Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

GIAO THỪA – Giây Phút Đoàn Tụ

Giao thừa được hiểu là giây phút chuyển giao giữa cũ và mới. Giữa hiện tại và tương lai. Đó là giây phút lịch sử. Giây phút mà người ta vẫn chờ đợi những gì tốt lành nhất đến với mọi nhà, mọi người. 

Đối với truyền thống Việt Nam đây là giây phút đoàn tụ gia đình, và cũng là giây phút để đón nhận những lời chúc phúc tốt đẹp nhất từ ông bà, cha mẹ. Từ những người thân thương nhất của mình. Có lẽ, đó cũng là giây phút cô đơn nhất của những ai xa nhà, những ai không có một mái ấm gia đình thực sự. Ngày xưa mỗi độ xuân về, mà nghe lời hát “Xuân này con vắng nhà” là một lần nghe lòng tái tê, là một lần nhắc nhở mỗi người hãy nhớ rằng mình còn có một mái ấm gia đình. Hãy nhớ mình còn có những người thân thương đang ngóng trông. “Con nhớ xuân này mẹ chờ tin con. Khi pháo giao thừa rộn ràng muôn nơi. Năm trước con hẹn mùa xuân sẽ về. Trông bánh chưng chờ đợi sáng. Đỏ hây hây như đôi má hồng”. 

Vâng, mỗi khi nghe giai điệu bài hát này ai cũng cảm thấy lòng bồi hồi gợi nhớ lại bao kỷ niệm thân thương về một đêm giao thừa đoàn tụ với cha, với mẹ trong nôi ấm gia đình. Và ai cũng mong muốn được trở về với gia đình, được đoàn tụ với những người thân yêu trong giây phút linh thiêng nhất của một năm.

Giây phút đó, giờ đây đang dần đến với chúng ta. Ai cũng mong được hạnh phúc trong giây phút đầu năm. Ai cũng mong được sống đoàn tụ quây quần với những người thân yêu trong giây phút hết sức linh thiêng này. Giây phút này chúng ta mới thấy cần có một mái ấm gia đình. Giây phút này chúng ta mới thấy gia đình là một quà tặng thật qúy giá mà Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta. Thế mà đã bao lần chúng ta lại muốn ly tán gia đình! Đã bao lần chúng ta gây nên biết bao thương tổn cho những người thân yêu nhất của chúng ta! Đã bao lần chúng ta đã sống khờ dại như cha ông ta vẫn nói: “khôn nhà dại chợ”. Đã bao lần chúng ta sống thiếu trách nhiệm với gia đình, trở thành gánh nặng cho gia đình, vì lười biếng, vì “ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng”, hay “việc nhà thì nhác, việc cô bác thì siêng”.

Có lẽ đây là giây phút thật thuận tiện để chúng ta xin lỗi về cả một quá khứ. Về những việc chúng ta đã làm có lỗi với nhau. Về những việc chúng ta đã quá thiếu sót với nhau. Về cả những lời nói mà chúng ta đã xúc phạm đến nhau. . . Đây là giây phút lịch sử để chúng ta làm lại cuộc đời. Giây phút này không ai muốn làm phiền lòng nhau và càng không muốn phiền hà đến ai. Chúng ta hãy dành những cử chỉ, những lời nói tốt đẹp nhất cho nhau. Hãy chân thành chúc phúc cho nhau một năm mới an lành, một năm tràn đầy hồng ân Chúa. 

Song song với tinh thần đoàn tụ gia đình, truyền thống Việt Nam còn có một thói quen là xông nhà. Chúng ta ao ước có một người tốt phúc tới xông nhà, để cầu phước cho một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió, cho một năm an bình thịnh vượng. Tôi ước mong qúy ông bà và anh chị em hãy mời Chúa đến “xông nhà” chúng ta. Hãy lắng nghe Chúa chúc phúc cho gia đình chúng ta. Năm nay với chủ đề “Gia đình hãy là dấu chỉ Lòng Thương Xót”, với điểm nhấn của năm nay là mời gọi các thành viên gia đình hãy có tình thương với nhau. Chúng ta hãy nguyện xin Chúa chúc phúc cho gia đình chúng ta đựơc sống hiệp nhất yêu thương nhau, mỗi người biết sống phục vụ lẫn nhau trong tinh thần trách nhiệm và tròn bổn phận. Thiên Chúa là tình yêu, nguyện xin tình yêu Chúa ở lại luôn mãi trong các gia đình, để tình yêu của Ngài được thể hiện qua từng ngôn ngữ, từng hành vi mà chúng ta dành cho nhau. Vì chưng, giá trị của một con người không hệ tại ở sự giầu có, không hệ tại ở chức vụ quyền qúy cao sang, mà hệ tại ở tư cách của một con người biết sống kính trên nhường dưới, biết sống trên thuận dưới hoà và biết sống yêu thương mọi người. Vì thế, một gia đình hạnh phúc không hệ tại ở giầu sang phú quý mà hệ tại ở một cuộc sống trên thuận, dưới hoà, người người biết yêu thương nhau. 

Và cuối cùng trước thềm một năm mới, nguyện xin Chúa luôn cư ngụ trong mỗi gia đình, xin Ngài chúc lành cho các gia đình được hưởng những giây phút giao thừa thắm được tình Chúa, tình người. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Có gieo có gặt

Cuộc sống là những ngày gieo vãi. Có “gieo có gặt”. Gieo và gặt không chỉ là những hạt lúa, hạt đậu mà còn gieo gặt những việc ta làm, những lời ta nói. Gieo điều gì sẽ gặt hái điều ấy như là định luật tất yếu của cuộc đời. Có người gieo yêu thương sẽ gặt hái niềm vui. Có người gieo chia rẽ sẽ gặt hái sợ hãi lo âu. Có người gieo tư tưởng tốt sẽ mang lại cho nhân thế những vĩ nhân anh hùng. Có người gieo tư tưởng lầm lạc sẽ để lại nhân thế những loạn lạc, chiến tranh khổ đau.

Người ta kể rằng Đầu tháng 10 năm 1962, chiếc phi cơ hàng không Panam (Mỹ), chở các Giám mục người Mỹ đi họp Công Đồng chung Vatican II. Trong hai cô tiếp viên hàng không phục vụ hành khách, có một cô kiều diễm tuyệt vời. Đức Cha Fulton Sheen, Tổng Giám Mục giáo phận New York đã ghé vào tai cô tiếp viên ấy và nói : Có khi nào cô đã tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho cô sắc đẹp tuyệt vời không?

- Sững sờ, ngạc nhiên nhưng cô gái vẫn hỏi Đức Cha : Đức Cha nghĩ con phải làm gì để tạ ơn Chúa?

Trong chốc lát, Đức Cha nói:

- Có một trại cùi tại Di Linh, Việt Nam. Họ rất khốn khổ. Họ đang chờ cái chết đến với họ. Vậy theo ý cha, cách tạ ơn Chúa đẹp lòng Ngài hơn cả và có ý nghĩa hơn cả là con hãy hy sinh một thời gian, đem nụ cười xinh tươi, đem tiếng nói dịu dàng, đem duyên sắc mặn mà của con để an ủi họ.

Mặt cô tiếp viên tái dần đi. Cô đứng lặng yên trong mấy phút. 

Đột nhiên cô cúi đầu tạm biệt không nói một lời.

Nhưng đầu năm 1963, đài phát thanh cũng như báo chí ở Sài Gòn loan tin: “Một nữ tiếp viên rất xinh đẹp của hãng hàng không Panam tình nguyện đến Di Linh – Lâm Đồng để sống với những người phong cùi trong 6 tháng”.

Lời gieo của Đức Cha Fulton Sheen đã thay đổi cuộc đời của cô tiếp viên hàng không. Cô đã nhận ra Thượng Đế thương cô nên ban cho cô sắc đẹp tuyệt trần. Cô đã hiểu được rằng lời tạ ơn hay nhất chính là trao ban tình yêu cho tha nhân.

Thứ Sáu trong tuần 3 TNA
Lời Chúa: Mc 4,26-34:
26 Người nói : "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. 27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. 28 Đất tự động sinh ra hoa màu : trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa."

30 Rồi Người lại nói : "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây ? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được ? 31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. 32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."

33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. 34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

Quả thực, có những lời nói, cử chỉ tưởng như vô tình lại trở thành nguyên nhân thay đổi cho cả một đời người. Biết bao con cái rơi vào sự tự ti mặc cảm khi cha mẹ vô tình lập lại lời chê trách đối với con. Có biết bao con người đã bẻ gãy ổ khóa tự ti mặc cảm để can đảm vào đời, khi nhận được một sự khích lệ, một sự cảm thông từ những người thân. Biết bao con người đã hoàn thiện nhờ vào gương lành của tha nhân đã gieo vào lòng họ những gương sáng. Những lời nói, những việc làm của ta như những hạt giống âm thầm gieo vào lòng những người chung quanh ta để có thể biến đổi họ theo cách sống của chúng ta.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ra đi gieo vãi lời Chúa. Gieo trong kiên trì. Dù đêm hay ngày. Người gieo giống luôn gieo vào nhân thế hạt giống của tin mừng, hạt giống của yêu thương và hạnh phúc. Người ky-tô hãy gieo trong kiên trì, gieo với niềm cậy trông để nhờ ơn Chúa lời ta nói, việc ta làm sẽ sinh hoa kết trái nơi môi trường chúng ta đang sống.

Ước gì chúng ta luôn gieo vãi yêu thương trong hành trình cuộc sống của chúng ta, để mỗi bước chân chúng ta đi luôn để lại cho đời những nụ hoa và hương thơm của yêu thương. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

Hãy sống theo sự thật

Người ta nói “không ưa thì dưa có dòi”. Các linh mục, các người làm việc tông đồ thường bị kết án một cách bất công dù rằng họ chẳng làm gì nên tội. Dù rằng họ luôn làm việc tốt nhưng vẫn bị một nhóm người xuyên tạc bằng những lời thoá mạ thiếu công bằng. Đôi khi họ còn dựng chuyện không hay nhằm mục đích kết án, hạ bệ chỉ vì những người này đang làm việc tốt. 

Đây chính là ảnh hưởng của sự kiêu căng, ích kỷ không muốn người khác được tiếng khen nên cố xuyên tạc để hạ bệ anh em. Và đây cũng là tội mà Chúa bảo “sẽ không bao giờ được tha” vì họ không những không nhìn nhận chân lý mà còn xuyên tạc sự thật.

Thứ Hai trong tuần III TN A
Lời Chúa: Mc 3,22-30:
22 Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. 23 Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ : "Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được ? 24 Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền ; 25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. 26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. 27 Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.

28 "Tôi bảo thật anh em : mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. 29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời". 30 Đó là vì họ đã nói "ông ấy bị thần ô uế ám."

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống tinh thần hiệp nhất. Nước nào chia rẽ nước ấy tự tan rã. Sự hiệp nhất đòi hỏi chúng ta phải biết khiêm tốn để sống hòa hợp với nhau. Sự hiệp nhất đòi hỏi chúng ta phải xóa bỏ những định kiến xấu làm ảnh hưởng tới tình đoàn kết của cộng đoàn. Sự hiệp nhất sẽ liên đới chúng ta với nhau trong tình yêu thương khoan hồng để luôn nói tốt và sống tốt với nhau.

Ước gì đời sống ky-tô hữu chúng ta luôn là đời sống của yêu thương hiệp nhất. Xin đừng vì ghen ghét mà chúng ta vu khống bỏ vạ, cáo gian anh em. Xin đừng bao giờ vì ghen tương mà phủ nhận chân lý và kết án anh em một cách bất công. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

ánh sáng!

Trong một cuộc oanh tạc miền Bắc Việt Nam, một chiến đấu cơ đã bị bắn rớt, và anh phi công bị bắt. Trong 6 tháng đầu, anh bị biệt giam trong một căn phòng hoàn toàn tối tăm. Chỉ sau 2 tuần, anh bắt đầu cảm thấy như mất trí, và hầu như không còn nghị lực để sống. Ngày kia, anh tình cơ nhìn thấy một tia sáng lờ mờ chiếu qua một lỗ rất nhỏ trên tường. Nhờ tia sáng lờ mờ đó, tâm trí anh từ từ trở lại bình thường, và anh tìm lại được sức mạnh để sống.

Ánh sáng rất cần thiết cho con người, đặc biệt cho con người ngày nay. Những ai đã từng pải chịu cảnh mất điện sau những cuộc động đất hay những trận bão mới cảm thấy khó chịu đến thế nào, nhất là phải chịu cảnh tối tăm khi màn đêm buông xuống.

Xét về mặt tự nhiên, con người đã cần ánh sáng, sự cần thiết ấy còn mãnh liệt hơn trong đời sống siêu nhiên. Từ khi con người phạm tội, nhân loại bị chìm sâu trong bóng đêm của tội lỗi và những hậu quả của tội. Họ mãi chờ mong cho đến ngày được giải thoát. Nhưng khi sự giải thoát đến trong Đức Kitô, thì con người lại chối từ ánh sáng Chúa ban, vì con người thích sống trong bóng tối tội lỗi hơn trong ánh sáng ơn nghĩa Chúa (Ga 3,19).

Chúa Nhật tuần 3 thường niên năm A.
LỜI CHÚA: Mt 4, 12-23:

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa.

Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải, thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: "Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết".

Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: "Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!" Nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người.

Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người. Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.




Ngày Adong và Evà phạm tội là khởi đầu của một lịch sử con người trốn tránh Thiên Chúa, thay vì tìm đến Ngài để được ơn tha thứ. Ma quỷ tinh khôn trong vấn đề kìm kẹp con người dưới xích xiềng của tội lỗi. Lúc đầu, hắn cám dỗ cho con người phạm tội. Sau khi phạm tội rồi, hắn gieo vào lòng tội nhân những tư tưởng thất vọng, vì cảm thấy không xứng đáng được ơn tha thứ hay không thể thoát vòng tội lỗi. Rồi từ đó, hắn làm cho tội nhân không còn cảm thấy áy náy khi phạm tội. Lần đầu đánh bạc, mất mấy chục đã cảm thấy chua xót, nhưng rồi từ từ mất xe, mất nhà cũng chẳng thấy áy náy là bao. Chính vì thế, để tiến vào ánh sáng, việc đầu tiên là phải nhận ra thực trạng tội lỗi và bất toàn của mình. Vì chỉ khi đó, con người mới được tận hưởng sự tự do của con cái Chúa, vì không những họ sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, mà còn được ánh sáng huy hoàng của Chúa đem hy vọng cho tâm hồn, đem ý nghĩa đến cho cuộc đời, và sau cùng, được dự phần vĩnh phúc quê trên trời.

Trước hết, ánh sáng Chúa Kitô giải thoát con người khỏi tội lỗi. Nhân loại từ nay đã đổi chủ. Trước kia, con người làm nô lệ cho tội lỗi; nay nhờ sự chết và phục sinh của Chúa Kitô, Thiên Chúa đã bẻ gãy xiềng xích tội lỗi, để tuỳ nay con người có Thiên Chúa là Cha. Tin Mừng cứu độ của Chúa soi sáng cho con người biết đâu là thiện là ác, vì Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật và Sự Sống. Trong mọi cảnh huống của cuộc đời, Chúa soi sáng cho tâm hồn biết chọn điều thiện và tránh điều ác. Chính Chúa cũng là sức mạnh giúp con người chiến thắng tội lỗi. Ánh sáng Chúa cũng đem lại niềm hy vọng cho những ai đang bị đè bẹp bởi những đau khổ của cuộc đời. Thế kỷ 21 này đem lại nhiều tiện nghi vật chất cho con người, nhưng những cảnh khổ đau, chiến tranh, hận thù, đói khát, vẫn còn xuất hiện khắp nơi. Chúa Kitô luôn kêu mời con người hãy đến với Người: “Hỡi những ai mỏi mệt và gánh nặng hãy đến cùng Ta, Ta sẽ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28). Chúa ban niềm hy vọng cho những ai phải đón nhận số phận phải chết, vì Chúa hứa ban phúc trường sinh cho họ (Ga 6,40). Trong những giây phút khổ sầu này, chính ánh sáng Chúa sẽ đem lạ sự bình an và ý nghĩa cho cuộc đời con người.

Cũng như một tia sáng nhỏ cũng đủ đem lại hy vọng và sức sống cho một tù nhân, ước chi ánh sáng Chúa Kitô giải thoát chúng ta khỏi bỏ đàng tội lỗi, và đem lại nguồn hy vọng và sức sống cho cuộc đời của chúng ta.

http://www.giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20170119202805

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

bàn tay nối kết bàn tay!

Thế chiến thứi II kết thúc, một số binh sĩ Hoa kỳ vẫn ở lại một số miền được giải phóng ở Đức. Họ giúp dân chúng thu dọn và sửa chữa những ngôi nhà đổ nát. Công tác quan trọng là xây dựng lại những nhà thờ bị hư hại vì bom đạn...

Sau khi thu dọn, sửa chữa, sắp đặt, các binh sĩ khựng lại trước một bức tượng của Chúa Giêsu bị đổ nát trên bàn thờ. Bức tượng này xem ra đã được tân trang chỉ trừ đôi tay là biến mất và cho dù cố gắng đến mấy cũng không thể nhặt được những mảnh vụn của đôi tay. Bất lực đứng nhìn bức tượng không tay của Chúa Giêsu các binh sĩ Hoa Kỳ đành phải lấy sơn viết vào tấm bảng và đặt dưới chân Ngài với hàng chữ "Ta không có đôi tay nào khác hơn là đôi tay của các bạn" .

Thứ Sáu trong tuần II TNA
Lời Chúa: Mc 3,13-19:
13 Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. 14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, 15 với quyền trừ quỷ. 16 Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô, 17 rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-, 18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, 19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.

Chúa Giê-su dường như cũng muốn chúng ta chia sẻ với Ngài. Ngài muốn chúng ta phụ một tay với Ngài trong việc xây dựng Nước Trời trần gian. Tuy Ngài có thể làm mọi sự bằng lời quyền năng của Ngài, thế nhưng Ngài vẫn muốn con người bày tỏ lòng yêu mến Ngài, yêu mến Nước Trời qua việc loan truyền tin vui đến cho người trần thế.

Chúa đã tuyển chọn các môn đệ. Ngài gọi từng người với tên gọi thân thương. Ngài muốn từng người biết dùng tự do đáp trả. Và hôm nay, trên cánh đồng truyền giáo này, Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta phụ giúp Ngài một tay trong việc xây dựng giáo hội và loan báo tin mừng.

Xin cho chúng ta biết dùng thời giờ Chúa ban để tôn vinh danh Chúa. Xin đừng đứng ngoài để than thở nhưng luôn cộng tác với mọi người trong việc xây dựng Giáo hội và tôn vinh Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

LỢI LỘC VẬT CHẤT

Trong một quyển truyện mang tựa đề "Chìa khóa Nước Trời", nhà văn A.J.Cronin kể lại có một Linh mục kia đi truyền giáo tại một vùng quê nước Trung Hoa, ông truyền giáo bằng cách phân phát đồ viện trợ nào tiền, nào gạo, nào thuốc men, . . . những người giúp việc tông đồ cũng được trả lương tháng rộng rãi. Kết quả là chỉ trong vòng có một năm đã có tới 5000 người theo đạo. Nhưng sau khi ông về hưu thì hầu như tất cả đều bỏ đạo, thậm chí Nhà thờ cũng bị những giáo dân bỏ đạo ấy tháo gở đập phá về sửa nhà riêng. Vị Linh mục thứ hai được gởi đến, tưởng mình sẽ gặp được một họ đạo đông đúc và sốt sắng theo như bản báo cáo, nhưng đến nơi ông thấy chẳng có gì cả : Không một giáo dân, không còn nhà thờ. Cuối cùng có hai người đến tự xưng là các giảng viên giáo lý của Linh mục trước, họ đòi lương 15.000 đồng một tháng. Linh mục mới này quá nghèo không có tiền trả nên cả hai giáo dân đó cũng bỏ đi hết. Cha ấy phải khởi sự tất cả lại từ con số không.

Thứ Năm trong Tuần II TNA
Lời Chúa: Mc 3,7-12:
7 Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê, 8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. 9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. 10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. 11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên : "Ông là Con Thiên Chúa !" 12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

Thời Chúa Giê-su những người Do Thái cũng tuôn đến với Chúa rất đông. Ngài đi đâu dân chúng cũng đông đảo ùa theo đến đó, thậm chí họ còn muốn tôn Ngài lên làm vua khiến Ngài phải trốn đi. Nhưng dù Ngài trốn đi họ cũng vẫn tìm ra được chỗ Ngài và sáng hôm sau lại ùa tới vây quanh Ngài.
Nhưng tại sao quần chúng ùa theo Ngài như thế ? Thưa vì lợi lộc vật chất :

- Chúa đã chữa nhiều bệnh tật : mù, què, câm, điếc, cả kẻ chết Ngài cũng làm cho sống lại được. Thậm chí có những người chỉ cần chạm tới gấu áo của Ngài hay chỉ cần chờ Ngài đi qua cho cái bóng của Ngài cho phủ lên họ thì cũng được khỏi bệnh.

- Ngài lại vừa mới làm cho họ có bánh ăn : hàng mấy ngàn người đi theo Ngài, Ngài chỉ dùng có 5 chiếc bánh và 2 con cá mà biến ra đủ lương thực cho họ ăn no nê mà vẫn còn dư thừa.

Con người thường là thế ! Hễ thấy có lợi lộc vật chất thì chạy theo, khi không có lợi thì bỏ đi. Nước Thiên Chúa không bảo đảm vật chất cho con người. Nước Thiên Chúa hướng con người thoát khỏi những bon chen vật chất tầm thường để chỉ chọn Chúa làm gia nghiệp hơn là những của cải mau qua.

Ước gì chúng ta biết đến với Chúa với tâm lòng chân thành. Không cầu danh vọng. Không van xin vật chất mà là muốn tìm kiếm thánh ý Chúa và thực thi. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

HÃM HẠI


Trong ký túc xá Nguyễn Huệ, Hương là một cô gái hiền lành và đoan trang. Hương luôn tìm cách giúp đỡ những người bạn gặp khó khăn vì hoàn cảnh xa gia đình cũng như an ủi những bạn gặp thất bại trong học tập. Từ những việc tốt đó, Hương bị một số bạn bè xấu ghen tương và đố kỵ, tọa rập với nhau để hãm hại. Hương vẫn vô tư không biết chuyện dữ sắp xảy đến với mình. Một ngày kia, cả phòng xôn xao vì một người trong phòng bị mất đồ. Bảo vệ lên làm việc và không thể tin được: "Thủ phạm"lại chính là Hương. Mọi người đều biết rằng Hương không bao giờ làm chuyện đó. Không ai bảo vệ Hương. Tất cả dường như đều muốn hạ bệ một con người chỉ vì họ quá tốt . . .

Những kẻ xấu thường không ưa nhau. Nhưng chỉ vì muốn hạ đối thủ chung nên sẵn sàng liên kết với nhau. 

Thế giới của chúng ta đang sống đã trở nên thảm hại, không phải chỉ vì tội ác của kẻ xấu mà còn vì sự nhu nhược của những kẻ lành. Không dám làm chứng cho sự thật. Làm ngơ trước bất công. Im lặng trước sự gian dối . . . Đôi khi không chỉ dửng dưng trước cái xấu mà còn toa rập với kẻ xấu để làm chứng gian hại người, khiến công lý bị chà đạp, không còn biết đâu là thật là dối.

Thứ Tư trong tuần II TN A
Lời Chúa: Mc 3,1-6:
1 Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. 2 Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người. 3 Đức Giê-su bảo người bại tay : "Anh trỗi dậy, ra giữa đây !" 4 Rồi Người nói với họ : "Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi ?" Nhưng họ làm thinh. 5 Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay : "Anh giơ tay ra !" Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. 6 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.

Những người Pha-ri-sêu mặc dù đối nghịch với người Hê-rô-đê, thế nhưng vì muốn có phe cánh để hạ bệ Chúa Giê-su, họ sẵn sàng liên kết với nhau. Họ bàn luận với nhau để tìm cách kết tội Chúa.

Phải chăng hôm nay chúng ta cũng tìm vây cánh để hạ bệ người khác nên thường hay nói hành, nói xấu, bỏ vạ cáo gian anh em? Phải chăng chỉ vì ghen tương mà chúng ta gây nên những đổ vỡ trong gia đình và cộng đồng vì bè phái, băng nhóm hại người?

Ước gì đời sống ky-tô hữu phải luôn phản ánh tình hiệp nhất yêu thương, xoá bỏ đi những hố sâu của ngăn cách đố kỵ ghen tương, và luôn sống làm chứng cho chân lý sự thật. Amen 

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Loan Báo Lời Chúa Bằng Truyền Thông

Gần đây một trào lưu tự làm livestream gây sốc như tố cáo bố mẹ vì không cho cưới nhau, hay tố cáo mẹ ruột vì cờ bạc mà mình phải trả nợ. Và còn rất rất nhiều bạn trẻ giải bầu tâm sự qua livestream vì giận bố, chán mẹ, hận bạn đời . . .

Người xưa có câu: “Tốt khoe xấu che”, quan niệm truyền thống này đã khiến cho những câu chuyện bêu xấu bố mẹ trên mạng trở thành đề tài bàn tán không chỉ ở thế giới ảo mà lan cả ra đời thực. Có người đồng cảm, xót xa; có người phản bác vì “vạch áo cho người xem lưng”. Chuyện vợ chồng còn phải đóng cửa dạy nhau thì việc “tố” chính đấng sinh thành lại càng là điều cấm kỵ.

Điểm chung mà chúng ta thấy qua các scandal này người đăng và người bị kết án đều nổi tiếng. Họ tưởng rằng qua livestream này sẽ có người thương, người ủng hộ. Nhưng thực ra tất cả sẽ là một nạn nhân của truyền thông. Thương người này là kết án người kia. Chê người này là ủng hộ người kia sẽ mãi mãi là cuộc khẩu chiến gây đau lòng cho nhau. Chắc chắc người trong cuộc sẽ không tìm được bình an hạnh phúc khi bêu xấu, nói xấu, kết án người khác. Chắc chắc người bị đưa ra bêu xấu sẽ mãi mãi bị vết thương lòng không bao giờ chữa lành, vì lời đã ra đi như xưa chỉ là “tứ mã nan truy”, còn ngày hôm nay facebook đã lan ra thì chẳng bao giờ lấy lại được.

Kết quả hình ảnh cho truyền thông công giáo

Xem ra nổi tiếng kiểu này là giết nhau, là gây tai tiếng cho nhau. Cả hai đều bị người đời cười chê. Xem ra chọn phương án nổi tiếng này sẽ đánh mất đi rất nhiều thứ: tình gia đình, tình người với người và mất cả nhân cách con người biết kính trên nhường dưới!

Ở đời sự nổi tiếng không do mình đánh bóng mà được, điều quan yếu là qua việc mình làm có ích cho cộng đồng sẽ được mọi người nhìn nhận trong yêu mến. 
Hôm nay, tìn mừng kể về một con người được Chúa tán dương là “trong số những người con do người phụ nữ sinh ra không ai trọng hơn ông”. Đó là Gioan B. Ông không gây ồn ào bởi kết án, tẩy chay hay loại trừ người khác. Ông sống một đời giản dị, khiêm nhường. Ông không sống xa hoa ở đô hội. Ông vào hoang địa sống nghèo khó ăn trâu trấu và mật ong. Ông dành thời giờ sống cho Chúa và với Chúa để nhờ đó mà ông có thể giới thiệu Chúa cho thế gian. Ông dọn lòng cho nhân loại đón nhận Đấng Cứu Thế . Việc mà ông Gioan mời gọi mọi người cùng tham gia chính là “hãy sám hối để dọn đường Chúa đến”.

Ông nổi tiếng và được nhiều người yêu mến. Nhưng ông chỉ nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa. Ông khiêm tốn đến độ mong muốn mình nhỏ đi để Đấng đến sau ông nổi trội hơn ông. Ông càng không lợi dụng sự nổi tiếng của mình để gây chú ý cho bản thân mà lôi kéo sự chú ý đến Đấng Cứu Thế mà ông là người dọn đường.

Người ky-tô hữu cũng được mời gọi trở thành người dọn đường cho Thiên Chúa. Chúng ta cũng cần tận dụng mọi phương tiện hiện đại như Facebook hay livestream để nói về Chúa cho anh em. Phương tiện chúng ta dùng để mang lại bình an hạnh phúc cho anh em. Đừng vì ích kỷ cá nhân mà lợi dụng truyền thông để đánh bóng mình hay làm hại người khác. Hãy dùng nó như phương tiện thời đại để chuyển tải Tin mừng đến cho mọi người. Người ky-tô hữu không theo phe nhóm nào mà chỉ đi theo chân lý, theo Đức Ky-tô. Trong mọi lời nói, trong mọi hành động đều lấy Đức Ky-tô làm khuân mẫu để sống khiêm nhường và hiền lành như Chúa.

Cuộc sống tốt đẹp biết bao nếu có những con người biết dùng mọi phương tiện hiện đại để làm chứng nhân cho Tin mừng. Cuộc sống sẽ hạnh phúc biết bao nếu có những người biết dẫn người khác cùng sống lời Chúa, cùng thực thi Lời Chúa. Xin cho chúng ta biết sống lời Chúa trong chính cuộc sống của mình, dám làm chứng cho Tin mừng bằng cả cuộc sống là những trang tin mừng được mở ra. Ước gì chúng ta biết tận dụng khoa học hiện đại để dẫn người khác đến với niềm vui của Phúc âm, của Nước Trời. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Tôi đã không biết Người…


Về mặt họ hàng máu mủ thì Gio-an phải biết rất rõ về người em họ Giê-su của mình, thậm chí có thể ngay từ khi còn trong bụng mẹ (Lc 1:44); còn nếu xét về vai trò tiền hô giới thiệu đấng Thiên Sai cho mọi người thì hơn ai hết ông lại càng phải biết rõ người ông giới thiệu là ai. Thế mà trong đoạn Phúc âm ngắn hôm nay, đã có tới hai lần Gio-an bộc bạch: “Tôi đã không biết Người” (Ga 1:31.33). Ông còn xác minh thêm rằng: ông tới kêu gọi dân chúng sám hối và nhận lãnh phép rửa trong nước là để “Người được tỏ cho dân Ít-ra-en”, chứ không chỉ nhằm mục đích muốn họ cải thiện đời sống; tại sao vậy?

Chúa Nhật II Thường Niên A
Lời Chúa: Ga 1, 29-34:

Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: "Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian. Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi. Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước". Và Gioan đã làm chứng rằng: "Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Ðấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: "Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần". Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa".



Khi giới thiệu cho dân chúng và các môn đệ mình về Thầy Giê-su – vị Thiên Sai phải đến, Gio-an đã sử dụng một điển ngữ khá phổ thông của Cựu Ước, ‘Chiên Thiên Chúa’. Đối với người Do Thái, hầu như ai cũng hiểu nó ám chỉ ‘người tôi tớ Gia-vê’, mang nội dung tự hiến và phục vụ, đấng sẽ giải thoát hay cứu chuộc dân theo hình ảnh Chiên Vượt Qua (xem Xh 12:1-14 và Mc 14:12). Điển ngữ này rất phổ thông trong thời các ngôn sứ, nhưng dần bị lu mờ vào thời điểm La Mã thống trị do các khuynh hướng chính trị. Chắc hẳn Gio-an đã muốn khơi lại truyền thống ngôn sứ, thay vì ngả theo quan điểm của giới lãnh đạo đương thời. Thế nhưng cái diện mạo Thiên Sai mà Gio-an mới phát hiện ra nơi nhân vật Giê-su thì lại chưa có gì là rõ ràng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người”. Ông đã chứng kiến quang cảnh Thần Khí ngự xuống trên Giê-su sau khi lãnh phép rửa của ông, và vì đã được báo trước cho biết đó là dấu hiệu của đấng Thiên Sai, ông nhận ra Ngài. Thế nhưng bản chất thực của Thần Khí đó là gì thì ngay cả ông cũng chưa nắm bắt vững; quan niệm Cựu Ước về một thần khí như uy quyền thông trị của Đức Chúa vẫn chi phối ông cho tới giờ phút này, và ông không hề tìm thấy những nét đó nơi nhân vật Giê-su. Về điều này Gio-an sẽ còn tiếp tục khắc khoải tìm hiểu một thời gian dài: “Thầy có phải là đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7:19) Trong nội dung này ông hiểu ra rằng, giữa việc hối nhân dìm mình xuống dòng sông ông thực hiện và việc thanh rửa trong Thánh Thần do Đấng Thiên Chúa tuyển chọn sẽ thực hiện có khác biệt một trời một vực. Rửa trong nước do ông thực hiện để sám hội và hướng thiện (cụ thể hơn là để giữ trọn lề luật) thì đã rõ… nhưng còn rửa trong Thánh Thần để có sức mạnh thần khí thì chưa có gì là rõ ràng. Hiểu được điều này cũng có nghĩa là tiến từ Cựu ước qua Tân ước, hiểu được Đức Ki-tô và đã nắm được mấu chốt của niềm tin Ki-tô hữu.

Đức Giê-su, khi gặp lại các đồng hương Na-da-rét đã quá quen biết nhau, đã dùng lời ngôn sứ I-sai-a để tự giới thiệu mình: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi” (Lc 4:18), tuy nhiên, diện mạo của ‘Thần Khí’ Người áp dụng cho mình lại rất khác lạ với hình ảnh ‘thần khí’ đang phổ biến. Ngôn sứ I-sai-a đã phác họa một đấng Mê-si-a không quyền lực, không khổ hạnh nhưng chuyên phục vụ; hình ảnh này đã bị các Biệt Phái luật sĩ lãng quên từ lâu. Sau này cuộc sống và lời rao giảng của Người sẽ không nặng mùi luân lý khổ hạnh, nhưng hiện rõ nét tự do trong yêu thương, khác xa đời sống và lời giảng dạy của Gio-an - vị ngôn sứ tiền hô luôn đậm nét luân lý nghiêm khắc và cương trực (xem Mt 3,1-12). Nhưng cũng chính Gio-an tiền hô đã đưa ra những lời chứng quan trọng, đó là ‘Đấng Thiên Chủa tuyển chọn’ phải là con người của Thần Khí, và phép rửa do đấng ấy thực hiện phải là phép rửa trong Thánh Thần.

Vì đã lãnh nhận bí tích rửa tội của Đức Ki-tô chứ không phải của Gio-an (xem Cv 19:1-7), Ki-tô hữu chúng ta không thể tự cho phép mình xây dựng một cuộc sống đức tin nặng về luân lý đạo đức, nhưng phải triển khai sức sống mãnh liệt của Thần Khí yêu thương và phục vụ. Luân lý đạo đức là điều tốt và cần thiết chung cho hết mọi người, có đạo hay không có đạo, nhưng nó không bộc lộ được cái sức Tin Mừng của Thần Khí. Để cho cuộc sống đức tin được phong phú, ăn ngay ở lành hoặc sống lương thiện tự bản chất là chưa đủ. Bao lâu những người sống quanh ta còn chưa nhận ra ‘Thần Khí Chúa xuống trên tôi’ như đã xuống trên Đức Ki-tô, thì họ chưa thể nhận biết Ki-tô hữu là những ‘người được Thiên Chúa tuyển chọn’. Và họ vẫn có thể nói về niềm tin Ki-tô hữu của chúng ta: ‘chúng tôi không hề biết các người’. Vì hoặc là Ki-tô hữu sống mãnh liệt Thần Khí, hoặc tôi sẽ chẳng khác chi người thường, dầu có sống ngay chính và lương thiện tới mấy đi nữa!

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

sinh lão bệnh tử

"Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần"

Phật giáo đề cập đến bốn vấn đề lớn mà con người phải đối diện đó là: sinh, lão, bệnh, tử. Vì thế, con người phải nỗ lực mỗi ngày để chiến đấu và khi đã vượt qua, con người cảm thấy hạnh phúc. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói về một vấn đề trên đó là bệnh tật, đau ốm mà có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng nếm cảm và có kinh nghiệm về nó. Khi bị bệnh, không ai có thể nói mạnh được. Họ cần có người giúp đỡ và chăm sóc, nhất là họ cần đến với bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe và được điều trị.


Thứ bảy trong tuần I thường niên A
PHÚC ÂM: Mc 2, 13-17:

Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?" Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: "Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi".

THỨ BẢY TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

Đoạn Tin Mừng thánh Márcô kể lại hôm nay nói về một bệnh nhân được Chúa chữa khỏi đó là ông Lêvi, chỉ có khác một điều là thay vì ông là bệnh nhân phải tìm đến bác sĩ (Thiên Chúa) thì nay chính Chúa lại đi bước trước đến với ông và chữa lành cho ông.

Như chúng ta đã biết, căn bệnh thể xác làm cho chúng ta đau khổ, giằng vặt như thế nào thì căn bệnh tinh thần, linh hồn còn làm cho chúng ta khổ đau biết là chừng nào. Ong Lêvi mắc phải căn bệnh hiểm nghèo là quân thu thuế và bị liệt vào hàng những kẻ tội lỗi, cho nên mọi người phải tránh xa.

Chúa Giêsu gạt bỏ những thành kiến của xã hội. Ngài là vị lương y đầy nhiệt huyết và tình yêu đã luôn tìm kiếm những bệnh nhân để chữa lành. Vì thế khi thấy Chúa Giêsu tiếp xúc với ông Lêvi cùng tất cả những người bạn của ông thì nhóm Pharisêu đã phản đối Chúa Giêsu vì đã tiếp xúc với bọn tội lỗi thì sẽ bị lây nhiễm. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã mở trí cho những người Pharisêu hiểu một chân lý là người đau ốm thì mới cần uống thuốc chứ không phải người mạnh khỏe.

Vì nhận mình đau yếu, tội lỗi nên ông Lêvi và các bạn của ông đã được lãnh nhận ơn chữa lành từ lòng từ bi bao dung của Thiên Chúa, còn những người Pharisêu thì cho mình là người khỏe mạnh, công chính cho nên ơn cứu độ đã không đến được với họ. Vì thế, họ ở mãi trong tình trạng tội lỗi của mình mà không hay biết.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những tội nhân cần đến lòng từ bi tha thứ của Chúa, xin chữa lành cho chúng con và giúp chúng con sống mãi trong ơn nghĩa Chúa. Chỉ khi nào chúng con thực sự chấp nhận những lầm lỗi của mình, chúng con mới biết chạy đến với Chúa để được Chúa cứu chữa và từ đó, chúng con sẽ được mạnh khỏe thật. Hơn nữa, chúng con còn cảm thấy hạnh phúc và an tâm vì biết rằng chúng con luôn ở trong sự quan tâm, chăm sóc của Chúa. Chúng con cảm tạ Chúa. Amen.

Giuse Nguyễn Hồ Điệp, SDB.

vận may hay vận rủi?

Có con chuột bị sa vào hũ gạo đầy ắp. Ban đầu, nó đau đớn khóc lóc vì bị té đau. Nhưng sau đó lại hết sức vui mừng vì phát hiện ra chung quanh mình toàn là gạo thơm.

Ta thường cầu chúc cho mọi người gặp được nhiều may mắn. Nhưng ít khi ta tự mình trầm tư suy nghĩ: thật ra, may mắn có nghĩa là gì? Hẳn đó là một mong ước cho người ta có được những điều tốt đẹp trong cuộc sống, được thành tựu những gì mình khát khao. Cầu chúc người ta may mắn là chúc cho người ta được hưởng phúc lành từ trời, để thụ hưởng một cái gì đó vô cùng tuyệt vời nằm ngoài những phán đoán và tính toán của người ta. Nếu không, đó sẽ không còn là “may” nữa, nhưng chỉ là kết quả của một quá trình phấn đấu nỗ lực của người ta mà thôi.


Sự may mắn làm cho người ta rất thích thú, vì nó là cái “bỗng dưng” xảy đến với mình, mang cho mình sự ngạc nhiên. Ta gọi mình may mắn hơn người khác khi ta có được cái mà người khác không có, dù người ta hơn mình mọi đàng. Ta như thể thấy mình được chọn lựa giữa nhiều người để thụ hưởng đặc ân này. Ta tự hào về mình, cho rằng chắc có lẽ mình “nhỉnh” hơn người ta một chút, hay mình “nhân đức” hơn người chút xíu mới được Trời thương, thưởng cho hồng phúc này. Từ đó, ta thấy được ý nghĩa sự hiện hữu của mình, thấy mình được bao phủ bởi hồng ân. Niềm hạnh phúc cũng từ đó mà bừng lên trong tim thật mạnh mẽ.

Nhưng cuộc đời có quy luật cân bằng vay trả. Đạo gia có nói về nguyên lý: trong dương có âm, trong âm có dương. Trong cái rủi có cái may, nhưng trong cái may cũng có cái rủi. Chẳng có gì từ trên trời rơi xuống cho ta cách không không. Nhận điều gì, ta cũng mang vào mình một sứ mạng, một lời mời gọi, nếu không, chính cái mà ta vừa lãnh nhận và cứ ngỡ là phần thưởng ấy, sẽ quay lại làm hại ta. Thậm chí, nhiều khi, chính cái vận may ấy lại điều báo trước cho cái không hay sắp xảy đến.

Có con chuột bị sa vào hũ gạo đầy ắp. Ban đầu, nó đau đớn khóc lóc vì bị té đau. Nhưng sau đó lại hết sức vui mừng vì phát hiện ra chung quanh mình toàn là gạo thơm. Nó thầm tạ ơn Trời rồi từ từ gặm lấy từng hạt gạo ngon. Nó tự nhủ từ đây nó sẽ không cần phải đi đâu để kiếm ăn, cũng không cần phải tranh giành với con chuột nào nữa. Nó tự thấy mình may mắn hơn biết bao nhiêu con chuột khác đang phải vất vả ngoài kia. Nghĩ thế, nó mỉm cười hạnh phúc! Rồi từng ngày trôi đi, hũ gạo vơi dần, chỉ còn lại vài hạt dưới đáy. Con chuột phát hiện ra rằng nó không thể nào ra khỏi cái hũ. Khi gạo còn nhiều, chạm tới miệng hũ, nó chỉ cần phóng một cái là có thể ra ngoài. Nhưng giờ đây, gạo đã nằm hết trong bụng nó, còn nó thì chẳng thể làm gì hơn ngoài việc nằm chờ chết trong chính cái hũ mà nó đã từng cho là “vận may” của nó.

Một câu chuyện khác. Có con gà kia vô tình chui vào trong một căn nhà kho đầy thóc. Cũng như con chuột trong câu chuyện trên, nó vô cùng hạnh phúc vì vô tình tìm thấy cái cần tìm. Nó ăn cho thoả thích, bù lại cho những ngày đói khát ngoài kia. Ăn nhiều đến nỗi mập ú lên, bụng căng tròn, không thể nào ăn được nữa. Thoả mãn, nó nghĩ đến việc ra ngoài để thong dong dạo mát và tận hưởng cuộc sống của mình. Nó tìm đến cái lỗ mà từ đó nó đã chui vào. Nhưng với thân mình mập mạp hiện nay, nó không thể nào chui lọt qua cái lỗ nữa. Nó không biết làm gì, chợt nhận thấy căn nhà kho đầy thóc lúa này hoá ra giống như ngục tù giam hãm nó. Không còn cách nào khác, nó đành phải nhịn ăn trong nhiều ngày, để thân hình trở nên ốm yếu nhỏ bé lại mà chui qua cái lỗ kia ra ngoài.

Hai câu chuyện trên làm tôi nghĩ đến những người vô tình trúng số độc đắc, hay bỗng dưng có được một khối tài sản khổng lồ trong tay mà không phải do công sức của mình. Họ sẽ dễ dàng bị ru ngủ trong những gì mà mình vừa nhận lãnh. Đó có thể là phúc nhưng cũng có thể là bắt đầu của cái hoạ. Cái may mắn mỏng manh đó hàm chứa bên trong một khối đen khổng lồ của “cái xui”. Ông Trời có thể giúp người ta bằng cách ban cho họ có một khởi điểm thuận lợi, nhưng nếu người đó không có tâm tình biết ơn, không biết cố gắng làm lời từ nó, họ như tự đào lỗ để chôn mình.

Ngược lại, nhiều cái rủi lại trở thành con đường dẫn ta đến cái may. Ta có thể buồn thì điểm kém, vì gia đình có trục trặc, vì sự ra đi của người thân, vì phải chia xa người ta yêu mến, vì mất sự nghiệp, vì đường tình dang dở, vì phải chịu một thiệt thòi. Nhưng ta được mời gọi để tin rằng cuối mùa đông sẽ là mùa xuân rạng rỡ, cuối đường hầm sẽ là con lộ ngợp ánh quang. Bởi thế, dù rủi hay may, dù xảy ra điều làm ta vui hay không ưng ý, điều quan trọng nhất là phải biết làm chủ chính mình, chính cuộc sống của mình. Đừng bao giờ đánh mất đi niềm hy vọng, đừng bao giờ từ bỏ một cái nhìn lạc quan, càng đừng chỉ trông chờ vào cái gì đó nằm ngoài tầm tay ta kiểm soát.

Ơn gọi cao quý của con người là trở thành người làm chủ: làm chủ muôn vật, làm chủ hoàn cảnh, và đặc biệt là làm chủ chính mình. Khi đã nắm trong tay quyền kiểm soát bản thân và mọi hoàn cảnh chung quanh rồi, ta sẽ thấy mọi sự xảy đến đều là cơ hội để ta xây đắp niềm vui và mọi sắc màu của cuộc sống đều được bàn tay nghệ sĩ của ta sử dụng để phác hoạ nên bức tranh cuộc sống thật lộng lẫy và huy hoàng.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

cái sai cái đúng...

Trong tương quan với người khác,

Cái sai của chúng ta là lúc nào cũng cho mình đúng. Ừ thì cũng có lúc mình đúng nhưng điều đó đâu có nghĩa là chẳng bao giờ ta sai. Nói lời nào, đưa ra quyết định gì, dĩ nhiên ta luôn có lý lẽ cho nó, nhưng luôn cho mình là trọng tâm của chân lý để rồi buộc người khác phải luôn nghe mình, làm theo những gì mình muốn là một cái sai vô cùng trầm trọng. Cho mình đúng, ta bịt tai trước người khác, ta phủ nhận mọi điều khác. Ta cãi chày cãi cối để chứng minh mình đúng. Dù có khi biết rõ là sai, ta vẫn cứ cố gắng lấp lem, bẻ cong chân lý, lôi kéo chân lý về phía mình.


Cái sai của chúng ta là hay vội vàng kết án người khác. Ta kết án ngay cả khi chưa biết rõ trắng đen thực hư câu chuyện thế nào. Ta kết án chỉ vì người khác không hành xử theo những đòi hỏi và tiêu chuẩn của bản thân. Thêm vào đó, một thái độ vội vàng làm cho những phán đoán của chúng ta trở nên thiếu cơ sở. Chẳng biết từ đâu, ta lại tự cho mình vị thế của một quan toà, đem người khác vào vòng suy diễn của ta rồi gán cho họ những nhãn mác của riêng ta. Con người xa cách nhau có lẽ cũng vì như thế.

Cái sai của chúng ta là chỉ biết xăm xoi người khác mà thiếu nhìn đến bản thân. Ta luôn đủ lý do để bao che và bào chữa cho những sai lầm to lớn của mình, chứ khi ít nào chịu thông cảm cho một lỗi nhỏ li ti của người khác. Ta yêu bản thân mình, phải, đó là điều tốt, nhưng yêu đến mức làm ngơ những điểm tối của bản thân là điều không thể chấp nhận. Phải chăng do đôi mắt luôn hướng về phía trước nên ta chỉ nhìn thấy người khác, chứ không thể nhìn ngược lại bản thân? Thử một lần nào đó soi gương chính mình, ta sẽ thấy những điều ta không thích nơi ngươi khác, hoá ra lại là phản chiếu những khuyết điểm của chính ta.

Cái sai của chúng ta là luôn ảo tưởng, xếp mình ở vị trí trung tâm của vũ trụ, luôn muốn người khác dòm ngó đến mình, mà quên mất rằng giữa cuộc đời này, ta chẳng là gì và suốt dòng chảy của lịch sử, mỗi chúng ta chỉ là những chấm nhỏ tạo thành. Nếu cuộc sống này là một câu chuyện dài thì ai trong chúng ta cũng là vai chính và đồng thời cũng là vai phụ. Ta có một truyện đời của mình nhưng người khác cũng có cái của riêng họ. Có là trung tâm của vũ trụ hay không dường như không phải do ta tự quyết định. Thử hỏi, giữa thế giới này, có bao nhiêu người biết đến ta, rồi trong số đó, có bao nhiêu người thân thiết với ta, có bao nhiêu người xem ta là quan trọng với họ, có bao nhiêu người khóc cho sự ra đi của ta, có bao nhiêu người vì sự biến mất của ta mà cũng không còn tồn tại. Ít lắm, phải không?

Nếu có một ngày nào đó, khi ta bị tách biệt ra khỏi mọi người, phải sống cô đơn cô độc giữa một chốn hoang vu hay một nơi xa lạ, ta sẽ thấy được niềm hạnh phúc lớn lao khi có được ai đó sống bên cạnh mình, trò chuyện với mình. Những ai sống tha hương nơi đất khách quê người hẳn cũng có kinh nghiệm tương tự khi bất chợt trên đường phố nghe ai đó nói ngôn ngữ của mình, bằng giọng nói thân quen. Sao gần gũi và thân thương đến lạ! Tình người vốn dĩ là cái gì đó thật cao quý và chẳng điều gì có thể so sánh hay thay thế được. Vậy mà dường như lắm lúc ta không đủ trân trọng nó. Mất đi rồi, ta mới thấy hối tiếc. Hai con chó không quen biết nhau bị nhốt chung một chuồng. Ban đầu chúng còn cắn xé nhau, tranh giành nhau miếng ăn, nhưng sau đó thì trở nên thân thiết. Hai con người sống chung với nhau, ban đầu thì lịch sự đối đãi tốt với nhau, nhưng dần dần lại trở nên xa cách, thậm chí còn là kẻ thù không đội trời chung với nhau. Tại sao vậy?

Con người trở nên cao cả hệ ở việc người đó có sống chữ “tình”. Đánh mất đi đặc tính vĩ đại này, con người bị xem là “không bằng loài cầm thú”. Trong cái tình ấy, có một chút bao dung, có một chút thứ tha, có một chút thương xót. Trong cái tình ấy, còn có cả sự hy sinh, nhẫn nhịn, chia sẻ. Tránh sao được những lần đụng chạm nhau, xung đột nhau vì những lợi ích này kia, nhưng giá như con người biết đặt chữ “tình” lên trên hết, hẳn là họ sẽ dễ dàng vượt qua được tất cả những hiềm khích và chia rẽ. Đó là bởi vì khi người ta sống bằng tình nghĩa, người ta không dùng quá nhiều lý trí để tính toán thiệt hơn cho bản thân, người ta đủ can đảm để im lặng nhằm tránh những cuộc cãi vả không cần thiết, người ta biết nhìn lại bản thân và dành một sự tôn trọng cho người khác.

Hạnh phúc của chúng ta tỉ lệ thuận với mức độ ta mở ra với thiên nhiên vạn vật và người khác. Càng mở ra, ta càng thấy mình cần phải nhỏ lại để được lớn lên. Để giữ gìn tình cảm giữa con người với nhau, tất cả phải cùng chung tay, tất cả phải có lúc chịu chút thiệt thòi và có khi phải chấp nhận lùi bước. Đừng trượt đi quá dài trong con đường cố chấp và bảo thủ, vì cái sai của chúng ta chính là từ chỗ này mà phát xuất ra, làm huỷ hoại những tương quan tốt đẹp của chúng ta và làm héo úa chính cuộc sống của chính ta nữa.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

đa nghi!


Có hai anh em cùng đi chơi với nhau, lạc vào một khu rừng rậm và xin ngủ nhờ một căn nhà lụp xụp của những người làm nghề đốt than. Thấy trên tường treo nhiếu võ khí như gươm, giáo, súng ống. Anh ta nghi ngờ những người này thuộc hạng bất lương, mặc dù họ có vẻ hiền lành. Vì nghi ngờ nên suốt đêm anh không dám ngủ. Đến gần sáng, anh ta nghe tiếng xì xào bàn nhau ở nhà dưới.
Người đàn ông hỏi: Có nên giết cả hai không ?
Người đàn bà trả lời: Giết cả chứ sao !

Anh ta lạnh cả người, phập phồng, lo sợ. Nhưng đến sáng thấy chủ nhà bưng hai con gà quay lên đãi khách, lúc đó anh mới vỡ lẽ. 

Khi trong cuộc sống chúng ta nghi ngờ ai, thì nhất cử nhất động của người đó đều khả nghi, đều phải dè chừng. Tất cả mọi câu nói, việc làm của họ đều khiến ta quan tâm và có thể nhỏ xé to, không có quy cho có. Thánh Kinh cũng thuật lại khá nhiều hình ảnh của người Biệt phái, Kinh sư, Pharisêu có óc thành kiến về Đức Giêsu, khi Ngài rao giảng và sống theo chân lý. Mọi lời nói, việc làm của Chúa Giê-su đều được họ quy chụp vào những chuyện không hay như bỏ truyền thống tiền nhân, dựa vào thế lực của ma quỷ mà làm, phạm thượng coi mình ngang hàng với Thiên Chúa . . . .

Thứ Sáu trong tuần I Thường niên A
Lời Chúa: Mc 2,1-12:
1 Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà, 2 dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ. 3 Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. 4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. 5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt : "Này con, con đã được tha tội rồi." 6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng : 7 "Sao ông này lại dám nói như vậy ? Ông ta nói phạm thượng ! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa ?" 8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ : "Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy ? 9 Trong hai điều : một là bảo người bại liệt : ' Con đã được tha tội rồi ', hai là bảo : ' Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi ', điều nào dễ hơn ? 10 Vậy, để các ông biết : ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt,- 11 Ta truyền cho con : Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà !" 12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau : "Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ !"

Với óc thành kiến khiến họ luôn nghi ngờ về thân phận Chúa Giê-su. Chính thành kiến khiến họ không thể đón nhận chân lý và sống thiếu khách quan dẫn đến hại người vô tội.

Cuộc sống của chúng ta đôi khi cũng vì thành kiến mà ta đã kết án sai biết bao người. Vì thành kiến mà ta đã bóp chết biết bao sáng kiến của tha nhân. Xin cho chúng ta luôn biết khiêm tốn nhìn nhận sự bất toàn của mình để tôn trọng cách sống của anh em. Xin cho chúng ta đừng vì thành kiến mà làm khổ lẫn nhau. Amen


Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Hiển Linh

Lúc bấy giờ, tất cả cũng đều khá khiêm tốn, một xe lừa đến một thành phố bụi bặm phía nam Giêrusalem. Tất cả các phòng khách sạn đã được đặt trước. Sinh con trong một chuồng ngựa và đặt nằm trong một máng ăn gia súc thay vì một cái nôi ấm áp.

Trong cảnh nghèo nàn ít ai biết đến này đột nhiên xuất hiện một đoàn tùy tùng kỳ lạ từ một nơi xa xôi. Những kẻ sang trọng trong lễ phục tặng cho hài nhi mới sinh những món quà đắt giá mà dường như không có ở những nơi tầm thường này.

Biến cố này có ý nghĩa đến mức nó được nhìn nhận như một ngày lễ trong phụng vụ Rôma, được cử hành một cách truyền thống vào ngày 6 tháng Giêng ngay sau ngày thứ 12 từ lễ Giáng Sinh. Lễ trọng này được gọi là Lễ Hiển Linh [Epiphany], có nghĩa là “tỏ mình” hay "tỏ hiện".

Một em bé cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình nghèo khổ, xem ra không hơn gì những đứa trẻ khác, nhưng "hóa ra" Ngài thật sự là Vua muôn vua, Chúa các chúa. Món quà Ngài nhận, được tiên báo trong sách Isaia 60,6 qua câu chuyện : vàng tương xứng với một vị vua, nhũ hương dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa và mộc dược – cay đắng nhưng quý giá – dành cho vị anh hùng hi sinh mạng sống mình vì dân.

Có một vài điều quan trọng đáng chú ý về những vị khách danh giá này. Họ là những dân ngoại, không phải người Do Thái. Ngay từ lúc khởi đầu cuộc sống nhân loại, rõ ràng Chúa Giêsu không chỉ là Đấng Mêsia của người Do Thái, Đấng đến để giải thoát dân Israel khỏi ách ngoại bang. Không, Người còn là vua vũ trụ, Đấng thống trị tất cả, Đấng đã đến để phá hủy bức tường hận thù chia cắt giữa người Do Thái với dân ngoại, nước này với nước kia.

Nếu bạn đã từng tự hỏi “Công Giáo” có nghĩa là gì, thì đây là nghĩa của nó. Được bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp mang nghĩa “theo tất cả”, nó có nghĩa rằng Chúa Kitô không đến để thiết lập một giáo phái địa phương nào đó cho số ít người được tuyển chọn, một lối “thờ cúng” giữa nhiều lối khác nhau. Không, Ngài thành lập Giáo Hội là “Công Giáo” hay phổ quát, lan rộng khắp trần gian, đón nhận toàn thể nhân loại thành một nước, một gia đình, dưới một vị vua.

Vài điều nữa về những vị khách nổi tiếng này. Không phải là người Do Thái, họ là người ngoại giáo. Trên thực tế, thuật ngữ “Magi” rõ ràng liên quan đến “ma thuật”. Nó không có trong Kinh Thánh nơi mà bình thường họ tìm kiếm sự thông thái (nếu không thì họ đã biết đường thẳng tới Bêlem rồi). Nhưng, trong phần thưởng dành cho sự hăng hái của họ, dẫu cho có sai lạc trong việc tìm kiếm chân lý, dù sao đi nữa Thiên Chúa đã dẫn họ đến với Chúa Kitô bằng lòng thương xót bao la của Ngài.

Kể từ thời Balaam, Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta biết rằng dân ngoại có thể được đến gần Ngài một cách huyền nhiệm và được Ngài dùng, thậm chí qua những truyền thống khôn ngoan bất toàn của chính họ. Nếu bạn đến nhà nguyện Sistine và nghiên cứu tác phẩm của Michelangelo bạn có thể thấy bằng chứng về điều này. Hàng trên cùng của một bức tường của nhà nguyện là những bức tranh nổi tiếng về các ngôn sứ thời Cựu Ước. Đối diện với những bức tranh này không phải là hình các tông đồ thời Tân Ước như người ta mong đợi. Nhưng đúng hơn là, một dãy các bà đồng bà cốt, những nữ ngôn sứ thời xưa, mà trong những lời sấm của họ có nhiều lời ám chỉ không rõ ràng được khám phá về một vua cứu thế trong tương lai. Một trong các nữ ngôn sứ của Michelangelo miệng há hốc vì kinh ngạc, mắt nhìn chăm chăm vào bức họa Chúa Giêsu phục sinh nằm phía sau nhà nguyện. Quả thật, những khao khát sâu thẳm nhất của tất cả các dân tộc, những yếu tố của chân lý được tìm thấy trong tất cả các tôn giáo và triết lý của họ đều được thực hiện trong Chúa Kitô.

Có phải điều này có nghĩa là tất cả các tôn giáo đều như nhau và chúng ta không nên áp đặt ý tưởng của mình lên người khác không? Không phải tất cả. Thánh Giustinô nói rằng có “nhiều hạt giống Lời Chúa” nằm rải rác ở khắp thế giới. Nhưng những hạt giống đều được nhắm tới việc nảy mầm, phát triển và sinh hoa kết quả. Nghe Tin Mừng đầy đủ và dự phần vào tất cả những phương tiện của ân sủng nói chung thì cần thiết để làm cho điều đó xảy ra. Tất cả mọi dân tộc đều có quyền đến với sự tràn đầy Công Giáo này. Và đó là bổn phận của chúng ta để chia sẻ nó. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã đúng khi nói rằng : “Những người khác có thể có khả năng được cứu độ mà không cần lắng nghe Tin Mừng, nhưng liệu chúng ta có thể được cứu độ nếu chúng ta sao lãng việc rao giảng Tin Mừng không?”

(Marcellino D'Ambrosio – GB. Nguyễn Kim Ngân chuyển ngữ)

Đi theo ánh sao!

Rất nhiều người đã tới nhà thờ trong đêm Giáng sinh, nhưng thử hỏi có mấy ai đã thực sự gặp gỡ Chúa như ba nhà đạo sĩ phương đông?

Chúa Giêsu không phải là người khó tính, đến như các trẻ mục đồng, thuộc hàng khố rách áo ôm, cũng có được một chỗ đứng bên máng cỏ. Nhưng rõ ràng là qua đoạn Tin Mừng chúng ta thấy được rằng sự kiện Chúa ra đời đã thực sự khuấy động khá nhiều người từ vua Hêrôđê, các thượng tế và luật sĩ, đến quần chúng nhân danh thành Giêrusalem và cả những nhà đạo sĩ xa xôi.

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh. 
LỜI CHÚA: Mt 2, 1-12:

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người".

Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: "Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta". Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người".

Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng.

Hình ảnh có liên quan

Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

Tuy nhiên những người đã để cho sự kiện Chúa ra đời khuấy động tới cùng lại chỉ có ba nhà đạo sĩ vốn bị liệt vào hạng những kẻ ngoại, những người ở ngoài. Hêrôđê quả có đi tìm Chúa, nhưng là để thủ tiêu Ngài chứ không phải để gặp Người. Các thượng tế và các luật sĩ thuộc giới đền thờ, là những người có đầy đủ các điều kiện tạm gọi là khách quan rát thuận lợi để gặp Chúa. Họ là những nhà thông hiểu thần học và Thánh Kinh. Kẻ khác còn phải nhờ đến họ để biết được Người sinh ra ở đâu. Nhưng theo Tin Mừng thì xem ra họ không rời đền thờ nổi. Trong khi đó Chúa lại sinh ra nơi máng cỏ Bêlem. Làm sao họ có thể gặp được Người? Còn những người dân khác của kinh thành Giêrusalem thì lại hoảng hốt, thay vì vui mừng trước cái tin Đấng mình mong đợi đã sinh ra.

Và cuối cùng chỉ còn lại ba nhà đạo sĩ đã đến được bên máng cỏ cùng với những trẻ mục đồng. Các nhà đạo sĩ tới được với Chúa là vì các ông đã nhận ra dấu lạ, hay cái mới trong lúc các ông làm công việc thường ngày của mình. Các ông đã tìm hiểu ý nghĩa của cái mới và chân thành theo dõi, cho dù phải thực hiện một cuộc hành trình ngàn dặm với bao nhiêu là vất vả.

Ai gõ thì sẽ mở cho, ai tìm thì sẽ gặp. Đến nhà thờ mà thôi chưa đủ, chúng ta còn phải có cả một cuộc hành trình tìm kiếm Chúa. Ngài mời gọi bằng những dấu chỉ của thời đại. Phải tỉnh thức để nhận ra những dấu chỉ ấy, hay đúng hơn, để biết được giữa muôn vàn sự kiện của cuộc sống thường ngày, giữa muôn vàn vì sao lấp lánh trên bầu trời, sự kiện nào có giá trị của một ánh sao lạ, dẫn chúng ta đến với ơn cứu rỗi.

Chúa đến cho tất cả mọi người, thế nhưng Tin Mừng cho chúng ta thấy không phải tất cả mọi người đều đã được gặp Ngài.

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

con chiên gánh tội

Theo truyền thống Do thái giáo, người ta cần có những con chiên gánh tội. Khi có tội, người ta đem một con chiên đến Đền thờ, đặt tay trên đầu nó, tỏ ý trút hết tội của mình xuống nó, rồi giết chết nó hoặc đuổi nó vào sa mạc. Kể như nó đã mang hết tội của mình và chịu phạt tội thay cho họ. 

Thứ ba ngày 03.01 trước Lễ Hiển Linh
Lời Chúa: Ga 1,29-34:
29 Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói : "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. 30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng : Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.

31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước." 32 Ông Gio-an còn làm chứng : "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. 33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi : "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần." 34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn."

Trong Phúc âm hôm nay, thánh Gioan Baotinxita đã giới thiệu Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, đấng gánh tội trần gian”. Chính Chúa đã tình nguyện làm con chiên gánh tội trần gian. Ngài là Đấng cứu độ nhân loại. Để gánh tội nhân loại, Ngài đã bước lên cây thập giá đẫm máu. Ngài đã chịu đòn roi, Ngài đã chất lên vai Ngài thập giá và vác đi trên con đường thương khó để đền bù tội lỗi nhân gian.

Cuộc chiến chống tội lỗi luôn cam go. Cuộc chiến đấu chống tội lỗi trong con người tôi hẳn cũng phải theo con đường của Chúa : nhiều lần vác thập giá, nhiều lần chịu đổ mồ hôi sôi nước mắt, chịu chết lên chết xuống với con người cũ… Dường như, Chúa cũng muốn các ky-tô hữu làm con chiên gánh tội thay cho những con người thời đại của mình. Những đau khổ, đắng cay trong cuộc sống, Chúa cũng muốn tôi đón nhận để cứu độ nhân gian.

Xin cho chúng ta luôn được cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ con người thời đại hôm nay.

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền