Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

10 vụ án oan chấn động Việt Nam!

Trang báo điện tử kienthuc.net.vn có bài viết tổng hợp 10 vụ án oan nổi tiếng Việt Nam. Xin chia sẻ một trong 10 vụ án trên để chúng ta cùng đọc, cùng ngẫm nghĩ!

Áp giải học sinh tại sân trường ở Đắk Lắk:
Ngày 20/9/2013, em Đỗ Quang Thiện (SN 1995, học sinh lớp 12A2 trường THPT Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) trong lúc đang điều khiển xe máy dưới 50 phân khối từ trường về nhà, đến ngã tư đường Trường Chinh và Trần Hưng Đạo (TP Buôn Ma Thuột) thì xảy ra va chạm cùng ông Lê Phước Thọ (SN 1945, ngụ TP Buôn Ma Thuột). Thiện đã đưa ông Thọ đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị và báo cho gia đình.

Ngày 20/5/2014, TAND TP Buôn Ma Thuột đã tiến hành xét xử sơ thẩm và tuyên em Thiện 6 tháng tù treo. Ngày 8/8/2014, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên xét xử phúc thẩm và tuyên em Thiện 9 tháng tù giam vì tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và buộc gia đình Thiện phải bồi thường các khoản chi phí cho ông L.P.T số tiền trên 56 triệu đồng. Gia đình em Thiện không đồng ý với mức án này và đã làm đơn gửi TAND tối cao để kháng cáo.

Ngày 2/4/2015, trong lúc Thiện đang học tại trường, Công an TP Buôn Ma Thuột đã đưa xe đặc chủng vào sân trường áp giải Thiện thi hành án, trước sự chứng kiến của bạn bè, thầy cô, gây nên sự bất bình trong dư luận.

     10 vu an oan chan dong du luan Viet Nam
Sau 52 ngày thi hành án tù trong trại giam tỉnh Đắk Lắk, 10h sáng ngày 24/5, em Thiện chính thức được tạm đình chỉ thi hành án theo quyết định của Tòa án Nhân dân Tối cao và ra khỏi Trại tạm giam Công an tỉnh sau gần 2 tháng bị giam giữ trở về nhà và chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhắc lại về sự cố xảy ra gần 3 năm trước, theo như mô tả của Thiện và kết luận của bệnh viện cùng các bác sĩ từng điều trị cho ông Lê Phước Thọ 67 tuổi, thì ông Thọ đã thình lình bị đột quỵ trong lúc lái xe, cú ngã không tạo ra thương tích nào. Điều không may, là 2 xe lại va vào nhau trong lúc Thiện vượt qua giao lộ, dẫn đến vụ án tới nay còn ẩn chứa nhiều điều khuất tất.

Còn những vụ án oan khác, xin vui lòng truy cập trang ( ttp://kienthuc.net.vn/soi-xet/10-vu-an-oan-chan-dong-du-luan-viet-nam-509742.html)  đễ tìm hiểu thêm!


Phúc Âm: Ga 8, 1-11:



Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai". Chúa Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".

Xã hội Việt Nam luôn tràn ngập những phiên tòa, tòa dân sự, hình sự và có hàng trăm, hàng ngàn những vụ án oan sai, khuất tất nhưng có lẽ vì sức mạnh vạn năng của đồng tiền mà tòa án lương tâm của những vị được cho là đại diện luật pháp cố tình "bỏ quên". Hôm nay, Chúa Nhật 5 Mùa Chay C Tin Mừng cũng diễn tả cho chúng ta một phiên tòa, nhưng đây chính là phiên tòa của lòng thương xót. Và qua bài suy niệm của Lm. GB. Trần Văn Hào giúp mỗi người chúng ta hãy can đảm nhìn thẳng vào nội tâm của lòng mình để khám phá ra biết bao những bẩn thỉu và xấu xa mà chúng ta không thể nào che giấu khi đến trình diện trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta đừng vội vã kết án người này người nọ, giống như đám đông vây quanh người phụ nữ. Chúa nói với họ, đồng thời Chúa cũng đang nói với chúng ta hôm nay: “Ai trong các ông vô tội, cứ việc ném đá chị ấy đi”.

Phiên tòa thứ nhất: Xét xử người đàn bà tội lỗi.

Người phụ nữ này bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Không biết chị ta phạm tội cách cố ý hay chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc phải bán trôn nuôi miệng. Thánh Luca không quan tâm đến điều đó. Thánh ký chỉ mô tả lại phiên tòa như một truyền thống theo tập tục Do thái. Một đám đông bao quanh người phụ nữ, trên tay mỗi người lăm lăm vài cục đá để chờ ném vào tên tội phạm cho hả dạ. Tình cờ, Chúa Giêsu cũng được mời đến tham dự. Có lẽ các đầu mục Do Thái đã mời Chúa đến để thử xem Ngài xử trí ra sao. Họ đặt ra một tình huống rất khó xử. Nếu Chúa Giêsu hành xử theo luật, thì có khác gì họ. Còn nếu không, thì Chúa lại không tôn trọng luật lệ của tiền nhân, thứ luật mà người Pharisiêu rất trọng thị và tuân giữ tỉ mẩn. Nhưng, Chúa Giêsu hoàn toàn thinh lặng. Ngài không nói một lời và lặng lẽ cúi xuống viết trên đất. Dường như động thái của Chúa nhằm nhắc nhở mọi người, hãy nhớ thân phận bụi đất và đầy tội lỗi nơi mình, đừng kết án kẻ khác. Cuối cùng, khi mọi người từ già đến trẻ tuần tự ‘biến’ một cách có trật tự, Chúa mới nhẹ nhàng nói với chị ta: “ Tôi không kết án chị đâu, hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Phiên tòa thứ 2: Tòa án của Philatô

Phiên tòa mà Thánh Luca thuật lại hôm nay khởi dẫn chúng ta đến với phiên tòa thứ 2: tòa án của Philatô. Trong phiên tòa thứ nhất, Chúa được mời thủ vai chánh án, còn nơi phiên tòa thứ 2, Chúa đứng trước vành móng ngựa như một tên tội đồ. Ở phiên tòa đầu tiên, phạm nhân bị bắt quả tang đang phạm tội với nhân chứng vật chứng rõ ràng. Còn nơi phiên tòa sau, Chúa bị điệu đến như một can phạm, cho dù Ngài hoàn toàn vô tội. Trong cả 2 phiên tòa Chúa đều im lặng tuyệt đối. Sự thinh lặng mà Chúa biểu tỏ là một loại hình ngôn ngữ phong phú nhất diễn bày lòng thương xót vô hạn đối với các tội nhân. Đồng thời, đó cũng là sự im lặng trong vâng phục sâu thẳm để Thánh ý Chúa Cha được nên trọn. “Ngài hiền lành như một con chiên bị đem đi xén lông mà không kêu ca mở miệng” (Is 53,7). Con chiên vô tội ấy gánh lấy tội lỗi của cả trần gian và đã bị phân thây, hầu khai mở kỷ nguyên ơn cứu độ. Cả 2 phiên tòa này hoàn toàn tương phản nhau, nhưng có một mẫu số chung. Đó là những phiên tòa bày tỏ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi, là chính chúng ta.

Phiên tòa thứ 3: Tòa cáo giải.

Đây là phiên tòa do chính Đức Giêsu thiết định. Ngài đã tham dự phiên tòa thứ nhất để nói với đám đông: “Ai trong các ông vô tội cứ việc ném đá đi”. Ngài đã bị xét xử cách oan ức trong phiên tòa thứ 2 để đồng phận với con người tội lỗi và mở toang một chân trời mới, đem lại ơn công chính hóa và sự giải án tuyên công cho những tội nhân. Ơn cứu độ ấy được diễn bày cách cụ thể nơi phiên tòa thứ 3 là chính tòa giải tội. Đây là phương thức tuyệt hảo để tái diễn lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong phiên tòa này, chúng ta được mời đến như những phạm nhân, còn chính Chúa Giêsu sẽ đóng vai thẩm phán để xét xử. Phán quyết cuối cùng trong phiên tòa này luôn là sự tha bổng, tha một cách tuyệt đối và vô điều kiện. Việc đền tội được đưa ra không phải là một hình thức đái tội lập công do công sức của con người, nhưng chính là tâm tình hoan vui và cảm tạ vì chúng ta đã được tha thứ. Không phải chúng ta đọc một vài kinh chiếu lệ để ‘đền tội’ theo ý niệm thông thường, nhưng đúng hơn chúng ta dâng lên Thiên Chúa những tâm tình tạ ơn vì tội lỗi chúng ta được xóa sạch do lòng yêu thương và tha thứ vô điều kiện của Ngài.

Nhiều người trong chúng ta từng tham dự các phiên tòa ngoài xã hội. Có những tội rất nặng, nhưng con người dễ luồn lách dựa vào kẽ hở của luật pháp. Hoặc có không ít các vị quan tòa bẩn thỉu đã nhận ăn hối lộ trắng trợn để giảm án hoặc tha bổng cho phạm nhân. Nhưng, cả 3 phiên tòa chúng ta vừa nêu trên không hề có những trò mánh khóe hay bịp bợm giống như vậy. Nơi các phiên tòa ấy đều có sự hiện diện của Đức Giêsu. Dung mạo của Ngài lúc nào cũng phản chiếu lòng thương xót của Chúa Cha. Điều quan trọng nhất, là chúng ta phải nhìn ra thân phận tội lỗi xấu xa nơi mình và tín thác tuyệt đối vào tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Chúng ta đừng vội kết án người khác giống như đám người Do Thái đang toan tính ném đá chị phụ nữ cho đến chết. Chúng ta cũng đừng hèn hạ và nhu nhược như Philatô, đã kết án một con người hoàn toàn vô tội chỉ vì sợ đám đông. Chúng ta vẫn thường đeo nơi mình 2 cái bị, một cái phía trước đựng những lỗi lầm của người khác và cái bị phía sau chất đầy tội lỗi to đùng của chính mình. Chúng ta cứ thích bới tìm nơi cái bị trước mặt để bới móc tha nhân và ít khi chịu ngoái cổ lại phía sau để lục soát những tội lỗi tầy đình của chính chúng ta. Chúng ta nhớ lại lời nhắc nhở của Thánh Giacôbê tông đồ: “Chỉ có một Đấng ra lề luật vàxét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn bạn là ai mà dám xét đoán tha nhân (Gia 4,12).

Xin Chúa gìn giữ mỗi người chúng ta được luôn luôn sống kết hiệp với Chúa, và từ nay không nhìn về quá khứ của mình nữa nhưng nhìn đến tương lai, để có những dốc quyết mới canh tân đời sống của mình, từ bỏ những tội lỗi, để giữ vững niềm tin mà chúng ta đã lãnh nhận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét