Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

CHÚA CHÍNH LÀ ÁNH SÁNG!


Một người đi trong đêm tối, tay cầm chiếc lồng đèn. Một khách qua đường chặn ông lại và hỏi: - Anh cầm chiếc lồng đèn để làm gì, bởi vì nghĩ cho cùng, anh chỉ là người mù mà!

- Để cho kẻ khác thấy tôi và không đụng vào tôi. Người mù trả lời và tiếp tục đi.

Một ngọn gió nhẹ thổi qua làm tắt ngọn đèn, rồi anh bị một người đi đường khác đụng mạnh té lăn trên đường. Người mù bực mình la lớn: -Anh không nhìn thấy đèn của tôi sao ?

- Nhưng thưa ông, chiếc đèn của ông đã bị tắt rồi mà!

Anh bèn thắp lại đèn và tiếp tục đi. Lần này, anh giữ đèn cẩn thận để khỏi bị gió thổi tắt. Đi được một quãng, anh lại bị đụng ngã. Anh liền phản ứng quyết liệt: -Anh không thấy ngọn đèn của tôi cháy sáng hay sao?

- Xin lỗi ông, tội nghiệp cho tôi quá, vì tôi bị mù.

Quả thật, người mù đã làm hết cách, nhưng vẫn không thể làm sáng mình, anh vẫn lẩn quẩn trong thế giới mù lòa.

Chúng ta chỉ dựa vào mình, thì chúng ta cũng chỉ lẩn quẩn trong giới hạn của mình, ngay cả khi chúng ta tự hào về những văn minh tiến bộ, thì coi chừng đó cũng chỉ là anh mù cầm đèn sáng mà nghĩ rằng mình thấy đường. Chỉ có Chúa mới là Đấng mở mắt cho chúng ta được thấy.

Con người thường tưởng mình thấy nhiều chuyện, nhưng thật ra nhìn mình không thấy nhiều cái lắm: “Có mắt mà như mù”. Và mù trên tất cả là không thấy mình đang sống nhưngười mù: sống mà không biết tại sao mình sống? Mình sống để làm gì? Cuộc sống này sẽ đi về đâu?

nguoi mu 1.jpg


Thứ Năm tuần 8 Thường Niên C
Lời Chúa: Mc 10, 46-52:

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ, và một đám đông, thì có con ông Timê tên là Bartimê, một người mù ăn xin đang ngồi ở vệ đường. Khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nagiarét, liền kêu lên rằng: "Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi". Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: "Hỡi con vua Ðavít , xin thương xót tôi".

Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh". Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: "Anh muốn Ta làm gì cho anh"? Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy". Chúa Giêsu đáp: "Ðược, đức tin của anh đã chữa anh". Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.

Còn anh mù trong Tin mừng hôm nay lại khác. Anh thấy nhiều cái mà người khác không thấy. Anh thấy Đức Giêsu là Con Vua Đavít, là Đấng Mêssia. Anh thấy quyền năng của Đức Giêsu có thể giúp đỡ anh một cái gì khác hơn là vật chất, tiền bạc. Anh thấy tình trạng khốn khổ của mình.

Vì thế, có một sự trái ngược, anh mù thấy được nhiều cái mà người sáng mắt không thấy. Và tiếng kêu: “Lạy Thầy, xin cho con được thấy” là một tiếng kêu của lòng tin. Thế là anh được Chúa cứu: “Lòng tin của anh cứu chữa anh”. Ngài mời gọi anh không những đến với Ngài mà con đi theo Ngài.

Chúa đã kêu mời ta: “Anh em là ánh sáng thế gian”. Chúng ta chỉ là Kitô hữu đích thực khi ta là ánh sáng thế gian. Kinh Năm Thánh 2000, Đức cố Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cầu “xin cho các môn đệ Đức Kitô được tỏa sáng, nhờ biết yêu thương những kẻ nghèo hèn và những người bị áp bức”.

Nếu ánh sáng không còn khả năng chiếu sáng, ánh sáng ấy trở thành tăm tối. Chúng ta hãy chiếu sáng bằng những việc làm của ánh sáng. Một cuộc sống đầy gương sáng, một lời nói nâng đỡ ủi an, một nụ cười cảm thông, một đường hướng đưa ra để đồng hành.

Đó chính là những việc làm của ánh sáng mà những người chung quanh đang chờ đợi ở chúng ta và chúng ta cũng tin rằng: một ánh lửa càng được chia sẻ bao nhiêu thì càng được đốt sáng lên và tỏa lan bấy nhiêu.

Xin Chúa cho chúng ta biết phản chiếu ánh sáng của Ngài trong cuộc đời ta, vì chỉ có Chúa là Sự Sáng, là Tình Yêu, là Chân Lý và là Sự sống cho con người dõi bước theo.

Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

Cộng tác!

Disney và Roy là hai anh em, mỗi người có một biệt tài và họ đã sớm nhận ra tài năng của nhau. Disney là họa sĩ, còn Roy là một doanh nhân. Họ phân công với nhau: Roy lo sản xuất và tiêu thụ. Disney thì tập trung vào sáng tác. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ này, hai anh em đã tạo được sự nghiệp lớn lao.

Hay người ta thường so sánh khả năng làm việc nhóm giữa người Việt Nam và người Nhật Bản, kết quả như sau:

Cùng một công việc, một người Việt và một người Nhật, người Việt hơn hẳn người Nhật.

Hai người Việt làm việc với nhau và hai người Nhật làm với nhau, kết quả bằng nhau.

Ba người Việt làm việc chung và ba người Nhật làm việc chung, thì ba người Nhật hơn hẳn về chất lượng cũng như tinh thần cộng tác.

Tại sao vậy? Thưa không phải người Việt không nhận ra khả năng của nhau! Cả người Việt và Nhật đều nhận ra khả năng của người đối diện. Tuy nhiên, về sự trân trọng tài năng và sử dụng chất xám trong khi làm việc chung thì người Nhật bỏ xa chúng ta!

Nhận ra tài năng của người khác là việc ai cũng có thể làm, nhưng thành thật nhìn nhận tài năng và cùng cộng tác với người khác là điều không dễ thực hiện. Ðó cũng đã là tâm trạng của các môn đệ Chúa Giêsu. Họ khám phá có người nhân danh Chúa để trừ quỷ, nhưng người này lại không thuộc nhóm của họ, thế là họ ngăn cấm người ấy, Chúa Giêsu trả lời: "Ðừng ngăn cấm người ta... Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta".

Thứ Tư tuần 7 thường niên
Lời Chúa: Mc 9, 37-39:

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo ta, và chúng con đã ngăn cấm y". Nhưng Chúa Giêsu phán: "Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con".

Qua suốt dòng lịch sử, đặc biệt từ Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội không ngừng đẩy mạnh sự hợp nhất giữa các Giáo Hội Kitô, hoặc trong chính nội bộ của mình. Nhu cầu của Giáo Hội thật đa diện, cần có sự đóng góp của nhiều người mới mong đáp ứng đầy đủ. Những khác biệt trong Giáo Hội là vẻ đẹp muôn mầu muôn sắc, nếu tất cả múc lấy nguồi suối từ Chúa Giêsu và sức mạnh từ Thánh Thần.

Đây cũng chính là tâm trạng, thái độ của các môn đệ khi thấy người khác làm việc tốt hơn mình, nhưng chỉ vì họ không thuộc về nhóm của các ông, nên các ông tìm cách ngăn cấm họ.

Với Đức Giêsu thì khác. Khi thấy thái độ kỳ thị của các ông, Ngài đã dạy cho họ bài học về sự hiệp nhất trong đa dạng khi nói: “Đừng ngăn cấm người ta… Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Qua câu nói đó, Đức Giêsu muốn dạy các ông bài học về sự đa dạng trong Vương Quốc của Đức Giêsu. Đồng thời cũng mời gọi các ông biết đón nhận những sự khác biệt đó như là một cơ hội để học hỏi và cùng nhau chung tay xây dựng Nước Trời.

Ngày nay, trong đời sống thường nhật, có lẽ nhiều khi chúng ta mong muốn được nhiều người tôn trọng mình và coi thường người khác. Hay có khi chúng ta tìm cách thổi phổng uy tín dởm của mình và luôn tìm cách đạp đổ danh thơm tiếng tốt của đối phương. Hoặc có những lúc chúng ta không ưa ai thì cho dù người đó có tốt lành, gương mẫu thế nào đi nữa, trước mắt và trong lối suy nghĩ của ta, họ chỉ là “con ông nọ, con bà kia ý mà”!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có được trái tim rộng mở như Chúa, để chúng con biết nhìn thấy điều tốt đẹp nơi anh chị em của mình, và cùng nhau cộng tác nhằm góp phần xây dựng sự hiệp nhất cho Vương Quốc của Chúa trên trần gian. Amen.

(http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20160512152037)

“TÔI TỚ CỦA CÁC TÔI TỚ”



Có lẽ không lúc nào hơn tình hình chính trị tại Việt Nam căng thẳng như những tháng ngày vừa qua. Vụ cá chết hàng loạt tại các tỉnh Miền Trung như giọt nước làm tràn ly đối với người dân khi niềm tin dành cho chính quyền đã trở thành con số không và hàng loạt các vụ biểu tình đã xảy ra.

Kết quả hình ảnh cho biểu tình ở việt nam

Một đất nước với nền chính trị độc tài và tư tưởng "nhà nước của dân, do dân, vì dân" "Đảng là nô bộc của nhân dân" đã bị biến chất cách thảm hại và giờ đây trước thềm bẩu cử và nhất là chuyến thăm ngoại giao Việt Nam của Tổng Thống Mỹ như là một "cứu cánh" mà các tầng lớp nhân dân Việt biểu tình bám víu với hy vọng sẽ thay đổi được chút gì đó, nhưng "máu đã đổ, đàn áp liên tục" dù rằng dân chỉ muốn được biểu tình trong ôn hòa cũng bị ghép ngay tội "phản động"...

Nhìn vào tình hình chính trị Việt Nam và nhìn sâu hơn một chút cái gọi là "đầy tớ" của nhân dân thì dường như đã từ lâu, chúng ta rất quen với cụm từ: “Tôi tớ các tôi tớ” được ký bởi thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sau mỗi văn kiện hay tông huấn...

Và trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi người môn đệ của mình phải có và giữ được đức khiêm tốn khi nói: “Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người”.

Thứ Ba tuần 7 thường niên

Lời Chúa: Mc 9, 29-36:

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.

Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: "Dọc đàng các con tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất.

Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". Và Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy".

Muốn làm lớn và trở thành người lãnh đạo là cái mộng của con người mọi thời không từ ai. Chính các môn đệ là những người được ở gần Đức Giêsu, nghe và chứng kiến những việc Ngài làm, tất cả toát lên sự khiêm nhường tột cùng. Tuy nhiên, các ông vẫn không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của quyền lực đầy hấp dẫn đang mời gọi các ông qua con người có tên là Giêsu. Đấng mà các ông vẫn đang hy vọng được hưởng đặc quyền đặc lợi khi Ngài đứng lên lật đổ chế độ và thiết lập một vương quốc theo kiểu trần thế.

Nhưng với Chúa Giêsu, Ngài đã làm một cuộc "cách mạng", người làm lớn sẽ là người hầu hạ kẻ khác; muốn làm được điều đó, phải có tâm hồn trẻ thơ. Ngài đã dạy các môn đệ và cũng là chính mỗi người chúng ta một bài học về sự khiêm nhường và phục vụ. Người lãnh đạo thì phải phục vụ dân, không được lạm quyền, mỵ dân và a dua, nịnh hót, mà làm những việc bất nhất trái lương tâm. Cha mẹ thì phải yêu thương chăm sóc con cái. Con cái phải kính trọng cha mẹ, nhất là khi các ngài lớn tuổi.

Lạy Chúa Giêsu. Trong thế gian này ai cũng muốn có được những cái nhất cho mình, đứng đầu, trên mọi người để tư lợi, giàu có và quyền hành để được mội người hầu hạ và phục vụ. Xin Chúa thương ban cho chúng con có những vị lãnh đạo xã hội cũng như trong tôn giáo, mang tinh thần lãnh đạo như Chúa đã dạy cho các Tông Đồ khi xưa.

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

LỊCH SỬ TƯỢNG ĐỨC MẸ FATIMA

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cung hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ Maria vào ngày 13 Tháng Mười này, trong dịp cử hành Ngày Thánh Mẫu và trước bức tượng Đức Mẹ Fatima, là bức tượng nguyên thủy được đưa đến từ thánh địa Fatima, Bồ Đào Nha.


Một sự lạ lùng đã xảy ra trong suốt cuộc thánh du này, được gọi là phép lạ ‘Chim Bồ Câu’ theo ngôn ngữ cuả Cha Oliveira, một linh mục Mỹ tham dự cuộc thánh du, lời chứng của Ngài tóm tắt như sau:


3 con chim bồ câu được người ta tung lên trong buổi lễ ở một thị xã gọi là Bombazral gần Fatima, đã không bay đi mà đã bay vòng vòng nhiều lần rồi xà xuống nằm dưới chân bức tượng, không ăn uống trong suốt 2 tuần lễ và cũng không rời chỗ cho dù có nhiều tiếng kèn trống inh ỏi cuả hàng chục ban nhạc. Báo chí Bồ đào Nha đã bàn luận và thêu dệt ồn ào về hiện tượng lạ lùng này. Khi đến nhà thờ Chính Toà ở Lisbon, trong buổi lễ nghinh đón có nhiều giám mục tham dự, ngay lúc vị chủ tế đọc lời truyền phép Thánh Thể thì 2 con chim đã bất ngờ quạt cánh bay lên và đáp xuống hai bên bàn thờ, nằm phủ phục như thể chiêm bái Mình Thánh Chuá vậy và chúng đã nằm như vậy cho đến hết buổi lễ, còn con thứ ba thì trong lúc hiệp lễ đã đậu trên vương miện cuả Đức Mẹ, giang đôi cánh ra rất lâu trông giống như một thiên thần. Sau buổi lễ, chúng bay đi mất.

Bức tượng được đưa về Fatima và được cung nghinh trong các cuộc rước trọng thể, đặc biệt là các ngày 13 tháng 5 và 13 tháng 10 mỗi năm.

Ngoài bức tượng nguyên thủy vừa kể, còn có 2 bức tượng gỗ khác gọi là tượng Thánh Du, lai lịch như sau:


Để đáp ứng với những yêu cầu muốn được thực hiện các cuộc thánh du ở nhiều nơi trên Thế Giới, Đức Giám Mục cuả Fatima đã viết thư cho chị Lucia có ý muốn gửi bức tượng ‘nguyên thủy’ đi, nhưng chị Lucia đã khuyên nên dùng một bức tượng khác đang được nhà điêu khắc trứ danh là Jose Thedim thực hiện theo lời mô tả cuả chị. Và do đó một bức tượng thứ hai được gọi là tượng ĐM Fatima Thánh Du Quốc Tế (International Pilgrim Virgin Statue of Our Lady of Fatima) đã được làm phép và gửi đi vào ngày 13 tháng 5 năm 1947. Bức tượng Thánh Du Quốc Tế này còn có tên gọi là Bức Tượng Fatima Trái Tim Vô Nhiễm vì tượng có hình trái tim Mẹ. Bức tượng từng qua thăm Miền Nam Việt Nam từ 1965 cho đến 1967.

Cũng cùng năm 1947, nhân dịp mừng lễ 30 năm ngày phép lạ Mặt Trời Xoay, ngày 13 tháng 10, người ta lại thánh hiến một bức tượng thứ ba gọi là tượng Thánh Du ‘Phương Tây’(the Western statue, chắp tay giống như tượng nguyên thủy) và trao cho Đạo Binh Xanh cuả Hoa Kỳ. Bức Tượng Phương Tây thường du hành các xứ Mỹ Châu. Cả hai bức tượng Thánh Du đã đi qua trên 100 quốc gia, kể cả Nga và Trung Quốc.

Note*: Đây là bức tượng đầu tiên được khắc bằng gỗ và được đem ra tôn kính tại Nhà Nguyện Nhỏ (Capelinha) kể từ ngày 13 tháng 5 năm 1920. Bức tượng đã được ĐGH Pius XII đặt vương miện vào năm 1946 (tại Roma.) Cũng vào năm đó (1946), sau khi kết thúc một đại hội giới trẻ, các thanh niên Bồ Đào Nha đã cung nghinh bức tượng (trên vai) từ Fatima đến Lisbon, đi qua và dừng lại ở nhiều thị trấn. Dân chúng đã tụ tập để nghinh đón bức tượng mới được đặt vương miện và cầu nguyện sốt sắng.

Đức Tổng Giám Mục Fisichella, Chủ tịch Hội đồng giáo hoàng thúc đẩy Tân Phúc Âm Hóa, đã gửi thư cho Đức Giám Mục Antonio Marto cuả địa phận Leiria-Fatima với nội dung như sau: “Đức Thánh Cha ước ao được cử hành Ngày Thánh Mẫu với một dấu chỉ đặc biệt là có sự hiện diện cuả bức tượng cuả Mẹ mà các Kitô hữu trên toàn thế giới tôn kính một cách đặc biệt, do đó, chúng tôi nghĩ ngay tới bức tượng nguyên thủy đáng yêu dấu của Mẹ Fatima”.

Theo trang web của đền thánh Fatima thì đó là bức tượng đang được lưu giữ ở Nhà Nguyện Nhỏ (Capelinha, Chapel of the Apparitions), là nhà nguyện dựng lên tại nơi Đức Mẹ hiện ra. Bức tượng sẽ được cung nghinh qua Roma vào sáng ngày 12 tháng 10 và sẽ được rước trở về ngay chiều hôm sau, ngày 13 tháng 10.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng “tất cả các hội đoàn Đức Mẹ được mời tham dự Ngày Thánh Mẫu trọng đại này”. Tin sơ khởi từ Đền Thánh Đức Mẹ Fatima cho biết đã có hàng trăm phong trào và tổ chức sùng kính Đức Mẹ sẽ đến Roma tham gia ngày lễ.

Lễ ‘Ngày Thánh Mẫu’ được cử hành hai ngày, ngày Thứ Bảy 12 tháng 10 là cuộc hành hương viếng mộ Thánh Phêrô và nhiều chương trình cầu nguyện và suy gẫm. Vào sáng Chuá Nhật, 13 tháng 10, là thánh lễ đại trào tại Quảng trường Thánh Phêrô do Đức Thánh Cha cử hành.

Nhắc lại vào năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ mục đồng ở làng Fatima Bồ Đào Nha. Đức Mẹ cảnh báo về những bạo lực trong thế kỷ hai mươi nếu thế giới không ăn năn đền tội. Đức Mẹ nhắn nhủ hãy đọc kinh Mân Côi và làm việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ.

Ngay sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin đức Hồng Y Jose Polycarp, Thượng Phụ cuả Lisbon, thay mặt Ngài thánh hiến triều đại giáo hoàng của mình cho Đức Mẹ Fatima vào ngày 13 tháng 5, là ngày lễ Đức Mẹ Fatima.

( http://www.xdtnttkitovua-gxdmhcg.com/lich-su-tuong-duc-me-fatima/) 

HIỆP NHẤT


Có một câu truyện cổ như sau: Trong một buổi hội họp của tất cả các muông thú rừng xanh, dòng giống nhà cọp đã dành được ngôi vị Chúa sơn lâm nhờ vào sức mạnh và bản tính hung dữ của chúng. Ngày kia, cọp gặp người thợ săn. Trước khi phóng mũi tên, bác thợ săn nói với cọp:

- Hỡi Chúa sơn lâm, hãy đón nhận điều mà con người gửi đến các muông thú.

Và mũi tên đã cắm phập vào lưng cọp. Quá đau đớn, cọp đã chạy trốn vào rừng rậm. Thấy cọp bỏ chạy, một con sói già hỏi: tại sao? Cọp lắc đầu đáp:

- Chỉ một lời con người muốn nói với ta, mà đã làm ta đau đớn thế này, thì làm sao chúng ta có thể chống lại bọn họ.

Sói già an ủi cọp:

- Điều suy nghĩ của Chúa sơn lâm thực tế, tuy nhiên, Chúa sơn lâm lại quên một điều là nếu tất cả muông thú rừng xanh đoàn kết lại, chúng ta có thể chống lại con người. Như nhà sói chúng tôi đây tuy sức mạnh không bằng Chúa sơn lâm, nhưng cả một bày sói, với sức mạnh tổng hợp, chúng tôi có thể làm thịt người thợ săn.

Ý kiến ấy thật hay, nhưng thú rừng vẫn bị tiêu diệt, vì chẳng bao giờ chúng học được hai chữ hiệp nhất.

Hiện nay, chúng ta thấy trong xã hội có nhiều thứ biến đổi tiến tới đỉnh hợp nhất như quy tụ thành những thị xã, đô thị, thành phố, những hiệp hội, liên hiệp. Ít lâu nay, chúng ta đã trở nên những thành viên không chỉ của một làng xã, một trường học, nhưng còn của một cộng đoàn, một khu vực bao gồm nhiều quốc gia.

Cơ cấu xã hội đang chuyển đổi thành nhóm như: hiệp hội công dân, cộng đồng căn bản, khối kinh tế, liên minh phòng thủ … Một triết gia đã quả quyết thế giới đang thành một làng xã nhờ những phương tiện giao thông tân tiến thần tốc.

Vũ trụ tiến tới hợp nhất dần dần như đáp lại lời kêu gọi của Đức Kitô: “Xin cho tất cả nên một trong chúng ta để thế gian tin rằng Cha đã sai Con”.

Thứ Năm tuần 7 Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 17, 20-26:

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con. Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”.

Trước khi từ giã các môn đệ để về cùng Cha, Chúa Giêsu biết rằng những kẻ theo Ngài sẽ bị thế gian ghét bỏ và bị quyền lực sự dữ tấn công, nếu đơn độc chiến đấu, chắc chắn họ sẽ thất bại như Nguyên tổ của họ ngày xưa. Bởi thế, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho họ được hiệp nhất nên một “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Ngài không cầu xin cho họ có sức mạnh, vì sức mạnh thường đưa con người đến nguy cơ ỷ lại vào mình; Ngài cũng không cầu xin cho họ có quyền lực, vì quyền lực dễ đưa con người lọt vào hố sâu của tham vọng.

Khi cầu nguyện cho cộng đoàn những kẻ nhờ lời các Tông đồ mà tin, Chúa Giêsu đã không xin cho Giáo Hội được phát triển bằng sức mạnh và quyền lực, mà chỉ xin cho tất cả được hiệp nhất trong Ngài và hiệp nhất với nhau, để Ngài ở đâu, họ cũng ở đó, và để họ được chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa.

Người kitô hữu chúng ta hôm nay cũng được mời gọi phản chiếu hình ảnh trung thực của Chúa Giêsu bằng cách sống yêu thương hiệp nhất. Chắc chắn không ai trong chúng ta có thể đứng vững một mình nhưng phải liên kết với nhau để thông truyền sức sống. Muốn liên kết với nhau, chúng ta cần phải ra khỏi con người ích kỷ của mình, phải từ bỏ nhiều tật xấu cố hữu của mình, nhờ đó chúng ta sẽ nên một trong Chúa và được chiêm ngưỡng quyền năng vinh quang Chúa hoạt động nơi chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

GIA TÀI CỦA MẸ


Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, để lại cho con
Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn...


Bây giờ có thể viết một trăm năm đô hộ giặc tây, ngày từng ngày vất vưởng vì giặc Tàu, giặc trong chính trị, trong xã hội và nhất là trong thực phẩm. Người Việt ta ngày từng ngày phải đối mặt với thù trong thù ngoài, thù trước thù sau của tàu và gia tài nướcViệt không chỉ là trong 20 năm nội chiến mà mỗi ngày là một cuộc nội chiến chính trong lương tâm giữa ranh giới của thiện và ác, giữa cuộc nội chiến từ đầu độc lẫn nhau, tự giết nhau từng ngày mà xã hội Việt Nam giờ đang "tự do" trong ngưỡng cửa thiên đường không máu đổ của chiến tranh nhưng máu lại bạc trắng vì ung thư...

Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã và đang đi trước thời đại, dù rằng đó chỉ là trong âm nhạc. Nhưng nếu không có những suy tư, trăn trở và cái nhìn nhạy cảm thì ắt hẳn những ca từ trong âm nhạc của ông không sâu lắng và triết lý đến mức "kén" người nghe như vậy... 

Những triết lý của Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dường như cũng liên quan đến những lo lắng mà Chúa Giê su trăn trở vì các Tông Đồ. Trước khi về trời, Chúa Giêsu xin với Cha mình: giữ gìn, bảo vệ và thánh hiến các môn đệ...


Thứ Tư tuần 7 Phục Sinh C

Lời Chúa: Ga 17, 11b-19:

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: "Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng.

"Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý".

Chúa Giêsu biết các môn đệ sống giữa thế gian mà thế gian lại đi ngược lại với Ngài. Người môn đệ ở trong thế gian phải đứng trước hai cám dỗ: xa lánh, trốn tránh thế gian và đồng thuận với thế gian. Nếu xa lánh sao chu toàn được sứ mệnh Chúa trao. Đồng thuận để rồi đánh mất căn tính của mình. Hơn nữa, Chúa Giêsu cũng biết các môn đệ sẽ gặp phải biết bao khó khăn, thử thách về niềm tin vào tình yêu của thiên Chúa khi phải sống giữa thế gian. Vì vậy, Ngài đã xin với Cha của Mình như khiên che, thuẫn đỡ để giữ gìn và bảo vệ họ và thánh hiến họ, làm cho họ hoàn toàn thuộc về Ngài , để tách biệt họ khỏi thế gian. Tách biệt không có nghĩa làm cho họ không thuộc về thế gian. Nhưng làm cho họ vững vàng, kiên cố và trở thành muối, ánh sáng trong đêm tối.

Lạy Chúa Giê su, giữa một thế giới văn minh hiện đại ngày hôm nay, con cũng đã, đang và luôn phải đối diện với nhiều cám dỗ: tiện nghi, hưởng thụ, an nhàn... để rồi lạc xa Ngài. Xin Chúa thương giữ gìn, bảo vệ con luôn được vững vàng, kiên cố trước những khó khăn hầu có thể trở thành một chút muối cho đời, chút ánh sáng cho trần gian...

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Cầu xin.

Vụ án thảm sát 6 người tại Bình Phước vẫn là đề tài nóng hổi trên khắp các phương tiện truyền thông và hiện nay vẫn đang là vụ án "nóng" được tất cả mọi thành phần người dân quan tâm.
6 mạng người đã khuất, mồ yên mả đẹp, những phạm nhân thì đang chờ ngày trả giá cho bản án đời mình, nhưng tận trong sâm thẩm tâm hồn những "ác quỷ" kia vẫn có trường hợp khiến mọi người thông cảm và tìm cách "gỡ" án tử hình...

( http://news.zing.vn/nhieu-nguoi-ky-ten-xin-giam-an-tu-cho-vu-van-tien-post634318.html).

Đó là 10.000 chữ kí của khắp mọi người dân trên cả nước kí xin giảm án cho phạm nhân Vũ Văn Tiến. Tội ác là tội ác nhưng xét trong từng hoàn cảnh. khía cạnh và lương tri con người thì hầu hết mọi người đều mong Vũ Văn Tiến được giảm án. Hành trình xin chữ kí giảm án cho con là một hành trình thể hiện tình yêu cao cả của tình Mẹ dành cho con. Dù bất ngờ, hoang mang, lo sợ khi hay tin con mình đồng phạm giết người, nhưng cho dù con có là phạm nhân, bị xã hội và người đời khinh rẻ nhưng tình yêu Mẹ dành cho con vượt trên tất cả....

Nhieu nguoi ky ten xin giam an tu cho Vu Van Tien hinh anh 1

Và hy vọng trong phiên tòa phúc thẩm tới sẽ có một tia hy vọng, một "phép lạ" thoát án tử sẽ xảy đến cho phạm nhân Vũ Văn Tiến như chính lời câu xin được sống để đền tội, để sửa lỗi lầm và để một lần nữa được xứng đáng làm người.
 10000 chữ kí xin thoát án tử cho một tử tội có lẽ là tiền sử duy nhất trong các vụ án hình sự tố tụng tại Việt Nam. Nhưng cũng có một lời cầu xin tha thiết hơn cả, sẵn sàng hy sinh bản thân mình để cầu xin cho thế gian, và lời câu xin lay chuyển cả vũ trụ ấy chính là lời cầu xin của Đức Giê su với Chúa Cha Chí Thánh.

Thứ Ba tuần VII mùa Phục Sinh
Lời Chúa: Ga 17,1-11a


1 Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói: "Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để Con Cha làm vinh hiển Cha. 2 Vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi huyết nhục, để con cũng ban sự sống đời đời cho mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con. 3 Sự sống đời đời chính là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Đấng Cha đã sai, là Giêsu Kitô. 4 "Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất, Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con. 5 Giờ đây, lạy Cha, xin hãy làm cho Con được vinh hiển nơi Cha với sự vinh hiển mà Con đã có nơi Cha, trước khi có thế gian. 6 Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha, và Cha đã ban chúng cho Con, và chúng đã tuân giữ lời Cha. 7 Bây giờ chúng biết rằng những gì Cha ban cho Con, đều bởi Cha mà ra. 8Vì những lời Cha ban cho Con thì Con đã ban cho chúng và chúng đã lãnh nhận, và biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con. 9 "Con cầu xin cho chúng, Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì chúng là của Cha. 10 Và mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con, và Con đã được vinh hiển nơi chúng. 11a Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian, phần Con, Con về cùng Cha".



Ở trần gian, tức là chúng ta đang phải đối phó nhiều thứ nguy hiểm lắm: nguy hiểm do ma quỷ quấy phá, nguy hiểm do những kẻ thù của Giáo Hội, nguy hiểm do những cám dỗ và cạm bẫy của người đời. Khi chúng ta không đoàn kết hiệp nhất với nhau thì chẳng những chúng ta không giúp gì được cho nhau để thoát khỏi những nguy hiểm ấy, trái lại chúng ta còn làm khổ thêm cho nhau, làm yếu sức nhau, làm cho nhau dễ sa ngã hơn nữa. Những sự bất hòa, chia rẻ, thiếu bác ái đã làm cho biết bao người phải chán nản không còn hăng say chu toàn nhiệm vụ, không còn nhiệt tình đi theo lý tưởng, không còn đủ sức đón nhận hy sinh...

Và lời cầu xin ấy được thể hiện qua Thập giá. Thập giá làm vinh hiển Chúa Cha vì nơi thập giá, Chúa Giêsu hoàn tất sứ mệnh được Chúa Cha ủy thác. Khi đến thế gian, sứ mệnh của Chúa Giêsu là mạc khải cho nhân loại biết tình yêu của Thiên Chúa và chỉ cho họ con đường đạt tới tình yêu này. Với cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã biểu lộ trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa; và hướng về thập giá con người cũng cảm nghiệm được tình yêu bao la của Thiên Chúa đến nỗi đã ban Người Con Một cho thế gian.

Lạy Chúa, thế gian luôn đầy những cạm bẫy sự dữ, xin giúp chúng con vượt thắng những cám dỗ, những yếu hèn để gìn giữ lòng mình khỏi những bợn nhơ tội lỗi. Xin giúp chúng con đi hết hành trình đời mình với trọn niềm trung tín sắt son trong ơn gọi làm con Chúa. Amen.

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Chúa về quê!


Chúa Về Quê



Có câu thơ viết rằng:

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay ?...

Đây là mấy câu thơ tuyệt đẹp của Hàn Mặc Tử. Nó đẹp bởi nó gợi lên một bức tranh quê đầy thơ mộng, lãng mạn. Một đêm trăng có gió, có mây, có cả bóng hình người con gái đưa đò sang sông.

Nó gợi nhớ cho ai xa quê một kỷ niệm, một nỗi niềm riêng. Xa quê nên chạnh lòng nhung nhớ. Xa quê nên chỉ mong được trở về tao phùng bên mái nhà xưa. Nỗi nhớ ấy dường như luôn da diết trong lòng.

Ai mang quê hương vào trong nỗi nhớ

Để chiều này da diết quá đi thôi !

Đôi quang gánh nghèo trên vai chị bán xôi

Chợt thương sao đôi vai gầy của mẹ.

Nỗi nhớ quặng vào tim khi nhớ người thân. Mong đem mưa về làm mát cho vườn cau, cho luống trầu xanh vì ở đó có bóng hình của Nội đầy yêu thương.

Khói bếp nhà ai thân thương quá đổi!

Nhớ khói lam chiều khuất bóng hàng Cau

Ai mang mưa về tưới mát vườn rau

Chợt thưong sao luống Trầu xanh của Nội!.

Hai tiếng quê hương không chỉ gợi nhớ về một nơi chốn mà còn là một cõi linh thiêng. Nơi ấy chất chứa bao kỷ niệm ngọt ngào như chùm khế ngọt mà ai đi xa cũng mong được trở về. Trở về mái nhà xưa hay trở về khung cảnh đồng nội thân thương đều là nỗi nhớ nhung da diết trong lòng người xa quê.

Thế nên, xa quê ai cũng mong trở về. Ai cũng mong kết thúc công việc, hay kết thúc hành trình để “áo mão về quê” hay “vinh quy bái tổ”. Dầu sao, xa quê ai cũng mong, cũng cầu được sớm trở về quê hương.

Hôm nay, chúng ta mừng ngày Chúa Giê-su vinh thắng trở về Quê Trời. Ngài về Quê Trời sau 33 năm dãi dầu mưa nắng chốn dương gian. Ba mươi ba năm sống xa Quê Trời đến cư ngụ giữa chốn nhân gian để thi ân, để phục vụ trong yêu thương. Ngài đã làm tất cả để cho danh Chúa Cha cả sáng. Ngài luôn tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa. Ngài đã kết thúc hành trình dương gian trong chén đắng vâng phục Chúa Cha để danh cha cả sáng. Ngài đã hoàn tất chuyến đi cuộc đời khi hoàn tất sứ vụ Chúa Cha trao là cứu độ nhân gian qua hiến tế đồi Calve.

Cuộc vinh thắng trở về Quê Trời của Chúa Giê-su cũng là niềm vui và là niềm hy vọng cho hành trình cuộc đời chúng ta. Một hành trình không vô định nhưng có điểm tới là quê Cha trên trời. Chính Chúa Ky-tô đã soi lối mở đường cho chúng ta. Chính Ngài đã đi trước để dọn chỗ cho những ai tin theo Người. Từ nay u sầu sẽ gặp niềm vui. Từ nay những đau khổ đời này không còn làm cho con người thất vọng, nhưng ánh vinh quang phục sinh của Chúa đã mang lại niềm hy vọng và lạc quan cho cuộc đời chúng ta.

Cuộc vinh thắng trở về quê trời của Chúa Giê-su là cuộc khài hoàn vì Ngài đã trải qua đau khổ mới tới vinh quang. Hay nói cách khác, cuộc vinh quy bái tổ nơi quê trời cần lắm nhưng công lao mà chúng ta đã làm nơi dương thế. Đó là những hy sinh, những từ bỏ con đường xấu, từ bỏ con đường thênh thang để đi vào con đường hẹp, con đường của nói không với tội và sống tuân hành theo thánh ý Thiên Chúa.

Hôm nay nhìn Chúa về trời. Các tông đồ cảm thấy lòng trào dâng niềm vui. Xa xăm nơi cuối chân trời chỉ còn vang vọng lời Thầy chí Thánh Giê-su: “Anh em hãy làm chứng nhân cho Thầy. Khởi từ Giê-rusalem cho đến tận cùng thế giới”. Xin cho mỗi người chúng ta đang khi hướng lòng về trời cao cũng biết chu toàn sứ vụ trần thế trong niềm hân hoan, ngõ hầu “Ra đi tay ôm bó lúa đi gieo – Ngày trở về miệng reo vang câu hát mừng. Amen,

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

Cầu nối!

Sự cố sà lan đâm vào 2 nhịp cầu và làm sập Cầu Ghềnh tại Đồng Nai vào trung tuần tháng 3 vừa qua khiến tình hình giao thông đường sắt Bắc Nam tê liệt hoàn toàn. 

Cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai dài 223 m thuộc TP Biên Hòa - là 2 cây cầu bắc qua sông Đồng Nai dẫn vào Cù lao Phố, do Pháp xây dựng vào năm 1902, dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với 2 phần bên hông dành cho xe 2 bánh, ở giữa dành cho xe lửa và xe ôtô.

Có tài liệu nói rằng cầu được xây dựng vào năm 1909, và được thiết kế bởi kiến trúc sư Gustave Eiffel (1832 - 1923, người thiết kế tháp Eiffel), cùng với 2 công trình kiến trúc khác ở Việt Nam là cầu Long Biên (Hà Nội) và cầu Tràng Tiền (Huế).

Hien truong sap cau Ghenh o Dong Nai hinh anh 2

Một chiếc cầu sắt được xây dựng hơn 100 năm thì dù có cứng như đá, trơ như sắt cũng có ngày đổ sụp, một chiếc cầu hiện diện trên một thế kỉ cần lắm những gia cố, những tu sửa nhưng dường như lại bị "lãng quên" giữa dòng đời, để rồi khi sự cố sập cầu xảy ra, con người - nhất là các quan chức lãnh đạo mới bừng tỉnh cuống cuồng chống đỡ, khắc phục. Và trong những lúc này đây, vị trí khiêm nhường và lặng lẽ của chiếc cầu Ghềnh mới lại được các nhà lãnh đạo quan tâm triệt để, hằng chục, hàng trăm các văn bản chỉ thị với quyết tâm xây dựng gấp rút để có một chiếc cầu Ghềnh mới, nếu không chỉ vì chiếc cầu nối này mà làm cho hệ thống giao thông đường sắt tê liệt thì quả thật chỉ xảy ra ở nước Việt chúng ta.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự bất toàn của mình, cũng như sự giới hạn về uy tín. Vì thế, có những điều chúng ta muốn mà không được và phải cần đến một trung gian làm cầu nối cho mình. Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta chiếc cầu nối quan trọng nhất trong hành trình đời sống đức tin người ki tô hữu vào Nước Trời mai sau - cầu nối đó chính là Đức Ki tô.

Lời Chúa: Ga 16, 23b-28:

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: điều gì các con sẽ nhân danh Thầy mà xin Cha, thì Người sẽ ban cho các con. Cho đến bây giờ, các con chưa nhân danh Thầy mà xin điều gì. Hãy xin thì sẽ được, để các con được niềm vui trọn vẹn. Tất cả những điều đó, Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói với các con. Đã đến giờ Thầy sẽ không còn dùng dụ ngôn mà nói nữa, Thầy sẽ loan truyền rõ ràng cho các con về Cha. Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không bảo là chính Thầy sẽ xin Cha cho các con đâu. Chính Cha yêu mến các con, bởi vì chúng con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra. Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha”.


Hôm nay Đức Giêsu mặc khải cho các môn đệ về vai trò của Ngài trong mối tương quan với Thiên Chúa Cha, và Ngài hứa cho những ai nhân danh Ngài mà xin cùng Thiên Chúa Cha thì Người sẽ ban cho như ý. Đây là cách nhấn mạnh và cụ thể, rõ ràng, chứ thực ra, đã có lần Đức Giêsu nói:“Ta là đường, là sự thật và là sự sống”; hay: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”(Ga 14,6).

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhân danh Đức Giêsu để dâng lên Thiên Chúa Cha những nhu cầu và ước nguyện của mình. Khi chúng ta nhân danh Ngài mà cầu xin, ấy là chúng ta tôn nhận vai trò Trung Gian và công nghiệp cứu chuộc của Đức Giêsu.

Mặt khác, khi nhân danh Đức Giêsu để cầu xin, ấy là lúc chính Ngài hiện diện và hành động trong ta, làm cho lời cầu nguyện trở thành hiện thực.

Mong sao mỗi khi chúng ta nhân danh Đức Giêsu để xin điều gì với Chúa Cha, chúng ta hãy biểu lộ thái độ khiêm tốn, kết hiệp và sẵn sàng thuần phục ý Chúa hơn là ý ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con luôn biết kết hợp với Chúa trong lời cầu nguyện, để nhờ Ngài, trong Ngài và với Ngài, những lời cầu nguyện của chúng con được Chúa Cha thương nhận lời và chúc phúc. Amen.

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

Trong nỗi khổ luôn chứa đựng những vị ngọt!

Sáng nay, theo thói quen, lướt FB, vô tình "lụm" được tâm trạng của cô bạn hồi đại học...

... Ngày xưa mong con ra với ba mẹ, mẹ cũng bồn chồn, mong ngóng và mất ngủ.
Ở bên con hơn 5 năm. Xa con mới hơn 1 tháng. Ngày nào cũng ríu rít cùng nhau qua điện thoại 1 chút. Vậy mà, khi biết tin ngày mai con về, cảm giác của ngày xưa lại ùa về trong mẹ. Mệt mỏi mấy ngày nay nhưng mắt cứ mở và mong trời mau sáng.
Phượng nở: hè về!!! Ve reo vui như lòng mẹ của ngày con về!...

( Fb https://www.facebook.com/ngoan.dieu.5?fref=ts).

 Giờ đây, đang ngồi trên máy, lại vô tình " cóp nhặt" câu chuyện diễn tả tình yêu...

Trong bài xã luận của bán nguyệt san Công giáo Italia, số tháng 3/1993 có ghi lại gương hy sinh của một người mẹ trẻ tên là Carla Levati, qua đời khi mới chỉ được 28 tuổi. Khi mang thai đứa con thứ hai, Carla được các bác sĩ cho biết chị bị viêm cột sống mà một cuộc chữa trị có thể phương hại trầm trọng đến mạng sống của thai nhi. Với sự đồng ý của chồng, chị Carla chấp nhận đau khổ và ngay cả cái chết, miễn là đứa con được sinh ra lành mạnh. Nhưng vì quá đau đớn, người mẹ đã qua đời 8 tiếng đồng hồ sau khi đứa con chào đời ngày 26/1/1993.

Cái chết của chị Carla đã gây nhiều phản ứng sôi nổi tại Italia. Những tờ báo lớn xuất bản tại Rôma xem sự hy sinh của chị như một hành động hy sinh cao cả chứ không mù quáng. Nguyên tắc của chị Carla tuân theo chính là tình yêu: chỉ tình yêu mới có thể thúc đẩy người mẹ hy sinh mạng sống mình vì đứa con. Nguyên tắc âý không chỉ bắt nguồn từ Tin mừng, mà còn là một đòi hỏi của tình mẫu tử. Người mẹ là người trao ban sự sống bằng chính đau khổ của mình và nếu cần chết đi để cứu mạng sống của con mình.

Và chợt suy gẫm về Lời Chúa hôm nay:

Thứ Sáu đầu tháng tuần 6 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 16, 20-23a:

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời. Các con cũng thế, bây giờ các con buồn phiền, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa”.

Ý nghĩa cao cả nơi cái chết của chị Carla có thể giúp chúng ta đi sâu vào Tin mừng hôm nay. Thật thế, chính Chúa Giêsu đã nhận chân ý nghĩa cao cả nôĩ đau đớn của người đàn bà trong khi sinh con. Niềm đau đớn ấy mang một ý nghĩa cao cả đến độ đã được Chúa Giêsu mượn để nói lên chính cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Có đau đớn trong khi sinh con, người đàn bà mới cảm nhận được niềm vui khi đứa con chào đời; có trải qua khổ nạn, Chúa Giêsu mới đi vào vinh quang Phục sinh; và từ nỗi đau khổ được chấp nhận trong tinh thần phó thác hiến dâng, người môn đệ Chúa Kitô mới cảm nhận được niềm vui tái sinh.

Tin mừng hôm nay mời gọi chúng nhìn vào những biến cố cuộc sống với cái nhìn đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tìm thấy được ý nghĩa cao cả của hy sinh; chỉ trong đức tin đau khổ mới mang ý nghĩa của hy sinh và trở thành biểu tỏ của tình yêu. Kitô giáo không phải là một tôn giáo đề cao đau khổ; Kitô giáo không tuyên xưng một Thiên Chúa chỉ biết vui lòng khi thấy con người đau khổ. Kitô giáo thiết yếu là đạo của tình yêu. Chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống: chỉ có tình yêu được cảm nhận trong mọi hoàn cảnh cuộc sống mới có thể khiến cho người hy sinh ngay cả mạng sống mình: chỉ có tình yêu mà con người không ngừng trao ban cho người khác mới thực sự đem lại ý nghĩa cho cuộc sống. ( Trích "Mỗi ngày một niềm vui")

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

Nỗi buồn hóa thành niềm vui!

Có thể nói chưa khi nào tình hình xã hội Việt Nam bất an như hiện nay. Cá chết khắp 4 tỉnh miền Trung Việt Nam, nước biển chuyển màu, biển cả mênh mông đang chết và sẽ mất hết nếu các nhà lãnh đạo không có những biện pháp kịp thời, nhất là lấy lại niềm tin của nhân dân vốn đã trở thành thứ "phù du" giữa xã hội không còn gì để loạn hơn...

90 triệu con người Việt sẽ, đang và đã hấp hối ngay trong chính đất nước luôn được "mệnh danh" thanh bình giả tạo này. Một nỗi thất vọng, một không khí u buồn và tang thương kéo dài, mỗi giờ, mỗi ngày người khóc người, giọt nước mắt không còn là của mất mát chia ly trong chiến tranh nữa mà là giọt nước mắt bất lực, nỗi oán hận ngút ngàn vì một dân tộc đã, đang tàn lụi vì cái "sự ác" đang hoành hành trong xã hội...

Và trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng đã nhìn thấy những nỗi buồn, từ những nỗi buồn nhỏ đến những nỗi bườn lớn. Nỗi buồn của Phê rô khi chối Chúa nhưng sau đó biến thành niềm vui vì sự hối hận, nhưng nỗi buồn của Giu đa thì không thể xóa nhòa dù thời gian có qua đi... và trong cuộc đời mỗi người Ki tô hữu ắt hẳn nỗi buồn ngày theo ngày, tháng theo tháng, nhẹ có, nặng nhiều nhưng ít ra chúng ta vẫn bật thốt câu hy vọng "sau cơn mưa trời lại sáng"...


Thứ Năm đầu tháng tuần 6 Phục Sinh.

Lời Chúa: Ga 16, 16-20: 

Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha”.

Bấy giờ trong các môn đệ có mấy người hỏi nhau: “Điều Người nói với chúng ta: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”, và “Vì Thầy về cùng Cha”, như thế có ý nghĩa gì?” Họ nói: “Lời Người nói 'Một ít nữa' có ý nghĩa gì? Chúng ta không biết Người muốn nói gì?”

Chúa Giêsu nhận thấy họ muốn hỏi Người, nên Người bảo họ: “Các con hỏi nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.

Đau khổ và tận cùng là cái chết, đó là phần số của kiếp người mà khi nhập thể làm người, Con Thiên Chúa cũng không thoát khỏi, Chúa Giêsu đã ba lần chính thức loan báo về cuộc tử nạn mà Ngài phải trải qua. Nhưng xem ra các môn đệ Ngài không hiểu được và cũng không muốn chấp nhận tại sao một số phận nghiệt ngã như thế lại có thể xẩy ra cho Thày mình, một người có quyền phép trên cả sự chết và nhất là đang trên đường tiến đến một tương lai sáng lạn. Trong những giờ phút cuối cùng còn ngồi bên các ông. Chúa Giêsu lại nói đến cái chết của Ngài, nhưng lần này Ngài nói đến cuộc tử nạn ấy như một cuộc ra đi: ra đi mà không vĩnh biệt, do đó, Chúa Giêsu đã nói: “Một ít nữa, các con sẽ không thấy Thày, rồi một ít nữa, các con sẽ lại thấy Thày”. Một lần nữa, loan báo cái chết, Chúa Giêsu cũng báo trước sự Phục sinh của Ngài: các môn đệ sẽ buồn sầu vì cái chết của Ngài, nhưng rồi niềm vui của họ sẽ gấp bội khi Ngài sống lại. Cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu gắn liền với đau khổ và niềm vui của các môn đệ; đúng hơn, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu chiếu dọi ánh sáng và mầu nhiệm khổ đau của con người.

Cuộc sống của Đức Kitô không ngừng ra đi và trở về. Không đi bằng con đường đất đá, nhưng bằng con đường huyền diệu sâu thẳm và gắn bó mộ mến. Đức Giêsu càng ngày càng hiệp thông sâu xa vào kế hoạch của Cha Người. Đó là con đường hiệp thông thực hiện cứu độ để lật ngược lại sức nặng bất phục tùng của con người.

Chúng ta tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhận ra khuôn mặt của Ngài trong những anh em đang đau khổ chung quanh chúng ta. Sự cảm thông phục vụ đối với những người đau khổ sẽ cho chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu và niềm vui Phục sinh sẽ tràn ngập tâm hồn chúng ta...

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Gốc tích Tháng Hoa Đức Mẹ

Là người Công giáo Việt Nam, nhất là những người đã lớn lên trong một xứ đạo miền Bắc, Trung hoặc Nam, có lẽ họ không lạ gì sinh hoạt tôn giáo trong tháng Năm, tháng Hoa Đức Mẹ. Khi ngàn hoa xanh, đỏ, trắng, tím, vàng nở rộ trong cánh đồng, thì con cái Mẹ cũng chuẩn bị cho những đội dâng hoa, những cuộc rước kiệu, để tôn vinh Mẹ trên trời. Những điệu ca quen thuộc trìu mến bỗng nổi dậy trong tâm hồn cách thân thương, nhất là bài "Đây Tháng Hoa" của nhạc sĩ Duy Tân với điệu 2/4 nhịp nhàng:


"Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà. Dâng tiến hoa lòng mến dâng lời cung chúc. Hương sắc bay tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc. Muôn tháng qua lòng mến yêu Mẹ không nhòa.

- Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần. Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng. Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời. Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.

- Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về. Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi. Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ. Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời".

Nếu có ai tự hỏi: Tháng Hoa có từ đời nào? Do ai khởi xướng? thì câu trả lời cũng không khó khăn gì.

Gốc tích như thế này:

Vào những thế kỉ đầu, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng những cuộc tổ chức gọi là những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân.

Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên. Họ tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.

(Đoàn Hoa Bắc Ninh)

Có nơi người ta tổ chức các cuộc "Rước xanh". Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ. Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.

Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.

Thánh Philipe đệ Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.

Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh. Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.

Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.

Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ. Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ. Trong việc này linh mục Chardon đã có nhiều công. Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.

- Đức Giáo hoàng Piô 12, trong Thông điệp "Đấng Trung gian Thiên Chúa", cho "việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ".

- Đức giáo hoàng Phaolô 6, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết:

"Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để " bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng.

Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ các tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ" (Dictionary of Mary, Catholic book Pub. 1985, p. 236)

Một câu truyện cũ đáng ta suy nghĩ: 

Ở thành Nancêniô trong nước Pháp, có một gia đình trung lưu. Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan. Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình , nhưng chồng cứng lòng mãi.

Năm ấy đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ. Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con. Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.

Ngày 15 tháng Sáu năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục. Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa. Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Vianey.

Cha Vianey là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người tặng là vị thánh sống. Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Gioan liền bảo:

- Đừng lo cho linh hồn chồng bà. Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?

Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?

- Cha sở nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết. Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng.

Nghe xong lời cha Gioan, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ. (Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trang 10).

Nếu chỉ vì mấy bông hoa mọn dâng kính Đức Mẹ cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy, thử hỏi, những ai trong tháng Năm này tham dự dâng Hoa, rước kiệu, đọc kinh Mân côi, hơn nữa, họ dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh nạn…chắc sẽ còn được Đức Mẹ ban muôn ơn trọng hơn nữa? vì Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng Cậy, hoa Đỏ của Lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hãm mình, hoa vàng của niềm tin, hoa Hồng của kinh Kính mừng lắm lắm.

Thánh Anphongsô Ligori quả quyết rằng: "Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ, thì tôi chắc chắn được lên thiên đàng".

Thánh Bênado diễn tả văn vẻ hơn:

"Được Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ không ngã. Được Mẹ che chở, bạn sẽ không sợ. Được Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ an lòng. Được Mẹ ban ơn, bạn sẽ đạt đích mong chờ".

Lm. ĐoànQuang, CMC

Thập giá và Đức Kito!

Tại một trung tâm truyền giáo bên Italia, người ta đọc thấy một bài thơ với nội dung như sau: Bạn thân mến, tôi đã tìm một Thập giá. Một hôm tại tiệm bán đồ cổ, tôi đã mua được một tượng Đức Kitô, đây là Đức Kitô tuyệt đẹp nhưng sứt mẻ và bơ vơ vì bị tách lìa khỏi Thập Giá. Tôi chợt nghĩ không chừng bạn đang có một Thập giá, nhưng là một Thập giá trơ trụi không có Đức Kitô. Đức Kitô của tôi không có nơi ngơi nghỉ vì thiếu Thập giá, còn Thập giá của bạn thì lại thiếu Đức Kitô. Đức Kitô không Thập giá và Thập giá không Đức Kitô. Tôi xin đề nghị với bạn: tại sao chúng ta không liên kết cả hai lại? Tại sao bạn không trao Thập giá trống trơn của bạn cho Đức Kitô? Bạn chỉ có một thập giá đơn độc trống rỗng lạnh giá vô nghĩa, một Thập giá không có Đức Kitô. Hẳn bạn đã hiểu đau khổ như thế là vô lý, tôi không hiểu được tại sao bạn lại chịu đau khổ như thế từ bao lâu nay. Một thập giá không có Đức Kitô là một tra tấn, là nguyên nhân dẫn đến thất vọng. Giờ đây bạn đã có liều thuốc trong tay, bạn sẽ không còn đơn phương chịu đau khổ nữa. Bạn hãy trao cho tôi Thập giá trống không của bạn, tôi sẽ trao cho bạn Đức Kitô sứt mẻ của tôi. Bạn hãy trao Thập giá và hãy đón nhận Đức Kitô, rồi bạn sẽ thấy mọi sự đổi thay, bạn sẽ không còn đơn độc trong đau khổ, bởi vì trong Thập giá của bạn có Đức Kitô....

Thứ Hai tuần 6 Phục Sinh 
Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Lời Chúa: Ga 15, 26-16, 4:

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con, Người là Thần Chân lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và các con cũng sẽ làm chứng, vì các con đã ở với Thầy từ ban đầu. Thầy đã nói với các con điều đó để các con khỏi vấp ngã. Người ta sẽ loại các con ra khỏi hội đường. Đã đến giờ kẻ giết các con tưởng làm thế là phụng sự Thiên Chúa. Họ sẽ làm những điều đó cho các con, vì họ không biết Cha, cũng không biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với các con như vậy, để khi đến giờ của họ, các con nhớ lại là Thầy đã bảo các con".

Bách hại, khổ đau là phần số gắn liền với ơn gọi Kitô hữu. Trong những giây phút cuối cùng ngồi bên các môn đệ, Chúa Giêsu không những loan báo cuộc tử nạn của Ngài, mà còn báo trước những khổ đau mà họ sẽ trải qua vì mang Danh Ngài. Ngài sẽ tiếp tục hiện diện ấy càng rõ nét hơn qua chính những khổ đau mà các môn đệ Ngài sẽ trải qua. Một cách nào đó, vụ án của Chúa Giêsu sẽ tiếp tục trong chính các môn đệ của Ngài. Thế gian đã kết án Chua Giêsu và do đó trút hận thù lên các môn đệ của Ngài. Thật ra, không phải thế gian xét xử Chua Giêsu, mà chính Ngài xét xử thế gian. Cuộc tử nạn và cái chết của Chua Giêsu là một tố cáo về chính tội ác của thế gian. Qua cuộc tử nạn dưới nhiều hình thức mà các môn đệ Đức Kitô phải trải qua trên khắp thế giới và suốt lịch sử nhân lọai, sự xét xử của Chúa Giêsu đang tiếp diễn, tội ác của con người được tiếp tục phơi bày qua những khổ đau mà các môn đệ Đức Kitô phải gánh chịu vì niềm tin của họ.

Nhưng Chúa Giêsu không đến để luận phạt thế gian. Ngài đến để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Cuộc tử nạn và cái chết của Ngài mạc khải cho nhân lạo gương mặt yêu thương của Thiên Chúa, và ngày nay qua cuộc tử nạn của các môn đệ Ngài, gương mặt yêu thương của Thiên Chúa lại tiếp tục được sáng tỏ. Qua cuộc tử nạn ấy, con người mới nhận thấy rằng chỉ có tình yêu mới thắng được hận thù, chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Tình yêu chiến thắng hận thù, tình yêu mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, tình yêu ấy người môn đệ chỉ có thể múc lấy từ Đức Kitô mà thôi. Ngài là Đấng Phục Sinh, Ngài đang hiện diện trong tâm hồn các môn đệ Ngài. Hãy để cho Ngài được hiện diện và đồng hành với ta, hãy để cho Ngài được tiếp tục dự phần vào thập giá của ta mỗi ngày, khi ấy cuộc sống sẽ mãi mãi có ý nghĩa, khổ đau sẽ có sức thanh luyện, và tình yêu sẽ chiến thắng hận thù.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)