Ngày 30 tháng Mười Một, Giáo hội Công giáo mừng lễ kính Thánh Anrê Tông Đồ. Ngài là một trong bốn môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu, nhưng ngài ít xuất hiện và cũng ít được nhắc tới.
Thánh Anrê là anh của Thánh Phêrô, gọi là Simon, con ông Giôna. Hai anh em làm nghề đánh cá ở vùng biển Galilê. Trong danh sách các tông đồ, Thánh Anrê thường được nhắc tới ngay sau Thánh Phêrô.
Theo Hy ngữ, tên Anrê có nghĩa là “can đảm” hoặc cái gì đó “nam tính”, diễn tả ý cha mẹ mong muốn nơi con trai của mình. ĐGH Benedicto XVI nói: “Điều ấn tượng là tên Anrê không là tiếng Do Thái, mà là tiếng Hy Lạp, cho thấy sự cởi mở về văn hóa trong gia đình ngài. Ở Galilê có văn hóa và ngôn ngữ Hy Lạp” (Buổi Tiếp Kiến Chung, 14-6-2006).
Cha mẹ đã đặt tên cho con trai lớn là Anrê, tên theo tiếng Hy Lạp, nhưng lại đặt tên con trai thứ là Simôn, tên theo tiếng Aram. Điều đó phản ánh môi trường văn hóa phan trộn giữa Do Thái và dân ngoại tại Galilê.
Khi Chúa Giêsu đi dọc theo biển hồ Galilê thì thấy hai anh em Anrê và Simon (Phêrô) đang quăng chài xuống biển, Ngài nói: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người (Mt 4:18-20).
Trong các Phúc Âm nhất lãm và sách Công Vụ, danh sách 12 Tông đồ luôn được liệt kê thành ba nhóm, mỗi nhóm bốn người. Nhóm thứ nhất nói tên những người gần gũi Chúa Giêsu nhất, trong đó có hai cặp anh em: [1] Phêrô và Anrê, các con của ông Giôna, [2] Giacôbê và Gioan, các con của ông Dêbêđê.
Như vậy, Thánh Anrê là một trong bốn Tông đồ gần gũi với Chúa Giêsu nhất, nhưng Thánh Anrê có vẻ ít gần gũi nhất trong bốn người. Thật vậy, đã vài lần Phêrô, Giacôbê và Gioan được ưu tiên đi với Chúa Giêsu, nhưng không có Anrê. Chẳng hạn khi Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor, có mặt Phêrô, Giacôbê và Gioan, nhưng không có Anrê. Kinh Thánh cho biết rằng Thánh Anrê là một trong các Tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu. Ông thấy Chúa Giêsu trước Phêrô. Vì là người theo Chúa Giêsu trước, ông mệnh danh là Protoklete – Tông đồ được gọi đầu tiên.
Thánh Anrê thực sự là con người của niềm tin và hy vọng. Khi nghe Gioan Tẩy Giả gọi Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” (Ga 1:36), Anrê ngạc nhiên, lúc đó có một môn đệ khác: “Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình thì hỏi: ‘Các anh tìm gì thế?’. Họ đáp: ‘Thưa Thầy, Thầy ở đâu?’. Người bảo họ: ‘Đến mà xem’. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1:37-39).
Như vậy, Anrê đã được tận hưởng giây phút thân mật với Chúa Giêsu. Kinh Thánh cho biết: “Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simôn và nói: ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia’ (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simôn và nói: ‘Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha’ (tức là Phêrô). Hôm sau, Đức Giêsu quyết định đi tới miền Galilê. Người gặp ông Philípphê và nói: ‘Anh hãy theo tôi’. Ông Philípphê là người Bếtxaiđa, cùng quê với các ông Anrê và Phêrô” (Ga 1:40-44). Thánh Anrê có tinh thần tông đồ khác thường.
Khi chạnh lòng thương dân chúng và muốn cho họ ăn uống, vì lúc đó chiều tối rồi, Chúa Giêsu bảo các môn đệ lo cho họ ăn, ông Philípphê nói: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” (Ga 6:7). Lúc đó, ông Anrê thưa với Chúa Giêsu: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (Ga 6:9). Và hôm đó, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho khoảng 5.000 người ăn no nê, không kể phụ nữ và trẻ em.
Thánh Anrê rất nhạy bén khi thấy ngay một đứa bé có “năm chiếc bánh và hai con cá”, nhưng ngài cũng rất thực tế khi nhận thấy “bấy nhiêu chẳng thấm vào đâu” so với đám đông người như vậy. Tuy nhiên, Chúa Giêsu biết mình sắp làm gì nên bảo đem số thực phẩm ít ỏi đó cho Ngài.
Một lần khác, một trong các môn đệ thân tín (có thể là Anrê) đã chỉ đền thờ và trầm trồ khen công trình đồ sộ, nhưng Chúa Giêsu bảo: “Anh nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư? Tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ” (Mc 13:2).
Sau đó, lúc Đức Giêsu ngồi trên núi Ô-liu, đối diện với Đền Thờ, các ông Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê hỏi nhỏ: “Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy sẽ xảy ra, và khi tất cả sắp đến hồi chung cục thì có điềm gì báo trước” (Mc 13:4). Chúa Giêsu bắt đầu nói với các ông: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị người ta lừa gạt. Sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói ‘Chính Ta đây!’, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người. Khi anh em nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã, thì đừng khiếp sợ. Những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là chung cục. Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có động đất ở nhiều nơi, sẽ có những cơn đói kém. Những sự việc ấy là khởi đầu các cơn đau đớn” (Mc 13:5-8).
Qua đó, chúng ta có thể suy diễn rằng chúng ta không nên ngại hỏi Chúa Giêsu điều gì, dù hỏi nhiều, nhưng chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận giáo huấn của Ngài dành cho chúng ta, chắc chắn có thể có những điều không hợp ý riêng của chúng ta, nhưng đó mới là cách “xin vâng” đẹp Ý Thiên Chúa.
Thánh Anrê còn là nhịp cầu” nối kết những người Do Thái và dân ngoại đi theo Chúa Giêsu. Anrê và Philipphê là người trung gian giữa Chúa Giêsu và người Hy lạp. Khi có những người muốn gặp Chúa Giêsu, ông Anrê và ông Philípphê đến thưa với Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12:23-25).
Chúa Giêsu muốn nói rằng Ngài sẽ gặp nhóm người Hy Lạp, nhưng không đơn giản, vì họ chỉ hiếu kỳ mà thôi. Giờ vinh quang của Ngài sẽ đến bằng cái chết, như hạt lúa mì được gieo vào lòng đất. Cái chết trên Thập Giá của Ngài sẽ đơm hoa kết trái: Hạt lúa mì chết đi là biểu tượng cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá, hạt lúa mì chết đi mới trổ sinh bông hạt là biểu tượng sự phục sinh. Chúa Giêsu là Bánh Trường Sinh và là Ánh Sáng cho mọi dân tộc. Nói cách khác, Chúa Giêsu đã tiên tri về Giáo hội, hóa trái phát sinh từ Cuộc Vượt Qua của Ngài.
ĐGH Benedicto XVI cho biết: “Một số truyền thống cổ coi Thánh Anrê là người trung gian của người Hy Lạp khi gặp Chúa Giêsu, là Tông đồ của người hy Lạp trong những năm sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Họ cho chúng ta biết rằng Thánh Anrê dành phần đời còn lại để rao giảng và làm trung gian cho Chúa Giêsu đối với người Hy Lạp”.
Thánh Phêrô, em trai của Thánh Anrê, đã đi từ Giêrusalem tới Antiôkia và Rôma để thực hiện sứ vụ. Còn Thánh Anrê lại đi rao giảng cho người Hy Lạp. Họ là huynh đệ về huyết thống và cả về mối tương quan giữa Tòa Thánh và Constantinople. Hai Giáo hội vẫn là “chị em” với nhau. Năm 1964, Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI đã trao thánh tích Thánh Anrê cho Tổng giám mục Chính Thống giáo của GP Patras ở Hy Lạp, nơi Thánh Anrê đã chịu tử đạo. Trước đó thánh tích Thánh Anrê được lưu giữ tại Vatican. Năm 2006, Giáo hội Công giáo, qua ĐHY Roger Etchegaray, đã trao phần thánh tích khác của Thánh Anrê cho Giáo hội Chính thống Hy Lạp.
Đức Thượng Phụ của Giáo hội Constantinople là Bartholomew I đã thăm ĐGH Phanxicô sau khi được bầu làm giáo hoàng. Là người kế vị Thánh Phêrô, ĐGH Phanxicô đã lưu ý vai trò quan trọng của Đức Thượng Phụ Bartholomew I là người kế vị Thánh Anrê và gọi là “người anh em Anrê”. ĐGH Phanxicô vui mừng nói: “Trước mặt mọi người, tôi hết lòng cảm ơn về những điều Đức Thượng Phụ Bartholomaios I đã nói với chúng ta. Xin cảm ơn nhiều! Xin cảm ơn nhiều!”.
Truyền thống cho biết rằng Thánh Anrê tử đạo tại Patras (Patræ), Hy Lạp, thuộc vùng Achaea, phía Bắc duyên hải Peloponnese. Ngài tử đạo bằng cách chịu đóng đinh trên thập giá hình chữ X, quen gọi là “Thập Giá Thánh Anrê”. Còn người em là Thánh Phêrô thì xin được đóng đinh ngược vì cảm thấy không xứng đáng được đóng đinh như Thầy Giêsu. Thánh Anrê là bổn mạng của nước Tô Cách Lan, Nga và Hy Lạp. Quốc kỳ của nước Tô Cách Lan là hình Thập Giá của Thánh Anrê.
Như chúng ta thấy, ở đây là tinh thần Kitô giáo rất sâu sắc, không coi Thập Giá là cực hình nhục nhã mà là phương tiện đến với Đấng Cứu Độ, để hạt lúa mì nảy sinh. Bài học quan trọng: Thập giá của cuộc đời chúng ta sẽ đạt được giá trị nếu chúng ta vui vẻ chấp nhận đó là một phần của Thập Giá Đức Kitô, và coi đó là Ánh Sáng Đức Kitô chiếu tỏa trên chúng ta.
Lạy Thánh Anrê, xin nguyện giúp cầu thay. Xin thúc giục lòng chúng con mau mắn nghe tiếng Chúa và bước theo Chúa ngay. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét