Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Có một vị Linh mục "Bồ tát"...

Chỉ 200.000 đồng có thể chẳng đáng là bao so với một buổi cà phê sáng, bữa ăn lót dạ của không ít những người giàu sang sung túc, nhưng đó lại là cái giá để “xây” được một ngôi mộ chôn các bào thai hay thai nhi bị giết chết bởi chính sự vô tâm của con người, mà ngay tại nghĩa trang Pleiku – một nghĩa trang miền Tây Nguyên này con số những ngôi mộ bé nhỏ khiêm nhường ấy đã lên tới trên vài chục ngàn ngôi mộ…


Nghĩa trang đồng nhi Pleiku:
Giờ đây, không chỉ ở nghĩa trang Pleiku với con số mộ đồng nhi lên con số trên  chục ngàn, mà rải rác khắp trên đất nước Việt từ Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Yên, Đà Nẵng, Vinh, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Ninh Bình … danh sách những nghĩa trang dành chôn các bào thai bị phá ngày càng nhiều và trên từng mảnh đất ấy đều ít nhiều in đậm dấu chân của Linh Mục Phêrô Nguyễn Vân Đông – Cha xứ nhà thờ Thăng Thiên – Pleiku đồng thời kiêm trưởng ban bác ái xã hội của giáo phận Kontum…
Nhớ lại ngày đầu khi thực hiện công việc này vào năm 1992, khi xung quanh thành phố Pleiku tình trạng phá thai rất nhiều và số những thai nhi bị phá vứt lăn lóc ngoài đường, bỏ vào thùng rác, thùng nước… Cha thấy quá nhẫn tâm nên mới xin mang về chôn. Ban đầu nghĩa trang Pleiku chỉ ưu tiên chôn tạm những người không may qua đời tại bệnh viện tỉnh mà thân nhân ở xa chưa kịp đến xin xác, nhưng rồi chính Cha lại mang những bào thai về chôn trên đất của nghĩa trang này và phải chôn lén lút. Ban đầu chỉ là một vài bào thai, rồi hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn cứ thế theo cấp số nhân tiếp bước. Số thai nhi bị phá càng nhiều càng tỉ lệ thuận với những khó khăn mà Cha cùng các đồng sự của Cha gặp phải, vì theo Cha đây chỉ là một việc nghĩa, các bào thai dù sao cũng là con người, có sự sống nhưng bị tước đoạt quyền sống thì Cha chỉ mong cho các bé một nấm mồ nho nhỏ vì con người khi chết cũng còn 1 nấm mồ, còn những đứa trẻ này chúng có tội tình gì đâu…


Thế rồi những ngày khó khăn ban đầu cũng qua đi, giờ đây gần 20 năm so với ngày đầu Cha đi lượm từng xác bào thai ấy ngày hôm nay Cha hầu như không còn phải làm công việc ấy nữa. Trong nghĩa trang này không phân biệt lương giáo cũng đã  có 1 bàn thờ dành cho các đồng nhi – theo các gọi của Cha và được nhiều người quan tâm chăm sóc. Những ngôi mộ thuở ban đầu Cha xây dựng cho các bé chỉ vỏn vẹn ở mức giá 50.000đồng với 1 hũ tiểu và chu vi khoảng 40x60cm cùng 20cm chiều cao so với mặt đất, nhưng đến nay qua nhiều lần tu sửa do các mạnh thường quân giúp đỡ, những ngôi mộ của các đồng nhi hôm nay cũng đã khang trang hơn, được ốp gạch đá sạch sẽ , thoáng đãng và có cái giá 200.000đồng/1 ngôi mộ…
Thời gian thấm thời gian, công việc của Cha ngày nào trong âm thầm nay được bà con khắp nơi ủng hộ, người có lòng, người bỏ của, có những người Cha chưa một lần gặp gỡ hay quen biết nhưng cũng tìm đến,  gọi điện và cùng với Cha lo cho các đồng nhi. Trong nước, ngoài nước, việt kiều, phật giáo, lương giáo, công giáo… mọi người cùng đồng lòng chung sức để rồi ngày hôm nay không chỉ một mà hàng chục những nghĩa trang đồng nhi khác xuất hiện. Đó có thể chỉ là một công việc bình thường đối với trách nhiệm bổn phận của một vị linh mục nhưng đối với xã hội phải chăng đấy không phải là việc làm của mỗi người chúng ta, mà đôi khi chính lương tâm của chúng ta phải cắn rứt vì sự vô tình và nền đạo đức đang dần bị tha hoá…
Cha dí dỏm cho biết: “Khi mọi người gọi tôi là “bồ tát”, tôi thấy vừa ngượng vừa vui. Vui vì người ta khen tôi, nhưng ngượng và xấu hổ vì tôi không xứng đáng với danh hiệu ấy. Bồ Tát theo nghĩa hiểu của Phật Giáo là một Đức Phật từ bi hỉ xả, còn tôi vẫn còn đầy những khiếm khuyết của một con người…”


Tái sinh sự sống và bảo vệ sự sống:
Không  chỉ dừng lại ở việc giúp các đồng nhi có 1 nấm mồ Cha còn trăn trở làm thế nào khuyên bảo, hướng dẫn giúp cho các thai phụ không phá thai mà sinh con. Chôn cất một bào thai quá dễ nhưng để giáo dục giúp thai phụ không phá bỏ con mình quả thực quá khó khăn nhưng Cha vẫn một lòng thực hiện. Cha cùng các tình nguyện viên toả khắp các nẻo đường, nhất là những nơi tụ tập nhiều thanh thiếu niên để tìm hiểu, động viên…  Bên cạnh đó, Cha xây dựng và mở các trung tâm, các nhà mở cùng với sự trợ giúp của các Dì phước ban đầu giúp được 20 phụ nữ lỡ lầm sinh con và nuôi dạy con an toàn. 
Sau khi sinh con, những phụ nữ này nếu không muốn nuôi con thì Cha sẽ nuôi các em và giúp bà mẹ trở về với cuộc sống bình thường. Cha còn tổ chức các lớp học, các khóa bỗi dưỡng y tế, giáo dục giúp các em thanh thiếu niên người dân tộc học hỏi và chuẩn bị tâm lý trước khi kết hôn. Vì là miền đất của đa phần người dân tộc sinh sống nên nhu cầu giáo dục, y tế rất cần thiết, vì thế chính những khóa học do Cha tổ chức hoàn toàn miễn phí giúp thanh thiếu niên người dân tộc không chỉ mở mang kiến thức mà còn tạo được công ăn việc làm ổn định khi trở về dân bản của mình. Hầu hết các thiếu nữ khi tốt nghiệp các khoá đào tạo từ trung tâm của Cha khi trở về bản làng đều “đắt” giá…


Không dừng lại như thế, những nhà dưỡng lão, nhà khuyết tật trên 80 em, nhà mồ côi trên 500 em kể cả người kinh lẫn dân tộc,  nhà nội trú trên 1800em đến từ các làng xã xa thành phố về Pleiku trọ học… Cha thực hiện những công việc này  đều với mục đích là giúp đồng bào dân tộc thoát khỏi lạc hậu, thoát nghèo và để sống xứng đáng là cuộc sống của một con người…
Em Rmah Unh, người dân tộc đang học lớp 12 bày tỏ: “ Nhà em ở cách đây gần 60 cây số, mẹ kể khi 3 tuổi em bị bệnh nặng tưởng chết nhưng được Cha cưu mang và nuôi đến hôm nay. Năm nay em học lớp 12 rồi, nếu không ở với Cha thì em đã chết hoặc chỉ quay quẩn ở làng với bố mẹ như bao thanh niên khác và chẳng biết cái chữ là gì, văn minh là gì…”
Chị Băng Thanh – Việt Kiều Mỹ. (nickname là ttbt08@yahoo.com) Chị là một phật tử và chưa từng biết đến Cha, nhưng khi chị về Việt Nam và thực hiện công tác từ thiện ở trại phong Huế thì mới nghe tên Cha. Và, chị đến pleiku cùng với 1 chị bạn để được gặp Cha và cùng Cha đến các làng cùi chia sẻ những phần quà nhỏ bé với những bệnh nhân người dân tộc mắc bệnh phong … không chỉ trong năm nay mà đầu năm tới ngày chị trở lại Việt Nam cũng chính là ngày chị sẽ làm phiền Cha rất nhiều vì những nơi Cha có quá nhiều những con người đau khổ cần được giúp đỡ…
Hay như Anh Dương Ánh Đăng – (nickname dgtruong@yahoo.com) chủ bút tập thơ “Mây nước lặng trôi” hiện đang ở Cali – Hoa kỳ cũng chỉ biết đến tên Cha qua internet nhưng đã tổng quyên góp số tiền hảo tâm của các độc giả ủng hộ tập thơ của anh gửi về cho Cha cốt dùng vào việc cứu giúp người nghèo khổ và chôn cất những hài nhi vô sinh…
Một việc làm ngàn ý nghĩa:
Một ngày những công việc không tên của Cha không thể kể hết, là 1 vị linh mục quản xứ trên dưới chục ngàn dân, lại kiêm chức “quản hạt” – một chức vị so với đời thường tương đương với chức vụ chủ tịch phường, rồi lại phải “gôm” cả chức trưởng Ban bác ái giáo phận trong một ông già ở tầm tuổi trên 60 quả là phi thường. Công việc giáo xứ, giáo hạt, giáo phận xen lẫn những công việc đời thường không tên như nghĩa trang đồng nhi, các trung tâm, mái ấm, các nhà khuyết tật, mồ côi… chuyện cười, chuyện khóc… chuyện gì cũng qua phải qua tay Cha  hay ít nhiều liên quan đến Cha…


Chỉ trong 2 tỉnh Gia Lai và Kontum của Miền Tây Nguyên này mà con số những bệnh nhân người dân tộc mắc bệnh phong lên con số 1722 người ( số liệu thống kê tháng 6 năm 2008) với 69 làng phong cùi biệt lập ở trong rừng xa dân cư và cộng đồng người Việt. Những bệnh nhân này đa phần đều nằm trong diện “chăm sóc” của nhà nước, tức được chữa lành, được cấp phát thuốc miễn phí nhưng phải uống thuốc đúng giờ, phải no bụng … Chính những điều này gây khó khăn cho họ vì họ ít hiểu biết, không biết tiếng Kinh, không có người chăm sóc hướng dẫn nên khi một người bị phát hiện bị bệnh phong là sẽ bị đuổi khỏi làng và phải đi sâu vào trong rừng. Còn những người bệnh nhẹ hoặc đã chữa lành bệnh nhưng lại bị tàn phế, tật nguyền nên việc lao động làm ăn rất khó khăn… Chính vì thế Cha cùng vận động các mạnh thường quân và cac Dì Phước giúp những gia đình bệnh phong cùi này có được một mái nhà nhỏ để ở, giúp con cái họ đi học hoà nhập với cuộc sống, hàng tháng cấp phát lương thực, gạo, thuốc men cho các làng xa xôi, heo hút giúp họ tồn tại, nhưng thỉnh thoảng những công việc không lương này cũng gặp trở ngại khó khăn bởi những định kiến của chính quyền địa phương…
Việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ mồ côi trên vùng Tây Nguyên này cũng vô cùng gian nan, đa số các em mồ côi đều là người dân tộc nhưng chỉ mồ côi cha hoặc mẹ vì theo quan niệm của người dân tộc khi mẹ chết là chôn sống đứa con theo mẹ. Còn với dân tộc Jarai theo mẫu hệ nếu mẹ chết thì con cho người Dì nuôi nhưng hiện nay có các trường hợp mồ côi nhưng vẫn còn cả cha lẫn mẹ vì các bé bị suy dinh dưỡng, bố mẹ nuôi không nổi nên đem cho các nhà mồ côi. Hầu hết 2 nhà mồ côi ở Kontum đều do các Dì phước người dân tộc phụ trách với khoảng 400 em, ở Pleiku có 1 nhà mồ côi khoảng do các Dì Phước người Kinh phụ trách…


Chưa dừng lại Cha còn muốn làm cách nào để giúp đồng bào dân tộc hết nghèo đói ở mức tối thiểu như có cái ăn cái mặc, có nước sạch, có các điều kiện về y tế. Sau đói nghèo chính là giáo dục để hôm nay gieo mầm tương lai sẽ có nhiều các em dân tộc bước vào cổng trường đại học, cao đẳng, trung cấp… và mang cái chữ, cái nền văn minh đến cho chính dân tộc mình, vì theo cách nhìn của Cha, chỉ có người dân tộc mới cứu chính họ thoát khỏi đói nghèo, mà cũng chỉ chính họ mới giúp họ văn minh, và Cha tin tưởng rằng trong tương lai người dân tộc ở Pleiku và Kontum thay da đổi thịt, sẽ văn minh như chúng ta ngày hôm nay…

Bài ghi nhận này tôi viết cách đây gần 10 năm trong những chuyến đi công tác tại Tây Nguyên và hôm nay khi đọc đoạn Lời Chúa theo Thánh Mattheu nhân Lễ Kính các Thánh Anh Hài khiến tôi muốn chia sẻ bài viết trên.

Mt 2, 13-18

Khi các đạo sĩ ra đi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: "Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrođê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người". Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrođê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: "Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập". Bấy giờ Hêrođê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.

Thời Chúa Giê su vừa sinh ra, chỉ vì sự "thất tín" của 3 nhà đạo sĩ Phương Đông mà Hêrôđê ra tay tàn sát tất cả các trẻ trai bé nhỏ tại Be lem vì sợ ngôi Vua của ông ta bị lung lay. Nhưng thời nay chẳng có thế lực nào ngăn cản, đe dọa nhưng số lượng thai nhi bị giết chết ngay từ khi còn trong bụng mẹ, chỉ là một giọt máu hoặc may chăng vài ba tháng tuổi lại là con số vô cùng khủng khiếp. Cách đây 10 năm, Nghĩa Trang Đồng Nhi Pleyku có con số hơn 12 ngàn sinh linh, thì ngày nay đã có hàng chục, hàng trăm nghĩa trang Đồng Nhi như thế mà không thể thống kê chính xác được con số đã lên tới hàng trăm ngàn... Các hài nhi này chẳng có tội tình chi nhưng vì cái gọi là tự do trong tình yêu, trong lối sống buông thả, đua đòi mà chính những người mang danh là mẹ đã nhẫn tâm "cướp" đi quyền làm con người của chính con mình...

Khi xưa một Hài nhi vừa sinh ra nằm trong máng cỏ, tuy bé nhỏ nhưng rất cao cả và khiến cho một vị Vua như Hêrôđê phải sợ hãi và ra tay tàn sát tất cả các trẻ nhỏ. Các bé chẳng có tội tình chi nhưng phải chết vì Chúa Ki tô. Tiếng khóc than của cha mẹ các trẻ nhỏ này đã vang đến tận cùng trời đất và cho dù các bé chưa nói, chưa có trí khôn nhưng đã trở thành những chứng nhân anh dũng vì Danh Đức Ki tô.

Chẳng bao lâu sau tiếng đàn ca xướng hát của các thiên thần trong đêm Chúa Giáng Sinh là tiếng khóc than rền rĩ của những bà mẹ mất con trong cuộc sát hại con trẻ ở Bêlem của Hêrôđê. Chẳng lẽ việc Chúa ra đời lại là nguyên nhân gây ra cái chết của trẻ thơ vô tội? Không, Thiên Chúa đã tạo dựng con người và ban cho con người tự do. Hêrôđê có tự do, và ông đã lạm dụng tự do để sát hại trẻ thơ, hầu trút cơn giận dữ và thoả lòng ghen tị. Tôi, bạn và tất cả mọi người ai cũng có tự do, và tự do của chính mỗi người đã được sử dụng để vun đắp sự sống hay để huỷ diệt sự sống?

Lạy Chúa, trong xã hội hôm nay, ngay tại thế giới mà con đang sống đã, đang và tràn đầy những thảm họa do con người vì lạm dụng cái gọi là chủ nghĩa tự do cá nhân mà gây ra biết bao tội lỗi. Xin Thần Khí Chúa cho con biết sử dụng tự do của mình để làm vinh danh Chúa  và mang lại niềm hạnh phúc cho mọi người xung quanh.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét