Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Tôi đã thấy Chúa!

Trong thế giới mà chúng ta đang sống, niềm vui và hạnh phúc là những thứ mà ai cũng muốn sở đắc được. Có người vui vì trúng số, có người hạnh phúc tột cùng khi căn bệnh nan y của họ được chữa khỏi. Cũng có những người vui sướng khi họ trao ban cho ai đó thứ mà người ta cần. Còn đối với Ma-ri-a Ma-đa-leê-na, hôm nay bà đã được nếm trải một niềm vui, một sự hạnh phúc tuyệt vời, đó là bà được chiêm ngắm dung nhan phục sinh của Chúa Giê-su. Bà đã thật sự thấy Chúa sống lại từ cõi chết. Vì thế bà đã nói với các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa".


Lời Chúa thứ ba trong tuần bát nhật Phục sinh C:
Ga 20,11-18: 
Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: "Tại sao bà khóc?" Bà trả lời: "Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?" Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: "Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?" Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người". Chúa Giêsu gọi: "Maria". Quay mặt lại, bà thưa Người: "Rabboni!" (nghĩa là "Lạy Thầy!"). Chúa Giêsu bảo bà: "Ðừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con". Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: "Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy".

THỨ BA TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH


Những ngày Chúa chịu đau khổ và bị đóng đinh như một tên tử tù vừa mới đi qua, nỗi đau trong lòng Ma-ri-a Ma-đa-lê-na còn chưa dứt, thì hôm nay bà đã đón nhận một tin mừng trọng đại làm đảo lộn mọi thứ cảm xúc trong lòng bà. Bà đã thấy Chúa. Qủa thật, trong thân phận một người tội lỗi được Chúa xót thương và cứu vớt, Mac-đa-lê-na thật nhỏ bé và hiện diện như một tôi tớ của Chúa. Có lẽ, bà không thể tượng tưởng được Chúa lại ưu ái hiện ra với bà đầu tiên ngay sau khi Ngài từ cõi chết sống lại. Chúa đã di chuyển cảm xúc của bà từ buồn sang vui, từ thất vọng sang hy vọng sáng ngời. Chúa đã biến bà trở thành niềm vui tin mừng cho các môn đệ và cho hết mọi người. Chúa đã cho bà nếm hưởng hạnh phúc thật sự là gì.

Cũng giống như Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, chúng ta là những con người nhỏ bé trước mặt Chúa. Chúng ta chẳng làm lên cộng trạng gì trước mặt Chúa. Thế nhưng, chính Chúa lại muốn sử dụng chúng ta cho công trình của Ngài. Chúa muốn hiện diện và ở lại trong những tâm hồn nhỏ bé khiêm cung. Vì thế, chúng ta hãy trở nên khiêm nhường trước Chúa và trước anh em mình. Để rồi, mỗi chúng ta sẽ trở nên chứng nhân về sự hiện diện của Chúa trong thế giới hôm nay.

Lạy Chúa Giê -su, Chúa muốn con trở nên niềm vui niềm hạnh phúc cho mọi người khi con mang Chúa đến cho họ, khi con tự tin nói với họ rằng: "Tôi đã thấy Chúa". Xin Chúa biến đổi đời sống của con, để mỗi ngày qua đi, con càng trở nên xứng đáng với sự kỳ vọng của Chúa hơn. Amen!

                                                                                        Giuse Vũ Viết Hướng, SDB

Marathon.


Hàng năm, báo chí cũng như truyền thanh và truyền hình đều thường tường thuật về những cuộc chạy marathon. Vậy chạy marathon là gì? Tôi xin thưa đó là chạy đua đường dài, với khoảng cách là 40 cây số. Nguồn gốc của việc chạy marathon là như thế này: Vào năm 490 trước Công nguyên, tướng Miltiade, người Hy Lạp, đã chiến thắng quân Ba Tư tại Marathon, một ngôi làng cách thủ đô Athène 40 câu số. Liền sau cuộc chiến thắng, tướng Miltiade đã phái một người chạy bộ, vượt khỏang đường dài này, để loan báo tin vui cho dân chúng thủ đô Hy Lạp. Người chạy đem tin vui này vừa vào tới thành thì liền tắt thở vì kiệt sức. Vì thế, anh đã trở thành biểu tượng cho những cuộc chạy đua đường trường trên thế giới.

Từ cây chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay, và chúng ta nhận thấy vào buổi sáng Chúa nhật Phục Sinh, đã có hai cuộc chạy marathon. Cuộc thứ nhất là của Mađalena. Cuộc thứ hai là của Phêrô và Gioan. Vậy động lực nào đã thúc đẩy họ lên đường, để rồi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho toàn thế giới?

Kết quả hình ảnh cho chúa sống lại

Lời Chúa: Ga 20, 1-9:
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu". Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Như chúng ta đã biết: dưới thập giá của Chúa Giêsu lại chính là cuộc chiến thắng vĩ đại. Một đàng, Ngài trở nên như con rắn đồng mà Maisen đã treo nơi sa mạc, để những ai bị rắn độc cắn mà nhìn lên rắn đồng ấy thì sẽ được chữa lành. Đàng khác, cái chết tự nguyện của Ngài trên thập giá đã trở nên dấu chỉ chiến thắng của tình yêu Thiên Chúa: Ngài đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Bằng cái chết, Đức Kitô đã lôi kéo chúng ta đến với Ngài, như lời Ngài xác quyết: Ngày nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi sự đến cùng Ta.

Trở lại với cuộc chạy marathon đi tìm dấu vết của Đấng Phục Sinh, chúng ta thấy: ở đểm xuất phát, Mađalena chạy đến mồ trước tiên khi trời còn tối. Thấy tảng đá ở cửa mộ đã bị lăn qua một bên, cô chưa tin gì về Chúa Phục Sinh, nên nghi người ta đã lấy trộm mất xác Thầy. Cô liền chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan.

Đến lượt hai ông này cùng chạy đến một. Gioan tới trước, nhưng vì kính lão đắc thọ, nên còn đứng chờ Phêrô. Khi cả hai cùng vào mộ, liền nhận ra ai đó đã sắp xếp để khăn che đầu ở một nơi. Với trực giác nhạy bén, Gioan hiểu ngay là không có chuyện ăn cắp xác mà lại để các khăn liệm thứ tự như vậy. Gioan đã thấy và đã tin.

Từ những điều vừa trình bày chúng ta thấy được hình ảnh của Giáo Hội sơ khai đi tìm dấu vết Chúa Phục Sinh. Giáo Hội ấy gồm những người như Mađalena, Phêrô và Gioan. Đó là những con người rất khác biệt nhau nhưng lại bổ túc lẫn cho nhau trong cuộc hành trình tìm kiếm Chúa Giêsu. Nếu Mađalena không tới một sớm để thấy mộ trống rồi về loan báo tin ấy cho các tông đồ, thì Giáo Hội vẫn còn im lìm, chưa có sự sống. Thế nhưng giữa những cuộc chạy marathon mà chưa có phản ứng đức tin của Gioan thì Giáo Hội vẫn chưa thực sự là Giáo Hội vì chưa sống bằng đức tin, một đức tin thấm nhuần lời Chúa. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã thực sự gặp được Đức Kitô Phục Sinh trên những bước đường của cuộc sống chưa, và nhất là chúng ta đã trở nên những chứng nhân cho Đức Kitô Phục sinh giữa lòng cuộc đời hay chưa? 

(http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20160323082243)

Con đường tình ta đi

Đường tình thập giá là con đường chẳng mấy ai đi nhưng nếu không đi qua con đường thập giá thì chắc chắn không bao giờ được đến vinh quang.


Ngày mỗi ngày, ta bước đi trong cuộc đời, ta bước đi với đời và đời đặt cho ta những nẻo đường khác nhau. Có nẻo đường dẫn ta đến vật chất, có nẻo đường dẫn ta đến quyền lực, có nẻo đường dẫn ta đến danh vọng. Và chắc chắc, những nẻo đường đó đều mang lại niềm vui cho cuộc đời. Nhưng rồi, chợi nhận ra những nẻo đường đó chẳng là gì cả. Bởi lẽ dù có vui đi chăng nữa nhưng con người vẫn khắc khoải điều gì đó có thể gọi là đời sống tinh thần và tâm linh.

Trong nỗi khắc khoải của cuộc đời, nhạc sĩ Đức Huy đã bộc bạch :

Tìm một con đường
Tìm một lối đi
Ngày qua ngày
đời nhiều vấn nghi
lạc loài niềm tin sống không ngày mai
sống quen... không ai cần ai
cứ vui... cho trọn hôm nay

Trong những cuộc vui của cuộc đời, Anh cứ nghĩ rằng anh vui cho trọn cả hôm nay nhưng rồi :
Rồi.. cuộc vui tàn, mọi người buớc đi
một mình tôi về, nhiều lần ướt mi.

Đời tuy có vui đó nhưng lại chìm ngập trong nước mắt. Khi vào chỉ khi anh bắt gặp được Tình Yêu thì Tình Yêu :
chợt tình yêu đã đến như ánh nắng mai
xóa tan màn đêm u tối
cho tôi biến đổi tâm hồn... thành một người mới
và con tim đã vui trở lại
tình yêu đến cho tôi ngày mai
tình yêu chiếu ánh sáng vào đời
tôi hy vọng đuợc ơn cứu rỗi.

Niềm vui cuộc đời của Anh chỉ vui thật sự khi anh sờ, anh chạm hay nói cách khác : anh cảm nghiệm được Tình Yêu Giêsu
và con tim đã vui trở lại
và niềm tin đã dâng về người
trọn tâm hồn, nguyện yêu mãi
riêng người mà thôi
dẫu như tôi phải đi qua
vực sâu tối
tôi sẽ không sợ hãi gì
vì người ở gần bên tôi mãi.....

Vấn đề lớn nhất của cuộc đời con người đó chính là biết, xác định căn cốt của đời mình để sống, chết với căn cốt đó bằng cả tâm tình.

Có thể nói rằng chuyện tình của con người mãi mãi vẫn là chuyện phức tạp nhất. Với đặc tính hỉ - nộ - ái - ố ăn sâu trong lòng người để rồi con người vẫn mãi đi tìm cho mình những mối tình tiền – tài – danh – vọng.

Nhớ lại hình ảnh của dân Israel xưa trong Hoang Mạc cũng thế ! Được Thiên Chúa yêu thương ấp ủ như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh đó nhưng dân vẫn phản loạn. Bi đát nhất trong cuộc hành hương đó chính là việc bỏ Chúa là Chúa của mình mà đi thờ con bò vàng.

Và, kinh nghiệm bò vàng tưởng chừng như là kinh nghiệm xương máu cho mọi nơi và mọi thời nhưng rồi dân Thiên Chúa vẫn cứ đi ngoại tình với các thần ngoại bang. Nhiều ngôn sứ đã thốt lên và đã chỉ vào mặt dân về thái độ sống của họ. Thiên Chúa dẫn họ đi trên con đường tình nhưng họ không nhận ra và họ tìm cách để rẽ ngã khác.

Ngày hôm nay, lịch sử đã đi xa và đi quá dài một chặng đường nhưng rồi kinh nghiệm của dân Do Thái, kinh nghiệm con đường tình của người Kitô hữu dường như vẫn chỉ là kinh nghiệm hay có thể nói như là nằm trên bàn giấy chứ không đem ra để thực hành.

Tiền bạc, danh vọng, quyền lực, tình dục ... vẫn làm cho nhiều người bỏ con đường tình mà Thiên Chúa dọn cho họ để họ rẽ qua mà đi. Nhưng rồi, dù vui đó nhưng đó cũng chỉ là niềm vui chóng qua, niềm vui tạm bợ, niềm vui phù vân mà thôi.

Chỉ có duy nhất con đường tình của Thiên Chúa là con đường bảo đảm nhất, an toàn nhất đưa con người đến ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Tất cả, ngay cả người thân nhất của ta, người yêu của ta cuối cùng cũng chia tay ta trước khi nấm mồ được lấp hay chiếc quan tài được đẩy vào lò thiêu. Với tất cả kinh nghiệm sống đó và thân phận mong manh, mỏng dòn của con người thì chỉ có tình yêu Giêsu là tình yêu vĩnh cửu, tình yêu mãi mãi dành cho con người.

Ngay cả Chúa Giêsu, trên con đường tình thập giá mà Chúa đi qua cũng phải trải qua những cay đắng của cuộc đời, của phận người. Cay đắng đến độ có lúc mà Chúa Giêsu phải thốt lên với Cha rằng xin Cha cất cho Ngài khỏi chén đắng mà Ngài sắp uống ... nhưng xin vâng theo ý Cha chứ không theo ý Ngài.

Đường tình thập giá là con đường chẳng mấy ai đi nhưng nếu không đi qua con đường thập giá thì chắc chắn không bao giờ được đến vinh quang. Và, Chúa Giêsu cũng đã từng nhắc nhớ con người rằng “Nếu như ai không vác thập giá mình mà theo Ta thì không được cứu”.

Thật ra, Chúa Giêsu trong cái thân phận làm người cũng mỏng dòn, cũng yếu đuối, cũng đau khổ và có lần ngã quỵ trên con đường thương khó. Thế nhưng vì tình yêu và với tình yêu, Chúa Giêsu đã đi trọn vẹn con đường tình yêu với Chúa Cha dù biết bao đau khổ.

Ngày hôm nay, trong những ngày sâu lắng nhất của năm Phụng Vụ, người Kitô hữu chúng ta được mời gọi nhìn lại đường tình của ta đi. Ta có đi theo con đường tình thập giá của Thầy Giêsu hay không ? Hay là ta đi theo con đường của vật chất, của danh vọng, của quyền lực.

Hãy nhìn lại con đường tình mình đi để cân chỉnh kẻo lỡ bởi lẽ cuộc đời là vắn vỏi và sự sống là vô thường.

Ta lại xin Chúa thêm ơn cho ta để ta đủ sức, đủ tình, đủ tỉnh để đi trọn vẹn con đường tình mà ngày xưa Chúa đã đi qua. 

                                                                     Huệ Minh

Thập Giá Đức Kitô.

Kết quả hình ảnh cho thứ 6 tuần thánh

Trong tập hồi ký, một người Do Thái từng ở trại tập trung thời Đức Quốc xã bên Ba Lan có kể lại câu chuyện sau: Những người lính Đức Quốc xã treo cổ hai người Do Thái và một thiếu niên trước sự chứng kiến của tất cả trại viên. Hai người đàn ông chết tức khắc vì kiệt sức, nhưng cơn hấp hối của cậu thiếu niên kéo dài cả nửa tiếng đồng hồ. Nhìn thấy cảnh tượng đó, một trại viên đứng sau tôi đã thốt lên: “Thiên Chúa đang ở đâu?”. Khi người thiếu niên đang cố gắng vùng vẫy trong vòng giây thắt cổ, tôi lại nghe một người khác thốt lên: “Bây giờ Chúa ở đâu?”. Và, tôi nghe từ tận đáy tâm hồn tôi: “Ngài đang ở đây, Ngài đang bị treo cổ kia”.

“Bây giờ Thiên Chúa đang ở đâu?”. Mỗi lần bóng tối của Thập giá làm dấy lên trong chúng ta câu hỏi như thế, chúng ta nghe vọng lên từ nỗi đớn đau của chúng ta câu trả lời duy nhất là: “Ngài đang có mặt đó”. Ngài đang có mặt đó, bởi vì Ngài là Tình yêu. Chỉ có Tình yêu mới có thể đi đến tận cùng của khoan dung và tha thứ. Thập giá vẫn mãi mãi là tột đỉnh của sự độc ác dã man của con người, sự độc ác dã man đó càng bộc lộ, thì tình yêu Thiên Chúa càng bày tỏ.

Lý luận thông thường không thể hiểu cạn được tại sao một Thiên Chúa lại có thể chịu treo trên Thập giá. Nhưng đó lại là sức mạnh, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, bởi vì đó là sức mạnh và sự khôn ngoan của tình yêu. Dù tội lỗi con người có ngập tràn, dù sự độc ác của con người có chất ngất, Thiên Chúa vẫn yêu thương và tha thứ.

Thập giá không chỉ là biểu trưng của sự độc ác và tội lỗi con người, mà còn là vẻ đẹp của chính tình yêu Thiên Chúa. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài. Ngài không sai Con Ngài đến để luận phạt thế gian, những để thế gian nhờ Con Một Ngài mà được cứu thoát”. Đó phải là xác tín của chúng ta khi ngắm nhìn Thập giá Chúa Giêsu. Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta còn là tội nhân. Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta khước từ. Không có tình yêu nào cao cả hơn.

Vì yêu thương chúng ta, Ngài chấp nhận chịu treo trên Thập giá. Vì yêu thương chúng ta, Ngài trải qua mọi khốn cùng của kiếp người. Không phải đinh sắt đã đóng Ngài vào Thập giá, mà chính là tình yêu. Đó là tất cả vẻ đẹp cao vời của Thập giá. Thập giá là nơi ngự trị của Thiên Chúa. Chính trong những nơi cơ cực, nghèo hèn, bỉ ổi và đớn đau nhất mà sự hiện diện của Thiên Chúa lại càng mãnh liệt hơn. Chính từ Thập giá mà tiếng gọi yêu thương của Ngài càng thắm thiết hơn.

Từ trên Thập giá, Chúa Giêsu ôm trọn từng nỗi khổ đau của con người. Nhìn ngắm Thập giá của Ngài, đôi mắt chúng ta càng phải mở rộng ra để nhận thấy bao nỗi thống khổ cơ cực của những người chung quanh. Lúc đó, Thập giá không còn vắng bóng Thiên Chúa mà trái lại là điểm xuất phát của những nghĩa cử yêu thương, từ đó tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ bừng dậy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Bí tích tình yêu!

Tại một ngôi làng nhỏ bên Tây Đức, trước năm 1940 là nơi gặp gỡ của các danh họa Âu Châu, nhưng kể từ thế chiến thứ hai, nó trở thành nhà tù giam giữ những phạm nhân của Đức Quốc xã, có mặt một Phó tế được phong chức linh mục tại đây. Sau khi chết, ngài để lại chúc thư “Tình yêu và đền bù”. Thế rồi 15 năm sau, nhà tù đó biến thành Dòng kín Carmel, các nữ tu đến đó để sống cho lý tưởng tình yêu và đền bù.

Tình yêu chính là ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể. Trong Bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã quỳ gối rửa chân cho các Tông đồ và cũng trong Bữa tiệc ly Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể cũng như loan báo về cái chết của Ngài. Phêrô đại diện các Tông đồ đã có lý khi khước từ Chúa Giêsu rửa chân cho ông vì đây là công việc của tôi tớ trong nhà. Theo tục lệ người Do Thái, trước khi vào bàn ăn tôi tớ trong nhà phải đi rửa chân cho khách. Chúa Giêsu đã muốn thực hiện cử chỉ ấy để thực thi chính điều Ngài đã nói: Con Người không đến để được hầu hạ, những để hầu hạ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc nhiều người.

Thứ Năm Tuần Thánh:

Lời Chúa: Ga 13, 1-15:

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?" Chúa Giêsu đáp: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu". Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa". Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu". Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: "Không phải tất cả các con đều sạch đâu".

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con".

Kết quả hình ảnh cho thứ 5 tuần thánh



Cử chỉ yêu thương mà Chúa Giêsu đã làm cho các Tông đồ là một quyết tâm sống trọn ý nghĩa yêu thương của Ngài, cũng như người tôi tớ không sống cho mình mà cho người khác. Nhưng Ngài chưa lấy làm đủ, Ngài còn biểu lộ tình yêu qua hình ảnh một miếng bánh trao ban để ở mãi với con người. Bị bẻ ra và tiêu tan, Chúa Giêsu đã sống đến cùng những đòi hỏi của yêu thương. Thánh Gioan đã tóm gọn cuộc sống Chúa Giêsu qua câu: “Ngài đã yêu các kẻ thuộc về Ngài và đã yêu đến cùng”, nghĩa là sẵn sàng sống chết cho người mình yêu. Tình yêu đến cùng ấy, Chúa Giêsu đã thể hiện qua cái chết trên Thập giá, và Ngài còn muốn tái diễn hàng ngày dưới hình dạng Bánh và Rượu trong bí tích Thánh Thể. Cũng như tôi tớ chỉ sống và chết cho người khác, chiếc bánh chỉ hiện hữu để được ăn, được hao mòn, được tiêu tán. Dưới hình thức lương thực, Chúa Giêsu muốn thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta; tiếp nhận Ngài qua bí tích Thánh Thể, chúng ta sống bằng chính sự sống của Ngài; ăn uống Ngài, chúng ta cũng được mời gọi nên giống Ngài và san sẻ sự sống của Ngài cho người khác.

Sống và chết cho người khác, nên một với Ngài là thực hiện sứ mệnh của Ngài tức là phục vụ và phục vụ cho đến cùng. Sứ mệnh phục vụ ấy Chúa Giêsu muốn truyền lại cho chúng ta qua Bí tích Truyền chức Linh mục là người được ủy thác để lặp lại lời của Chúa Giêsu. “Các con hãy làm việc này, mà nhớ đến Ta”. Làm việc này không những là cử hành Bí tích Thánh Thể để Chúa Giêsu luôn ở mãi giữa nhân loại, mà còn chu toàn sứ mệnh phục vụ của Ngài. Không chỉ riêng linh mục, nhưng tất cả những ai nhờ phép rửa được tháp nhập vào sự sống Đức Kitô, nghĩa là mọi kitô hữu trong lời nói và hành động cũng yêu thương và chết để nhớ đến Ngài. Mỗi cử chỉ và hành vi bác ái đều là một nghĩa cử tưởng nhớ đến Chúa Giêsu, đều là một tiếp tục, hay đúng hơn là một hiến lễ được dâng trên bàn thờ.

Tưởng nhở việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể và truyền chức linh mục trong ngày thứ năm tuần thánh, chúng ta nhớ đến cách đặc biệt các linh mục. Xin Chúa ban cho các ngài luôn trung thành với sứ mệnh phục vụ. Xin cho tình yêu Chúa luôn ngự trị trong tâm hồn chúng ta để chúng ta cũng sống yêu thương và phục vụ.

                                                                     (Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Màn đêm của tội lỗi!

Ngày 21-3, Công tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành làm việc với đối tượng Võ Văn Chương (SN 1976, quê Tiền Giang) và Trần Hoàng (SN 1969, TP.Vũng Tàu) để điều tra làm rõ hành vi mua giới bán dâm.

Trước đó, lúc 23 giờ 50 phút ngày 18-3, Phòng CSĐT về TTXH (PC 45) Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt quả tang hai cặp nam nữ đang có hành vi mua bán dâm tại một khách sạn thuộc xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cụ thể, vào khoảng 18 giờ ngày cùng ngày, hai vị khách nước ngoài nêu trên đến nhà nghỉ Lê Minh thuê phòng nghỉ. Đến 21 giờ, Chương đi taxi đón 11 gái mại dâm rồi chở họ vào khách sạn nêu trên.

Chương ra giá mỗi người mua dâm phải trả 200 USD/ lần.

Tại đây Chương nhận 400 USD là tiền bán dâm của X và N. Còn lại những gái bán dâm khách tiếp tục vào khách sạn mồi chài khách mua dâm. Đến 23 giờ 23 giờ 50 phút, cơ quan công an bắt quả tang vụ việc.

Qua điều tra ban đầu, từ tháng 9-2014 đến nay, Chương tổ chức mua giới mại dâm cho khách du lịch trong một khách sạn tại xã Phước Thuận. Khoảng 20 giờ các ngày cuối tuần (thứ 6,7 và CN).

Giá mỗi lần bán dâm là 200 USD, nếu qua đêm là 300 USD, Chương hưởng tiền hoa hồng là 50 USD. 
(http://laodong.com.vn/phap-luat/triet-pha-duong-day-gai-goi-cao-cap-gia-tram-do-531338.bld).


Bóng đêm luôn đồng lõa với tội ác: Bao nhiêu cuộc hội họp để toan tính những hành vi hắc ám thường được tổ chức về đêm: nương theo đêm tối, những tên hành nghề trộm cướp mới mạnh tay hành động; những cuộc vui chơi trác táng, những mối tình vụng trộm, mua bán dâm cũng thường xẩy ra vào đêm. Bóng đêm cũng đã chứng kiến một cuộc phản bội bán Thày phản bạn được Tin Mừng thuật lại: Khi ấy, Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ, tâm hồn Ngài xao xuyến… Giuđa nhận chiếc bánh từ tay Chúa Giêsu trao, ăn xong, y đứng dậy ra đi, bấy giờ là đêm tối.

Thứ Ba Tuần Thánh
Lời Chúa Ga 13, 21-33. 36-38:

Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: "Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy". Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: "Hỏi xem Thầy nói về ai đó". Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: "Thưa Thầy, ai vậy?" Chúa Giêsu trả lời: "Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó". Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: "Con tính làm gì thì làm mau đi". Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối. Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do-thái: "Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được", nay Thầy cũng nói với các con như vậy". Simon Phêrô hỏi Người: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu?" Chúa Giêsu trả lời: "Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy". Phêrô thưa lại: "Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy". Chúa Giêsu nói: "Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần".
THỨ BA TUẦN THÁNH


Dưới ngòi bút của Gioan, ánh sáng và bóng tối mang một ý nghĩa thật đặc biệt. Nhưng ở đây bóng tối được sử dụng để diễn tả đúng hoàn cảnh và tâm trạng của Giuđa trong âm mưu đen tối của y nơi đoạn Tin Mừng hôm nay. Bóng đêm luôn ngự trị khi con người chủ ý quay lưng lại với Chúa Giêsu, bóng đêm luôn xâm chiếm tâm hồn khi con người nghe theo sự xúi giục của sự dữ hơn là lời mời gọi của Thiên Chúa. Bóng đêm luôn giữ phần thắng khi hận thù, gian tham bóp chết sức mạnh của tình yêu. Bóng đêm xâm chiếm cõi lòng khi con người khước từ tình yêu Thiên Chúa như trường hợp của Giuđa. Trước khi Giuđa đứng dậy bỏ bàn tiệc thân hữu để đi vào bóng đêm, Chúa Giêsu đã dùng mọi phương thế để cảnh tỉnh Giuđa: trước tiên là lời tiên báo công khai: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: một trong các ngươi sẽ nộp Ta”, nhưng Giuđa giả điếc làm ngơ không nghe lời cảnh tỉnh ấy. Tiếp đến, Chúa Giêsu chấm bánh trao cho Giuđa, đó là một cử chỉ thân tình, nhưng Giuđa đã ăn miếng bánh ấy không chút rung động, đến độ thánh Gioan diễn tả hậu quả trái ngược: “Ăn miếng bánh rồi, Satan đã nhập vào y”. Sau cùng, Chúa Giêsu dóng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cuối cùng qua câu nói: “Ngươi tính làm gì, thì làm mau đi”, câu này ngụ ý rằng âm mưu của ngươi, Ta đã biết, làm sao một môn đệ lại có thể âm mưu phản Thày”. Tuy nhiên, những lời nói và cử chỉ thân tình ấy đã không cầm chân được Giuđa khỏi tiến vào bóng đêm tội lỗi.

Ngày thứ ba tuần thánh, khi đưa ra một Giuđa cứng lòng bướng bỉnh, tiến vào bóng đêm của phản bội, của tội lỗi, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để chấp nhận lời cảnh tỉnh và nhất là đón nhận những cử chỉ thân tình yêu thương của Chúa Giêsu, để bừng sống dậy nhập đoàn những người đã và đang thực hiện một cuộc cách mạng tình thương mà Ngài đã khởi xướng khi tuyên bố: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu hiến mạng sống vì bạn hữu”, “Ta ban cho các con một điều răn mới là hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến các con”.

Ước gì sự hiến thân chết vì tình yêu trên Thập giá của Chúa dẫn chúng ta từng bước thoát khỏi bóng đêm của tội lỗi để tiến vào ánh sáng của Chúa Nhật Phục Sinh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Yêu là cho đi!

Một đôi vợ chồng nghèo nhưng yêu thương nhau tha thiết. Mỗi người sở hữu một vật quý giá: Della có mái tóc đen huyền dài và đẹp, nàng rất quý nó và hãnh diện về nó. Còn Jim chỉ có chiệc đồng hồ vàng, đó là kỷ vật duy nhất của cha anh trối lại. Một ngày lễ Giáng sinh, Della quyết định cắt ngắn bộ tóc và đem bán để mua cho Jim sợi dây đồng hồ thật đẹp. Hôm ấy về đến nhà, Jim ngỡ ngàng nhìn Della khi thấy nàng tóc ngắn, vì không biết phải làm gì với món quà là bộ lược bằng xà cừ rất đẹp mà anh đã bán chiếc đồng hồ để mua tặng nàng. Della và Jim đã cho nhau tất cả những gì mình có, họ đã hy sinh tất cả cho nhau.

Còn việt nam ta thường có câu: "Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua", hoặc: "Râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon". Những câu này cho thấy sức mạnh của một tình yêu đích thực. Cho dù có bị núi sông ngăn trở thì họ vẫn cố gắng vượt qua để tìm gặp đến nhau. Chúng ta cũng thấy, râu tôm và ruột bầu là những thứ người ta thường bỏ đi khi nấu nướng. Thế nhưng nó lại trở nên một món ngon khi trong nó mang một thứ hương vị của tình yêu chân thật. Thật vậy, nó là một nguồn động lực mạnh mẽ để cho ta vượt qua mọi khó khăn, ngăn trở trong cuộc sống. Thế nhưng, ngày nay đặc biệt các bạn trẻ đã có rất nhiều người đặt những giá trị khác như tiền tài, danh vọng và đam mê thể xác nên tình yêu này. Như vây, phải chăng tình yêu nam nữ, vợ chồng và ngay cả gia đình cũng là những thứ gì đó không bền vững và chóng qua? Không hẳn như vậy, những thứ tình yêu đó sẽ trở nên vững bền và đơm hoa thơm ngào ngạt khi chúng được đặt nền bởi một tình yêu chân thành nơi Đức Kitô.

Thứ Hai Tuần Thánh
Lời Chúa Ga 12, 1-12: 
Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. Tại đây người ta dọn bữa cho Người ăn. Martha hầu bàn. Còn Ladarô cũng là một trong những kẻ đồng bàn với Người. Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm toả đầy nhà. Một môn đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: "Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?" Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó. Vậy Chúa Giêsu nói: "Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu". Có đám đông người Do-thái biết Người đang ở đó, nên tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Ladarô, kẻ đã chết được Người cho sống lại. Thế là các Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, vì tại ông mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu.

THỨ HAI TUẦN THÁNH

Vào đầu tuần thánh, Giáo Hội cũng nhắc đến hai người bạn của Chúa Giêsu, cũng như Della và Jim, họ đã cho Chúa Giêsu tất cả những gì mình có. “Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania… Ở đó người ta thiết tiệc Ngài. Có Marta phục dịch, Lazarô là một trong những người đồng bàn với Ngài. Maria lấy bình bạch ngọc đựng đầy dầu thơm xức lên chân Chúa Giêsu và lấy tóc mình mà lau chân Ngài”.

Một lần nữa, Tin Mừng cho chúng ta gặp lại Marta và Maria. Tuy lần ghé trước Marta đã nghe Chúa Giêsu nói chỉ có một việc cần đó là lắng nghe lời Chúa. Nhưng lần này, Marta cũng chẳng đừng được, đã biết cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu thành một yến tiệc, bởi lẽ theo chị, nấu những món ăn thiết đãi Chúa và các môn đệ là để tỏ lòng hiếu khách, nhất là tỏ lòng biết ơn Chúa đã cải tử hoàn sinh cho Lazarô. Phần Maria còn đi xa hơn: chị lấy dầu thơm hảo hạng xức chân Chúa và lấy tóc mình mà lau. Qua cử chỉ ấy chúng ta thấy rõ chiều sâu mối tình của chị đối với Chúa Giêsu. Một tình không tính toán khiến chị sử dụng dầu thơm quý giá mà theo ước tính của Giuđa có thể lên tới 300 đồng bạc tức 300 ngày công. Mối tình khiêm nhu, vì theo tục lệ thời đó, chủ nhà hay bất cứ phần tử nào trong gia đình thường xức thuốc thơm trên đầu người khách để tỏ lòng quí mến, nhưng Maria khiêm tốn nghĩ mình chỉ đáng xức dầu thơm vào chân Thày thôi. Mối tình tự hạ, thể hiện qua việc lấy tóc mình để lau chân Chúa. Chúa Giêsu chấp nhận cử chỉ nói lên lòng kính trọng, yêu thương của Maria, cũng như vui lòng ngồi vào bàn tiệc do Marta khoản đãi.

Với mẫu gương yêu mến của Marta và Maria đối với Chúa Giêsu, Giáo Hội mời gọi chúng ta mở rộng tâm hồn để ôn lại, để chấp nhận và để đáp lại mối tình bao la của Thiên Chúa đã thí ban người Con Một vì phần rỗi nhân loại, cũng như để đáp lại mối tình của Chúa Giêsu đã sẵn lòng đón nhận cái chết ô nhục vì tình yêu đối với Chúa Cha và đối với mỗi người chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Con đường thập giá!

Trong mấy ngày nay, tại Long Hải ( BRVT) đang diễn ra lễ hội Nghinh Cô. Tương truyền, hằng năm, vào các ngày từ 10 đến 12 tháng 2 âm lịch là lễ hội Dinh Cô. Dinh Cố là ngôi miếu nhỏ thờ một trinh nữ chết nước, nằm trên mỏm đồi lộng gió ở bãi tắm Long Hải. Dinh Cô được dựng lên bằng lòng tin, sự tín ngưỡng vốn có lâu đời trong nhân dân...

Tương truyền, 186 năm trước, xác một người con gái khoảng 16 tuổi dạt vào bãi, tên cô là Lê Thị Hồng Thuỷ, quê ở Phan Rang, theo cha Lê Văn Khương dong ghe bầu xuôi ngược Trung - Nam để đánh bắt cá và trao đổi hàng đan lát bằng tre. Mỗi lần ghe bầu qua vùng biển Long Hải, Cô nhìn cảnh sơn thuỷ hữu tình, thường ao ước được ở lại đây chung sống. Một đêm bão tố, trời chiều lòng Cô, đưa Cô theo sóng biển dạt vào, nằm lại trên bãi cát trắng xoá, nơi mà Cô từng mong ước. Cát đùn lên che chở, sóng vỗ muôn nghìn lời ru cho Cô yên giấc. Dân làng xem Cô là nữ thần thiêng liêng nên lập mộ trên đồi, dựng miếu thờ bên cạnh. Đầu tiên chỉ là một nấm mộ đất, miếu tre lá. Miếu và mộ thay đổi dần theo sự linh ứng ngày càng lan rộng. Một lần (vào khoảng năm 1966), miếu phát hoả, được trùng tu thành ngôi đền khang trang hơn. Đầu năm 1990, Dinh Cô lại được trùng tu bằng kinh phí quyên góp của khách thập phương, trở thành một dinh thự kiên cố như hiện nay.

Kết quả hình ảnh cho lễ hội dinh cô

Lễ chính được tổ chức từ rạng sáng ngày 12. Từ chính điện, đoàn người chỉnh tề cờ quạt ra bãi, lên thuyền, ra khơi làm lễ "Nghinh Cô". Lễ "Nghinh Cô" được cử hành long trọng. Vị Chánh bái dẫn đầu, đoàn học trò lễ tiếp bước, có cờ xí, lọng che, hoa đăng rực rỡ. Một chiếc ghe to đặt bày hướng án được xem là ghe dành "Nghinh Cô". Ghe được hộ tống bởi vài chục chiếc ghe khác. Đoàn ghe nối nhau ra khơi trong tiếng chiêng trống vang trời. Đến Mũi Nhỏ, nơi có ngôi mộ Cô, đoàn người xuống ghe lên viếng mộ, nghênh đón Cô về Dinh. Đặc biệt, trong lễ "Nghinh Cô", còn duy trì được hình thức diễn xướng "Hát bả trạo".



CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Phúc Âm: Lc 19, 28-4:Khi ấy, Chúa Giêsu đi trước lên Giêrusalem. Và xảy ra là khi Người đến gần Bếtphaghê và Bêtania, giáp núi gọi là núi Cây Dầu, Người sai hai môn đệ đi và bảo rằng: "Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp con lừa con cột sẵn đó chưa ai cỡi bao giờ; các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con "Tại sao các ông mở dây?", thì hãy nói thế này: "Vì Chúa cần dùng đến nó". Hai người được sai ra đi, và gặp lừa con đứng đó như Chúa đã bảo. Hai ông đang mở dây lừa con, thì chủ nó hỏi r?ng: "Sao các ông mở dây lừa con?" Hai ông đáp: "Vì Chúa cần đến nó". Hai ông dắt lừa về cho Chúa Giêsu, trải áo lên mình lừa và đặt Chúa lên trên. Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: "Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời". Một vài người biệt phái trong đám đông nói cùng Người rằng: "Thưa Thầy, xin hãy mắng các môn đệ Ngài đi". Chúa Giêsu nói: "Tôi bảo cho các ông biết: nếu họ làm thinh, thì những viên đá sẽ la lên".

Kết quả hình ảnh cho chúa nhật lễ lá

Trong bài Tin Mừng hôm nay cũng là một cuộc đón rước long trọng, Ông giê su làng Nazareth hôm nào nay được mọi người xưng tụng là Vua, được ngồi trên lưng lừa và được kiệu rước vào thành Gierusalem. Và theo như suy niệm của Linh Mục Đaminh Trần Quang Hiền thì con đường vinh quang hôm nay là dấu chỉ mở ra con đường thập giá mà chính Chúa Giêsu phải gánh vác, chịu ô nhục, chịu chết như một tử tội...

Đối với các Tông Đồ, việc Đức Giêsu khải hoàn tiến vào Giêrusalem để khai mào vương quốc, vương quốc mà các ông hằng mơ tưởng, thế là mộng công hầu khanh tướng của các ông đã thành hiện thực. 

Đối với Chúa Giêsu thì đàng sau cái vẻ thành công bên ngoài đó, Người đã nhìn thấy rõ tương lai, là việc Người bị chối bỏ, bị kết án. Hơn thế nữa, việc tiến vào Giêrusalem gợi nhớ đến ngày Người sẽ đến trong vinh quang, là ngày tất cả mọi người sẽ đi vào trong vương quốc Chúa Cha, ngày họ sẽ nhận Người là Vua đã đến cứu họ, và họ sẽ nhận Người làm Chúa của họ. 

Nhưng cuộc rước lá còn nhắc nhở chúng ta về nghịch lý mà những người có mặt trong buổi Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem đã phạm phải. Họ cắt nghĩa sai sứ mệnh của Chúa Giêsu. Bởi tuy Người có tiến vào thành thánh như một vị vua nhưng là để khai trương Nước của Thiên Chúa Cha. Vị vua mà người Do Thái đón đợi là một Đavid mới, một vị vua làm cho họ được thống trị trên các dân tộc. Còn việc Đức Giêsu đến trần thế hoàn toàn khác với niềm mong chờ này của họ. 

Cũng vì lẽ đó mà dân chúng đã thay lòng đổi dạ, họ tung hô Chúa Giêsu nhưng ít ngày sau đó chính họ lại quay lưng, kết án Ngài. Một Philatô hèn nhác, nhượng bộ đám dân náo loạn bỏ rơi Chúa Giêsu thay vì phải trả lại sự công chính cho Người. Ngay cả các tông đồ là những người thân cận với Chúa Giêsu cũng đã phản bội. Giuđa đã nộp Người bằng cái hôn thân tình. Phêrô chối Thầy 3 lần. 

Chúa nhật Lễ Lá hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn lại chính bản thân mình. Tôi cũng có thể là một trong những môn đệ hay đám đông đang khước từ, kết án Chúa Giêsu trong cuộc sống của mình. Tôi cũng có thể là một Philatô vì không dám sống theo sự thật của Tin Mừng, đã bao lần tôi sống trong giả dối, chạy theo quyền lực, tiền bạc, xác thịt để khước từ Thiên Chúa, sợ theo Chúa đòi buộc tôi phải từ bỏ chính mình. Tôi cũng có thể là một Giuđa phản bội lại Thầy mình, một Phêrô chối Thầy, đánh mất giá trị của tình thầy trò, đánh mất giá trị của người môn đệ, làm rạn nứt mối tương quan mật thiết với Chúa Giêsu chỉ vì một chút lợi lộc của vật chất, tiền bạc, danh vọng. Với một lối sống theo chủ nghĩa hưởng thụ, duy vật chất tôi đã chối bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình. Thiên Chúa không còn là giá trị tuyệt đối, là ưu tiên trong cuộc sống của tôi nữa. 

Bước vào Tuần Thánh và cao điểm là Tam Nhật Vượt Qua mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại thái độ sống là người Kitô hữu của mình, để chớ gì chúng ta biết can đảm sống theo những giá trị của Tin Mừng mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bước đi, dám đặt Thiên Chúa lên trên những bậc thang giá trị trần thế khác. 

Chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, Giáo Hội mời gọi mỗi người kitô hữu hãy cùng bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá. Chúng ta không chỉ theo Chúa khi gặp may mắn, thành công, bình an nhưng dám chấp nhận theo Chúa ngay cả khi bị bỏ rơi, khước từ, đau khổ, thất bại. Bước theo Chúa không phải là con đường hoàn toàn bình an, hạnh phúc, mà là một con đường chọn lựa quyết liệt giữa những quyến rũ của vật chất, đam mê, hưởng thụ, danh vọng, quyền lực để đặt Thiên Chúa chính là giá trị tuyệt đối, là hạnh phúc viên mãn của mình. 

Đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá là đi ngược dòng đời, ngược lại với những trào lưu chạy theo sự dễ dãi, thoải mái, sự giả dối, ích kỉ, hận thù, bạo lực... để dám sống từ bỏ, hy sinh, trung thực, yêu thương, bao dung mà Tin Mừng của Chúa Giêsu mời gọi. 

Đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá quả thật là một thách đố rất lớn trong bối cảnh ngày nay, nhưng chúng ta tin rằng chúng ta không đơn độc vì có Chúa cùng vác thập giá với chúng ta. Ngài luôn thấu hiểu, nâng đỡ, đồng hành với chúng ta, Ngài chia sẻ những khó khăn, thử thách, đau khổ với chúng ta trên bước đường đi theo Ngài. Và nếu chúng ta can đảm cùng chịu đau khổ và đóng đinh cùng Ngài, thì chúng ta sẽ được hạnh phúc và vinh quang phục sinh với Ngài.