Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

dấu lạ điềm thiêng

Có một bà đạo đức thường áy náy vì một vài tật xấu mà bà không thể chừa được. Bèn đến than thở với Cha linh hướng. Ngài nói: “Con có để ý thấy không, vào mùa đông, lá sồi rụng nhiều, nhưng vẫn còn vài chiếc. Gió đông thổi mạnh nhưng vẫn không làm chúng rụng xuống. Nhưng khi mùa xuân đến, chúng tự động rụng, nhường chỗ cho những lá non nảy lộc. Vậy cái gì làm cho chúng rơi rụng? Thưa đó là sự sống mới lưu chuyển trong thân cây. Với chúng ta cũng vậy. Khi sự sống mới của Đức Kitô nảy nở trong đời sống, ta sẽ mau thăng tiến trên con đường đạo đức”. 

Thứ Hai trong tuần 4 mùa chay A
Lời Chúa: Ga 4,43-54:
43 Sau hai ngày, Đức Giê-su bỏ nơi đó đi Ga-li-lê. 44 Chính Người đã quả quyết : ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình. 45 Khi Người đến Ga-li-lê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ.

46 Vậy Đức Giê-su trở lại Ca-na miền Ga-li-lê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um. 47 Khi nghe tin Đức Giê-su từ Giu-đê đến Ga-li-lê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết. 48 Đức Giê-su nói với ông : "Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu !" 49 Viên sĩ quan nói : "Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất !" 50 Đức Giê-su bảo : "Ông cứ về đi, con ông sống." Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về. 51 Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. 52 Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp : "Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt." 53 Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình : "Con ông sống", nên ông và cả nhà đều tin. 54 Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm, khi Người từ miền Giu-đê đến miền Ga-li-lê.

Con người thường có yếu đuối, kể cả tội lỗi, thế nhưng, nếu tin vào Đức Ky-tô chúng ta sẽ được biến đổi trong ân thánh của Chúa. Đọc Kinh Thánh chúng ta thấy có rất nhiều con người bất toàn đã nên hoàn thiện nhờ tin vào Đức Giê-su. Sự sống trong Đức Giê-su Ky-tô sẽ làm cho chúng ta thay da đổi thịt trở nên hoàn thiện hơn.

Đây là dấu chỉ thời Messia. Thời ân sủng của Thiên Chúa ban tràn đày trên con người. Đức Giê-su chính là hiện thân của ơn cứu rỗi. Chính Ngài đã ban lại sự sống mới cho những ai tin vào Ngài. Sự sống ân sủng ấy Ngài còn ban cho cả kẻ ngoại đạo miễn là họ tỏ lộ lòng tin của mình nơi Đức Giê-su. Như trường hợp viên sỹ quan triều đình đã được hưởng hạnh phúc ấy: con trai ông sắp chết nhưng được Chúa cho sống lại. Lý do là vì ông đã tin, một đức tin mạnh đến nỗi ông vâng lời Chúa ra về trước khi thấy Ngài chữa bệnh cho con ông. Ông chỉ tin vì nghe mặc dù chưa thấy.

Xin cho chúng ta cũng có một đức tin sống động để biết mở lòng cho ân sủng của Chúa thấm nhập và đổi mới cuộc đời chúng ta.

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

cầu nguyện

Đôi khi qùy trước mặt Chúa, chúng ta chẳng biết nói gì, thưa gì với Chúa. Thông thường khi gặp hoạn nạn, khi gặp khó khăn chúng ta dễ tâm sự với Chúa, hay đúng hơn là chúng ta còn có chuyện để nói với Chúa, còn bình thường thì chẳng biết nói gì với Chúa, nếu không mượn những lời kinh thuộc lòng thì có lẽ chúng ta cũng chỉ tới với Chúa, độ dăm ba phút rồi mau chóng chào Chúa ra về.

Đức HồngY FX Nguyễn Văn Thuận, Ngài đã kể câu chuyện như sau: 
Có một người nông dân tên là Jim, hằng ngày vác cuốc đi làm ngang qua nhà thờ, cậu đều vào nhà thờ một thoáng rồi đi ra. Sự kiện được lập đi lập lại nhiều lần, đến nỗi nhiều người thắc mắc, không hiểu Jim vào nhà thờ nói gì với Chúa mà mau lẹ thế. Họ mới hỏi Jim: Anh vào nhà thờ cầu nguyện sao lại nhanh thế? Anh đã nói gì với Chúa?

Jim đã trả lời: Tôi chỉ vào nhà thờ làm dấu rồi nói với Chúa. “Lạy Chúa, có Jim đây” rồi tôi đi ra.

Sự kiện được tiếp diễn cho đến khi cậu Jim đã thành ông lão, nằm kiệt quệ trên giường bệnh. Lúc đó hàng xóm láng giềng đến thăm hỏi ông và họ ngạc nhiên khi thấy bên giường ông luôn có một cái bàn, một cái ghế và một ly nước. Họ hỏi ông: Nhà không có khách sao ông vẫn để một ly nước. Ông nói: Ngày xưa khi còn trẻ hằng ngày tôi vẫn đến với Chúa và nói với Chúa: Lạy Chúa, Jim đây. Cho tới bây giờ, tôi đã gìa không còn có thể đến với Chúa được nữa, nên Chúa vẫn hằng ngày đến với tôi và nói: Jim ơi, có Chúa đây”.

Thứ Ba sau CN I Mùa Chay
Lời Chúa: Mt 6, 7-15:
7 Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng :” Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này :
“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
10 triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
12 xin tha tội cho chúng con,
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con ;
13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

Thực vậy, cầu nguyện không phải là mình nói thật nhiều với Chúa, hay là tìm những lời thật hay, thật văn chương để nói với Chúa, nhưng điều quan yếu là biết dành một thời gian cho Chúa. Khi chúng ta đón nhận một món quà, không phải vì nó có một giá trị vật chất to lớn mà mình vui, nhưng là vượt lên trên món qùa là cả tấm lòng người cho dành cho mình. Món quà tuy nhỏ nhưng người cho với cả tấm lòng yêu mến thì cao qúy hơn những tặng phẩm cao sang mắc tiền. Vì quà tặng chỉ là tượng trưng cho tấm lòng người cho. Đó là một sự quan tâm, một tình yêu mà người cho dành cho chúng ta. Việc chúng ta cầu nguyện với Chúa cũng thế. Điều quan yếu không phải là cầu nguyện như thế nào, hay bao nhiêu lần trong ngày mà là tấm lòng chúng ta dành cho Chúa như thế nào? Cầu nguyện vì tình yêu, vì lòng yêu mến Chúa hay đó chỉ là thói quen, làm cho qua lần chiếu lượt, hời hợt cho xong. 

Hôm nay Chúa muốn chúng ta cầu nguyện với Chúa như người con thưa chuyện với cha mình. Người con chỉ ước mong cho công việc của Cha được thành toàn. Cho con cái biết thực thi ý cha. Cho gia đình ấm no hạnh phúc. Cha anh chị em biết yêu thương nhau và biết tránh xa sự dữ là thói hư tật xấu để tâm hồn luôn tràn ngập bình an trong Chúa. 

Xin Chúa giúp chúng ta biết dành thời giờ cho Chúa để cám ơn về những ơn lành Chúa ban và xin ơn Chúa phù trì nâng đỡ chúng ta. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

Những cơn cám dỗ

Có nhiều người thắc mắc: Ăn chay là gì? Phải chăng là để dằn vặt thân xác, hành khổ con người cho Chúa vui lòng? Hỏi như vậy là chưa hiểu đạo, chưa hiểu hết ý nghĩa của việc ăn chay. Chúa đâu phải quá độc ác, bệnh hoạn, vui lòng khi thấy con người chịu khốn khổ. Ăn chay một phần để hy sinh đền tội, nhưng mục đích chính của việc ăn chay là để thao luyện tâm hồn chống lại quỷ dữ.

Ngày nay người ta quên sự có mặt của ma quỷ. Nhưng ma quỷ vẫn có đó và và vẫn tích cực hoạt động nhằm phá huỷ thế giới, tiêu diệt con người. Ma quỷ rất tinh ma xảo quyệt nên người ta khó nhận ra âm mưu, dấu vết của chúng.

Chúa Nhật 1 Mùa Chay năm A.
Lời Chúa: Mt 4, 1-11:

Khi ấy, Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi Người đã nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói.

Và tên cám dỗ đến gần, nói với Người rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh". Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: 'Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra'".

Bấy giờ ma quỷ đưa Người lên Thành thánh, và đặt Người trên góc tường Ðền thờ, rồi nói với Người rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá". Chúa Giêsu đáp: "Cũng có lời chép rằng: "Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi".

Quỷ lại đưa Người lên núi rất cao, và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi". Bấy giờ Chúa Giêsu bảo nó rằng: "Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: "Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài".

Bấy giờ ma quỷ bỏ Người. Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người.

Kết quả hình ảnh cho chúa giêsu chịu cám dỗ

Nhìn vào ba cuộc ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu, ta thấy ma quỷ rất tinh khôn. Nó có kế hoạch, có chiến thuật, tấn công nhiều đợt, nhiều bước.

Thoạt tiên ma quỷ tấn công vào những bản năng sơ đẳng nhất nơi con người: bản năng sinh tồn, bản năng thống trị, bản năng đối nghịch. Những bản năng ấy gắn liền với những nhu cầu căn bản, chính đáng của con người.

Kéo chú ý của người ta vào những nhu cầu rồi, ma quỷ tiến bước thứ hai, đó là phóng đại những nhu cầu đó lên, làm cho người ta lầm tưởng rằng, đó là những nhu cầu cấp bách, phải thoả mãn ngay tức khắc.

Khi ta đã hoàn toàn mê mẩn vì cái bẫy nhu cầu, ma quỷ mới đẩy ta đến bước thứ ba, đó là tìm thoả mãn những nhu cầu theo ý riêng mình. Cách giải quyết đó ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa. Mục đích sau cùng của ma quỷ là xúi giục ta phản loạn, không sống tâm tình người con hiếu thảo với Chúa, chống lại Chúa và sau cùng lìa xa Thiên Chúa.

Ông bà nguyên tổ đã rơi vào bẫy của ma quỷ nên đã không sống tâm tình của người con hiếu thảo, muốn lìa bỏ cha mình, muốn ngang bằng cha mình, muốn chống lại cha mình.

Chúa Giêsu, trái lại, đã sáng suốt vạch trần âm mưu của ma quỷ và kiên quyết sống tâm tình của người con hiếu thảo.

Khi ma quỷ phóng đại nhu cầu, muốn cho Chúa Giêsu tưởng rằng con người chỉ là vật chất, chỉ sống nhờ bánh vật chất, vật chất là tất cả đời sống. Chúa Giêsu đã sáng suốt chỉ cho ta thấy vật chất không phải là tất cả, bánh vật chất của trần gian là cần, nhưng bánh tinh thần của trời cao còn cần hơn.

Khi ma quỷ thúc giục Chúa Giêsu hãy thoả mãn tức khắc nhu cầu của mình, Chúa Giêsu đã biết kiên nhẫn chờ đợi. Khi ma quỷ khích Chúa Giêsu dùng quyền năng riêng của mình để thoả mãn nhu cầu, Chúa Giêsu đã từ chối. Người muốn vâng phục Đức Chúa Cha, tin tưởng phó thác vận mệnh trong tay Chúa Cha, để mặc Chúa Cha quyết định.

Tuy đã thắng trong cuộc đọ sức đầu tiên, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bị ma quỷ cám dỗ trong suốt cuộc đời. Cơn dỗ khi thì đến từ những người tin theo Chúa, muốn tôn Chúa làm vua để được ăn no nê bánh vật chất, khi thì đến từ những người chống đối đòi xin phép lạ từ trời xuống. Có lúc ma quỷ mượn chính những người thân tín như Phêrô để ngăn cản Chúa Giêsu thực hành ý Chúa Cha. Có lúc ma quỷ dùng cái chết ghê sợ để uy hiếp tinh thần, mong Chúa Giêsu lùi bước để tìm ý riêng mình. Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cơn cám dỗ vì Người luôn tìm thánh ý Chúa Cha. Dù khi phải chiến đấu trong mồ hôi pha máu, Người vẫn nói: “Lạy Cha, xin đừng theo ý Con, xin vâng theo ý Cha mà thôi”.

Ma quỷ vẫn đang tiếp tục tạo nên những cơn cám dỗ. Và nhiều khi chúng ta đã mắc bẫy ma quỷ. Ta mắc bẫy ma quỷ khi mải mê đuổi theo những nhu cầu tiêu thụ quá đáng. Ta rơi vào âm mưu ma quỷ khi ta muốn có tất cả và có tức khắc. Ta hoàn toàn nằm trong vòng tay ma quỷ khi ta dùng mọi phương tiện để thoả mãn những nhu cầu, bất chấp ý Thiên Chúa.

Thay vì tuân phục ý Chúa, tôi luôn luôn bắt Chúa làm theo ý tôi. Thay vì vâng lời Chúa, tôi luôn luôn muốn sai bảo Chúa.

Mùa Chay này, Chúa kêu gọi tôi trở về với Chúa. Muốn trở về với Chúa, tôi phải chiến đấu chống lại ma quỷ. Muốn đủ sức chống lại ma quỷ, tôi phải luyện tập bỏ ý riêng mình và tìm vâng phục ý Chúa.

Hãy đặt ra cho mình một chương trình sống Mùa Chay bằng tăng cường hy sinh, cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái.

Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót đang chờ đón tôi trở về, và sẽ ban sức mạnh để tôi đủ sức chống lại mọi chước cám dỗ, nếu tôi biết sống trọn tình con thảo, tin cậy phó thác vào Người.

Lạy Thiên Chúa là Cha của con, xin đón nhận tâm hồn khiêm nhường sám hối của con.

(TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)