Về mặt họ hàng máu mủ thì Gio-an phải biết rất rõ về người em họ Giê-su của mình, thậm chí có thể ngay từ khi còn trong bụng mẹ (Lc 1:44); còn nếu xét về vai trò tiền hô giới thiệu đấng Thiên Sai cho mọi người thì hơn ai hết ông lại càng phải biết rõ người ông giới thiệu là ai. Thế mà trong đoạn Phúc âm ngắn hôm nay, đã có tới hai lần Gio-an bộc bạch: “Tôi đã không biết Người” (Ga 1:31.33). Ông còn xác minh thêm rằng: ông tới kêu gọi dân chúng sám hối và nhận lãnh phép rửa trong nước là để “Người được tỏ cho dân Ít-ra-en”, chứ không chỉ nhằm mục đích muốn họ cải thiện đời sống; tại sao vậy?
Chúa Nhật II Thường Niên A
Lời Chúa: Ga 1, 29-34:
Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: "Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian. Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi. Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước". Và Gioan đã làm chứng rằng: "Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Ðấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: "Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần". Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa".
Khi giới thiệu cho dân chúng và các môn đệ mình về Thầy Giê-su – vị Thiên Sai phải đến, Gio-an đã sử dụng một điển ngữ khá phổ thông của Cựu Ước, ‘Chiên Thiên Chúa’. Đối với người Do Thái, hầu như ai cũng hiểu nó ám chỉ ‘người tôi tớ Gia-vê’, mang nội dung tự hiến và phục vụ, đấng sẽ giải thoát hay cứu chuộc dân theo hình ảnh Chiên Vượt Qua (xem Xh 12:1-14 và Mc 14:12). Điển ngữ này rất phổ thông trong thời các ngôn sứ, nhưng dần bị lu mờ vào thời điểm La Mã thống trị do các khuynh hướng chính trị. Chắc hẳn Gio-an đã muốn khơi lại truyền thống ngôn sứ, thay vì ngả theo quan điểm của giới lãnh đạo đương thời. Thế nhưng cái diện mạo Thiên Sai mà Gio-an mới phát hiện ra nơi nhân vật Giê-su thì lại chưa có gì là rõ ràng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người”. Ông đã chứng kiến quang cảnh Thần Khí ngự xuống trên Giê-su sau khi lãnh phép rửa của ông, và vì đã được báo trước cho biết đó là dấu hiệu của đấng Thiên Sai, ông nhận ra Ngài. Thế nhưng bản chất thực của Thần Khí đó là gì thì ngay cả ông cũng chưa nắm bắt vững; quan niệm Cựu Ước về một thần khí như uy quyền thông trị của Đức Chúa vẫn chi phối ông cho tới giờ phút này, và ông không hề tìm thấy những nét đó nơi nhân vật Giê-su. Về điều này Gio-an sẽ còn tiếp tục khắc khoải tìm hiểu một thời gian dài: “Thầy có phải là đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7:19) Trong nội dung này ông hiểu ra rằng, giữa việc hối nhân dìm mình xuống dòng sông ông thực hiện và việc thanh rửa trong Thánh Thần do Đấng Thiên Chúa tuyển chọn sẽ thực hiện có khác biệt một trời một vực. Rửa trong nước do ông thực hiện để sám hội và hướng thiện (cụ thể hơn là để giữ trọn lề luật) thì đã rõ… nhưng còn rửa trong Thánh Thần để có sức mạnh thần khí thì chưa có gì là rõ ràng. Hiểu được điều này cũng có nghĩa là tiến từ Cựu ước qua Tân ước, hiểu được Đức Ki-tô và đã nắm được mấu chốt của niềm tin Ki-tô hữu.
Đức Giê-su, khi gặp lại các đồng hương Na-da-rét đã quá quen biết nhau, đã dùng lời ngôn sứ I-sai-a để tự giới thiệu mình: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi” (Lc 4:18), tuy nhiên, diện mạo của ‘Thần Khí’ Người áp dụng cho mình lại rất khác lạ với hình ảnh ‘thần khí’ đang phổ biến. Ngôn sứ I-sai-a đã phác họa một đấng Mê-si-a không quyền lực, không khổ hạnh nhưng chuyên phục vụ; hình ảnh này đã bị các Biệt Phái luật sĩ lãng quên từ lâu. Sau này cuộc sống và lời rao giảng của Người sẽ không nặng mùi luân lý khổ hạnh, nhưng hiện rõ nét tự do trong yêu thương, khác xa đời sống và lời giảng dạy của Gio-an - vị ngôn sứ tiền hô luôn đậm nét luân lý nghiêm khắc và cương trực (xem Mt 3,1-12). Nhưng cũng chính Gio-an tiền hô đã đưa ra những lời chứng quan trọng, đó là ‘Đấng Thiên Chủa tuyển chọn’ phải là con người của Thần Khí, và phép rửa do đấng ấy thực hiện phải là phép rửa trong Thánh Thần.
Vì đã lãnh nhận bí tích rửa tội của Đức Ki-tô chứ không phải của Gio-an (xem Cv 19:1-7), Ki-tô hữu chúng ta không thể tự cho phép mình xây dựng một cuộc sống đức tin nặng về luân lý đạo đức, nhưng phải triển khai sức sống mãnh liệt của Thần Khí yêu thương và phục vụ. Luân lý đạo đức là điều tốt và cần thiết chung cho hết mọi người, có đạo hay không có đạo, nhưng nó không bộc lộ được cái sức Tin Mừng của Thần Khí. Để cho cuộc sống đức tin được phong phú, ăn ngay ở lành hoặc sống lương thiện tự bản chất là chưa đủ. Bao lâu những người sống quanh ta còn chưa nhận ra ‘Thần Khí Chúa xuống trên tôi’ như đã xuống trên Đức Ki-tô, thì họ chưa thể nhận biết Ki-tô hữu là những ‘người được Thiên Chúa tuyển chọn’. Và họ vẫn có thể nói về niềm tin Ki-tô hữu của chúng ta: ‘chúng tôi không hề biết các người’. Vì hoặc là Ki-tô hữu sống mãnh liệt Thần Khí, hoặc tôi sẽ chẳng khác chi người thường, dầu có sống ngay chính và lương thiện tới mấy đi nữa!
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét