Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

HOA MÂN CÔI

Mỗi khi tháng Mười về, những người con thảo của Đức Mẹ lại rộn ràng với những điệu vãn lời kinh để cùng tôn vinh Mẹ và cùng Mẹ suy ngắm cuộc đời Chúa Cứu thế. Mỗi lời kinh "Ave Maria" được sánh ví như một đóa hồng dâng kính Đức Mẹ. Lời kinh Mân Côi muốn diễn tả với chúng ta biết bao điều tốt đẹp.

"Vườn Rôsa bao quanh lái (trái) đất,

Cảnh thiên nhiên thật rất diệu huyền" (Ngắm Rôsa)

Kết quả hình ảnh cho DUC ME MAN COI

Vườn Rôsa trong câu thơ trên chính là Giáo Hội. Giáo Hội của Chúa được sánh ví như một vườn hoa rộng lớn mênh mông, mà ở đó được trồng những cây hồng với muôn sắc hoa rực rỡ. Giáo Hội của Chúa thật đẹp biết bao. Vẻ đẹp ấy không thể hiện nơi những tòa nhà cổ kính khang trang kiến trúc cầu kỳ, mà là nơi những cộng đoàn tín hữu, nhất là khi họ hội họp nhau để cử hành phụng vụ: tất cả cùng một đức tin, một tình mến, một tâm hồn để tôn vinh và ca tụng Chúa. Vẻ đẹp của Giáo Hội được tỏa rạng từ nụ cười móm mém của các lão ông lão bà, đến những gương mặt rất thơ ngây của các em nhỏ trong những cuộc rước tôn vinh Chúa, Đức Mẹ hay các thánh. Vẻ đẹp của Giáo Hội còn được thể hiện nơi những người cha người mẹ, nơi các bạn trẻ công giáo, được thấm nhuần tinh thần Phúc âm, đang hăng hái nhiệt tình góp phần làm cho quê hương đất nước thêm tươi đẹp. Những nụ cười, những tâm hồn hy sinh ấy chính là những đóa hồng trong vườn Giáo Hội, làm cho Danh Chúa được rạng rỡ vinh quang.

Lời "Vãn Mân Côi" cũng đưa chúng ta về một thời của lịch sử Giáo Hội: vào thế kỷ 13, Giáo Hội gặp nhiều khủng hoảng, nhất là từ những nguy cơ đến từ một bè lạc giáo có tên là Albigeois ở miền nam nước Pháp. Năm 1213, Đức Mẹ đã hiện đến với Thánh Đaminh và trao cho ngài một cỗ tràng hạt. Mẹ hứa, nếu các tín hữu siêng năng lần hạt thì Giáo Hội sẽ được an bình trở lại. Thánh Đaminh vâng lời Đức Mẹ, nhiệt thành kêu gọi mọi người đọc kinh Mân Côi và đúng như lời Đức Mẹ hứa, bè lạc giáo đã tan rã và Giáo Hội được hưng thịnh. Chính từ biến cố lịch sử này mà Giáo Hội được gọi là "vườn Rôsa" - vườn của những đóa hoa hồng, vì nhờ kinh Mân Côi, Giáo Hội đã tìm lại được vẻ đẹp huy hoàng của mình. Ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7-10 hằng năm cũng được Đức Piô V thiết lập để ghi nhớ chiến thắng của Hải quân Kitô giáo với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại trận Lepanto ngày 7-10-1571. Chiến thắng này có được là nhờ các tín hữu lần hạt Mân Côi trong ngày giao chiến.

Một câu chuyện kể rằng Thánh Đaminh đã có sáng kiến kết 150 bông hoa hồng thành một chuỗi dài, tượng trưng cho 150 thánh vịnh. Ngài đã dùng những cánh hồng thơm ngát, nén chặt như ép khuôn và làm thành từng hạt hình tròn, nối liền với nhau thành một tràng hạt. Từ đó, tràng hạt được gọi là chuỗi Mân Côi, tức chuỗi hoa hồng.

"Đức Bà như Hoa Hường (hồng) màu nhiệm vậy" (Kinh cầu Đức Bà)

Trong vườn Rôsa, tức vườn Giáo Hội, có một đóa hoa vượt trổi về màu sắc và hương thơm. Đóa hoa ấy mang tên là Maria. Đức Maria vừa là Mẹ của Giáo Hội, đồng thời cũng là chi thể của Giáo Hội. Mẹ là mẫu mực cho đời sống đức tin của các tín hữu. Nơi Mẹ, Giáo Hội chiêm ngưỡng hình ảnh của mình trong tương lai. Mẹ diễn tả một hình ảnh không tỳ ố, không vết nhơ của Giáo Hội. Mẹ là hy vọng của Giáo Hội đang vươn tới vinh quang rạng rỡ như Mẹ.

Là Mẹ của Đức Giêsu, Mẹ cũng là Mẹ của Giáo Hội. Bằng sự quan tâm hiền mẫu của mình, Mẹ luôn đỡ nâng chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu. Cũng như tại Cana ngày nao, Mẹ đang dặn dò chúng ta: "Người bảo sao, các con hãy cứ làm như vậy" (Ga 2,5). Mẹ dạy chúng ta phó thác nơi Chúa, như Mẹ đã kiên trung tín thác suốt đời, để Thánh ý của Chúa được thực hiện, vì ơn cứu độ của toàn thể nhân loại.

Khi tôn vinh Đức Mẹ là Hoa Hồng, chúng ta ca tụng quyền năng của Chúa đã tác tạo nên Mẹ, như một tạo vật hoàn hảo, xứng đáng là ngai tòa cho Ngôi Lời nhập thể. Khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp cao siêu của Mẹ, chúng ta nguyện ước noi gương Mẹ, trau dồi các nhân đức, mến Chúa yêu người, luôn lắng nghe và thực thi Lời Chúa.

"Mỗi người là một cành hoa, cùng đem về đây góp gió,

Làm thành vườn hoa, muôn màu muôn sắc tươi xinh" (Lời một bài hát)

Kết quả hình ảnh cho DUC ME MAN COI

Mỗi chúng ta, khi sinh vào cuộc đời, cũng giống như một loài hoa để tô điểm cho thế giới này tươi đẹp. Sự khác biệt về tuổi tác, giới tính, trình độ văn hóa hay điều kiện kinh tế không phải là những lý do gây mâu thuẫn, nhưng làm cho cuộc sống thêm phong phú. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã nhận mình là một loài hoa được Thiên Chúa chăm sóc yêu thương một cách đặc biệt. Đã là hoa trong vườn, dù thuộc chủng loại nào, những bông hoa đều cống hiến hương sắc cho đời. Con người cũng thế, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng có trách nhiệm góp phần làm cho cuộc sống thêm nhân ái hơn.

Kinh Mân Côi giúp ta gắn bó với Chúa. Hai mươi mầu nhiệm diễn tả cuộc đời của Chúa Cứu thế, đồng thời cũng phác họa đời sống chúng ta. Cuộc đời được dệt nên bằng một chuỗi những vui buồn. Những ai kiên trung cậy trông vào Chúa trong mọi biến có vui buồn ấy, sẽ trở thành môn đệ chân chính của Đức Giêsu. Đức Mẹ đã thực hiện điều ấy và Mẹ đang mời gọi chúng ta tiến bước theo Chúa Giêsu, Con của Mẹ.

Tràng hạt Mân Côi cũng tượng trưng cho tình liên đới giữa con người với nhau. Là những đóa hoa trong vườn hoa cuộc đời, chúng ta liên kết với nhau làm thành một chuỗi hoa hồng. Những đóa-hoa-cuộc-đời được gắn liền với nhau bằng tình mến Chúa yêu người, làm cho cuộc sống này thêm tươi đẹp và thi vị hơn.

Khi ước mong trở thành những đóa hồng dâng kính Đức Mẹ, mỗi người chúng ta cũng cần phải là một đóa hoa để trao tặng cho nhau. Những nghĩa cử thân thiện, những lời động viên khích lệ hoặc sự chia sẻ tinh thần vật chất mà chúng ta thực hiện xuất phát từ tình mến, đó chính là những đóa hoa lòng mà chúng ta trao tặng cho nhau. Những đóa hoa ấy không tàn phai theo thời gian, nhưng mãi mãi thắm sắc ngát hương, làm nên một cuộc sống an bình. Đó là ý nghĩa của Kinh Mân Côi mà chúng ta đọc hằng ngày.

Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã nói: "Chuỗi Mân côi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lặp lại nhiều lần những lời mà Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlisabeth nói với Mẹ. Toàn thể Giáo Hội cùng liên kết với những lời kinh ấy" (Tông thư Kinh Mân Côi).

Lạy Mẹ Mân Côi, xin chúc lành và hướng dẫn chúng con trên mọi nẻo đường trần gian. Amen.

(GM. Giuse Vũ Văn Thiên)

MẸ MARIA – QUÀ TẶNG CỦA CHÚA CHO NHÂN LOẠI

Thiên Chúa thật khôn ngoan và kì diệu khi tạo dựng nên người phụ nữ và cho người phụ nữ được làm mẹ. Với thiên chức làm mẹ, người nữ đã đem hết tình yêu thương và hy sinh cả cuộc đời để chăm lo cho gia đình và cho con cái. Tuần qua, trên mạng lan truyền hình ảnh của một người mẹ : Sau trận oanh kích của liên quân, người ta đào bới dưới đống đổ nát của một khu nhà tại Syria và phát hiện thi thể của một phụ nữ và một đứa bé. Dù đã chết, nhưng người mẹ này đang trong tư thế gồng mình, đưa lưng để chống đỡ một khối gạch đá đổ xuống trên con mình, hai tay bà ôm chặt đứa con bé bỏng vào lòng. Tấm hình đã khiến cả thế giới xúc động về tình mẫu tử. Nếu như mỗi người ở trần gian đều có một người mẹ, thì Thiên Chúa lại quan phòng để ban tặng cho tất cả chúng ta có một người mẹ thiêng liêng, đó là Mẹ Maria. Dù là Mẹ thiêng liêng, nhưng Đức Maria đã yêu thương nhân loại chúng ta bằng tình mẫu tử của một người mẹ trần gian và còn dùng thế giá của mình trước tôn nhan Chúa để yêu thương và che chở chúng ta bằng tình yêu và uy quyền của Mẹ Thiên Chúa.

Kết quả hình ảnh cho duc me man coi

Hôm nay, Giáo Hội mừng kính Đức Maria với tước hiệu “Nữ Vương rất thánh Mân Côi”. Đây là tước hiệu Mẹ Maria vui thích nhất, vì tước hiệu này vừa ca tụng quyền năng Thiên Chúa, vừa cùng với Mẹ tạ ơn Thiên Chúa vì muôn việc kỳ diệu Chúa đã làm nơi Mẹ.

Thiên Chúa quyền năng, Ngài có thể làm được tất cả mọi sự, Ngài có muôn vàn cách thế để yêu thương và tha thứ cho nhân loại. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã muốn chọn một cách thức hết sức đặc biệt là cho Con của Ngài xuống thế làm người và đầu thai trong cung lòng Đức Maria. Việc một vị Thiên Chúa thiêng liêng, quyền năng vô hạn lại trở nên con người hữu hình và hữu hạn là một việc vượt quá sức suy tưởng của con người. Hơn nữa, Thiên Chúa lại muốn cho Con của Ngài được sinh ra bởi một người phụ nữ, làm con của con người. Người phụ nữ được tuyển chọn chính là Đức Maria.

Tin Mừng Luca thuật lại giây phút long trọng Thiên Chúa cử sứ thần Gabriel đến hỏi ý kiến Đức Maria. Sứ thần vào nhà Trinh nữ và chào : Kính chào Bà Đầy Ơn Phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà. Một lời chào hết sức kính trọng và đặc biệt. Sứ thần đã phải cung kính nghiêng mình trước ân phúc mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ. Sứ thần đã nhận thấy nơi Mẹ là đấng được tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa bảo vệ. Thiên Chúa không ngừng ban ơn để Mẹ trở nên một cung điện cho Con Thiên Chúa đến cư ngụ. Khi Thiên Chúa cư ngụ nơi nào, thì Ngài biến nơi đó thành đền thánh của Ngài. Kinh Mân côi là lời Hội Thánh và mỗi chúng ta lặp lại lời chào long trọng của sứ thần dành cho Mẹ. Lời này vừa ca tụng quyền năng của Thiên Chúa vừa chiêm ngắm ân sủng Chúa ban cho Mẹ. 

Đức Maria không hiểu lời sứ thần nói có nghĩa gì, Mẹ cũng không hình dung được điều gì sẽ xảy ra cho mình. Qua một lời giải thích ngắn gọn : Thánh Thần sẽ đến với Trinh Nữ và uy quyền của Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Trinh Nữ, vì thế, Đấng Trinh Nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa. Đức Maria đã thưa : Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền. Ngay lúc đó, Ngôi Hai Thiên Chúa đã ngự xuống đầu thai trong cung lòng của Mẹ.

Kế đến, lời kinh nhắc đến lời chúc tụng mà bà Isave dành cho Mẹ khi Mẹ đem Chúa Giêsu đến viếng thăm gia đình Giacaria và Isave : Em có phúc hơn mọi phụ nữ, và con trong lòng em thật diễm phúc. Qua lời này, chúng ta ca tụng Mẹ là người phụ nữ hạnh phúc nhất và vinh dự nhất trong nhân loại, vì Mẹ đã trở thành người đại diện cho cả loài người đón rước Đấng Cứu Thế bước vào trần gian và vào cung lòng Mẹ. Mẹ hạnh phúc vì Mẹ được Chúa yêu thương tuyển chọn. Mẹ đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa cách quảng đại. Mẹ đã dám để Thiên Chúa sử dụng cung lòng và cuộc đời của mình, để Thiên Chúa dẫn đi trên con đường Chúa muốn và dám phó thác hoàn toàn cho Chúa.

Kết quả hình ảnh cho duc me man coi

Từ một thụ tạo, Mẹ được Thiên Chúa nâng lên địa vì là Mẹ Con Thiên Chúa. Với địa vị này, Thiên Chúa đã hạ mình làm con của Mẹ, đồng thời Thiên Chúa cũng hạ mình “trao nhường vinh quang và quyền năng” của một vị Thiên Chúa cho Mẹ. Từ đó, Đức Maria trở nên người Mẹ vô cùng thần thế trước mặt Thiên Chúa, được đặt vào vị trí như một “Bà Chúa”, Nữ vương trên trời. Dù được đặt vào vị trí cao sang trổi vượt hơn tất cả mọi loài thụ tạo, nhưng Đức Maria vẫn không quên mình là một con người trong hàng thụ tạo của Thiên Chúa. Mẹ không lấn át quyền năng của Thiên Chúa nhưng dựa vào quyền hạn Thiên Chúa ban để dõi theo con cái trần thế và để che chở phù trì.

Sách Công Vụ cho thấy, mặc dù là mẹ Con Thiên Chúa, sau cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, Mẹ vẫn hiện diện một cách âm thầm bên các tông đồ và nâng đỡ đời sống đức tin cho các ông. Mẹ cùng cầu nguyện với các tông đồ, cùng cầu xin và chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Mẹ không hề lên tiếng hay can thiệp vào công việc của các tông đồ, nhưng dõi theo trong cầu nguyện và khích lệ các tông đồ trên hành trình truyền giáo. Vì sự hiện diện nâng đỡ này, Giáo Hội hướng về Mẹ qua lời cầu xin trong phần thứ hai của kính Kính Mừng : Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. 

Hơn hai ngàn năm qua, Giáo Hội liên tục trải qua những sóng gió thử thách, những bách hại và giết chóc, Giáo Hội luôn chạy đến cùng Mẹ. Giáo Hội tin rằng, mẹ không thể lìa xa con cái thiêng liêng của Mẹ. Qua lời trăn trối của Chúa Giêsu trên thập giá, Mẹ đã đón nhận nhân loại làm con và Mẹ trở nên Mẹ của Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội và mỗi người chúng ta luôn có chỗ để cậy dựa và cầu xin. Qua lời cầu xin này, chúng ta ý thức thân phận yếu hèn tội lỗi của mình để xin Mẹ thương nâng đỡ và xin Chúa tha thứ : Cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử.

Lời cầu xin này cho thấy con người yếu đuối, tội lỗi và bất xứng, cần đến ơn Chúa mọi giây phút. Xin Mẹ cầu bầu cho ngày hôm nay, tức là cho giây phút hiện tại này, để mỗi phút giây chúng ta có thể sống đẹp lòng Chúa, phù hợp với ý Chúa. Cầu cho ngày “hôm nay” còn là lời cầu xin cho cả thế giới ngày nay đầy bất ổn, chiến tranh, bạo lực được thái bình thịnh vượng, được sống an lành. Cầu cho con người ngày nay đầy những tham vọng, kiêu ngạo, ngỗ nghịch chống đối Thên Chúa biết quay về và nhìn nhận Chúa là Thiên Chúa thật, là Đấng quyền năng làm chủ vũ trụ này. 

Chúng ta cũng xin Mẹ trợ giúp mỗi người trong giờ lâm tử. Tức là xin Mẹ ở bên chúng ta lúc sống cũng như khi chết, khi phải đương đầu một cách quyết liệt với ma quỷ, dục vọng và thế gian. Xin Mẹ ra tay cứu giúp chúng ta trong giờ lâm tử, đế cho đến hơi thở cuối cùng, chúng ta vẫn thuộc trọn về Chúa và thuộc về Mẹ.

Kết quả hình ảnh cho duc me man coi

Mừng lễ Đức Maria Mân Côi và suy gẫm về kinh Mân Côi, chúng ta được mời gọi tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa và tin tưởng vào sự che chở, bênh vực của Mẹ. Hãy chạy đến với Đức Maria mỗi ngày qua chuỗi Mân côi, vì đây là lời kinh bảo đảm cho khi sống và khi chết luôn có Mẹ Maria cứu giúp. Lời kinh này đưa chúng ta đến gần Chúa, gần Mẹ và gần nhau hơn. Vì thế mỗi người, mỗi nhà, mỗi nhóm hãy đọc kinh Mân Côi mỗi ngày. Chúng ta có thể đọc riêng, đọc chung bất cứ nơi đâu : khi đi đường, khi đi làm, khi làm việc, khi lái xe, chúng ta đều có thể cất lên lời kinh : Kính Mừng Maria đầy ơn phúc…

Không có nơi nào an toàn cho bằng trái tim và vòng tay của Mẹ. Vì thế, đừng ngại ngần đến với Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi. Khi rảnh, chúng ta có thể đọc cả chuỗi năm mươi. Khi bận, chúng ta có thể đọc chuỗi mười và có thể đọc năm kinh, ba kinh. Kinh Mân côi phù hợp cho hết mọi người, từ người trí thức đến người bình dân, từ người già đến người trẻ, từ linh mục tu sĩ đến giáo dân, ai cũng có thể cầu nguyện bằng lời kinh này. 

Lịch sử Giáo Hội và kinh nghiệm đức tin còn cho thấy kinh Mân Côi là lời kinh rất hiệu quả để xây dựng hạnh phúc gia đình, để giải gỡ những khó khăn trong cuộc sống và để nâng đỡ đời sống đức tin. Xin cho mỗi người, mỗi gia đình biết tin tưởng và luôn chạy đến với Mẹ Mân Côi qua lời kinh Kính Mừng mỗi ngày. Amen.

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Cha ơi, tên con trên trời

Thánh nữ sinh năm 1873 tại A-lăng-xông, nước Pháp. Người nhập đan viện Cát Minh ở Li-di-ơ, lúc tuổi còn rất trẻ, và nhận tên là Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Chị đã sống đời khiêm tốn, đơn sơ theo tinh thần Tin Mừng và hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa theo “con đường thơ ấu”. Chị cũng đã dùng lời nói và gương sáng để hướng dẫn các tập sinh trong Dòng. Chị qua đời ngày 30 tháng 9 năm 1897 trong niềm khao khát được hiến dâng mạng sống để các linh hồn được ơn cứu độ và Hội Thánh được tăng triển.


Trong xấp hình chụp ở Lisieux hè năm 1997, tôi thích nhất tấm hình chụp tại góc vườn nhà thánh nữ Têrêsa, hiện nay là nhà trưng bày những kỷ vật thời thơ ấu của ngài.

Thích tấm hình ấy không phải vì khung cảnh rộng lớn, vì chỉ là một vuông cỏ chừng một trăm mét vuông; không phải vì góc máy đẹp hay kỹ thuật chụp hình độc đáo; mà thực ra chỉ vì tấm ảnh chụp cảnh sống động bên tượng Têrêsa đứng bên cạnh cha, tay chỉ lên trời. Người ta bảo chỗ đặt tượng hiện nay là chỗ năm xưa cha con Têrêsa đã ngồi trò chuyện buổi tối. Tấm ảnh xem ra có “tiếng nói”. Câu nói hôm ấy chính là lời Têrêsa nói với cha mình khi chỉ tay lên chòm sao hình chữ T: “Cha ơi, tên con trên trời”.

Xin dựa trên câu nói đượm chất mộc mạc đơn sơ của trẻ thơ nhiều ước mơ ấy để chia sẻ về con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ Têrêsa.

01/10/2016 – Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Bổn mạng các xứ truyền giáo. 

LỜI CHÚA: Mt 18, 1-4:

Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời".




1. “Cha ơi!” cho thấy con đường thơ ấu thiêng liêng khởi đi từ một hiện thực.

Têrêsa là con út trong một gia đình toàn là nữ. Ngài mất mẹ lúc lên bốn tuổi. Tuổi còn quá nhỏ để có thể ghi nhận nỗi đau, nhưng cũng đủ để ghi nhớ sự mất mát không gì bù lấp được. Từ đó thánh nữ dồn hết tình cảm cho người cha yêu quý. Và cũng từ đó, người cha phải kiêm luôn vai trò và trách vụ của người mẹ gia đình. Nếu “gà trống nuôi con” trong tiếng Việt Nam nói lên nỗi đau lận đận của người đàn ông lẻ bóng bên cạnh đàn con, thì nơi nhà Buissonnets nó đã trở thành một tình yêu khả thi khả kính và khả ái. Chính cô út mít ướt Têrêsa đã cảm nghiệm điều này hơn bất cứ thành viên nào khác của gia đình. Khúc hát tâm tình nhất của Têrêsa lúc ấy chính là hát về người cha, giống như những bài hát Việt Nam gần đây như “Bố là tất cả” hoặc “Ba sẽ là cánh chim đưa con đi thật xa…”. Đó là một hiện thực.

Từ hiện thực tưởng như mất mát, thiếu hụt bi quan ấy, Têrêsa rất tự nhiên sống lấy và đảm lĩnh trọn vẹn để sau này chuyển hóa và diễn tả về tình yêu Thiên Chúa, Đấng là CHA muôn đời. Nếu còn cha còn mẹ đầy đủ trong một gia đình hạnh phúc đủ đầy mọi sự, khi xưng Chúa là Cha, có lẽ ta chỉ có tâm tình một nửa, còn với Têrêsa thì khác, xưng Chúa là CHA với cả tâm tình dành cho người bố. Bố là tất cả, Chúa là tất cả.

Chính khởi đi từ hiện thực ấy, Têrêsa đã từng ngày đi sâu và đi xa trên con đường phó thác: phó thác mọi chuyện đời lớn nhỏ trong tay cha mình và phó thác chuyện một đời trong tay Thiên Chúa là Cha giàu lòng nhân ái, quảng đại yêu thương. Nếu lúc nhỏ Têrêsa ngồi bệt ở cầu thang khiến cha mình phải cúi xuống bồng lên, thì khi lớn Têrêsa nghiệm ra: người con nào càng nhỏ bé yếu đuối khiêm nhường phó thác, càng được Cha trên trời yêu mến bế bồng nâng đỡ dìu đưa.

2. “Tên con” cho thấy con đường thơ ấu thiêng liêng dệt bằng những bước đơn sơ mang đậm cá tính.

Đường thơ ấu thiêng liêng của Têrêsa khởi đầu là thế, với những tiếng “Bố ơi” dệt nên ngày sống và những tiếng “Cha ơi” làm nên cuộc đời. Đó là những bước chân bé nhỏ trên hành trình dài. Và thánh nữ đã thực hiện tuần tự không bằng “đôi hia bảy dặm” của phép màu dễ dãi, cũng chẳng bằng “tấm thảm biết bay” thênh thang rộng rãi hoặc bằng “đũa thần” nhẹ nhàng vung vít, nhưng bằng tấm lòng đơn sơ nhỏ bé.

Ngày nay Têrêsa được nâng lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh, người ta tưởng đời ngài làm bằng những việc vĩ đại. Không, rất bình thường. Trong chín năm Dòng Kín Lisieux lặng lẽ, ngài chỉ làm những việc vô cùng bình thường như những người khác, nhưng cách thế ngài làm quả là khác thường đến độ phi thường. Cách ngài làm là cách của tình yêu lớn. Việc lớn mà tình yêu nhỏ là việc thắt lại, việc nhỏ mà tình yêu lớn là việc triển nở sinh sôi. Têrêsa là Têrêsa nhỏ vì đời nhỏ việc nhỏ, nhưng Têrêsa vĩ đại vì tình yêu ngài sống khó ai có thể vượt qua.

Nhiều lúc xem ra ngài còn muốn “đánh lừa” cả Chúa nữa, như khi gặp chuyện trái ý hoặc tâm sự buồn, ngài vẫn cố gắng giữ bộ mặt tươi cười như không có chuyện gì xảy ra, không phải để các chị em trong cộng đoàn khỏi để ý hoặc bề trên hỏi han lôi thôi mất công giải thích phiền phức, mà để Chúa “khỏi biết” kẻo Chúa đau buồn. Chúa đã chịu đau khổ nhiều vì chuyện lớn lao cứu độ nhân loại rồi, dám đâu phận cỏ rơm lại làm phiền lòng Chúa vì những chuyện nhỏ. Xem ra cách chọn lựa đơn sơ và cũng trẻ thơ quá phải không?

Khi bị bề trên quở vô lý, Têrêsa rất vui vì có dịp hy sinh. Khi lượm được cọng rác lạc lõng nơi hành lang, Têrêsa rất thích vì có dịp cầu nguyện vòi vĩnh Chúa giải thoát cho một linh hồn. Khi nhìn bông hoa được ngắt chưng trên bàn thờ, Têrêsa nghĩ về niềm dâng hiến. Tất cả là bình thường tự nhiên, nhưng đã trở thành cơ hội để thánh nữ được thánh hóa trong tình yêu. Đặt “tình yêu” nhỏ của mình trong “TÌNH YÊU” vĩ đại của Chúa, sẽ hóa nên tình yêu lạ thường có sức làm cho những điều bình thường đem lại những hiệu quả phi thường.

3. “Trên trời” cho thấy con đường thơ ấu thiêng liêng vươn mở tới những ước mơ lành thánh.

Têrêsa lìa trần lúc mới hai mươi bốn tuổi. Quá trẻ cho một đời người để trở thành một vị thánh trẻ cho toàn thế giới. Nhưng nét xuân trẻ nơi Têrêsa đâu căn cứ vào tuổi tác, mà đúng ra là dựa trên tâm hồn. Trẻ vì dung dị gần gũi và cũng trẻ vì những ước mơ bay bổng. Tết Trung Thu, thiếu nhi mơ lên cung trăng gặp chị Hằng, thăm thằng Cuội, nhìn Thỏ ngọc, ngồi gốc đa nghe sáo thổi vi vu điệu nhạc nên thơ … Đó là ước mơ đơn sơ tuổi thơ ngây dại đi liền với những hình ảnh mang màu văn hóa, nhưng ước mơ của Têrêsa dẫu đơn sơ mà cao vượt, dù nên thơ mà vẫn không xa rời thực tế.

Khi Têrêsa ước mơ sẽ là tình yêu trong Giáo Hội, thì cùng lúc ngài cũng đón nhận vào mình những hy sinh của sự chia lìa đối với người thân và những biểu lộ của cơn bệnh ngặt nghèo. Khi Têrêsa ước mơ thao thức trở thành vị truyền giáo đặt chân đến những nơi thật xa thật lạ mà đem về cho Chúa thật nhiều linh hồn, lại là lúc ngài phải liệt giường liệt chiếu để mãi được gọi mời thể hiện ước mơ truyền giáo bằng việc cầu nguyện và hy sinh. Khi Têrêsa ước mơ sẽ rải mưa hoa hồng làm đẹp cuộc sống nhân thế chính là lúc ngài đang lặng lẽ nghĩ về những cánh hoa hồng được trải lên đường kiệu Mình Thánh Chúa.

Cuộc đời rộng mà không ước mơ, cuộc đời ấy sẽ bị thắt buộc trở nên hẹp hòi. Cuộc đời hẹp mà biết ước mơ, nhất là với những ước mơ lành thánh, cuộc đời ấy sẽ mở ra thênh thang cho Giáo Hội được nhờ và cũng cho Nước Trời được hiện tỏ. Nếu ước mơ là dấu hiệu của sự trẻ trung thì rõ ràng Têrêsa với những ước mơ không vơi cạn đã là một vị thánh trẻ hôm qua và sẽ còn là mùa xuân trẻ trong lòng mộ mến của Giáo Hội hôm nay.

Tóm lại, “Cha ơi, tên con trên trời” chỉ là một câu nói trẻ thơ đơn sơ đột xuất, nhưng đã toát lược những bước hành trình dệt nên con đường thơ ấu thiêng liêng của Têrêsa. Tất nhiên, con đường ấy đã được Chúa Giêsu khai sinh khi tuyên bố “Ai không trở nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”, nhưng thực hiện con đường ấy như thế nào lại là một dấu ấn ký tên Têrêsa. Con đường ấy phổ quát mở ra cho mọi người mọi thời, con đường ấy vừa tầm với mọi bậc sống

Cầu chúc mọi người hôm nay thanh thản bước đi trên đường thơ ấu thiêng liêng và cũng nhận được những “hoa hồng” trìu mến của thánh nữ Têrêsa từ con đường ấy.





tâm hồn trẻ thơ!

Nếu có dịp về vùng miền quê, chúng ta dễ phát hiện ra những nụ cười ngây thơ và trong sáng trên khuôn mặt của các em thiếu nhi nơi đây. Những hình ảnh đáng yêu, hồn nhiên của các em thiếu nhi tại một vùng quê thanh bình đã phần nào mô tả được cuộc sống thường ngày của các em tại nơi này. Với khói bụi, với cánh đồng lúa, với khuôn mặt thân thương và trong sáng đem đến sự đáng yêu, tinh nghịch, ngộ nghĩnh trên từng khuôn mặt. Cuộc sống của con người không thể thiếu đi những nụ cười của trẻ nhỏ, những nụ cười mang đến cho chúng ta sự vui vẻ và thân thiện. Tuổi thơ không nuôi dưỡng chiến tranh nhưng luôn gầy dựng hoà bình. Tuổi thơ không ghen ghét, kèn cựa lẫn nhau nhưng đoàn kết, hợp tác thân thương. Thế nên, tuổi thơ thật đáng yêu, đáng trân trọng. Và những ai có tâm hồn tuổi thơ cũng đáng được ca ngợi, mến yêu.



Chúa Giê-su Ngài cũng yêu thích tâm hồn tuổi thơ. Ngài cũng cần các môn đệ Ngài phải có tấm lòng đơn sơ như trẻ nhỏ. Một tấm lòng đơn sơ để Chúa làm mọi việc nơi mình. Một tấm lòng đơn sơ để có thể cúi xuống làm mọi việc vì lòng yêu mến tha nhân. 

Tâm hồn đơn sơ ấy đã được một người sống và thể hiện thành công trong suốt cuộc đời mình chính là thánh nữ Tê-rê-sa hài đồng Giê-su. Nơi ngài chúng ta thấy một con người đơn sơ. Một tâm hồn trẻ thơ. Một cuộc đời ẩn tu và chỉ sống vỏn vẹn 24 năm dương gian nhưng đã làm cho cả thế giới kính phục. 

Dù rằng trong ngày an táng của ngài vào ngày 1. 10. 1897, tại một tỉnh lẻ ở Pháp một đám tang chỉ vỏn vẹn mười người, đi đầu là Thánh Giá, tiếp theo là Linh Mục linh hướng, rồi linh cữu người quá cố trên một chiếc xe đẩy, đi sau linh cữu là mấy nữ tu và vài ba thân nhân. Thế nhưng, trước giờ chết, chị đã nói như tạm biệt cộng đoàn: "Tôi không chết, tôi bước vào cõi sống”. Và như một vị tiên tri, chị nói với mẹ Bề Trên :" A ! Con biết lắm, rồi cả thế giới sẽ yêu thương con”. Liền sau cuộc mai táng tại nghĩa trang của thị trấn, có một trận mưa hoa hồng ngay trên mộ của nữ tu trẻ tuổi này, vì chị đã hứa:”Tôi về trời, là để làm điều tốt cho thế gian”.

Từ đấy, cả thế giới đã nói về chị Têrêsa. Cuộc bùng nổ những sách báo viết về chị. Chị được tôn vinh hiển thánh năm 1925, và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền gíao toàn cầu. Năm 1997 Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã tôn phong Ngài lên Tiến sĩ Hội Thánh.

Tiểu sử của Ngài thật ngắn gọn. Nhưng nói về tâm hồn của ngài là một kho tàng vô giá. Têrêsa sinh năm 1873. Vào dòng kín lúc 15 tuổi. Chết lúc 24 tuổi và được phong thánh vào năm 1925. chúng ta nhận thấy chị là một nữ tu tiến rất mau trên con đường thánh thiện. Chỉ tu có chín năm, thế mà hai mươi tám năm sau khi qua đời đã được phong thánh.

Có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên và tự hỏi :
- Chị sống thế nào mà nên thánh mau lẹ như vậy ?
Chắc hẳn chị sẽ trả lời cho chúng ta rằng :
- Chị chỉ làm những việc nhỏ bé tầm thường và kín đáo. Tầm thường nhưng với một trái tim phi thường còn hơn là việc phi thường mà với một trái tim tầm thường, lố bịch.

Có thể nói cuộc đời của Têrêsa được gồm tóm trong một chữ yêu. Thánh nữ muốn sống cho tình yêu và chết cho tình yêu để được yêu Chúa luôn mãi bằng một tình yêu muôn thuở, không bao giờ tàn phai.

Với tình yêu chân thành, Tê-rê-sa đã sống và hành động vì tình yêu. Dù chỉ là công việc tầm thường như :giặt quần áo cho các chị em trong dòng, quét cầu thang, dọn phòng ngủ, làm vườn. . . Tê-rê-sa đã làm vì lòng yêu mến Chúa. Tê-rê-sa đã biến những công việc tầm thường ấy trở thành những việc phi thường khi phủ vào ấy một tình yêu nồng nàn dành cho Thầy chí thánh Giê-su đến mức độ ngài nói: ‘dù cúi xuống nhặt một cây kim, chị cũng làm vì lòng yêu mến Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Bên cạnh đó, Têrêsa đã làm tất cả những việc đó trong tinh thần của một trẻ thơ: "Con ước ao trở nên vô danh tiểu tốt trước vạn vật . Con không mơ ước danh vọng của loài người . Tê-rê-sa đã sống một cuộc đời đơn sơ như trẻ thơ. Không toan tính. Không vị lợi. Nhưng luôn khiêm tốn, nhỏ bé để dễ dàng phục vụ tận tuỵ nhiệt thành vì Chúa và vì tha nhân.

Sự nhỏ bé ấy còn được biểu lộ qua thái độ yêu thương giúp đỡ các chị em bằng cách chịu đựng những bực bội do họ gây nên. Có lần khi phải chăm sóc một masour già khó nết, chị vẫn luôn tươi cười với lời gắt gỏng của Masour già, bằng ánh mắt cảm thông với những sai lỗi của các chị em khác. Chị đã cho đi bằng những việc làm cụ thể. 

Con đường nên thánh của tê-rê-sa thật bình thường. Bình thường từ cách sống của mình chan hoà tình yêu. Bình thường bằng cách sống đơn sơ như trẻ nhỏ để gìn giữ hoà khí với mọi người. Chị đã sống đơn sơ và được Chúa chúc phúc như lời Ngài đã phán :

- Nếu không trở nên như trẻ nhỏ, các con sẽ chẳng được vào nước trời đâu.

Ước gì cuộc đời chúng ta luôn đơn sơ như trẻ thơ để dễ gần gũi và đáng yêu trước mặt mọi người. Ước gì chúng ta luôn làm mọi việc vì lòng yêu Chúa và cứu rỗi các linh hồn để dù việc ta làm nhỏ nhặt nhưng sẽ là những việc phi thương mang lại mùa xuân cứu độ cho an hem. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

Hạnh phúc thật!

Một nhà hiền triết đã nói với một ông vua rất giàu có như sau : Không ai có thể được xem là hạnh phúc thật khi trái tim người đó còn bị trói buộc với của cải vật chất.

Thực vậy, khi trái tim còn bị vật chất trói buộc họ sẽ không bao giờ thoả mãn những cái mình có. Họ không thể hưởng thụ những cái mình đang có. Đôi khi họ còn bất mãn về những gì mình đang có. Từ đó, họ luôn tìm cách kiếm cho mình thật nhiếu tiền, thật dư giả vật chất. Vật chất làm cho họ mù quàng như con thiêu thân lao vào tìm kiếm mồi. Điều đáng nói là vật chất không bao giờ thoả mãn con người nên những ai lệ thuộc vào nó sẽ bị nó sai khiến và làm những chuyện bán rẻ lương tâm.

Thứ Sáu trong tuần 26 TNC
Lời Chúa: Lc 10,13-16:

13 "Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din ! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. 14 Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xi-đôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi. 15 Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư ? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ !

16 "Ai nghe anh em là nghe Thầy ; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy ; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy." "Hãy mừng vì tên anh em được ghi trên trời".

Những kẻ bị chúc dữ trong đoạn Tin Mừng hôm nay là những người sống ở các thành phố. Nếp sống văn minh thành phố dễ đẩy người ta xa Chúa : do cám dỗ của vật chất, do tâm hồn quá ồn ào, do ý nghĩ mình thông giỏi… Sự văn minh khiến họ lo đến nhu cầu vật chất hơn là tâm linh. Cùng với sự kiêu hãnh khiến tâm hồn họ chai cứng không thể lắng nghe tiếng nói của lương tâm con người.

Dù muốn dù không càng ngày chúng ta càng dấn sâu vào văn minh thành phố. Cuộc sống văn minh càng cao nhu cầu hưởng thụ càng nhiều khiến chúng ta cứ quay cuồng trong danh lợi thú trần gian. Đôi khi đánh mất định hướng cuộc đời. 

Xin Chúa giúp chúng ta làm thế nào để vẫn giữ được tâm hồn thanh thản bình an, luôn hướng về siêu nhiên hơn tự nhiên, hướng nội hơn hướng ngoại, trọng tình yêu hơn hưởng thụ, sử dụng tiện nghi vật chất trong tình thần làm chủ hơn là tinh thần nô lệ…

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống trọng tình yêu của Chúa, hơn là hưởng thụ vật chất tầm thường mà xa cách Chúa, biết sử dụng tiện nghi vật chất trong tinh thần làm chủ hơn là tinh thần nô lệ. Xin giúp chúng con biết sống đúng với phẩm giá của mình là biết tự chủ bản thân đi theo lề luật của Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Các Tổng Lãnh Thiên Thần Micae - Gabriel - Raphael

Chúng ta mừng các vị tổng lãnh thiên thần, nhưng đồng thời cũng mừng tất cả các thiên sứ được nhắc tới từ sách Sáng Thế cho tới sách Khải Huyền. Các vị hiện diện cách vô hình để hướng dẫn dòng lịch sử cứu độ. Tuy các vị là những sứ giả của Chúa, có nhiệm vụ bộc lộ cho con người biết các kế hoạch của Chúa và mang tới lệnh Người truyền, nhưng trước hết các vị là cộng đoàn đông đảo những vị thờ lạy Thiên Chúa hằng sống.

Kết quả hình ảnh cho các tổng lãnh thiên thần

Hôm nay Giáo Hội mừng kính tổng lãnh các Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael, đây là tên tuổi của ba vị Thiên Thần đã được Kinh Thánh nhắc đến nhiều lần, và khi nói đến các Thiên Thần là nói đến vô số. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác quyết với các môn đệ của Ngài về sự hiện hữu của các Thiên Thần, đây chính là mầu nhiệm gắn liền với những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Khi tự tỏ bày cho loài người, Thiên Chúa cũng một trật mạc khải cho chúng ta về thế giới của các Thiên Thần.

Một trong những dấu chỉ thời đại mang nhiều ý nghĩa, là hiện nay tại những nước văn minh như Hoa Kỳ, sách vở liên quan đến các thiên thần được xếp vào một trong những loại bán chạy nhất, ngày càng có nhiều người tin tưởng vào sự hiện diện chở che của thiên thần trong cuộc sống của họ.

Vào tháng 12 năm 1993, một cuộc thăm dò được tờ báo Time và đài truyền hình thực hiện, cho thấy rằng có đến 69% người dân Mỹ tin sự hiện hữu của các Thiên Thần. Một cuộc thăm dò khác được thực hiện trước đó cũng tìm thấy rằng, 75% dân Mỹ tin có thiên thần.

Ðầu thập niên 1970, một nhà giảng thuyết nổi tiếng của Hoa Kỳ được tạp chí Time cho vào danh sách một trong 20,000 những tư tưởng nổi bật nhất của thế kỷ XX đã viết một cuốn sách có tựa đề: "Các Thiên Thần và Nhân Viên Mật Vụ của Thiên Chúa". Trong cuốn sách được xem là bán chạy nhất này, tác giả đã viết: "Các Thiên Thần là một chủ đề mang lại niềm an ủi và phấn khởi lớn lao cho những người tin Chúa, đồng thời cũng là một thách đố để cho những người không tin phải tin".

Lời Chúa: Ga 1, 47-51:

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông rằng: "Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối". Nathanaen đáp: "Sao Ngài biết tôi?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi". Nathanael thưa lại rằng: "Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel". Chúa Giêsu trả lời: "Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin. Ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa". Và Người nói với ông: "Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người".

Kết quả hình ảnh cho các tổng lãnh thiên thần

Thật thế, nếu Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta sự hiện hữu và hoạt động của các thiên thần, hẳn Ngài cũng muốn cho chúng ta cảm nghiệm hơn về mầu nhiệm tình yêu của Ngài. Dù chúng ta có thấy các thiên thần hay không, dù các ngài có đến với chúng ta như thần linh hay dưới hình bóng người phàm, thì lời cầu xin của chúng ta luôn được đáp trả. Thiên Chúa hằng can thiệp vào cuộc sống của chúng ta cách diệu kỳ, niềm tin nơi sự hiện diện và hoạt động của các thiên thần luôn nhắc nhở chúng ta điều đó. Quả thật, cuộc sống của chúng ta được dệt bằng phép lạ từ giây phút đầu tiên được tạo thành trong lòng mẹ cho đến lúc chào đời rồi lớn lên, mỗi một nhịp đập của trái tim, mỗi một hơi thở của chúng ta không là phép lạ sao?

Với mỗi người Chúa âu yếm nói: "Ta đã gọi con bằng tên con, con thuộc về Ta". Chúa Giêsu đã có lý khi mời gọi chúng ta nên giống như trẻ thơ, bởi vì trẻ thơ không ngừng ngây ngất trước những điều kỳ diệu và những phép lạ của cuộc sống. Người lớn thì trái lại thường bị cuốn xoáy trong dòng đời nên dễ đánh mất khả năng chiêm ngắm trước những điều kỳ diệu và các phép lạ của cuộc sống.

Thiên Chúa yêu thương mỗi người, Thiên Chúa không ngừng bao bọc che chở chúng ta bằng sự hiện diện của vô số các thiên thần. Ðó phải là niềm tin hôm nay khi mừng kính các thiên thần Micae, Gabriel và Raphael, Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta hâm nóng lại. Thiên Chúa đã ban cho cuộc sống chúng ta như một phép lạ, nhờ các sứ thần của Ngài, Ngài hướng dẫn và che chở chúng ta trong từng đường đi nước bước của chúng ta.

Nguyện xin các thiên thần nhất là thiên thần bản mệnh của mỗi người luôn nhắc nhở ta, để ta luôn tiến bước trong tin yêu và hy vọng nơi Thiên Chúa là tình yêu.

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’ – R. Veritas)