Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016

Trở Nên Môn Đệ Chúa

Hôm qua, ngày 2.7.2016, trong huấn từ của Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm - GM. GP. Bà Rịa ngày mừng Tân Chánh xứ Đaminh Nguyễn Đức Quỳnh như sau: .Tôi cám ơn Cha đã vâng lời Đấng Bản Quyền về coi sóc đoàn chiên Chánh Tòa. Mặc dù số giáo dân không nhiều bằng Giáo xứ Phước Lâm, nhưng giáo xứ Chánh Tòa có nhiều hoạt động cấp giáo phận hơn, chắc chắc cũng sẽ có nhiều vất vả, lo toan hơn. Tuy nhiên, người mục tử là người luôn ĐI TRƯỚC đoàn chiên, hướng dẫn đoàn chiên sống Tin mừng, Lời Chúa và đón nhận các ân sủng từ các Bí tích, sống đúng với Giáo lý, giáo huấn của Hội thánh để đoàn chiên được sống và sống dồi dào…. Cũng có lúc người mục tử ở GIỮA đoàn chiên để đồng hành, đồng cảm với những khó khăn, vất vả, lao nhọc của đoàn chiên, để mang trong mình mùi chiên, đồng cảnh ngộ với con chiên nhất là những con chiên nghèo khổ, bất hạnh…. Rồi đôi khi người mục tử phải ở SAU đoàn chiên để quan sát, thúc giục, làm cho đoàn chiên tiến về phía trước đúng đường, hướng dẫn những con chiên đi lạc…..”
Cha Đaminh đã noi gương Chúa, cất bước theo Chúa qua lời hứa trung thành với Giáo hội và vâng lời Đức Giám Mục. Hình ảnh ấy như họa lại một phần lời Chúa Chúa nhật 14 TN C hôm nay...

Chúa nhật 14 Thường niên, Năm C
Lời Chúa: Lc 10, 1-12.17-20:

Khi ấy, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Ðừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ đến đậu trên người ấy; bằng không, thì bình an đó sẽ quay về với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Ðừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần.” Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơđom còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” Ðức Giêsu bảo các ông: “Thầy đã thấy Xatan như một tia chớp từ trời sa xuống. Ðây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”

Kết quả hình ảnh cho chúa nhật 14 tn c


Đức Giêsu đã đưa ra những điều kiện thiết yếu cho những ai muốn đi rao giảng Tin mừng "không túi tiền, không bao bị, giày dép". Họ phải là những người nghèo khó, khiêm tốn, và thậm chí yếu đuối, để có khả năng tin tưởng và bám víu vào Thiên Chúa. Họ được sai đến những nơi nguy hiểm, thiếu an toàn, nhưng lại nói lời bình an. Cơn cám dỗ về tiện nghi vật chất luôn đe dọa những người đi rao giảng Tin mừng. Cơn cám dỗ về ngại khó vẫn luôn làm những người đi rao giảng Tin mừng chùn bước. Như thế, người đi rao giảng Tin mừng "đừng khoe khoang về điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Đức Giêsu Kitô" (Gl 6.14).

Hơn thế nữa, "sự bình an của các con sẽ đến trên những ai đón nhận Tin mừng". Người đi rao giảng Tin mừng là người có được sự bình an của Thiên Chúa. Từ đó đem sự bình an này đến cho người khác. Đem đến sự bình an của Thiên Chúa cùng với Nước Thiên Chúa đang đến gần chính là rao giảng Tin mừng. Mọi hình thức áp đặt, đe dọa, "rút phép thông công", những cuộc thánh chiến... sẽ làm tiêu tan sự bình an. Bình an cho nhà này, cho ngôn ngữ, cho phong tục tập quán này, cho các truyền thống, các giá trị, các nghi thức phải là tâm niệm của những người đi rao giảng Tin mừng. Tin mừng cần được hội nhập, được sống trong một nền văn hóa của một dân tộc cụ thể, cùng với những phong tục tập quán, truyền thống của dân tộc đó. Tin mừng chỉ có thể được đón nhận trong tình yêu và tự do.

Là kitô hữu, nhờ bí tích Rửa tội và Thêm sức, chúng ta là những người rao giảng Tin mừng cho mọi người chung quanh. Chúng ta được Thiên Chúa gởi đến để đem lại bình an cho người khác. Những người chung quanh chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận sứ điệp của chúng ta, nếu sứ điệp đó được loan báo cách vô vị lợi, nhẹ nhàng, trong tinh thần phục vụ. Chứng từ "cứ từng hai người" là hình ảnh yêu thương lẫn nhau, cộng tác với người khác, không ghen tương hay thành kiến, là một chứng từ mạnh mẽ, có giá trị làm cho Tin mừng dễ được đón nhận. Các kitô gữu đầu tiên tại Antiôkia đã từng gây ấn tượng tốt đẹp cho cư dân tại đó bằng nếp sống đoàn kết yêu thương nhau, khiến cư dân tại đó đã phải thốt lên "Kìa xem họ yêu thương nhau biết bao". Vào thời bách hại đạo tại Việt Nam, cha ông chúng ta đã được những người chung quanh gọi là "những người theo đạo yêu nhau". Những chứng từ như thế có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn là "văn hay chữ tốt".

Khi phải đối diện với những bất an toàn của cuộc sống, chứng từ lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa cũng là một lời rao giảng tốt đẹp.

Phải chăng chúng ta đang rao giảng Tin mừng của Đức Giêsu bằng chính đời sống yêu thương và phục vụ của mình?

Lạy Chúa,

ngày nay trên thế giới

còn nhiều người chưa đón nhận Tin mừng.

Chúng con xin Chúa gởi đến

những người rao giảng Tin mừng

đầy lòng yêu thương, nhiệt tâm tông đồ.

Xin cho chúng con trở nên những chứng nhân Tin mừng

bằng đời sống của mình.

An Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét