Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Con đường thập giá!

Trong mấy ngày nay, tại Long Hải ( BRVT) đang diễn ra lễ hội Nghinh Cô. Tương truyền, hằng năm, vào các ngày từ 10 đến 12 tháng 2 âm lịch là lễ hội Dinh Cô. Dinh Cố là ngôi miếu nhỏ thờ một trinh nữ chết nước, nằm trên mỏm đồi lộng gió ở bãi tắm Long Hải. Dinh Cô được dựng lên bằng lòng tin, sự tín ngưỡng vốn có lâu đời trong nhân dân...

Tương truyền, 186 năm trước, xác một người con gái khoảng 16 tuổi dạt vào bãi, tên cô là Lê Thị Hồng Thuỷ, quê ở Phan Rang, theo cha Lê Văn Khương dong ghe bầu xuôi ngược Trung - Nam để đánh bắt cá và trao đổi hàng đan lát bằng tre. Mỗi lần ghe bầu qua vùng biển Long Hải, Cô nhìn cảnh sơn thuỷ hữu tình, thường ao ước được ở lại đây chung sống. Một đêm bão tố, trời chiều lòng Cô, đưa Cô theo sóng biển dạt vào, nằm lại trên bãi cát trắng xoá, nơi mà Cô từng mong ước. Cát đùn lên che chở, sóng vỗ muôn nghìn lời ru cho Cô yên giấc. Dân làng xem Cô là nữ thần thiêng liêng nên lập mộ trên đồi, dựng miếu thờ bên cạnh. Đầu tiên chỉ là một nấm mộ đất, miếu tre lá. Miếu và mộ thay đổi dần theo sự linh ứng ngày càng lan rộng. Một lần (vào khoảng năm 1966), miếu phát hoả, được trùng tu thành ngôi đền khang trang hơn. Đầu năm 1990, Dinh Cô lại được trùng tu bằng kinh phí quyên góp của khách thập phương, trở thành một dinh thự kiên cố như hiện nay.

Kết quả hình ảnh cho lễ hội dinh cô

Lễ chính được tổ chức từ rạng sáng ngày 12. Từ chính điện, đoàn người chỉnh tề cờ quạt ra bãi, lên thuyền, ra khơi làm lễ "Nghinh Cô". Lễ "Nghinh Cô" được cử hành long trọng. Vị Chánh bái dẫn đầu, đoàn học trò lễ tiếp bước, có cờ xí, lọng che, hoa đăng rực rỡ. Một chiếc ghe to đặt bày hướng án được xem là ghe dành "Nghinh Cô". Ghe được hộ tống bởi vài chục chiếc ghe khác. Đoàn ghe nối nhau ra khơi trong tiếng chiêng trống vang trời. Đến Mũi Nhỏ, nơi có ngôi mộ Cô, đoàn người xuống ghe lên viếng mộ, nghênh đón Cô về Dinh. Đặc biệt, trong lễ "Nghinh Cô", còn duy trì được hình thức diễn xướng "Hát bả trạo".



CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Phúc Âm: Lc 19, 28-4:Khi ấy, Chúa Giêsu đi trước lên Giêrusalem. Và xảy ra là khi Người đến gần Bếtphaghê và Bêtania, giáp núi gọi là núi Cây Dầu, Người sai hai môn đệ đi và bảo rằng: "Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp con lừa con cột sẵn đó chưa ai cỡi bao giờ; các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con "Tại sao các ông mở dây?", thì hãy nói thế này: "Vì Chúa cần dùng đến nó". Hai người được sai ra đi, và gặp lừa con đứng đó như Chúa đã bảo. Hai ông đang mở dây lừa con, thì chủ nó hỏi r?ng: "Sao các ông mở dây lừa con?" Hai ông đáp: "Vì Chúa cần đến nó". Hai ông dắt lừa về cho Chúa Giêsu, trải áo lên mình lừa và đặt Chúa lên trên. Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: "Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời". Một vài người biệt phái trong đám đông nói cùng Người rằng: "Thưa Thầy, xin hãy mắng các môn đệ Ngài đi". Chúa Giêsu nói: "Tôi bảo cho các ông biết: nếu họ làm thinh, thì những viên đá sẽ la lên".

Kết quả hình ảnh cho chúa nhật lễ lá

Trong bài Tin Mừng hôm nay cũng là một cuộc đón rước long trọng, Ông giê su làng Nazareth hôm nào nay được mọi người xưng tụng là Vua, được ngồi trên lưng lừa và được kiệu rước vào thành Gierusalem. Và theo như suy niệm của Linh Mục Đaminh Trần Quang Hiền thì con đường vinh quang hôm nay là dấu chỉ mở ra con đường thập giá mà chính Chúa Giêsu phải gánh vác, chịu ô nhục, chịu chết như một tử tội...

Đối với các Tông Đồ, việc Đức Giêsu khải hoàn tiến vào Giêrusalem để khai mào vương quốc, vương quốc mà các ông hằng mơ tưởng, thế là mộng công hầu khanh tướng của các ông đã thành hiện thực. 

Đối với Chúa Giêsu thì đàng sau cái vẻ thành công bên ngoài đó, Người đã nhìn thấy rõ tương lai, là việc Người bị chối bỏ, bị kết án. Hơn thế nữa, việc tiến vào Giêrusalem gợi nhớ đến ngày Người sẽ đến trong vinh quang, là ngày tất cả mọi người sẽ đi vào trong vương quốc Chúa Cha, ngày họ sẽ nhận Người là Vua đã đến cứu họ, và họ sẽ nhận Người làm Chúa của họ. 

Nhưng cuộc rước lá còn nhắc nhở chúng ta về nghịch lý mà những người có mặt trong buổi Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem đã phạm phải. Họ cắt nghĩa sai sứ mệnh của Chúa Giêsu. Bởi tuy Người có tiến vào thành thánh như một vị vua nhưng là để khai trương Nước của Thiên Chúa Cha. Vị vua mà người Do Thái đón đợi là một Đavid mới, một vị vua làm cho họ được thống trị trên các dân tộc. Còn việc Đức Giêsu đến trần thế hoàn toàn khác với niềm mong chờ này của họ. 

Cũng vì lẽ đó mà dân chúng đã thay lòng đổi dạ, họ tung hô Chúa Giêsu nhưng ít ngày sau đó chính họ lại quay lưng, kết án Ngài. Một Philatô hèn nhác, nhượng bộ đám dân náo loạn bỏ rơi Chúa Giêsu thay vì phải trả lại sự công chính cho Người. Ngay cả các tông đồ là những người thân cận với Chúa Giêsu cũng đã phản bội. Giuđa đã nộp Người bằng cái hôn thân tình. Phêrô chối Thầy 3 lần. 

Chúa nhật Lễ Lá hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn lại chính bản thân mình. Tôi cũng có thể là một trong những môn đệ hay đám đông đang khước từ, kết án Chúa Giêsu trong cuộc sống của mình. Tôi cũng có thể là một Philatô vì không dám sống theo sự thật của Tin Mừng, đã bao lần tôi sống trong giả dối, chạy theo quyền lực, tiền bạc, xác thịt để khước từ Thiên Chúa, sợ theo Chúa đòi buộc tôi phải từ bỏ chính mình. Tôi cũng có thể là một Giuđa phản bội lại Thầy mình, một Phêrô chối Thầy, đánh mất giá trị của tình thầy trò, đánh mất giá trị của người môn đệ, làm rạn nứt mối tương quan mật thiết với Chúa Giêsu chỉ vì một chút lợi lộc của vật chất, tiền bạc, danh vọng. Với một lối sống theo chủ nghĩa hưởng thụ, duy vật chất tôi đã chối bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình. Thiên Chúa không còn là giá trị tuyệt đối, là ưu tiên trong cuộc sống của tôi nữa. 

Bước vào Tuần Thánh và cao điểm là Tam Nhật Vượt Qua mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại thái độ sống là người Kitô hữu của mình, để chớ gì chúng ta biết can đảm sống theo những giá trị của Tin Mừng mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bước đi, dám đặt Thiên Chúa lên trên những bậc thang giá trị trần thế khác. 

Chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, Giáo Hội mời gọi mỗi người kitô hữu hãy cùng bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá. Chúng ta không chỉ theo Chúa khi gặp may mắn, thành công, bình an nhưng dám chấp nhận theo Chúa ngay cả khi bị bỏ rơi, khước từ, đau khổ, thất bại. Bước theo Chúa không phải là con đường hoàn toàn bình an, hạnh phúc, mà là một con đường chọn lựa quyết liệt giữa những quyến rũ của vật chất, đam mê, hưởng thụ, danh vọng, quyền lực để đặt Thiên Chúa chính là giá trị tuyệt đối, là hạnh phúc viên mãn của mình. 

Đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá là đi ngược dòng đời, ngược lại với những trào lưu chạy theo sự dễ dãi, thoải mái, sự giả dối, ích kỉ, hận thù, bạo lực... để dám sống từ bỏ, hy sinh, trung thực, yêu thương, bao dung mà Tin Mừng của Chúa Giêsu mời gọi. 

Đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá quả thật là một thách đố rất lớn trong bối cảnh ngày nay, nhưng chúng ta tin rằng chúng ta không đơn độc vì có Chúa cùng vác thập giá với chúng ta. Ngài luôn thấu hiểu, nâng đỡ, đồng hành với chúng ta, Ngài chia sẻ những khó khăn, thử thách, đau khổ với chúng ta trên bước đường đi theo Ngài. Và nếu chúng ta can đảm cùng chịu đau khổ và đóng đinh cùng Ngài, thì chúng ta sẽ được hạnh phúc và vinh quang phục sinh với Ngài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét