Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Một giọt máu đào hơn ao nước lã...

Vụ án thảm sát 6 ngưới tại Bình Phước vừa được xét xử phúc thẩm tại Tp.HCM. Và một trong 3 bị cáo được sự quan tâm đông đảo nhất của người dân đó chính là Vũ Văn Tiến  (sơ thẩm tuyên án tử hình) với cơ hội mong manh thoát án tử, nhưng cuối cùng đã không có bất ngờ nào xảy ra.

Một vụ án gây phẫn nộ nhưng những giọt nước mắt ăn năn không còn cơ hội để sửa sai, dù rằng Vũ Văn Tiến bị khống chế và không ra tay sát hạt một ai, nhưng án tử vẫn là tử.

Trong suốt thời gian hơn 1 năm qua, hình ảnh người mẹ quê lam lũ chạy vạy khắp mọi nơi xin chữ kí của hàng ngàn người dân mong con mình thoát án tử, những bước chân nặng nề ấy, biết bao giọt nước mắt đã chảy xuống và có lẽ nước mắt của bà mẹ ấy đã không còn có thể lăn dài nữa mà uất nghẹn tận trong tim - những giọt nước mắt chảy ngược trong tim và bóp nghẹn trái tim bà.

Vũ Văn Tiến trước mặt Tòa án, trước mặt gia đình nạn nhân và mọi người là một tử tội, nhưng tận sâu thẳm trong trái tim người mẹ, tử tội ấy vẫn là một đứa con, một núm ruột mà bà mang nặng đẻ đau, để rồi dù con mình không còn cơ hội thoát án tử nhưng bà vẫn le lói một niềm hy vọng mong manh, để rồi...

Vu tham sat Binh Phuoc: Vu Van Tien khong thoat an tu hinh hinh anh 5

Hôm nay, lại một hình ảnh về thái độ xa lạ của người con đối với mẹ mình. Người con ấy chính là Chúa Giêsu đối với Đức Maria khi tuyên bố: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta"???

Thứ ba tuần 16 thường niên
Lời Chúa: Mt 12, 46-50:

Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy".

Mỗi tác giả Tin Mừng đều có một lối giải thích về thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình của Ngài, và sự khẳng định về tình liên đới của Ngài đối với gia đình thiêng liêng gồm những ai thực thi ý Chúa. Ðối với thánh Marcô, thái độ của Chúa Giêsu được tỏ ra sau khi Chúa chọn Nhóm Mười Hai. Trong Nhóm Mười Hai đã có một cuộc tranh cãi sôi nổi về chuyện ai sẽ được ngồi bên tả hay bên hữu Chúa Giêsu; những người có họ hàng với Ngài dĩ nhiên nuôi nhiều hy vọng hơn. Chính trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu khẳng định trong Nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột thịt không quan trọng bằng niềm tin; gần gũi với Ngài không đương nhiên là bà con ruột thịt, mà chính là những ai thực thi ý Chúa.

Trong Tin Mừng Luca, thì thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình ruột thịt của Ngài được ghi lại như một kết luận của toàn bộ những lời giảng dạy của Ngài về Nước Chúa, cũng như những điều kiện để thuộc về Nước Chúa. Như vậy, đối với Luca, chỉ có việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa mới thực sự làm cho con người được đi vào quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã đề cao thái độ của Mẹ Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật Do Thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo Hội, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính niềm tin.

Dĩ nhiên, gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và nuôi dưỡng đời sống đức tin; gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình. Cộng đoàn xã hội, nhất là xã hội gia đình là môi trường cần thiết giúp con người đón nhận và phát huy đức tin.

Khi đề cao thái độ lắng nghe và thực thi Lời Chúa của Ðức Maria, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa, đó là cuộc gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống Lời Chúa, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau là thế đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh em của mình, trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể không làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.

Ước gì chúng ta biết chạy đến với Ðức Maria như mẫu gương của lắng nghe và thực hành Lời Chúa; chạy đến với Người như người Mẹ thân thương của mỗi người, chúng ta cũng hãy đón nhận tha nhân như người anh em trong cùng một gia đình của Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét