Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Thinh lặng và lắng nghe



Một chàng thanh niên nọ có tính khoe khoang. Ngày kia sắm được một chiếc áo mới, từ sáng sớm anh ta đã mặc chiếc áo đó và đứng ở ngã ba đường. Kẻ qua, người lại rất đông, thế nhưng chẳng có ai chú ý đến và khen anh lấy một tiếng. Cuối cùng, có một người đàn ông đến gần anh và bảo: “Anh có thấy con bò của tôi bị lạc chạy qua đây không?" Được dịp có người hỏi đến mình, anh trả lời: “Tôi mặc chiếc áo này từ sáng đến giờ, mà chẳng thấy con bò nào chạy qua đây cả.”

Chúa Nhật 01/01/2017 – Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

LỜI CHÚA: Lc 2, 16-21

Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ. Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ. Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.



Thái độ trên đây của người thanh niên trái hẳn với thái độ của Đức  Maria, như bài Tin mừng hôm nay thuật lại: “Người giữ kỹ mọi điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng.” Đức Maria đã thinh lặng không chỉ lúc này, nhưng trong suốt cuộc đời Người. Được làm Mẹ Thiên Chúa, nhưng chung quanh Người, chẳng có mấy ai biết đến tước hiệu này. Nếu vinh quang Thiên Chúa xuất hiện và các mục đồng không ngớt lời ngợi khen thì Người chỉ ghi nhớ và suy niệm trong lòng. Tại Cana, Người đã nhẹ nhàng báo cho Chúa Giêsu biết bữa tiệc không còn rượu nữa. Trong cuộc đời công khai của Chúa, Người đã âm thầm theo bước chân con. Và bên Thánh giá, trong nỗi đau đớn tột cùng, Người đã chứng kiến những giờ phút cuối cùng của con. Có thể nói Người đã sống tâm tình của một nữ tì khiêm tốn, Người chỉ muốn được phục vụ trong âm thầm, còn vinh quang danh dự thì Người xin dành cho người khác.

Trong một thế giới có quá nhiều tiếng động: tiếng động của bom đạn, của tranh chấp, của bạo lực, chúng ta hãy bắt chước thái độ thinh lặng và lắng nghe của Đức Maria, nhờ đó chúng ta sẽ tìm được bình an trong tâm hồn và tạo được hoà khí trong tương quan với tha nhân.

Lạy Mẹ Maria, hôm nay khởi đầu năm mới, chúng con xin phó dâng gia đình chúng con cho Mẹ, để nhờ lời cầu bầu của Mẹ, xin Chúa nâng đỡ những gia đình đang đổ vỡ. Biết bao nhiêu niềm tin đang bị đánh mất từ những người thân trong gia đình. Cha mẹ thiếu tin tưởng nhau. Con cái đánh mất niềm tin nơi cha mẹ. Vợ chồng bất trung với nhau. Bạn bè bất tín với nhau. Biết bao sự dữ đang tung hoành khắp nơi, khiến nhiều người rơi vào thất vọng, tủi hổ và đắng cay. Xin nhờ Mẹ chuyển cầu để tình thương Chúa gìn giữ các gia đình. Xin nhờ ơn phước của Mẹ ngõ hầu chúng con được nhận lãnh ơn lành của Chúa. Amen.

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

lá cỏ hoàn hảo


Cuộc đời là những sự chọn lựa và tìm kiếm nhưng đừng mãi đi tìm sự hoàn hảo. Một lần tham gia một lớp học ngoại khóa, tôi đã được nghe câu chuyện về “lá cỏ hoàn hảo”. Câu chuyện ấy đã làm tôi thay đổi rất nhiều trong cách suy nghĩ. Câu chuyện ấy thế này: “Có một cậu sinh viên và một người Thầy lớn tuổi đang trao đổi với nhau về sự hoàn hảo.

Chàng thanh niên với sức khỏe và lòng nhiệt huyết luôn muốn đi tìm cho mình mọi sự hoàn hảo. Người Thầy đã chú ý lắng nghe và thấu hiểu cậu sinh viên. Với bao nhiêu năm sống và hiểu biết bao chuyện xảy ra, ông nhẹ nhàng nói với cậu sinh viên:

- Tôi có thể đề nghị cậu làm một việc không, con trai?
- Dạ. Cháu rất sẵn lòng.
- Phía trước mặt chúng ta là sân cỏ. Cậu có thể ngắt cho tôi một lá cỏ mà cậu cho là đẹp nhất và hoàn hảo nhất không? Với điều kiện cậu chỉ được đi thẳng về phía trước và chọn, không được bước lùi lại.
Cậu thanh niên đứng dậy và bắt đầu tìm kiếm. Bước bước chân đầu tiên vào sân cỏ, cậu nhìn xuống chân và thấy một lá cỏ thật xanh mướt, cậu toan đưa tay định ngắt lá cỏ. Nhưng… cậu phóng tầm mắt lên phía trước, toàn một màu xanh ngắt và những lá cỏ đẹp hơn. 

Cậu thanh niên bắt đầu bước tiếp bước chân thứ 2… rồi bước chân thứ 3… nhưng cũng như những lần trước, khi định ngắt những lá cỏ dưới chân, cậu lại thấy những lá khác phía trước…

… Cứ thế…
… Cứ thế…

Cậu rảo bước, tìm kiếm… tìm một lá cỏ thật hoàn hảo. Nhưng… cậu có biết đâu, mãi mê tìm kiếm, cậu đã đi đến phía bên kia khoảng sân. Ở bước chân cuối cùng ấy, với một khoảng cỏ nhỏ nhoi trước mặt, cậu đành ngắt một lá cỏ đẹp nhất trong đó và trở lại nơi người thầy. Mặt cậu không còn hào hứng như lúc đầu, có lẽ cậu đã hiểu ý nghĩa công việc cậu vừa làm. Lặng lẽ đến bên người Thầy, cậu đưa ra lá cỏ. Cầm lá cỏ trên tay, người Thầy mỉm cười hiền hòa bảo cậu ngồi xuống và nhẹ nhàng:
Thế đấy con trai. Trong cuộc đời mỗi con người là vô số sự lựa chọn. Cũng như lựa chọn một lá cỏ, nếu con biết bằng lòng và không mãi tìm kiếm hẳn con đã có được một lá cỏ hoàn hảo hơn rồi. Con người cũng vậy, họ luôn để cơ hội qua đi rồi mới bắt đầu nuối tiếc. Hãy suy nghĩ về câu chuyện ngày hôm nay, con trai nhé!”.

Kết quả hình ảnh cho lá cỏ

Ở đời luôn có sự hoàn hảo. Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp. Thế nhưng, bản thân chúng ta thường ít bằng lòng với sự hoàn hảo ấy. Lời người xưa dường như vẫn đúng khi nói: “đừng để đến khi vụt mất rồi mới vội quay lưng tìm kiếm”.

Thứ năm ngày 29.12.2016
Lời Chúa: Lc 2,22-35:
22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng : "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa", 24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng : 
29 "Muôn lạy Chúa, giờ đây 
theo lời Ngài đã hứa, 
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân :
32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, 
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài."

33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi : "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng ; 35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà."

Sự hiện diện của Đức Ky-tô cũng đòi hỏi tôi phải chọn lựa. Chọn lựa theo Chúa hay quay lưng lại với Chúa. Chọn lựa ánh sáng hay bóng tối. Tuỳ theo chọn lựa mà tôi có bình an hay đánh mất bình an.

Ông Si-mê-on đã không bỏ lỡ cơ hội để ôm Chúa vào lòng. Ông đã nhận ra Chúa dầu Chúa chỉ là một hài nhi nhỏ bé. Ông đã tìm được Chúa là sự hoàn hảo đến nỗi không còn niềm vui nào lớn hơn nữa. Ông đã thõa niềm vui đến nỗi chỉ cần một điều: xin để tôi tớ này ra đi bình an.

Ở đời có người chọn tiền bạc, địa vị nên đã bước đi trong bóng tối của thủ đoạn, bất chính. Họ có danh lợi thú nhưng không tìm được bình an tâm hồn. Ở đời cũng có người chọn Chúa nên dù nghèo khó họ vẫn tươi vui, bình an. Xin Chúa giúp chúng ta, trong cuộc chiến đấu nội tâm, biết chọn theo phía Chúa để được bình an đời nay và hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

Lạy Chúa, Chúa đã mang lấy thân phận con người để ở cùng chúng con. Xin cho chúng con biết vì Chúa mà đón nhận nhau trong yêu thương chân thành. Xin giúp chúng con đừng vì tính ích kỷ, thói tự cao tự đại mà xa lánh nhau. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

TIẾNG KHÓC THAI NHI

Ngày xưa, ở Belem người ta nghe tiếng hàng vạn các bà mẹ khóc than con mình, vì hàng ngàn trẻ thơ vô tội đã biết giết chết bởi bạo chúa Hê-rô-đê. Ngày nay, thật đáng kinh tởm khi chính những bà mẹ đang tâm giết những đứa con của mình. Nếu ngày xưa tiếng của bà Rakhen than khóc con mình, thì ngày nay lại là tiếng của chính các thai nhi đang kêu thấu tới trời đòi công lý.

Con người ngay nay thường viện vào nhiều lý do để hạ sát các thai nhi. Đa phần cho rằng vì nghèo, vì không đủ điều kiện nuôi con nên đành phá bỏ đi. Nhưng xem ra chẳng có lý do nào chính đáng cho bằng việc coi thường sự sống là quà tặng Thiên Chúa.

Kết quả hình ảnh cho lễ các thánh anh hài

Có một người phụ nữ lo lắng bế con đến gặp bác sĩ phụ khoa và nói: "Bác sĩ, tôi có một vấn đề nghiêm trọng và rất cần sự giúp đỡ của ông! Ông thấy đấy, con tôi còn chưa đến 1 tuổi và tôi lại đang mang thai một lần nữa. Tôi không muốn những đứa trẻ sinh ra quá gần nhau.

"Ồ vậy thì" - bác sĩ hỏi - " Tôi có thể giúp gì được cho cô ?"

Người phụ nữ nói: "Tôi muốn ông giúp tôi phá bỏ cái thai này".

Vị bác sĩ suy nghĩ một lúc, rồi ông nói với người phụ nữ: "Tôi nghĩ rằng tôi có một giải pháp tốt hơn cho vấn đề của cô. Và còn bớt nguy hiểm cho cô...." Cô gái mỉm cười, tin tưởng nghĩ rằng bác sĩ sẽ đáp ứng được yêu cầu của cô.

Rồi ông lại tiếp tục: "Cô thấy đấy, nếu cô muốn không phải chăm sóc 2 đứa trẻ cùng một lúc, thì hãy giết chết đứa trẻ cô đang bế trên tay. Bằng cách này, cô có thể nghỉ ngơi một thời gian trước khi đứa còn lại được sinh ra. Nếu chúng ta giết một trong hai đứa bé, thì không quan trọng là đứa nào phải không? Sẽ không có một mối nguy hiểm đe doạ nào cho cô nếu cô chọn đứa bé cô đang bế."

Người phụ nữ kinh hoàng, mặt biến sắc: "Không thể được thưa bác sĩ! Làm vậy thực sự là quá khủng khiếp! Thật dã man khi giết một đứa trẻ..."

"Tôi đồng ý" - bác sĩ trả lời. "Nhưng mà khi đến đây và nhờ tôi thì có vẻ như cô chấp nhận được điều đó mà, vì vậy tôi nghĩ đó là giải pháp tốt nhất."

Cô gái ôm chặt đứa bé trên tay, chào từ biệt bác sỹ ra về, và không mảy may nghĩ đến việc thực hiện điều mà cô vừa định làm cách đó ít phút...

Bác sĩ mỉm cười, nhận ra rằng ông đã giữ vững quan điểm của mình. Ông đã thuyết phục được người mẹ rằng không có sự khác biệt nào trong việc giết chết một đứa trẻ đã được sinh ra và một đứa trẻ vẫn còn trong bụng mẹ. Tội ác là như nhau!

Thứ tư ngày 4 trong tuần bát nhật Giáng sinh
Lễ Các Thánh Anh Hài:
Lời Chúa: Mt 2,3-18:
3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. 4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. 5 Họ trả lời : "Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng : 6 'Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời."
7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng : "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người." 9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. 12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng : "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy !" 14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. 15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. 17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a : 18 'Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ : tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.'

Kết quả hình ảnh cho lễ các thánh anh hài


Phá thai" đồng nghĩa với việc phải hy sinh người khác vì lợi ích của bản thân mình. Ước mong sẽ có nhiều tấm lòng từ bi can đảm ngăn chặn sự ác đang hoành hành trong xã hội chúng ta. Xin đừng ai biện họ cho hành động gian ác của mình bằng bất cứ lý do gì. Tội ác là như nhau! Đôi khi giết một thai nhi không có khả năng tự vệ là dễ nhưng tội ác còn lớn gấp bội vì Chúa sẽ đòi lại công bằng cho các thai nhi. 

Chúa là Đấng Emmanuel đã đến và ở cùng chúng con. Chúa đến trong thân phận một hài nhi yếu đuối đang cần sự chăm sóc chở che. Chúa đang cần một chiếc nôi. Chúa cần một hơi ấm tình người. Chúa cần một gia đình để đón nhận Chúa. Chúa cần một nhu cầu cuộc sống thật bình thường như bao trẻ thơ khác, thế mà dòng đời luôn khắc nghiệt, luôn đòi lấy đi tất cả những gì thiết yếu của cuộc sống. Dòng đời muốn loại trừ Chúa. Con người chỉ vì một chút bổng lộc mà đang tâm loại trừ Thiên Chúa.

Và cho đến hôm nay, dòng đời vẫn còn đó những trẻ thơ bị khước từ, bị bỏ rơi và lợi dụng. Dòng đời vẫn còn đó những trẻ thơ không một mái nhà, không một chiếc nôi và chẳng bao giờ được hưởng hơi ấm tình người. Xin Chúa là Đấng Emmanuel ở cùng chúng con luôn gìn giữ các trẻ thơ trong tình thương quan phòng của Chúa. Xin cho các bậc làm cha mẹ biết bỏ đi tính ích kỷ, thói hưởng thụ của mình để sống vì con cái và có trách nhiệm với tuổi thơ mà Thiên Chúa trao gởi. Xin đừng vì sự thiếu trách nhiệm của mình mà đẩy tuổi thơ vào cảnh đời khốn khổ lầm than.

Lạy Chúa, Chúa luôn yêu quý tuổi thơ, xin Chúa hãy chúc lành cho tuổi thơ giáo xứ chúng con. Xin cho mọi trẻ thơ đều được lớn lên trong tình thương chăm sóc của cha của mẹ. Xin Chúa hài đồng mang lại niềm vui, nụ cười cho tuổi thơ giáo xứ chúng con. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

HOA BẤT TỬ

Chuyện kể rằng ngày xưa, có một đôi trai gái yêu nhau, cô gái ước ao có được chùm hoa quí trên một ngọn núi cao. Hoa nở mùa đông lại càng khó khăn để hái được đóa hoa. Nghe vậy chàng đã chiều lòng cô gái và quyết tâm vượt mọi gian khổ để hái được hoa tặng nàng làm kỷ niệm. Chàng leo lên đỉnh núi mặc cho mưa rơi, tuyết phủ, lạnh cóng, đói khát vẫn không làm chàng lùi bước. Cho đến một ngày đông ánh nắng lé loi chàng đã hoàn toàn kiệt sức và không tiếp tục trèo lên đỉnh núi cao nữa. Chàng quay xuống đúng vào ngày 1 năm xa cách người yêu trong tư thế quỳ rạp xuống nhưng gương mặt vẫn hướng về đỉnh núi có loài hoa quí và chàng kiệt sức tắt thở. Điều kỳ lạ là chính nơi chàng nằm xuống đã mọc lên một chùm hoa đỏ thắm như màu con tim vươn về phía đỉnh núi. Cô gái đã hái bông hoa này làm kỷ niệm không bao giờ phai về tình yêu hiến dâng của chàng. Từ đó, người đời đã đặt tên cho loài hoa đó là hoa bất tử. 

Tình yêu của thánh Gioan cũng bất tử vì ông không bao giờ phản bội Thầy. Tình yêu của ông dành cho Thầy trước sau như một. Một tình yêu không lay chuyển bởi sóng gió, thử thách. Một tình yêu trung kiên cho dù các môn đệ khác đã bỏ rơi Thầy, còn Gioan thì vẫn theo Thầy trên suốt đường thương khó và dừng chân trên đỉnh Calve.

Kết quả hình ảnh cho hoa bất tử

Thứ Ba ngày 3 trong tuần Bát nhật Giáng Sinh
Lễ Thánh Gioan Tông Đồ
Lời Chúa: Ga 20,2-8:

2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."

3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.

Kết quả hình ảnh cho thánh gioan tông đồ

Lần giở lại Kinh Thánh chúng ta sẽ hiểu về Gioan. Ông là người môn đệ Chúa yêu, và ông cũng yêu Chúa một cách trung thành không lay chuyển. Có một lần, Chúa Giê-su nói: một trong anh em sẽ phản bội Thầy. Ai cũng vội vàng hỏi: Thưa Thầy có phải con chăng? Dường như ai cũng có âm mưu phản bội lên mới sợ Thầy nắm được thóp. Duy chỉ mình Gioan mạnh dạn nói: Thưa Thầy, ai vậy? Nghĩa là không phải con, là ai đó . . . Đây là cách nói của những người không bao giờ có ý phản bội mới hiên ngang nói như vậy.

Đọc tin mừng của Thánh Gioan chúng ta cũng thấy một Gioan đã hiểu rất rõ về tình yêu của Chúa. Gioan luôn viết về tình yêu cao sâu mà Thầy chí Thánh đã làm cho nhân loại. Gioan còn “ngồi tựa sát lòng Chúa” để nghe nhịp đập con tim của Thầy. Gioan đã cảm nghiệm về một tình yêu nồng nàn của Thầy là một tình yêu dâng hiến dám chết cho người mình yêu, và là một tình yêu trung thủy là “yêu cho đến cùng”.

Đền đáp tình yêu, Gioan không dừng lại ở việc viết về tình yêu ấy mà quan yếu chính Ngài đã sống tình yêu ấy khi Ngài đã thay Thầy nuôi dưỡng người Mẹ của Thầy. Đón nhận Mẹ về nhà minh, Gioan từ nay sẽ như một người con phụng dưỡng mẹ trong lúc tuổi già. Gioan còn vượt lên trên nỗi sợ hãi để loan tin vui Chúa Phục sinh cho Phê-rô, cho các bạn hữu. Gioan đã trung thành với Chúa cho tới hơi thở cuối cùng. Thế nên, ngài xứng đáng được gọi là loài hoa bất tử vì sự trung thành tuyệt đối của ngài.

Ước gì chúng ta cũng biết noi gương thánh Gioan biết tựa sát vào lòng Chúa để nhận ra biết bao ơn lành, tình thương mà Chúa đã dành cho chúng ta. Ước gì mỗi người chúng ta biết dấn thân giới thiệu tình yêu Chúa cho tha nhân bằng chính đời sống yêu thương của chúng ta. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

TÔI SỐNG VUI HAY SỐNG BUỒN?



Một điều có thể thấy nơi nhiều người trẻ, đó là tình trạng sống buồn mặc dù xã hội có rất nhiều tụ điểm vui chơi, có nhiều điều hấp dẫn lôi kéo. Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới WHO, hàng năm có đến 800.000 người tự tử. Ở Nhật có 88 người tự tử mỗi ngày. Kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2008 cho thấy, trong hơn 10.000 thanh thiếu niên, có trên 73% người từng có cảm giác buồn chán, hơn 4% từng nghĩ đến chuyện tử tự. So sánh với số liệu của cuộc điều tra trước đó vào năm 2003 thì tỷ lệ thanh thiếu niên trải qua cảm giác buồn chán đã tăng lên. Đặc biệt, tỷ lệ thanh thiếu niên nghĩ đến chuyện tự tử tăng lên khoảng 30%. Tình trạng này đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những quốc gia phát triển. Có nhiều nguyên nhân đưa đến việc tự tử, nhưng nguyên nhân chủ yếu đó là những người này cảm thấy một cuộc sống đơn điệu, buồn chán và bế tắc.

Chúa Nhật tuần 3 mùa vọng năm A.

LỜI CHÚA: Mt 11, 2-11:

Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: "Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?" Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta".

Khi những người được sai đến đã đi rồi, Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: "Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: 'Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con'. Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông".



Lời Chúa Chúa nhật III Mùa Vọng hôm nay mời gọi chúng ta: Hãy vui lên. Các bài đọc mời gọi chúng ta mang lấy tâm trạng vui tươi hân hoan vì Chúa đã đến gần. Tội lỗi chính là nguyên nhân dẫn đến buồn chán và bất an. Sở dĩ con người ngày nay rơi vào thảm trạng buồn chán, dẫn đến bế tắc, là vì con người đang cố tính loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống cá nhân và xã hội. Chỉ Thiên Chúa mới là nguồn vui và hạnh phúc đích thật, khi con người loại trừ Thiên Chúa ra khỏi lòng mình, thì sự buồn chán và bất an sẽ đến chiếm chỗ trong tâm hồn. Cũng vậy, xã hội và thế giới vật chất ngày nay hứa hẹn cho con người cuộc sống giàu sang, thiên đàng giả tạo, khiến cho nhiều người coi nó là mục đích của cuộc đời. Thực ra những hưa hẹn đó chỉ là những sự giả dối lừa bịp, khiến cho nhiều người bị mất phương hướng, mất mục tiêu sống dẫn đến thất vọng chán nản.

Tin Mừng hôm nay cho thấy tâm trạng sốt ruốt của Gioan Tẩy giả. Sau những ngày rao giảng về thời Thiên Chúa sẽ giải thoát dân Người; Chúa sẽ dẫn họ đến niềm hy vọng Nước Trời, giờ đây Gioan lại đang bị ngục tù. Trong cảnh tù ngục này, ông nghe những thông tin bên ngoài vọng vào, nói về những việc lạ lùng Chúa Giêsu đã làm. Gioan sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác? Việc làm này của Gioan cho thấ, Gioan đã có phần sốt ruột vì Nước Thiên Chúa dường như chưa đến như ông rao giảng. Cụ thể là giờ đây ông đang bị cầm tù. Cái ác, sự gian dối và bất công dường như vẫn đang bao trùm xã hội. 

Sai các môn đệ đến với Chúa Giêsu, Gioan không muốn giữ họ cho riêng mình, ông sự khiêm tốn xóa mình và rút lui. Ông đã từng tuyên bố: Ngài phải lớn lên còn tôi thì nhỏ lại. Vì thế, việc ông bị cầm tù vì sứ mạng làm chứng cho sự thật, không làm cho ông chán nản hay thất vọng, nhưng ông đã hoàn toàn mãn nguyện và không muốn giữ cho riêng mình điều gì nữa, kể cả các học trò thân tín. Ông sai môn đệ đến với Chúa Giêsu để họ được gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp với thầy Giêsu và chắc chắn họ sẽ tìm được mục tiêu ý nghĩa cho cuộc đời họ.

Chúa Giêsu trả lời: Các anh cứ về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què đi được kẻ điếc được nghe kẻ chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng và phúc thay kẻ nào không vấp ngã vì tôi. Câu trà lời vừa là sự trấn an cho Gioan, củng cố niềm tin và sự xác tín của Gioan cũng là một lời động viên khuyến khích ông khi gặp thử thách.

Việc các môn đệ được nghe, thấy và thuật lại cho Gioan những việc Chúa Giêsu đã làm…, chắc chắn Gioan và các môn đệ của ông sẽ phải nhớ ngay đến những lời của tiên tri Isaia trong bài đọc một, nói về thời đại của Đấng cứu thế; Đấng đem niềm vui và hy vọng cho nhân loại: Vui lên nào, hỡi sa mạc khô cháy, hãy mừng rỡ và trổ bông như khóm huệ, hãy hân hoan nhảy múa vui mừng. Lời loan báo của Isaia ngập tràn niềm vui và âm thanh của ngày hội toàn dân. Từ con người đến cảnh vật, từ sa mạc, núi đồi đến cánh đồng, đều khoác lên mình một màu sắc mới, tâm trạng mới, màu sắc của mùa xuân và tâm trạng của ngày tết do Đấng Cứu Thế đem lại.

Không chỉ là những vẻ huy hoàng vui tươi bên ngoài, nhưng Thiên Chúa sẽ làm cho niềm vui phát xuất từ bên trong tâm hồn con người lan tỏa ra bên ngoài. Niềm vui đó là niềm vui được chữa lành những vết thương, bệnh tật đau khổ, xóa đi những tội lỗi là nguyên nhân gây buồn chán trong tâm hồn. Một khi được tẩy xóa khỏi quá khứ tội lỗi, con người sẽ được gia tăng sức mạnh để đến gần Thiên Chúa. Đấng Cứu thế sẽ làm cho những bàn tay rời rã thêm vững mạnh, cho đầu gối bủn rủn, run rẩy được cứng cáp, cho những người nhát đảm sợ hãi nên mạnh mẽ can đảm. Tiên tri Isaia còn cho thấy Đấng cứu thế là Thiên Chúa công thẳng, Ngài thưởng phạt công minh, Ngài sẽ mở mắt cho người mù, mở tai người bị điếc, cho kẻ câm nói được và kẻ điếc nghe được, mọi người sẽ hân hoan reo hò. Như thế, Đấng Cứu thế sẽ là người chữa lành mọi thương tích tật nguyền thể xác và linh hồn, sẽ trả lại cho con người sự tự do và đem đến niềm vui cho nhân loại. 

Đó chính là những niềm vui đích thật mà Thiên Chúa đem đến cho nhân loại. Niềm vui này thế gian không thể có và không thể trao tặng, ai tìm kiếm niềm vui nơi thế gian, thì sẽ chỉ gặp sự buồn chán, thất vọng. Những ai tìm kiếm Thiên Chúa, để Ngài tẩy trừ tội lỗi, để Ngài chữa lành những đau khổ thể xác và tâm hồn, bù đắp những khiếm khuyết thể lý và tâm hồn, người đó sẽ tìm được niềm vui đích thực.

Không chí có người trẻ sống buồn, mà nhiều người lớn cũng đang sống buồn, sống uể oải, kéo lê cuộc đời mình. Tình trạng này có thể đến từ gia đình bất hòa bất thuận, vợ chồng con cái xung khắc; nỗi buồn cũng có thể đến từ thất bại trong những toan tính, do công việc làm ăn không được như mong đợi; nhưng nỗi buồn sâu xa nhất đang chi phối cuộc đời của ta, đó là tình trạng tội lỗi. Nhiều người đang cố tình lừa dối sự nhắc bảo của lương tâm, để mình sống trong tội, cố tình làm điều sai trái luật Chúa và Giáo hội, hoặc sống quanh co, lỗi đức công bằng. Nhiều người bên ngoài vẫn cười, nhưng trong lòng héo hắt, nặng trĩu sự u buồn, chán nản. Để giải tỏa được sự buồn chán này, cần có một quyết tâm thay đổi, bước ra khỏi tình trạng tối tăm bất an của tội bằng cách đến với Bí tích Giải tội. Chính nơi Bí tích này chúng ta đón nhận được sự tha thứ của Chúa và ơn bình an cho tâm hồn. Hãy đến với Bí Tich Thánh Thể để đón Chúa vào tâm hồn. Có Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ ngập tràn niềm vui, cho dù cuộc sống vẫn đầy sóng gió biến động. Quyết tâm làm nhiều việc tốt, việc bác ái cho anh chị em, đó cũng là cách tìm lại niềm vui trong tâm hồn. Hãy bắt đầu từ trong gia đình, thay đổi lại cách nhìn, cách cư xử với vợ chồng, con cái. Mỗi ngày hãy làm những việc tốt đẹp cho nhau, hãy mỉm cười với nhau và hãy nói những lời yêu thương dành cho nhau cuộc sống gia đình sẽ vui tươi.

Sự phát triển của khoa học, công nghệ, sự hứa hẹn của xã hội và các tụ điểm vui chơi, sức ép của công việc và nhịp độ đều đặn của ngày sống, càng làm cho cuộc sống của các bạn trẻ trở nên trống rỗng mệt mỏi buồn chán. Nhiều bạn cảm thấy cuộc sống của mình không có ý nghĩa, không biết mình sống để làm gì hay chỉ như cái máy làm việc? Thế giới ảo của các trang mạng xã hội, internet và những người bạn trện mạng, không đem lại cho chúng ta niềm vui, nhưng chỉ làm cho ta càng cô đơn lẻ loi thêm. Để thoát khỏi sự cô đơn chán nản này, các bạn cần vươn mình đứng dậy, đừng ngại tìm đến nguồn vui là Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa mới có thể lấp đầy khoảng trống và đem lại niềm vui cho tâm hồn mà thôi. Hãy mờ lòng để đón niềm vui Chúa Giáng sinh, không bằng những cuộc liên hoan hoặc đi bụi, nhưng bằng thanh tẩy tâm hồn và cuộc sống, để Chúa bước vào cuộc đời và để Lời chúa hướng dẫn mọi quyết định của mình. Hãy mạnh dạn bước đến với những người bạn chung quanh, đưa tay ra bắt lấy tay nhau và cùng nhau làm những việc nho nhỏ có ích cho mọi người. Hãy biết nghĩ đến, biết quan tâm đến những nhu cầu của người khác, làm một việc tốt cụ thể cho một người nào đó, các bạn sẽ cảm thấy cuộc sống mình trở nên có ý nghĩa và đầy tràn niềm vui sâu lắng.
Xin cho cuộc đời chúng ta luôn vui vì có Chúa. Amen

Lm.Giuse Đỗ Đức Trí

Hình ảnh tuyệt đẹp

Trong một lần gặp khách hành hương tại Vatican, khi nhìn thấy người đàn ông đáng thương với gương mặt biến dạng, đầy mụn đến cầu xin phước lành, Đức Thánh Cha Francis đã chìa tay ôm lấy con người bất hạnh trước sự chứng kiến của 50.000 tín đồ.

Hình ảnh tuyệt đẹp này ngay lập tức đã lan truyền nhanh chóng khắp các trang mạng thế giới. Rất nhiều người cảm thấy xúc động trước lòng trắc ẩn và sự vị tha của Giáo hoàng. 

Một người có tên Donna Hosie nhận xét "Mặc dù là người vô thần nhưng khi nhìn hình ảnh này, tôi đã thực sự xúc động. Một cái ôm làm tan chảy mọi trái tim người dân trên thế giới. Càng xem nhiều tin tức về Giáo hoàng, tôi lại càng cảm thấy tôn trọng và quý mến ngài." 

Ngoài ra, rất nhiều người dân trên thế giới cũng đã từng xúc động khi chứng kiến hình ảnh Giáo hoàng rửa chân cho 12 tù nhân trẻ, tặng tiền cho một người phụ nữ tại Rome sau khi kẻ gian lấy ví của bà trên xe bus, mời những người vô gia cư ăn bữa tối tại quảng trường Thánh Phê-rô... 

Đức Giáo hoàng Phanxico quả thực là một dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa giữa thế giới hôm nay. Cũng nhưGioan không mang tên là Êlia, thậm chí ông đã từng tuyên bố mình không phải là Êlia (Ga 1,21), nhưng ông lại là hiện thân của Êlia, ông đóng vai trò của Êlia, ông nói lên tinh thần của Êlia. Đức Giáo Hoàng Phanxico cũng chính là hiện thân của Chúa khi Ngài xót thương những kẻ bất hạnh, khi ngài cúi xuống rửa chân cho những kẻ cùng khốn, khi ngài ôm vào lòng kẻ bất hạnh để cảm thông nỗi đau cùng họ. 

Thứ Bảy trong tuần 2 MV A
Lời Chúa: Mt 17,10-13: 
10 Các môn đệ hỏi Người rằng : "Vậy sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước ?" 11 Người đáp : "Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự. 12 Nhưng Thầy nói cho anh em biết : ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế." 13 Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.

Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta hãy là dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa khi chúng ta sống hiệp thông và bác ái với nhau. Đồng thời cũng mời gọi chúng ta hãy nhận ra Chúa nơi tha nhân để yêu thương và kính trọng lẫn nhau.

Xin Chúa giúp chúng ta hoàn thiện cuộc đời mình trong tinh thần bác ái ky-tô giáo, xin đừng vì tính ích kỷ, hẹp hòi làm mất vẻ đẹp của Giáo hội trong lòng thế giới hôm nay. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

VÔ NHIỄM CHO HẾT THẢY MỌI NGƯỜI

Ki-tô hữu chúng ta mừng gì trong ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội? Mừng một đặc ân dành riêng cho Mẹ? hay để chúc mừng một trường hợp biệt lệ có một không hai mà quyền phép Thiên Chúa đã thực hiện cho một mình Đức Mẹ mà thôi? với mục đích làm vui lòng Mẹ, và nhờ đó sẽ được Mẹ thương ban cho nhiều ân huệ ta cầu xin? Vậy thì lễ Mẹ Vô Nhiễm có liên quan gì tới mỗi chúng ta, hoặc giả ta long trọng mừng lễ để khích lệ mình sống trong sạch và thánh thiện như Mẹ?… Những câu hỏi tương tự như thể đã lởn vởn trong đầu tôi từ lâu lắm rồi, nhưng chỉ ngại công khai nói ra. Thú thực, tôi vẫn né tránh đi tìm một giải đáp thỏa đáng vì sợ đụng chạm tới một tín điều đã từng gây quá nhiều tranh cãi trong lịch sử.

Hình ảnh có liên quan

Thế nhưng âm thầm tôi vẫn tin rằng tín điều Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội phải là một gì đó liên quan rất chặt chẽ tới niềm tin của mình. Trong câu chào của Sứ thần: “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà!” tôi vẫn thấy có một thực tế nào đó đụng chạm tới chính bản thân mình, và tới từng con người sống trên trần gian này. Phải, Đức Ma-ri-a đâu phải là người duy nhất đầy ân sủng, vì đơn giản Thiên Chúa đã cống hiến ân huệ tình yêu tha thứ của Ngài cách sung mãn cho hết thảy mọi người. Đức Chúa đâu chỉ duy nhất ở cùng Đức Maria, vì Ngài “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Trong thư gửi giáo đoàn Rô-ma, Thánh Phao-lô đã khảng định nhiều lần một tư tưởng rất căn bản: “Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là đức Giê-su Ki-tô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng đồi dào và cho trở nên công chính, thì được sống và được thống trị” (Rm 5, 17, và toàn chương 5). Như vậy, giữa một bên là A-đam phạm tội để mọi người bị nhiễm tội tổ tông, và bên kia là Đức Giê-su Ki-tô cứu chuộc để mọi người được trở nên công chính, ta phải làm nổi bật (highlight) bên nào? Theo Phao-lô thì vế thứ hai phải được nhấn mạnh hơn, vì nó “lớn lao hơn biết mấy”. Không những cần làm nổi bật Giê-su Cứu Chúa hơn là tổ tông A-đam lỗi phạm, mà còn cần phải đề cao “ân sủng … còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” hơn là trên “muôn người phải chết”. Quả thật, theo Phao-lô, “sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa” (Rm 5, 15).

Dưới nhãn quan đó, ta sẽ chiêm ngắm Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội như thế nào? Nếu ta chủ yếu nhìn lên Mẹ như một trường hợp được đặc ân miễn trừ khỏi vế thứ nhất ‘mọi người mắc tội nguyên tổ’, thì dù có cao đẹp tới mấy đi chăng nữa thì ơn cứu độ Đức Ki-tô thực hiện vẫn còn là rất đơn độc và nghèo nàn. Còn nếu ta dùng con mắt Tin Mừng để nhận ra đây là một trường hợp điển hình (prototype chứ không phải unique) của ‘muôn người được trở nên công chính nhờ ân sủng’, thì ta mới thật sự khám phá ra được ‘cái lớn lao’ mà Phao-lô muốn nhắc nhở. Nếu tâm trí chỉ tập trung vào Ma-ri-a như một người nữ con cháu E-va, độc đáo vì không bị vướng mắc tội nguyên tổ, để rồi nhạt nhòa hình ảnh một Giê-su – A-dam mới hoàn lại sự sống, sự công chính cho muôn người cách rất căn cơ và mạnh mẽ, thì đúng là ta đã chọn lấy cái yếu hơn cái mạnh, cái nhỏ mọn hơn cái lớn lao, cái biệt lệ hơn cái phổ quát. Trong Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội, ta tìm thấy có cả hình ảnh một Ma-ri-a Mác-đa-la sám hối, một tên cướp bị án phạt đóng đinh kêu cầu được Chúa xót thương; có cả hình ảnh của tôi khi quì gối ăn năn sám hối, của hết thảy mọi người trong cuộc sống ngụp lặn nơi dương thế… và nói chung của toàn thể nhân loại tội lỗi. Vô Nhiễm Nguyên Tôi không mang một nội dung biệt loại (exclusive: chỉ Ma-ri-a thôi chứ không một ai khác), mà phải mang tính bao hàm (inclusive: Ma-ri-a và mọi tín hữu, trong đó có cả mỗi chúng ta). Vô Nhiễm Nguyên Tôi phải nói được cho tôi rằng: ‘Mừng vui lên, hỡi người được đầy ân sủng, Đức Chúa xót thương và cứu độ luôn ở với bạn!’.

Ma-ri-a Vô Nhiễm phải là đại lễ của tất cả mọi người, vì Mẹ không phải là người duy nhất trên trần gian đã gắn kết cuộc đời mình cách bền chặt với Giê-su Ki-tô, mà cả tôi và mọi Ki-tô hữu cũng đã được gắn kết bền chặt qua bí tích Thánh Tẩy đã lãnh nhận. Vô Nhiễm không chỉ mang nội dung thụ động ‘không vướng mắc tội nguyên tổ’ mà chứa đựng một nội dung tích cực và động hơn nhiều, đó là ‘mở rộng tâm hồn đón nhận ơn cứu độ’ và ‘nỗ lực gắn kết bền chặt hơn nữa với lòng lân tuất Chúa’, điều mà Đức Ki-tô Giê-su đã giáng thế để mạc khải và thực hiện (xem kinh tiền tụng lễ Mẹ Vô Nhiễm).

Lạy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cho con được cùng Mẹ không ngừng cất lời ca tụng Đức Chúa xót thương và cứu độ như Mẹ đã từng cất lên trong bài ca Magnificat. Nếu trinh trong / vô nhiễm đối với Mẹ trước hết là không ngừng rộng mở cõi lòng đón lấy ân sủng hải hà của Thiên Chúa, thì xin cho con cũng được bắt chước Mẹ không ngừng đón nhận và gắn kết bền chặt với lòng thương xót cứu độ đó trong suốt cuộc sống Ki-tô hữu, cho dầu rất yếu hèn và tội lỗi của con. A-men.

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

Vẻ đẹp của Mẹ Maria

Có một đứa trẻ vô xưng tội: Thưa cha, con có làm sự dơ bẩn một lần! Cha xứ ngạc nhiên vì đứa bé này còn rất nhỏ tại sao có thể làm chuyện dơ bẩn? Nên cha bèn hỏi: Con phạm tội dơ bẩn như thế nào? Đứa trẻ: Thưa cha con nghịch đất bẩn ạ!

Xem ra đứa trẻ mới chỉ nghĩ dơ bẩn thân xác là điều xấu. Nó hoàn toàn chưa nghĩ đến một sự xấu nữa là sự dơ bẩn tâm hồn. Bởi trẻ em vốn ngây thơ, vốn lành thánh. Trẻ em không suy nghĩ nhiều nên chưa ý thức trọn vẹn về sự dơ bẩn. Suy nghĩ của em thật ngây thơ, thật hồn nhiên!



Thế nhưng, ở trong cuộc đời vẫn còn đó những người chỉ chú trọng làm sạch thể xác mà quên đi điều quan trọng là sạch sẽ tâm hồn. Họ mặc áo lụa là, gấm vóc, sang trọng nhưng tâm hồn thì nhếch nhác bởi biết bao tội lỗi chồng chất. Họ chú trọng rửa tay chân mà quên rửa sạch tâm hồn. Họ để bẩn tâm hồn mà không chút áy náy lướng tâm.

Đây là căn bệnh của thế kỷ hôm nay. Một căn bệnh sẽ không bao giờ chữa khỏi, nếu không có sự hợp tác của bệnh nhân. Căn bệnh mà chúng ta thấy phổ biến chính là mất ý thức về tội. Con người hôm nay chỉ nhìn thấy nhu cầu làm đẹp thân xác mà quên làm đẹp tâm hồn. Đôi khi sự kiêu ngạo của con người còn tự cho mình có ơn vô nhiễm. Không tội. Không tỳ vết. Ngang bằng Thiên Chúa. Tự xử cuộc đời theo ý mình . . . đã dẫn tới một xáo trộn vô cùng bi thương cho xã hội.

Mẹ Maria đẹp từ thể xác đến tâm hồn. Cuộc đời Mẹ đẹp nên Chúa đã nhìn thấy tấm lòng Mẹ luôn rạng ngời và hằng đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là lý do Giáo Hội cần phải xác tín hơn về tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tín điều này cho chúng ta thấy chỉ một mình Mẹ Maria mới xứng đáng có ơn Vô Nhiễm nguyên tội, còn cách chung nhân loại luôn bị ảnh hưởng của tội nguyên tội, là tội chung của cả loài người.

Thực vậy, Mẹ Maria phải có ơn Vô Nhiễm nên Mẹ mới xứng đáng mang thai Con Thiên Chúa trong cung lòng Mẹ. Mẹ phải có ơn Vô Nhiễm vì Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ của Thiên Chúa, Đấng chí thánh vô cùng. Sự vô nhiễm của Mẹ đã được bảo vệ ngay từ lúc Mẹ thụ thai, và chính bản thân Mẹ vẫn luôn gìn giữ ơn vô nhiễm ấy bằng cả một đời sống tùy thuộc vào Thiên Chúa. Một đời sống chọn Chúa hơn là danh lợi thú trần gian. Một cuộc sống không để tham sân si làm hư mất con người của Mẹ. Mẹ đã sống giữa dòng đời vẩn đục mà vẫn giữ nét thanh cao của họa ảnh Thiên Chúa nơi Mẹ.

Với ơn Vô Nhiễm ấy Mẹ Maria đã được Thiên Chúa đưa cả hồn và xác về trời để thân xác Mẹ không bị huỷ hoại như cách chung nhân loại vì đã vương vấn tội nhơ.



Hôm nay chúng ta mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là dịp nhắc nhở chúng ta về sự nguy hiểm của ma qủi và tội lỗi, đồng thời cũng cho ta một hy vọng, một lời hứa là chúng ta được che chở và bảo vệnếu biết cộng tác vào ơn Chúa. 

Với tội của Adam-Eva thì con người đã vương vấn tội nhơ. Con người tự hủy hoại thân xác của mình khi quay lưng lại với Thiên Chúa. Kinh Thánh bảo rằng: vì tội của Adam mà con người phải đau khổ và phải chết. Tội đã làm đảo lộn trât tự sự sống. Tội đã gây nên đau khổ khi cố tình gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình.

Mỗi người chúng ta nhờ ân sủng của Thiên Chúa qua bí tích rửa tội, chúng ta được cứu khỏi tội lỗi, được thánh hóa, được ban cho khả năng biết yêu mến và được hứa cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu. Xin cho chúng ta luôn biết gìn giữ vẻ đẹp tâm hồn là họa ảnh Thiên Chúa. Xin đừng để tội lỗi làm chúng ta xa rời Thiên Chúa, đồng nghĩa tự hủy hoại cuộc đời mình đời này và hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Amen.

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

những chuyện lạ kì


Có một mẩu đối thoại giữa hai mẹ con. Mẹ nói: "Lúc sáng xem tin tức, thấy miền trung đang bị bão và lũ quét, con nói với mẹ rằng: 'Mẹ ơi, tội nghiệp các bạn không được đến trường và bị lạnh, phải tránh bão thương quá mẹ ha'. Rồi những khi mẹ con mình đi công viên tập thể dục cùng nhau, nhìn các bạn nhỏ bằng tuổi đang bán vé số hay xin ăn, con cũng nói với mẹ: ' Mẹ ơi, sao các bạn ấy khổ vậy hả mẹ, vậy là con vẫn hạnh phúc hơn các bạn ấy nhiều'... rồi những lần con cùng mẹ xếp quần áo cũ để tặng những bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, con còn muốn đi cùng mẹ đến những nơi đó... thì như vậy gọi là "trái tim nhạy cảm" con gái à.

Đứa con hỏi tiếp:
- Vậy vô cảm thì sao hả mẹ?
- Là khi con chỉ nghĩ đến bản thân mình, dửng dưng trước những niềm đau, nỗi buồn của người khác, không chia sẻ và ích kỷ, như vậy con có tâm hồn cằn cỗi và một trái tim vô cảm.
Với con, Mẹ chỉ có thể giải thích đơn giản có vậy...

Thật đơn giản, nhưng giữa vô cảm và nhạy cảm lại là một thái cực vô cùng xa cách trong từng người. Xa cách đến nỗi đã vô cảm thì không còn nhạy cảm. Và đã nhạy cảm thì đương nhiên không bao giờ vô cảm. Vô cảm thì không lo cho người khác. Nhạy cảm thì thấy việc người khác là của mình, thấy nỗi đau của người khác thì không bao giờ làm ngơ.

Thứ Hai trong Tuần 2 MV A
Lời Chúa: Lc 5,17-26:

17 Một hôm, khi Đức Giê-su giảng dạy, có mấy người Pha-ri-sêu và luật sĩ ngồi đó ; họ từ khắp các làng mạc miền Ga-li-lê, Giu-đê và từ Giê-ru-sa-lem mà đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật. 18Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người.19 Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giê-su. 20 Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo : "Này anh, anh đã được tha tội rồi."

21 Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu suy nghĩ : "Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế ? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa ?" 22 Nhưng Đức Giê-su thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng : "Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy ? 23 Trong hai điều : một là bảo : ' Anh đã được tha tội rồi ', hai là bảo : ' Đứng dậy mà đi ', điều nào dễ hơn ? 24 Vậy, để các ông biết : ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội -Đức Giê-su bảo người bại liệt- : tôi truyền cho anh : Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà !" 25 Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa.
26 Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau : "Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ !"

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy có một đám đông thật nhạy cảm. Họ cùng nhau đùm bọc một người bại liệt. Cùng nhau cứu chữa cho anh. Cùng nhau đem anh ta đến với Chúa để được chữa lành. Đây là tình người thật đẹp biết bao! Giá mà thế giới luôn có những tập thể như vậy thì sẽ không có người cô đơn, thất vọng giữa chốn đông người. Giá mà thế giới luôn biết đùm bọc lẫn nhau thì nhân loại sẽ không có chiến tranh và hận thù.

Thiên Chúa đã không vô cảm trước nỗi thống khổ của dân Người. Người đã nhập thế để đồng hành với dân Người, để cùng chia sẻ những thăng trầm của đời người. Người đã trở nên một con người giống như chúng ta để có thể hiểu và cảm thông với con người. Chính tình thương đó hôm nay Ngài đã chữa lành và tha tội cho kẻ bại liệt. Ngài phục hồi sự sống thể xác lẫn tinh thần cho anh.

Ước gì chúng ta luôn có trái tim nhạy cảm để có thể hiểu được nỗi đau của tha nhân mà ra tay cứu giúp. Xin cho chúng ta đừng bao giờ vô cảm trước anh em. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Đấng sẽ đến

Mùa vọng là mùa trông đợi. Chúng ta trông đợi Chúa đến trong đêm giáng sinh. Đó là một sự trông đợi có tính cách nghi lễ nhằm kỷ niệm sinh nhật Chúa Giêsu tại Bêlem. Nhưng đồng thời mùa vọng còn là trông đợi Chúa lại đến vào ngày sau hết như lời Ngài đã hứa. Và lời rao giảng của Gioan được coi như là một lời kêu mời chúng ta tích cực chuẩn bị để bước vào thời đại mới ấy. Vậy thì đâu là sứ điệp của Gioan?

Chúa Nhật tuần 2 Mùa Vọng năm A.
Lời Chúa: Mt 3, 1-12:
Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: "Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến". Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: "Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng". Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan. Thấy có một số đông người biệt phái và văn nhân cũng đến xin chịu phép rửa, thì Gioan bảo rằng: "Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối. Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Đây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, để các ngươi được lòng sám hối; còn Đấng sẽ đến sau tôi có quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách giày Người. Chính Đấng ấy sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt".

Kết quả hình ảnh cho chuùa nhat 2 MV A

Trước hết ông đã rao giảng sự ăn năn hối cải vì Nước Trời đã gần đến. Những hình ảnh ông sử dụng gợi lên một cảnh tượng tiêu điều của sa mạc cát nóng, của hoang địa khô chồi cằn cỗi. Thế nhưng, người Do Thái và nhất là giai cấp lãnh đạo đã coi thường lời kêu gọi ấy. Họ nghĩ rằng mình là dân riêng của Chúa, nhưng thực ra họ chỉ là một loài rắn độc. Con rắn của ma quỷ, đối nghịch với Thiên Chúa. Vì thế Gioan đòi buộc họ phải sám hối ăn năn, đừng nại vào dòng dõi xác thịt. Dân riêng của Chúa trong thời đại mới được tạo nên nhờ sám hối khi lãnh nận dòng nước thanh tẩy.

Trong phần thứ hai của đoạn Tin Mừng, Gioan giới thiệu Đấng đến sau ông nhưng lại quan trọng hơn ông gấp bội. Gioan tự nhận không xứng đáng làm một kẻ nô lệ hèn hạ nhất của Ngài.

Theo tục lệ Do Thái, thì một kẻ nô lệ không buộc phải cởi giày hay xách dép cho chủ. Người môn đệ có thể giúp việc thầy như một nô lệ, trừ việc xách dép hay cởi giày. Trong việc tế tự, trước khi tư tế hành lễ thì một trong các nô lệ phục dịch tại đền thờ, sẽ cởi giày dép để tư tế đi chân không. Hạng người này bị loại vĩnh viễn khỏi mọi đặc quyền Do Thái. Người Do Thái không bao giờ được cưới hỏi với loại người này.

Nếu có ám chỉ đến tục lệ này thì Gioan cũng vạch rõ sự khác biệt giữa ông và Đấng Cứu Thế sẽ đến. Đấng sẽ đến có quyền phán xét, thiêu huỷ kẻ dữ và thánh hoá người lành. Trong khi đó, thanh tẩy của Gioan được hiểu như là một nghi thức áp dụng cho đoàn người hối cải, trông nhờ vào thanh tẩy của thời cứu chuộc để thoát khỏi sự phán xét sắp đến.

Trông chờ Chúa đến, cũng có nghĩa là chuẩn bị đón mừng Chúa trong đêm giáng sinh cũng như trong những biến cố cuộc đời. Và lời kêu gọi của Gioan vẫn có giá trị đối với chúng ta ngày hôm nay: Hãy sám hối, hãy trở nên người mới, trong cách suy nghĩ, trong cách cư xử đối với Chúa và đối với anh em. Bởi vì đón nhận Chúa là đi vào một cuộc sống mới, một thời đại mới.

Nói đến hối cải chúng ta thường chỉ dừng lại ở việc xét mình xưng tội, nhưng lại không mấy nghĩ rằng mình phải trở thành một con người mới, sống trong một thời đại mới, thời đại cứu chuộc, thời đại ân sủng và tình thương của Chúa.

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

mù quáng và mù lòa!

Có con sư tử đến hỏi con tê giác “Ai là chúa tể khu rừng này ?”. Con tê giác đáp “Là sư tử chứ ai”. Sung sướng quá, sư tử đến hỏi con hà mã “Ai là chúa tể khu rừng này ?”. Và hà mã cũng trả lời “Là sư tử chứ ai”. Sư tử lại đến hỏi con voi “Ai là chúa tể khu rừng này ?”. Voi chẳng nói chẳng rằng, dùng vòi túm lấy sư tử, quăng nó lên trời. Khi rơi xuống đất, con sư tử chóang váng mặt mày, mình mẩy ê ẩm, nhưng cũng rán nói vớt vát : “Vì mi ngu quá chẳng trả lời nổi câu hỏi của ta nên ta không thèm ăn thua với mi” (Lon Jacobe).

Con sư tử mù quáng nên đã không thấy núi thái sơn. Sự mù quáng là căn bệnh của kiêu căng. Kiêu căng nên không nhìn thấy mình, thấy người, dẫn đến hậu quả thê lương.

Thứ Sáu trong tuần 1 MV A
Lời Chúa: Mt 9,27-31:

27 Đang khi Đức Giê-su ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng : "Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi !" 28 Khi Đức Giê-su về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ : "Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không ?" Họ đáp : "Thưa Ngài, chúng tôi tin." 29 Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói : "Các anh tin thế nào thì được như vậy." 30 Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ : "Coi chừng, đừng cho ai biết !" 31 Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.

Có nhiều loại mù : mù loà không thấy, mù chữ, mù vi tính… nhưng mù không nhận ra Chúa là ánh sáng đời mình có lẽ là tai hại hơn cả. Người mù trong bài tin mừng hôm nay đã dùng đức tin mà đi tới Ánh Sáng thật. Hay nói cách khác, anh đã lần tới được ánh sáng một cách thần diệu, đó là đức tin. 
Thế nhưng, có nhiều người sáng mắt nhưng tối lòng. Họ sáng thể lý nhưng mù tối đức tin. Sự kiêu căng. Sự lười biếng khiến họ không thấy được ánh sáng của tin mừng.

Xin cho chúng ta luôn có một đức tin đủ để thấy Chúa hiện diện trong cuộc đời chúng con. Xin đừng vì mê muội bởi danh lợi thú mà đắm chìm trong bóng đêm của tội lỗi. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Thực thi chân lý

R. Khrisna, nhà thần bí Ấn độ, có kể câu chuyện như sau:

Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagayad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sự đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho nhà vua nghe, và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi: “Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?” Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời: “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”.

Dĩ nhiên, thái độ của vua làm cho nhà sư buồn không ít. Ngày nào ông cũng miệt mài tra cứu cốt để giúp nhà vua hiểu được lời kinh trong sách thánh của Ấn giáo. Nhưng mỗi ngày ông có cảm tưởng như mình đang làm một công việc dã tràng.

Ngày nọ, giữa lúc đang định tâm, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sự quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua: “Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được”.

Thứ Năm trong tuần 1 mùa vọng A
LỜI CHÚA: Mt 7, 21. 24-27:

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không phải tất cả những ai nói với Ta, 'Lạy Chúa, lạy Chúa!', là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời. "Vậy ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá. Và hễ ai nghe những lời Ta nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn".

Sự giác ngộ của nhà sư trên đây có thể gợi lên cho chúng ta lời nhắn nhủ của thánh Gioan Tông đồ. Trong thư thứ nhất, ngài lặp đi lặp lại nhiều lần: “Chúng ta phải thực thi chân lý, chúng ta phải sống chân lý. Ai thực thi chân lý sẽ đến với ánh sáng”. Giác ngộ đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý.

Giáo huấn của thánh Gioan chính là âm vang của lời Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay: “Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai thực thi ý Cha Ta trên trời, những người ấy mới được vào Nước Trời”.

Chúa Giêsu không bao giờ dạy điều gì mà chính Ngài không sống và thực thi trước. Cả cuộc sống Ngài là một tiếng xin vâng với thánh ý Thiên Chúa, cả cuộc sống Ngài là một thể hiện lời Ngài giảng dạy.

Ước gì lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về sứ mệnh của người Kitô hữu, đó là làm chứng cho Đức Kitô, không những bằng những tuyên xưng hay biểu dương bên ngoài, mà bằng cả cuộc sống của chúng ta.

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

Chân dung Thánh Anrê Tông đồ



Ngày 30 tháng Mười Một, Giáo hội Công giáo mừng lễ kính Thánh Anrê Tông Đồ. Ngài là một trong bốn môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu, nhưng ngài ít xuất hiện và cũng ít được nhắc tới.

Thánh Anrê là anh của Thánh Phêrô, gọi là Simon, con ông Giôna. Hai anh em làm nghề đánh cá ở vùng biển Galilê. Trong danh sách các tông đồ, Thánh Anrê thường được nhắc tới ngay sau Thánh Phêrô.
Kết quả hình ảnh cho thánh anre tông đồ

Theo Hy ngữ, tên Anrê có nghĩa là “can đảm” hoặc cái gì đó “nam tính”, diễn tả ý cha mẹ mong muốn nơi con trai của mình. ĐGH Benedicto XVI nói: “Điều ấn tượng là tên Anrê không là tiếng Do Thái, mà là tiếng Hy Lạp, cho thấy sự cởi mở về văn hóa trong gia đình ngài. Ở Galilê có văn hóa và ngôn ngữ Hy Lạp” (Buổi Tiếp Kiến Chung, 14-6-2006).

Cha mẹ đã đặt tên cho con trai lớn là Anrê, tên theo tiếng Hy Lạp, nhưng lại đặt tên con trai thứ là Simôn, tên theo tiếng Aram. Điều đó phản ánh môi trường văn hóa phan trộn giữa Do Thái và dân ngoại tại Galilê.

Khi Chúa Giêsu đi dọc theo biển hồ Galilê thì thấy hai anh em Anrê và Simon (Phêrô) đang quăng chài xuống biển, Ngài nói: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người (Mt 4:18-20).

Trong các Phúc Âm nhất lãm và sách Công Vụ, danh sách 12 Tông đồ luôn được liệt kê thành ba nhóm, mỗi nhóm bốn người. Nhóm thứ nhất nói tên những người gần gũi Chúa Giêsu nhất, trong đó có hai cặp anh em: [1] Phêrô và Anrê, các con của ông Giôna, [2] Giacôbê và Gioan, các con của ông Dêbêđê.

Như vậy, Thánh Anrê là một trong bốn Tông đồ gần gũi với Chúa Giêsu nhất, nhưng Thánh Anrê có vẻ ít gần gũi nhất trong bốn người. Thật vậy, đã vài lần Phêrô, Giacôbê và Gioan được ưu tiên đi với Chúa Giêsu, nhưng không có Anrê. Chẳng hạn khi Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor, có mặt Phêrô, Giacôbê và Gioan, nhưng không có Anrê. Kinh Thánh cho biết rằng Thánh Anrê là một trong các Tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu. Ông thấy Chúa Giêsu trước Phêrô. Vì là người theo Chúa Giêsu trước, ông mệnh danh là Protoklete – Tông đồ được gọi đầu tiên.

Thánh Anrê thực sự là con người của niềm tin và hy vọng. Khi nghe Gioan Tẩy Giả gọi Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” (Ga 1:36), Anrê ngạc nhiên, lúc đó có một môn đệ khác: “Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình thì hỏi: ‘Các anh tìm gì thế?’. Họ đáp: ‘Thưa Thầy, Thầy ở đâu?’. Người bảo họ: ‘Đến mà xem’. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1:37-39).

Như vậy, Anrê đã được tận hưởng giây phút thân mật với Chúa Giêsu. Kinh Thánh cho biết: “Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simôn và nói: ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia’ (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simôn và nói: ‘Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha’ (tức là Phêrô). Hôm sau, Đức Giêsu quyết định đi tới miền Galilê. Người gặp ông Philípphê và nói: ‘Anh hãy theo tôi’. Ông Philípphê là người Bếtxaiđa, cùng quê với các ông Anrê và Phêrô” (Ga 1:40-44). Thánh Anrê có tinh thần tông đồ khác thường.

Khi chạnh lòng thương dân chúng và muốn cho họ ăn uống, vì lúc đó chiều tối rồi, Chúa Giêsu bảo các môn đệ lo cho họ ăn, ông Philípphê nói: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” (Ga 6:7). Lúc đó, ông Anrê thưa với Chúa Giêsu: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (Ga 6:9). Và hôm đó, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho khoảng 5.000 người ăn no nê, không kể phụ nữ và trẻ em.

Thánh Anrê rất nhạy bén khi thấy ngay một đứa bé có “năm chiếc bánh và hai con cá”, nhưng ngài cũng rất thực tế khi nhận thấy “bấy nhiêu chẳng thấm vào đâu” so với đám đông người như vậy. Tuy nhiên, Chúa Giêsu biết mình sắp làm gì nên bảo đem số thực phẩm ít ỏi đó cho Ngài.

Một lần khác, một trong các môn đệ thân tín (có thể là Anrê) đã chỉ đền thờ và trầm trồ khen công trình đồ sộ, nhưng Chúa Giêsu bảo: “Anh nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư? Tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ” (Mc 13:2).

Sau đó, lúc Đức Giêsu ngồi trên núi Ô-liu, đối diện với Đền Thờ, các ông Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê hỏi nhỏ: “Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy sẽ xảy ra, và khi tất cả sắp đến hồi chung cục thì có điềm gì báo trước” (Mc 13:4). Chúa Giêsu bắt đầu nói với các ông: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị người ta lừa gạt. Sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói ‘Chính Ta đây!’, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người. Khi anh em nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã, thì đừng khiếp sợ. Những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là chung cục. Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có động đất ở nhiều nơi, sẽ có những cơn đói kém. Những sự việc ấy là khởi đầu các cơn đau đớn” (Mc 13:5-8).

Qua đó, chúng ta có thể suy diễn rằng chúng ta không nên ngại hỏi Chúa Giêsu điều gì, dù hỏi nhiều, nhưng chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận giáo huấn của Ngài dành cho chúng ta, chắc chắn có thể có những điều không hợp ý riêng của chúng ta, nhưng đó mới là cách “xin vâng” đẹp Ý Thiên Chúa.

Thánh Anrê còn là nhịp cầu” nối kết những người Do Thái và dân ngoại đi theo Chúa Giêsu. Anrê và Philipphê là người trung gian giữa Chúa Giêsu và người Hy lạp. Khi có những người muốn gặp Chúa Giêsu, ông Anrê và ông Philípphê đến thưa với Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12:23-25).

Chúa Giêsu muốn nói rằng Ngài sẽ gặp nhóm người Hy Lạp, nhưng không đơn giản, vì họ chỉ hiếu kỳ mà thôi. Giờ vinh quang của Ngài sẽ đến bằng cái chết, như hạt lúa mì được gieo vào lòng đất. Cái chết trên Thập Giá của Ngài sẽ đơm hoa kết trái: Hạt lúa mì chết đi là biểu tượng cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá, hạt lúa mì chết đi mới trổ sinh bông hạt là biểu tượng sự phục sinh. Chúa Giêsu là Bánh Trường Sinh và là Ánh Sáng cho mọi dân tộc. Nói cách khác, Chúa Giêsu đã tiên tri về Giáo hội, hóa trái phát sinh từ Cuộc Vượt Qua của Ngài.

ĐGH Benedicto XVI cho biết: “Một số truyền thống cổ coi Thánh Anrê là người trung gian của người Hy Lạp khi gặp Chúa Giêsu, là Tông đồ của người hy Lạp trong những năm sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Họ cho chúng ta biết rằng Thánh Anrê dành phần đời còn lại để rao giảng và làm trung gian cho Chúa Giêsu đối với người Hy Lạp”.

Thánh Phêrô, em trai của Thánh Anrê, đã đi từ Giêrusalem tới Antiôkia và Rôma để thực hiện sứ vụ. Còn Thánh Anrê lại đi rao giảng cho người Hy Lạp. Họ là huynh đệ về huyết thống và cả về mối tương quan giữa Tòa Thánh và Constantinople. Hai Giáo hội vẫn là “chị em” với nhau. Năm 1964, Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI đã trao thánh tích Thánh Anrê cho Tổng giám mục Chính Thống giáo của GP Patras ở Hy Lạp, nơi Thánh Anrê đã chịu tử đạo. Trước đó thánh tích Thánh Anrê được lưu giữ tại Vatican. Năm 2006, Giáo hội Công giáo, qua ĐHY Roger Etchegaray, đã trao phần thánh tích khác của Thánh Anrê cho Giáo hội Chính thống Hy Lạp.

Đức Thượng Phụ của Giáo hội Constantinople là Bartholomew I đã thăm ĐGH Phanxicô sau khi được bầu làm giáo hoàng. Là người kế vị Thánh Phêrô, ĐGH Phanxicô đã lưu ý vai trò quan trọng của Đức Thượng Phụ Bartholomew I là người kế vị Thánh Anrê và gọi là “người anh em Anrê”. ĐGH Phanxicô vui mừng nói: “Trước mặt mọi người, tôi hết lòng cảm ơn về những điều Đức Thượng Phụ Bartholomaios I đã nói với chúng ta. Xin cảm ơn nhiều! Xin cảm ơn nhiều!”.

Truyền thống cho biết rằng Thánh Anrê tử đạo tại Patras (Patræ), Hy Lạp, thuộc vùng Achaea, phía Bắc duyên hải Peloponnese. Ngài tử đạo bằng cách chịu đóng đinh trên thập giá hình chữ X, quen gọi là “Thập Giá Thánh Anrê”. Còn người em là Thánh Phêrô thì xin được đóng đinh ngược vì cảm thấy không xứng đáng được đóng đinh như Thầy Giêsu. Thánh Anrê là bổn mạng của nước Tô Cách Lan, Nga và Hy Lạp. Quốc kỳ của nước Tô Cách Lan là hình Thập Giá của Thánh Anrê.

Như chúng ta thấy, ở đây là tinh thần Kitô giáo rất sâu sắc, không coi Thập Giá là cực hình nhục nhã mà là phương tiện đến với Đấng Cứu Độ, để hạt lúa mì nảy sinh. Bài học quan trọng: Thập giá của cuộc đời chúng ta sẽ đạt được giá trị nếu chúng ta vui vẻ chấp nhận đó là một phần của Thập Giá Đức Kitô, và coi đó là Ánh Sáng Đức Kitô chiếu tỏa trên chúng ta.

Lạy Thánh Anrê, xin nguyện giúp cầu thay. Xin thúc giục lòng chúng con mau mắn nghe tiếng Chúa và bước theo Chúa ngay. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Thánh Anrê, Tông Đồ

Thứ 4 trong tuần I MV A - Kính Thánh Anre Tông Đồ
LỜI CHÚA: Mt 4, 18-22:

Khi ấy, nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.

Kết quả hình ảnh cho thánh anre tông đồ

Anrê tiếng Hy lạp có nghĩa là mạnh mẽ can đảm. Thánh Anrê được vinh dự làm một trong số 12 tông đồ của Chúa Giêsu. Con của Gioana. Như anh mình là Phêrô, Ngài làm thuyền đánh cá và không có gì khác ngoài chiếc thuyền. Như thế Ngài thuộc lớp người khiêm tốn được Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt. Ngài vẫn sống tại làng Bethsaida nhỏ bé bên bờ biển Galilêa cũng gọi là hồ Giênezareth. Ngày ấy đang khi cùng với Phêrô đi thả lưới, Chúa Giêsu đã đi ngang qua và đưa lời gọi sẽ quyết định cuộc đời các Ngài:

- Hãy theo tôi, tôi sẽ làm các anh thành các ngư phủ lưới người ta.

Đây không phải lần đầu Anrê đã gặp Đấng Cứu Thế. Thỉnh thoảng Ngài có tới nghe Gioan Tẩy giả rao giảng trong sa mạc. Khi ấy Chúa Giêsu xuống Galilea và Gioan tẩy Giả đã nói:

- Đây là Chiên Thiên Chúa.

Và Anrê có mặt ở đó với Gioan, đã biết được Người là Đấng Thiên Sai mà nhân loại mong chờ. Gioan và Anrê lên đường theo Người xa xa vì họ cảm động và không dám tới gần. Nhưng Chúa Giêsu quay lại và nói với họ:

- Các anh tìm chi vậy?

Họ, những người chỉ tìm, chỉ muốn Chúa thôi đã thưa lại:

- Thưa Thầy, thày ở đâu?

Chúa Giêsu nói:

- Hãy đến mà xem.

Và cả hai đã ở với Chúa hôm ấy.

Khi trở về nhà Anrê đã nói với anh mình:

- Chúng tôi đã gặp được Đấng Thiên Sai.

Từ đó hai anh em đã bỏ chài lưới để tới gần Chúa Giêsu. Họ nghe Người và thần tính của Người dần dần rọi sáng tâm hồn họ. Họ đã tôn thờ Đấng Cứu Thế ở trong lòng rồi.

Ở tiệc cưới Cana, Anrê đã thấy Chúa Giêsu biến nước thành rượu và lần đầu tiên thấy tỏ lộ vinh quang thần linh của Ngài. Thế là sau biến cố ấy Chúa Giêsu đã gọi hai anh em bên bờ biển Galilea và họ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa.

Anrê đã rạng rỡ trong lòng mà tham dự vào cuộc chữa lành các bệnh nhân gặp thấy trên đường đi, việc phục sinh những kẻ chết, việc Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi đoàn người đói lả vây quanh Chúa Giêsu. Chính Anrê đã nói:

- Có một bé trai có năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng bằng ấy thì thấm vào đâu đối với ngần này người (Ga 6,8-9).

Và Ngài được thấy Chúa Giêsu tăng gấp số thực phẩm. Ở Giêrusalem, Ngài còn cho Chúa biết rằng: lương dân đã xin với Philipphê cho được gặp Người. Ngài đã nghe loan báo các chân phúc, các dụ ngôn. Ngài đã có mặt trong bữa tiệc ly. Sau phục sinh, Ngài đã sung sướng gặp lại Thày Chí Thánh. Ngày lên trời, Ngài thấy Người tiến lên mây trời. Ngày hiện xuống, Ngài đón nhận Chúa Thánh Thần.

Kết quả hình ảnh cho thánh anre tông đồ

Sau những tường thuật trên của Phúc Âm, người ta không biết gì chắc chắn nữa về Anrê. Các bản văn không có thẩm quyền nói rằng: Ngài đã góp phần Phúc Âm hóa dân chúng miền Bithynia, Bontê và Galitia. Ngài bị bắt bên bờ Bắc Hải và kết thúc cuộc đời tại Achaia. Lửa đức ái rực cháy trong lòng vị tông đồ. Người ta nói rằng: để cải hóa một tâm hồn, Ngài ăn chay 5 ngày.

Đây là tục truyền kể lại cuộc tử đạo của thánh Anrê ở Taurida: Egêa, tổng trấn tỉnh đó cho biết vị tông đồ có mặt ở Patras, thủ phủ của ông, ông liền vội vã tới nơi: kẻ ngoại lai này muốn phá hủy đền thờ các thần minh ư? Nhưng Anrê không sợ gì Egêa. Ngài đã nắm vững được chân lý. Ngài nói:

- Tôn thờ loài người chỉ là dị đoan điên khùng. Ông đã lãnh quyền xét xử người ta, trước hết ông phải biết đến vị thẩm phán xét xử mọi người chúng ta ở trên trời và ông phải tôn kính ca ngợi Người.

Egêa vặn lại:

- Vị thẩm phán anh nói là Chúa Giêsu mà lời ông ta thường giảng dạy đã làm cho ông ta phải chết trên thập giá chứ gì? Vậy nếu anh không dâng hương tế thần, anh cũng sẽ phải chết trên thập giá như vậy.

Không hề sợ sệt, Anrê như rạng rỡ vì hạnh phúc: làm sao Ngài để mất danh dự được đóng đinh vào cùng một khổ giá như thày mình được? Khi bắt đầu những tra tấn đầu tiên, lòng dũng cảm còn tăng thêm, Ngài nói với Egêa:

- Cực hình cuối cùng ông đe dọa sẽ được tiếp liền bằng vinh quang bất diệt.

Khi thấy thập giá mình sẽ phải chết trên đó, thánh nhân hớn hở chào kính mà người ta thích lập lại lời chào ấy:

- Ôi thánh giá tốt lành, thánh giá bấy lâu mong chờ, thánh giá nhiệt tình yêu mến, hãy đưa ta tới Thầy Chí Thánh là Đấng đã nhờ ngươi mà cứu chuộc ta.

Dịu dàng Anrê giang tay ra. Ngài bị cột bằng giây để cái chết tới chậm hơn. Hình phạt sẽ kéo dài hai ngày và người ta còn nghe Ngài tiếp tục rao truyền đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Dân chúng vây quanh Ngài với niềm thán phục đã xin quan tổng trấn tháo giây cho Ngài. Họ nói:

- Hãy trả con người thánh thiện cho chúng tôi. Đã hai ngày bị treo, Ngài không ngừng nói những lời tốt lành, đừng giết con người yêu quí của Thiên Chúa.

Nhưng Anrê không muốn được trả về cuộc sống khốn cực trần gian này. Ngài cầu nguyện:

- Lạy Chúa Kitô hãy đón nhận con, ôi thầy con yêu, con biết con ước ao được gặp thầy, trong Thày mà con được thế này. Hãy nhận lấy hồn con, lạy Chúa Giêsu Kitô.

Và những người tham dự thấy linh hồn vị tông đồ trong hào quang đã bay về với Chúa tạo thành và cứu chuộc của mình.

Tương truyền thánh Anrê đã bị cột vào thánh giá đã có từ thế kỷ XII và chỉ vào thế kỷ XIV... người ta mới tưởng tượng thánh giá đó hình chữ X. Dụng cụ cực hình ấy được mệnh danh là thánh giá thánh Anrê.

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

giá trị của tình yêu!


Chuyện kể rằng có một chàng trai trong lúc lang thang trên sa mạc đã đi ngang qua một dòng suối nước trong như pha lê. Dòng nước này ngọt đến mức anh ta đã quyết định lấy đầy bình da để mang về cho một vị bô lão của bộ tộc là thày của anh.

Sau cuộc hành trình dài bốn ngày, anh ta mang nước đến mời vị bô lão. Ông uống một hơi dài, mỉm cười trìu mến và cám ơn người học trò vì thứ nước ngọt lịm. Chàng trai vui mừng trở về làng.

Sau đó, ông thày cho một người học trò khác nếm thử nước đó. Vừa nhấp thử một ngụm, anh này phun ra ngay và nói nước có mùi ghê quá. Dường như nước đã có mùi hôi do bình da cũ kỹ. Người học trò hỏi thầy: “Thưa thầy, nước hôi hám như vậy, vì sao thầy lại làm ra vẻ thích nó?”.

Ông thày trả lời: “Anh mới chỉ uống nước. Còn ta thưởng thức cả món quà. Thứ nước này chứa đựng trong đó cả hành động yêu mến và không gì có thể ngọt ngào hơn được”.

Người ta nói: “vượt lên trên món quà là tình yêu”. Tình yêu thì quan trọng hơn món quà. Có tình yêu thì món quà mới có giá trị. Tình yêu càng nhiều thì món quà trị giá càng cao. Không cần món quà cao sang mà chỉ cần món quà nhỏ bé với tấm lòng đơn sơ thật quý giá biết bao.

Thứ Ba trong tuần I MV A
Lời Chúa:Lc 10,21-24:
21 Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói : "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

22 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho."
23 Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng : "Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy ! 24 Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết : nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe."

Chúa Giê-su cũng từng chúc phúc cho những ai có tâm hồn đơn sơ. Tâm hồn ấy mới thấy được Thiên Chúa. Tâm hồn ấy mới cảm nhận được niềm vui qua những nghĩa cử yêu thương từng ngày. Dù nhỏ nhặt. Dù bình dị như an ủi kẻ khó khăn, nâng đỡ kẻ vấp ngã . . . nhưng họ nhận ra là họ đang làm cho chính Chúa. 

Xin cho chúng ta ngày càng đơn sơ hơn nữa : đơn sơ với Chúa, đơn sơ với lương tâm, và đơn sơ với mọi người, vì đơn sơ là điều kiện thuận lợi đế chúng ta được Chúa dạy bảo và ban ơn. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền