với một lối viết văn thật rõ ràng, gợi cảm. Ngài cũng trình bầy cho nhân loại hiểu về sinh hoạt đầy niềm vui của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, cho thấy Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và luôn hành động, luôn hướng dẫn và soi sáng cho Giáo Hội.

Mừng lễ thánh Luca tông đồ, thánh sử, chúng ta cảm tạ tri ân Thiên Chúa vì đã ban cho Giáo Hội một vị thánh lừng danh đã để lại cho nhân loại cuốn Tin Mừng và cuốn công vụ tông đồ tuyệt hảo. (Lm. Nguyễn Hưng Lợi)


Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

Tích trữ kho tàng Nước Trời!

Cuối tháng 6 năm 2012, một người đàn ông tên là Walter Samaszko Jr. ở thành phố Carson, bang Nevada, Mỹ đã tử vong đến bốc mùi. Theo hàng xóm, Walter là một người sống ẩn dật, ghét chính quyền và ít giao tiếp với láng giềng. Các nhân viên điều tra cho biết, người đàn ông 69 tuổi đã qua đời ít nhất một tháng trước đó vì đau tim.

Khi đến dọn dẹp ngôi nhà ông Walter, đội vệ sinh phát hiện nhiều hộp chứa vàng trong gara. Số "kho báu" gồm nhiều tiền vàng, vàng thỏi, đồng peso, miếng vàng trị giá 20 USD, tiền vàng Australia, tiền Nam Phi và tiền Anh hết hạn từ những năm 1840. Số vàng này nhiều đến mức nhét đầy 2 xe thồ nhỏ
Giới chức cho hay, Samaszko sống cùng mẹ ở ngôi nhà 3 phòng ngủ từ thập niên 1970 và bắt đầu thu thập vàng từ thời gian đó. Cơ quan thuế sẽ thu 750.000 USD và số còn lại thuộc về người anh em họ là một trợ giảng ở San Rafael, California. Ngoài ra, ngôi nhà đang được rao bán với giá 105.000 USD.

Thứ Hai trong tuần 29 Thường niên C
Lời Chúa: Lc 12,13-21:
13 Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng : "Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi." 14Người đáp : "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?" 15 Và Người nói với họ : "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu."

16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này : "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, 17 mới nghĩ bụng rằng : 'Mình phải làm gì đây ? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu !' 18 Rồi ông ta tự bảo : 'Mình sẽ làm thế này : phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. 19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng : hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !' 20Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta : 'Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?' 21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó."

Con người có khuynh hướng tạo an toàn cho mình, bằng tiền bạc, bằng bảo hiểm, bằng dự trữ v.v. Nhưng tất cả những thứ mà con người tưởng là an toàn ấy có thể sụp đổ tan tành trong một sớm một chiều. Đôi khi vì những của cải ấy khiến chúng ta mất bạn bè, mất niềm vui. Và đôi khi khiến chúng ta thành kẻ bủn xỉn, ích kỷ và ti tiện.

Ông Walter đã có tiền, có vàng, nhưng xem ra ông không có niềm vui. Ông là một người cô độc. Ông không tin ai kể cả chính quyền lẫn anh em, bè bạn . . . Ông đã chết cô đơn bên đống tiền vô tri của mình.

Như thế sự an toàn của con người không nằm trong tầm tay của con người. Nó càng không nằm trong tiền bạc. Nó nằm trong bàn tay của Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới làm chủ vận mạng cuộc sống của chúng ta. Do đó an toàn nhất là “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” .

Xin cho chúng ta luôn biết tích luỹ gia tài trên trời hơn là gia tài phù vân trần gian. Xin cho chúng con đừng quá tham lam tiền tài mà đánh mất hạnh phúc nước trời mai sau. Amen

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

TIN VÀO LỜI CẦU NGUYỆN

Ai có dịp đến hành hương Đức Mẹ Lavang, Tapao hoặc viếng Cha Bửu Diệp, có thể dễ dàng nhận ra những người đến đó không phải là người Kitô hữu, nhưng là những người dân ngoại. Nhiều người đã để lại những tấm bia tạ ơn cùng với lòng xác tin rằng lời cầu nguyện của họ đã được nhận lời, dù họ chưa biết Chúa và Đức Mẹ, nhưng họ đến với một tấm lòng thành và họ đã được ơn.

Cầu nguyện là hơi thở của người có đạo, là nâng tâm hồn lên tới Chúa và là trải lòng ra trước mặt Chúa. Đó là những định nghĩa về việc cầu nguyện, nhưng thông thường cầu nguyện vẫn là gặp gỡ cầu xin cùng Thiên Chúa ban ơn trợ giúp. Cầu xin là tâm tình chung của nhiều người, vì họ tin rằng Thiên Chúa là đấng quyền năng, làm chủ mọi loài mọi vật, Ngài có thể làm được tất cả. Cầu xin còn là thể hiện sự khiêm tốn, nhìn nhận thân phận giới hạn thấp kém của con người trước mặt Thiên Chúa và sẵn sàng phó thác mọi sự cho Chúa. Đó cũng là những tâm tình phải có, mà hôm nay, lời Chúa nhắc lại cho chúng ta.

Lời cầu nguyện với niềm tin, có sức mạnh vô song. Câu chuyện sách Xuất Hành kể là một minh chứng. Lúc đó dân do Thái đang chuẩn bị bước vào đất hứa thì đã bị những người Amalêch tấn công. Ông Môsê đã phân công cho ông Giosuê dẫn một số người ra đương đầu với giặc, còn Mosê tiến lên đỉnh đồi, tay cầm gậy của Thiên Chúa, giang tay cầu nguyện. Trận chiến diễn ra không phải do tài quân sự của Giosuê, nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào lời cầu nguyện của Môsê. Vì, khi nào ông Môsê giơ tay lên thì quân Israel thắng thế, khi nào ông hạ tay xuống, thì quân Amalêch thắng thế. Cho đến chiều, người ta đã phải lấy hòn đá cho ông Môse ngồi và hai người đưa vai kê hai tay của Môsê cho đỡ mỏi cho đến tối. Quân Israel đã chiến thắng. Như thế, không phải Giosuê cùng với quân lính đánh trận mà là chính Mosê đã dùng lời cầu nguyện để đương đầu với quân Amalêch. Lời cầu nguyện của Mose có sức mạnh phá tan quân địch.

Câu chuyên cũng cho thấy, trong vai trò là một người lãnh đạo, là người trung gian giữa Thiên Chúa và Israel, Mose vẫn cần có sự cộng tác giúp đỡ của các cộng tác viên. Trong cuộc cầu nguyện này, chính những cộng tác viên đã giúp lấy hòn đá cho Mose ngồi và còn đưa vai đỡ lấy cánh tay của ông, để lời cầu nguyện của Mose được liên tục dâng lên Chúa từ sáng tới chiều tà. Điều đó cho thấy, sự liên đới hỗ trợ nhau trong việc cầu nguyện là điều cần thiết và là việc đem lại kết quả. Không phải chỉ những linh mục tu sĩ mới là những người cầu nguyện, mà các cộng tác viên, các tín hữu là những người cùng cầu nguyện với các vị đó.


CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN C
Lời Chúa: Lc 18, 1-8:

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: 'Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù'. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: 'Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc'".

Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"



Nếu như bài đọc một nói lên sức mạnh của lời cầu nguyện, thì bài Tin Mừng Chúa Giêsu nói đến việc kiên trì, tin tưởng trong lời cầu nguyện. Có một quan tòa không kính sợ Chúa, cũng chẳng nể ai. Vậy mà, có một bà góa đến năn nỉ ông, xin ông xét xử cho, lúc đầu ông làm ngơ, nhưng vì bà góa này kêu nhiều, nên ông nói: Dù ta không kính sợ Thiên Chúa, không coi ai ra gì, nhưng bà góa này quấy rầy quá, ta xét xử cho rồi vì bà này làm ta nhức óc. Chắc chắn Thiên Chúa không giống như vị quan tòa, Chúa Giêsu chỉ muốn so sánh rằng: Dầu một quan tòa bất chính, mà còn xét xử cho bà góa theo lời van nai của bà, thì Thiên Chúa không thể làm ngơ trước lời kêu xin của con cái Chúa.

Thiên Chúa là cha yêu thương, không có người cha nào có thể làm ngơ khi thấy con mình té ngã kêu khóc, mà không ra tay cứu giúp. Thiên Chúa là cha giàu lòng thương xót, là Thiên chúa hay chạnh thương, Ngài biết chúng ta đang cần gì và Ngài không thể từ chối chúng ta khi chúng ta chạy đến với Ngài. Chúng ta cầu xin mà chưa được nhận lời, vì có thể Chúa muốn rèn luyện lòng tin và sự kiên nhẫn của chúng ta. Sự chậm trễ của Thiên Chúa là cách thế Chúa muốn chúng ta cầu nguyện nhiều hơn nữa. Có thể, chúng ta không được như chúng ta xin, là vì những điều chúng ta xin không có ích lợi cho linh hồn chúng ta. Chúng ta cứ muốn Chúa phải ra tay làm phép lạ ngay tức khắc, giải gỡ khó khăn mà quên rằng Chúa đang ban ơn trợ giúp và sức mạnh để chúng ta có thể vượt qua khó khăn thử thách. Khi cầu nguyện chúng ta thường muốn Thiên Chúa làm theo ý mình, mà quên rằng chúng ta phải nhận ra và làm theo ý Chúa.

Lối sống ngày nay được gọi là “lối sống mì ăn liền”, người ta muốn có ngay những gì người ta cần hoặc muốn, vì thế con người dễ bị cảm dỗ nản chí hoặc thất vọng khi cầu nguyện. Ma quỷ nó nói với người tín hữu rằng: Ông bà cầu nguyện làm gì cho tốn công, Chúa không nhận lời đâu! Anh chị tội lỗi lắm, không xứng đáng để Chúa nhận lời đâu! Tôi bận rộn, làm ăn tối ngày, làm gì có giờ mà cầu nguyện! Những cám dỗ này nhắm kéo chúng ta xa lìa khỏi việc cầu nguyện mỗi ngày và dần dà kéo chúng ta xa Chúa. Ma quỷ không muốn chúng ta cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, nó cám dỗ chúng ta cậy dựa vào sức của mình và những của cải vất chất hơn là Thiên Chúa.

Thực tế nhiều người tin Chúa nhưng lại không cầu nguyện, nếu có cầu nguyện thì cũng chỉ là cầu xin Chúa đáp ứng những nhu cầu vật chất trước mắt. Đời sống đạo không cầu nguyện là một đời sống èo uột, thiếu sức sống; một người tín hữu dễ nản lòng, dễ buống xuôi trong đời sống đạo là người tín hữu thiếu chiều sâu đức tin. Cầu nguyện là thiết lập tương quan cá nhân với Thiên Chúa, là sống tình cha con đối với Thiên Chúa. Nhiều người ngày nay đã mất thói quen cầu nguyện, đọc kinh, họ cho rằng việc đọc kinh cầu nguyện là của người già và trẻ nhỏ. Nghĩ như thế là hết sức sai lầm và rơi vào cạm bẫy của ma quỷ.

Cuộc sống vật chất ngày cảng khá lên, khoa học ngày càng phát triển càng khiến cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ bỏ qua việc cầu nguyện, vì nghĩ rằng khoa học và tiền bạc giải quyết được tất cả. Những ý nghĩ như thế đang đục khoét tâm hồn nhiều người trẻ và biến họ trở thành những con người hời hợt trống rỗng, sống không mục đích không chiều sâu. Họ tôn thờ tiền bạc và khoa học và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.

Cầu nguyện là dám phó thác đời mình trong tay Chúa, là gieo mình vào vòng tay Chúa, dù có những lúc thật tăm tối mịt mù. Người ta kể câu chuyện: Đang đêm, ngôi nhà gỗ của hai vợ chồng bốc cháy ngùn ngụt. Vừa phát hiện lửa cháy, hai vợ chồng đã vội lao ra khỏi cửa. Lúc đó, họ chợt nhớ còn đứa con trai ba tuổi đang ngủ trên gác. Lửa đã cháy bịt kín lối vào, hai vợ chồng không thể chạy vào cứu cậu con trai còn mắc kẹt trong nhà. Bỗng từ cửa sổ trên căn gác, cậu bé thò cổ ra ngoài và kêu lớn: Ba ơi cứu con với! Không biết làm thế nào, người cha trả lời: Con cứ nhảy xuống đi. Đứa bé lại kêu lên: Con sợ lắm. Người cha động viên: Con đừng sợ, cứ nhảy xuống đi. Đứa bé trả lời: Nhưng nhiều khói lắm, con không nhin thấy ba. Người cha lại nói vọng lên: Con không nhìn thấy ba, nhưng ba nhìn thấy con, con cứ nhay xuống đi. Thế là đứa bé đã mạnh dạn nhảy xuống, và người cha đã đưa tay ra chộp được cậu bé. 

Ta không nhìn thấy Chúa, nhưng Chúa vẫn nhìn thấy ta. Chỉ có điều ta có dám nhảy vào lòng Ngài không mà thôi. Amen

Lm.Giuse Đỗ Văn Trí

trọng tội!

Ông Charles Darwin, khi về già đã tâm sự: lúc còn trẻ, ông cũng rất yêu thích thi ca và âm nhạc, thế nhưng, công việc nghiên cứu đã chiếm hết thời giờ của ông. Dành trọn cuộc đời cho sinh vật học, cho nên ông đã mất dần khả năng thưởng thức thi ca và âm nhạc, đến nỗi về sau, thi ca đối với ông chỉ còn là những lời vô bổ và âm nhạc chỉ là những tiếng động ồn ào mà thôi. Cuộc đời ông đã thiếu hẳn vẻ tươi mát và trẻ trung. Thế nên, nếu được sống lại tuổi trẻ lần nữa, ông sẽ dành thời giờ tìm đến thi ca và âm nhạc, để khỏi mất đi khả năng thưởng thức chúng, một khả năng gíup cho cuộc đời thêm hương vị.

Lời tâm sự của Charles Darwin giúp chúng ta hiểu thêm phần nào về tội phạm đến Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng hôm nay.

Thứ Bảy trong tuần 28 TNC
Lời Chúa: Lc 12,8-12:
8 "Thầy nói cho anh em biết : phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. 9 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.
10 "Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha ; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.

11 "Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, 12 vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói."

Nếu trong con người của Darwin có những sở thích về thi ca, âm nhạc, nhưng vì không chịu tiếp xúc với các môn ấy khiến ông mất dần khả năng thưởng thức thi ca, âm nhạc, để rồi chúng trở thành vô bổ đối với ông. Cũng thế, trong mỗi người chúng ta đều có những khát vọng về chân lý, nhưng chính thái độ bịt tai nhắm mắt trước sự thật đã khiến con người mất dần khả năng cảm nhận sự thật để rồi đối với họ sự thật chẳng còn giá trị gì. Chúa Thánh Thần là Chân Lý, nhưng nếu đứng trước Ngài, con người vẫn giữ thái độ cố chấp, thì dù Ngài là Ðấng giúp con người hiểu biết và đi tìm chân lý, Ngài cũng đành bó tay. Không tìm đến với nguồn chân lý, làm sao con người có thể nhận được ơn tha thứ?

Cha ông ta vẫn nói “minh tri cố phạm”, biết rõ mà vẫn phạm thì sẽ không được tha. Và như thế, tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội không được tha vì Chúa luôn nói trong ta nhưng chúng ta đã cố tình không nghe theo tiếng nói của lương tâm, tiếng nói của chân lý thì chúng ta không đáng được ơn tha thứ.

Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa trong sự thật, trong lương tâm ngay lành, trong lẽ phải. Xin cho chúng ta vượt thắng những đam mê đang trói buộc khiến chúng ta không còn khả năng vâng theo thánh ý Chúa. Amen

Lạy Chúa, chúng con ao ước được nên hoàn thiện như Chúa. Xin cho chúng con luôn can đảm vượt thắng tội lỗi và làm chủ tư tưởng ước muốn của mình đi theo lề luật của Chúa. Xin đừng để những đam mê lầm lạc tách lìa chúng con ra khỏi tình yêu của Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

đừng sợ!

Thánh Justinô là một triết gia nổi tiếng của Kitô giáo vào thế kỷ thứ 2; ngài đã bị bắt giam tại Rôma cùng với một số Kitô hữu khác, vì tội tuyên truyền tôn giáo trong trường học do ngài điều khiển. Ra trước tòa, khi được hỏi về hành động của mình, thánh nhân dõng dạc tuyên bố:

- Suốt đời tôi, tôi đã đi tìm kiếm chân lý; tôi đã nghiên cứu sâu xa các triết lý Ðông Phương, Hy Lạp và Rôma; thế nhưng cuối cùng tôi đã tìm được giáo thuyết chân thật.

Quan tòa liền hỏi giáo thuyết chân thật đó là gì? Thánh nhân giải thích:

- Thưa là giáo thuyết của Chúa Giêsu Nazaret, giáo thuyết này nhằm giải phóng chúng ta khỏi các ngẫu tượng và dạy chúng ta thờ phượng một Thiên Chúa độc nhất, hằng sống và chân thật, là Ðấng tạo thành trời đất, là Ðấng cứu rỗi nhân loại.

Quan tòa lại hỏi:

- Vậy ông là một Kitô hữu ư?

Thánh nhân liền tuyên xưng:

- Phải, tôi là một Kitô hữu và tôi lấy làm vinh dự được làm Kitô hữu cùng với các bạn tôi đây.

Quan tòa ra lệnh cho thánh nhân và các bạn của ngài phải tế thần, thánh nhân trả lời một cách cương quyết:

- Chúng tôi không tôn thờ ngẫu tượng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi là những người vô thần. Chúng tôi thờ lạy một Thiên Chúa thiêng liêng, Cha của Chúa Giêsu. Một người có đầu óc lành mạnh không thể từ bỏ tôn giáo chân thật để chạy theo một tôn giáo giả.

Thấy không thể thuyết phục được thánh nhân bỏ đạo, quan tòa ra lệnh đánh đòn rồi xử trảm thánh nhân và các bạn.

Thứ Sáu tuần 28 thường niên
Lời Chúa: Lc 12, 1-7:

Khi ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau, nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: "Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình. Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà. "Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Ðấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Ðấng ấy. "Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ".


Ðứng trước cái chết, ai cũng run sợ. Chúa Giêsu đã không thoát khỏi tâm trạng ấy: Ngài run sợ đến toát mồ hôi máu. Vậy đâu là sức mạnh giúp Chúa Giêsu thắng vượt sự sợ hãi ấy? Thưa, chính là sự kết hiệp với Chúa Cha. Niềm tín thác vào sự hiện diện và tình yêu của Chúa Cha đã giúp Chúa Giêsu thắng vượt mọi thử thách và yếu hèn trong thân phận làm người.

Ðó cũng là bí quyết của tất cả các thánh tử đạo. Sách Công vụ Tông Ðồ kể lại đầy đủ chi tiết cái chết của vị tử đạo tiên khởi là thánh Stêphanô. Thánh nhân cũng phải trải qua những giây phút kinh hãi như chính Chúa Giêsu; nhưng sách Công vụ Tông đồ mô tả thái độ của ngài như sau: "Ngài được đầy Thánh Thần, đăm đăm nhìn trời cao thấy vinh quang của Thiên Chúa và thấy Chúa Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa". Chỉ bằng một ánh mắt luôn hướng về trời cao như thế, con người mới có thể lướt qua thử thách và sợ hãi. Thánh Justinô đã có được sự bình thản trước cái chết, bởi vì ngài luôn tin tưởng vào Thiên Chúa hằng sống và chân thật.

Nhìn lại cung cách của một số vị tử đạo, chúng ta có được sức mạnh của Lời Chúa trong đời sống con người. Sứ điệp Tin Mừng hôm nay tập trung vào hai chữ: "Ðừng sợ" được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần. Ðây chính là một mệnh lệnh của Chúa Giêsu chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng. Trong biến cố Truyền tin, thiên sứ đã nói với Ðức Maria: "Ðừng sợ". Khi Chúa Giêsu sinh ra, các thiên sứ đã loan báo tin vui bằng lời trấn an các mục đồng: "Ðừng sợ". Ðây là công thức sẽ được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần với các môn đệ, và cao điểm là lúc Ngài tuyên bố: "Các con đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian".

Khi được bầu làm Giáo Hoàng, trong diễn văn đầu tiên tại quảng trường thánh Phêrô, Ðức Gioan Phaolô II đã dõng dạc tuyên bố: "Ðừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô". Thật thế, khi con người mở rộng cửa cho Chúa Kitô, khi con người để Chúa Kitô sinh động trong tâm hồn, khi con người chỉ sống bằng sự sống của Chúa Kitô, thì lúc đó con người sẽ lướt thắng được mọi sợ hãi, và chỉ lúc đó, con người mới có thể lên tiếng công bố Lời Chúa cho mọi người.

Nguyện xin sức sống của Chúa Kitô tràn ngập tâm hồn chúng ta, để cả cuộc đời chúng ta trở thành lời ca tụng Chúa trước mặt mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)